Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Trí nhớ của Việt Kiều
 
 
Bây giờ, sau nhiều năm định cư, tình hình tài chánh đã cho phép người ta đi du lịch, hay trở về Việt Nam thăm quê hương, quên hẳn thời gian trước đây, còn gian nan khi mới mất nước, tháng tư năm 1975.

Bây giờ, người ta không muốn nhớ tới thời gian còn ở trong trại tỵ nạn, áo thung, quần xà lỏn, sắp hàng nhận từng thùng mì, hay một vài nhu yếu phẩm mà các cơ quan của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phân phối cho các thuyền nhân ở Mã Lai hay Thái Lan, Hồng Kông.
 
Bây giờ, với thông hành của Mỹ, Pháp, Canada, người ta thấy mình sang trọng hẳn lên. Những điều nhận xét trên đây không đúng với toàn thể những người tỵ nạn, đã một thời là những thuyền nhân, hay nếu may mắn hơn, được ra nước ngoài ngay khi mất nước năm 1975. Tuy nhiên, nhận xét trên không phải là sai đối với một số rất đông.
 
Thực ra, nếu không nằm trong số này, thì người ta đã không đặt chân trở lại Việt Nam để ăn chơi hay làm ăn, chứ không phải vì thăm nom cha mẹ già nua.
 
Trí nhớ, theo các nhà khoa học, cần có một giai đoạn tiếp nhận, tồn trữ, và sau cùng, nhớ lại.
Não bộ cũng chia ra từng vùng, có vùng cho trí nhớ ngắn hạn, cũng có vùng cho trí nhớ dài hạn.
Lại còn trí nhớ lien quan đến văn hóa, trí thông minh, nguồn gốc.
 
Nhưng cũng có loại trí nhớ dành cho những biến cố đặc biệt trong đời mỗi con người.
Nếu là những điều không tốt đẹp, thì trí nhớ này rất phù du.
 
Tôi xin đơn cử một trường hợp mới đây, BBT một Kỷ Yếu của một nhóm cựu học sinh một trường tăm tiếng ở Việt Nam nhận được một bài viết của một thành viên viết về thế hệ những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi. Hai cuộc chiến tranh, hai lần di cư.
 
Người viết chỉ muốn nhắc lại than phận của những người mất nước vì họa CS , tại sao có sự hiện diện của họ tản mát trên khắp các nơi trên thế giới, với mục đích cho cháu con sau này nếu có dịp đọc Kỷ Yếu của mình và các bạn hiểu được nỗi gian nan của thế hệ cha ông.
 
Bài viết đã bị một thành viên trong BBT phản đối kịch liệt, cấm đoán :
Muốn cho con cháu hiểu nguồn gốc tỵ nạn của mình, thì về nhà viết gia phả đi.

Thì ra, viết kỷ yếu, mà viết về than phận mất nước của mình, cũng không được hoan nghênh , Có lẽ làm bạn bè mất hứng. Người ta chỉ thích các kỷ niệm đẹp, những cái vui, những no đủ rượu bia, những hình ảnh du lịch mũ áo xênh sang, thăm Tầu, viếng Nga, hay ít ra thì cũng Vịnh Hạ Long...
 
Bài viết này không chủ ý công kích một ai hết, mà chỉ để nói lên một sự kiện, là hiện nay tại hải ngoại, gió đã xoay chiều. Người ta sợ nói chuyện chính trị, người ta sợ chào cờ, người ta không thích nói tới tranh đấu, dù là tranh đấu cho những gì mà họ đã được hưởng, trong khi người ở trong nước không có được.
 
Hải ngoại đã e dè như vật, trách chi người trong nước !!
 

____________


Đỗ Hứng gởi