TRÊN ĐỒI GIÓ
đã đến
trên đồi ba mốt
nắng
và gió lào
gọi tên
bốn mươi lăm năm
áo xưa đã rách
trăng xưa. bạc màu
vẫn còn hai cái bóng
quỳ khóc
buổi chiều. của cỏ khô. và mây xám
những bông hoa vàng mang từ thành phố
những trái táo
chung quanh là chiến xa và trực thăng han rỉ
nước mắt. chiều rơi
chiến tranh đã đi qua
nhưng những vệt máu khô
còn trong nắng chiều. và trên mặt người
trong dúm đất
nhớ người anh hùng một thuở. đã nằm lại trên đồi này
cùng nhiều người khác. bạn và thù
xứ lạ
bát cơm ăn cũng khác
giải oan. xin chia hết. hồn ơi
chiều nay
những cánh bướm vàng mã
bay lên
đưa người qua biên giới
về lại bến sông xưa
về lại bến sông xưa.
Bài thơ viết vào tháng Năm 2016. Ngọn đồi trong thơ có tên là đồi 31 ở tận Hạ Lào, nơi bà Trần Thị Mai cùng người con út Nguyễn Việt Xa vượt đường dài ngàn dặm đến tưởng niệm Ðại úy Nguyễn Văn Ðương đã hy sinh bỏ mình tại đây. Tin trên báo ngày nào ghi nhận: Ðại úy Ðương là Pháo Ðội Trưởng Pháo Ðội B của Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, tháng 2 năm 1971, tiểu đoàn 3 Dù trấn đóng đồi 31 vùng Hạ Lào. Theo ghi nhận của nhà văn Phan Nhật Nam, vị trí Ðồi 31 của Tiểu Ðoàn 3 Dù được Pháo Ðội B3 Pháo Binh Dù do Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương chỉ huy yểm trợ. Vòng đai cực Bắc của Biệt Ðộng Quân bị tấn công trước; tiếp vị trí Ðồi 30 của Tiểu Ðoàn 2 Dù bị công phá. Cuối cùng, chỉ còn lại Căn Cứ Ðồi 31 giữa vòng vây của một sư đoàn Bắc Việt (tỷ lệ 1 chống 15). Ngày 25/2, Ðồi 31 bị tràn ngập, Ðại úy Ðương bị thương đã tự bắn vào đầu hy sinh trước khi căn cứ lọt vào tay Cộng sản Bắc Việt.
Bà Trần Thị Mai cùng người con út Nguyễn Việt Xa tưởng niệm Đại úy Nguyễn Văn Đương trên đồi Gió Hạ Lào. nguồn OVV WordPress.com
Như vậy là trải qua bao khó khăn vất vả mẹ con bà Trần Thị Mai đã đến được vùng đất xưa. Phóng viên Việt Hùng báo Người Việt thuật lại:
“Ðúng 11 giờ trưa, chúng tôi đến khu vực đồi 31. Ngọn đồi hoang vu giá lạnh. Ðất đai khô cằn, nền đất đỏ với nhiều hạt đá nhỏ trộn lẫn vào nhau. Chỉ có giống cỏ voi là còn mọc được nơi đây, ngoài ra không thấy cây cối nào khác.
“Cầm tấm hình cố Ðại úy Ðương trên tay, bà Trần Thị Mai bước xuống xe ứa nước mắt, nhìn xa xăm và nói: “Cô cảm thấy lạnh quá cháu à. Cô cảm nhận được anh Ðương đang ở rất gần đây.” Rồi bà ôm bó nhang, cùng bó hoa và bịch trái cây đã chuẩn bị sẵn mang theo, đi đến khu vực có miếu thờ. Tại đây, bà thắp nhang, bày các thứ ra làm nghi thức cúng viếng. Trong tiếng gió rít trên đồi, tiếng bà thì thầm với người chồng nằm lại mảnh đất này: “Anh Ðương ơi, hôm nay em dẫn con trai của anh đến đây thắp nhang và rước vong hồn của anh về lại Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên em đến được nơi này.”
Di ảnh cố Đại úy Nguyễn Văn Đương. nguồn Người Việt
“Nếu anh có linh thiêng thì hãy theo mẹ con em về Việt Nam, chứ ở đây lạnh lẽo lắm anh à. Em sẽ thỉnh một nắm đất nơi đây, đem về Việt Nam để nơi Chùa, mong hương hồn anh hãy theo em về, để mẹ con em còn được thắp hương cúng thờ cho anh.” Bà Mai vừa nói, vừa bốc nắm đất bỏ vào cái khăn vải đỏ gói lại để mang về.
“Rồi bà cầm xấp giấy tiền hàng mã, rải đều trên đất. Mảnh đồi hoang vu, cùng với cơn gió Lào thổi mạnh, khiến cho từng tờ giấy bay xa. Bà nhìn xa xăm theo những tờ vàng mã. Một mắt bà đã mù hẳn, con mắt còn lại cũng yếu mờ, nhưng bà vẫn cố nhìn ra xa, xa mãi nơi ngọn đồi 31 huyền thoại, nơi rất nhiều người lính vẫn nằm lại không trở về.
Bà Trần Thị Mai cùng người con út hốt nắm đất mang về. nguồn Người Việt
Thật là những lời đầy nhân bản. Xin để gió mang đi.
Gần một năm trôi qua. Và sáng ngày 24 tháng 2 năm 2017, nhằm ngày 28 tháng Giêng âm lịch, gia đình cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương tổ chức lễ cúng giỗ lần thứ 46 cho ông tại ngôi Tịnh Thất Trung Tâm, Sài Gòn. Ðây là lần đầu tiên, gia đình cố Ðại úy Ðương tổ chức lễ giỗ cho ông tại Chùa, với linh vị, “hũ cốt gió” cùng với di ảnh. “Hũ cốt gió” của ông là những nắm đất hốt trên đồi 31 Hạ Lào được vợ và con trai của ông Ðương đem về hồi tháng 4/2016, đúng với tâm nguyện của gia đình.
Vậy là người anh hùng của đất Hạ Lào ngày nào đã về quê hương mình. Dù chỉ trong một cái “hũ cốt gió”. Và chúng ta xin cúi đầu trước vong linh người quá cố và tâm niệm sẽ không bao giờ quên những người đã nằm xuống cho đất nước. Bởi vì quên họ là quên hết tất cả quên hồn quên xác. Chúng ta lẽ nào quên.
Tim Nguyễn
____________
Đỗ Hứng gởi