TRONG VÔ LƯỢNG KIẾP LUÂN HỒI TA CŨNG ĐÃ GIEO BIẾT BAO ÁC NGHIỆP TỪ LÒNG HẬN THÙ CỦA MÌNH
NỖI ĐAU TỘT CÙNG
Patacara là một cô gái xinh đẹp. Dù được sinh ra trong gia đình giàu có nhưng cô lại yêu người làm công trong nhà. Khi sắp phải bước vào cuộc hôn nhân với một vị hôn phu do gia đình sắp đặt, cô quyết định cùng người yêu bỏ trốn. Khi ra đi, cô chỉ mang theo một ít vòng vàng nên chỉ một thời gian ngắn đã dùng hết số nữ trang đó. Người yêu cô là người làm công, cũng không phải tháo vát khôn ngoan nên không đủ sức buôn bán xoay chuyển tình thế để lập nên một cơ nghiệp. Vì vậy, hai vợ chồng dần trở nên nghèo khổ túng thiếu mà cô thì lại đang mang thai cần nhiều chi phí.
Theo phong tục của Ấn Độ, người phụ nữ phải về nhà cha mẹ mình sinh nở nên lúc đó cô cũng bị thôi thúc bởi phong tục này. Cô nghĩ rằng khi mình có thai và sinh con như thế thì cha mẹ sẽ không nỡ đánh đập hay trách phạt. Nhưng người chồng thì nhất quyết không chịu về. Anh vẫn rất e sợ vì ngày xưa gặp ông bà chủ phải khép nép vâng lời, không dám nhìn thẳng mặt, vậy mà lại dám dắt con gái người ta trốn. Nếu quay trở về thì có thể họ không giết con gái nhưng họ sẽ băm anh ra làm trăm mảnh. Vì vậy, dù người vợ có năn nỉ thế nào anh cũng không chịu về.
Cô vợ rất ấm ức. Thừa lúc chồng đi vào rừng lấy củi, cô đã trốn về. Đang đi giữa đường thì cô bất ngờ chuyển dạ. Về nhà không thấy vợ, biết vợ đã bỏ về nhà cha mẹ, anh chồng cũng lật đật đâm đầu chạy theo. Chạy đến nơi thì vợ đã sinh con giữa đường, hai vợ chồng đành dắt díu nhau về nuôi con.
Nhưng chỉ được vài năm, đứa đầu vừa cứng cáp một chút thì cô lại tiếp tục có thai. Lần này cô cũng nằng nặc đòi về nhà. Thấy vợ quá cương quyết, sợ cô lại bỏ về rồi sinh giữa đường nên anh đã cùng vợ về sớm. Hai người lầm lũi đi, dắt theo cả đứa con đầu. Nhưng không hiểu sao cô vẫn sinh giữa đường như lần trước. Có lẽ kiếp nào đó cô đã từng đuổi một thai phụ ra khỏi nhà nên kiếp này phải chịu cái nghiệp như thế.
Đêm đó trời mưa tầm tã, họ phải che lều trú tạm rất vất vả. Người chồng vào rừng kiếm củi và tìm thứ gì để ăn nhưng không may bị rắn độc cắn. Sinh con xong không thấy chồng đâu, cô phải tự cắt nhau, xông hơi cho đứa con rồi ẵm nó trên tay, đợi đến lúc bình minh khi mưa ngớt mới bước ra. Vừa ra khỏi lều đã thấy xác chồng tím tái nằm đó, cô khóc lóc thảm thiết. Nhưng vì một tay bế đứa trẻ mới sinh, một tay dắt đứa con đầu nên cô cũng không chôn cất chồng tử tế được, đành bỏ xác chồng lại giữa rừng. Cô lếch thếch dắt con về nhà vì giữa đường như thế cũng chẳng biết nương tựa vào ai.
Cô dắt con đến một khúc sông. Bình thường ở đây nước chỉ sâm sấp có thể lội bộ qua được, nhưng vì đêm qua mưa lớn nên nước sông dâng lên cao. Cô để đứa con lớn ở lại rồi bồng đứa bé mới sinh lội qua sông. Đến bờ bên kia, cô lót lá đặt nó nằm lên rồi mới lội ngược lại để dắt đứa con lớn. Vừa đến giữa sông, cô quay lại thì thấy con diều hâu đáp xuống gắp đứa bé mới sinh, cô la hét thế nào nó cũng gắp bay đi mất. Cô điếng người như chết đứng. Đứa con bên kia bờ sông đang chờ mẹ quay lại dắt, nghe tiếng mẹ nó tưởng mẹ gọi mình nên bò ra, không may rơi xuống sông rồi bị nước lũ cuốn trôi. Lúc đó cô như hóa điên. Cô chạy đến thành Xá Vệ nhưng về đến nhà chỉ thấy đống đổ nát. Người ta buồn bã kể rằng đêm qua mưa bão quá lớn, căn nhà sập xuống và cha mẹ cô đã bỏ mạng, xác còn nằm dưới đống gạch vụn.
Chẳng biết cô đã tạo nghiệp gì mà phải chịu quả báo thê lương như thế. Không còn một người thân nào, cô phát điên đến độ đi thất thểu ngoài đường than khóc, rồi bất ngờ chạy vào tinh xá. Lúc này Phật đang thuyết pháp. Thấy cô thân thể dơ bẩn, đầu bù tóc rối... mọi người sợ mất trang nghiêm vội ngăn lại không cho vào. Nhưng Phật lại bảo hãy để cô vào.
Lúc cô chạy đến, Phật ôn tồn nói: “Con hãy tỉnh dậy đi”. Thật lạ lùng, ngay tức khắc cô tỉnh táo lại. Đức Phật đã dùng thần thông chữa bệnh cho cô. Người ta mang áo đến cho cô khoác vào tử tế. Khi ấy, Phật mới nói tiếp: “Tất cả chúng sinh đều mất mát những người thân của mình, có người mất một lúc, có người mất dần dần, nhưng rồi ai cũng vậy, chẳng thể giữ được gì mãi mãi. Hoặc là ta mất người mình thương yêu, hoặc người thân yêu phải mất ta, thế gian này đều chia tay nhau, thế gian đều mất mát."
Lời Phật dạy làm cô chợt bừng tỉnh, ngay đó cô được chứng quả Dự lưu. Mới giây phút trước còn là người điên dại, giây phút sau khi nghe Phật nói bài pháp về sự mất mát đã trở thành một bậc chứng quả Thánh. Cô xin Phật cho được xuất gia.
Sau khi trở thành tỳ kheo, một lần cô giặt giũ y áo rồi đổ nước bẩn đi, nhìn dòng nước thấm xuống đất hoặc chảy ra xa rồi cũng từ từ thấm xuống, cô suy nghiệm rằng tất cả đều biến mất, có người mất sớm, có người mất sau, nhưng rồi mọi điều trên đời đều thay đổi và đều mất mát như vậy. Cô nghiệm mãi về lý vô thường cho đến khi hốt nhiên chứng Thánh quả cao tột.
Khi câu chuyện cuộc đời cô được thuật lại và để xác nhận cô đã chứng A la hán, Đức Phật nói bài kệ:
"Ai sống một trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được pháp sinh diệt".
Từ một con người với câu chuyện đời éo le, sau này tỳ kheo Ni Patacara đã trở thành một giáo thọ nổi tiếng, độ được rất nhiều đệ tử. Những tỳ kheo Ni trẻ tuổi đến với bà đều được dạy dỗ chu đáo, nhiều người đã đắc đạo. Bà nổi tiếng vì cuộc đời bi thiết của mình đồng thời cũng nổi tiếng vì tư cách của tỳ kheo Ni A la hán đắc đạo và giáo hoá rất hay.
***
ĐỪNG COI THƯỜNG AI
Chúng ta không dám đánh giá con người một cách gay gắt qua những câu chuyện như thế này. Một người tưởng là rất bê bối, biết đâu lại tiềm tàng căn cơ của một bậc Thánh. Bởi vậy Bồ tát Thường Bất Khinh đã nói: “Tôi không dám khinh thường các ngài, vì các ngài rồi sẽ thành Phật”. Câu nói nghe như quá lý tưởng nhưng thật sự rất xác đáng.
Với các bạn đạo cùng đi chùa với mình, dù đôi khi họ cũng có tật xấu nào đó nhưng chúng ta đừng khinh thường ai. Biết đâu họ có phẩm chất Thánh tiềm ẩn, biết đâu sẽ có lúc cơ duyên đến khiến cho họ vượt lên thành vĩ nhân.
Như trường hợp của Patacara, người thế gian sẽ trách bà là hư hỏng vì đã say mê một gia nhân trong nhà rồi ăn cắp vàng bỏ trốn, hay chỉ biết chạy theo tiếng gọi tình yêu vị kỷ của mình mà không nghĩ đến danh giá của gia đình hay tâm tình của cha mẹ. Trong cuộc sống, bà cũng là một người ít phước, nghèo khổ, nghiệp rất nặng, khi tai nạn dồn dập đến cùng một lúc thì bà không còn gì để bám víu. Nhưng trong thoáng chốc bất ngờ gặp Phật Pháp, bà đã thay đổi. Sau này, Đức Phật cho biết vì bà đã gieo nhân từ thời Đức Phật Padumuttara (Đức Phật Hoa Sen). Đến kiếp này cơ duyên đó bùng cháy khiến bà trở thành một vị A la hán lỗi lạc và dạy đệ tử rất khéo.
***
THA THỨ ĐỂ KHÔNG TẠO NGHIỆP
Patacara bị một loạt quả báo kỳ lạ: từ giàu trở thành nghèo, sinh con giữa đường, chồng chết, con chết, cha mẹ cũng chết, trong một ngày mất hết tất cả những người thân yêu. Cái nghiệp rất lạ lùng. Sau này trong một truyện Bổn sinh khác, Đức Phật có nói rằng bởi từ một kiếp xa xưa khi chồng bà có vợ khác, vì ghen tuông quá độ, bà đã lén chuốc thuốc độc giết chết con của tình địch và lặp lại ác nghiệp này đến vài lần. Với người mẹ mất con thì nỗi khổ đau là tột cùng. Đến kiếp này lúc quả báo dồn lại, trong một ngày bà phải mất hết những người thân yêu của mình để chịu lại nỗi đau khủng khiếp.
Từ lòng ghen tuông thù hận dẫn đến ác nghiệp rồi phải chịu khổ báo nặng nề.
Chúng ta cũng vậy, trong vô lượng kiếp luân hồi ta cũng đã gieo biết bao ác nghiệp từ lòng hận thù của mình. Từ đây, chúng ta hãy gắng thương yêu độ lượng để gặt được quả lành vào những đời sau. Còn nếu trong tâm ta có một chút ích kỷ, ghen tuông, hờn giận, hẹp hòi, chỉ muốn thỏa mãn tự ái và tình cảm riêng của mình, thì chắc chắn ta sẽ nhận lại nhiều nghiệp xấu.
Có người hỏi:
- Thưa thầy, nếu chồng con có vợ bé thì không lẽ con độ lượng để cho ông có vợ bé?
- Kệ, tặng ông cho bà vợ bé luôn, còn mình đi tu chẳng cần. Cứ độ lượng vậy mà đỡ gây nghiệp.
Đời như sương tan và mọi chuyện qua đi vội vàng nên chúng ta đừng đắm chấp để rồi tạo thành những ác nghiệp trong đời mình. Chúng ta hãy bình thản buông xả. Buông hết rồi ta sẽ được Phật Pháp, còn nếu giữ lại quá nhiều ta sẽ mất Phật Pháp. Vậy nên với những điều mà người đời cho là hợp lý, chúng ta đều phải xét lại. Chúng ta chỉ nên làm mọi điều theo Phật Pháp mà thôi.
***
NGƯỜI ĐIÊN RẤT NẶNG NGHIỆP
Người điên là người có nghiệp rất nặng vì não bộ đã bị phá hỏng. Những tế bào và những mô não bị trục trặc khiến mọi suy tư, tư duy, quyết định, phán đoán, đánh giá của họ đều bị sai lệch. Ví dụ nhìn một người đẹp họ vẫn thấy xấu, đáng lẽ phải rẽ bên phải thì họ lại rẽ bên trái, đáng lẽ phải mặc quần áo thì họ lại trần truồng...
Nếu nói theo nghiệp thì người điên không còn tự chuyển được nghiệp của mình nữa. Bị những căn bệnh khác thì ta còn có thể làm phước bù lại được.
Ví dụ, người bị tai nạn phải cưa mất một chân, nếu anh ta kiên nhẫn dùng tài vật để làm các công đức đắp đường bắc cầu cho mọi người qua lại thì mấy năm sau bỗng nhiên sẽ được tiếp cận với một kỹ thuật làm chân giả. Nhờ đó, anh có thể đi lại gần như tự nhiên, có thể điều khiển bằng ý nghĩ, thậm chí có thể chạy đua để giành giải trong cuộc thi cho người khuyết tật...
Hoặc một người khiếm thị nếu kiên trì cúng dường ánh sáng, thắp sáng những nơi tăm tối thì cũng được cái phước tiếp cận được một kỹ thuật làm võng mạc giả hoặc mắt giả. Nhờ vậy mà tín hiệu hình ảnh bên ngoài được đưa vào trong não và bắt đầu họ thấy lờ mờ trở lại. Dù không nhìn rõ từng nét như xưa nhưng cũng thấy đây là con đường đi, kia là cái sân, bên đây có năm người đứng, bên kia có hai người ngồi... và đời họ cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Nghĩa là, chúng ta có thể bị nhiều nỗi khổ trên đời nhưng nếu ta biết đạo lý, có nỗ lực tạo phước thì đều có thể chuyển nghiệp. Chỉ riêng bệnh điên là hết cách, bởi vì người điên không còn biết đạo lý nên không thể làm gì để thay đổi được cái nghiệp của mình. Người điên cực kỳ nặng nghiệp.
Não bị tổn thương một chút, hơi bất bình thường một chút, nếu gặp Phật Pháp và biết tự mình sám hối thì chúng ta có thể hồi phục lại. Còn khi đã điên thì bộ não xem như đã vỡ hẳn, nghiệp rất nặng. Chúng ta thương họ thì cũng chỉ làm phước giúp họ chuyển nghiệp được phần nào đó, còn tự họ không còn khả năng để tự làm phước chuyển nghiệp. Hiểu điều này, trong gia đình nào có người điên thì người thân phải làm phước rất nhiều để hồi hướng cho thân nhân của mình. Nếu thân nhân làm quá nhiều việc phúc thì có thể nhờ cái phúc quá lớn đó, người bệnh điên sẽ có duyên may phục hồi được não bộ.
Trường hợp bộ não được phục hồi trong phút chốc như bà Patacara là trường hợp nghìn năm có một, vì Phật đã dùng thần lực để cứu Patacara. Thông thường, Phật ít dùng thần thông. Nhưng trong trường hợp này bà đã quá đau khổ nên Phật đã dùng đến thần lực chữa trị cho bà. Phật chỉ nhẹ nhàng nói: “Con hãy tỉnh dậy”, ngay lập tức bà khỏi bệnh liền. Thật là phi thường.
***
CHÚNG SINH ĐỀU MẤT NHAU
Qua cuộc đời của bà Patacara và câu nói của Phật: “Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước biển cả”, chúng ta thấy quả thật cuộc đời luôn ngập tràn nỗi đau khổ. Bà Patacara đã chịu dồn dập nhiều mất mát trong cùng một lúc nên bà đau khổ đến cùng tột. Còn chúng ta thì cũng khổ như thế mà không hay. Vì nỗi khổ được chia ra trong thời gian rất dài, hôm nay cha mình chết, lúc khác mẹ mình chết, lúc khác nữa anh mình, con mình chết... nên ta cảm giác như mình còn chịu đựng được. Còn bà Patacara phải chịu nỗi đau mất tất cả người thân trong cùng một ngày đến nỗi hoảng hốt điên loạn.
Đức Phật đã nói với bà: “Này con, Patàcàrà, tất cả mọi chúng sinh trên đời này đều mất nhau”. Chúng sinh đều mất nhau, nhưng có người mất cùng lúc, có người mất dần dần, người mất trước, người mất sau... nhưng rồi ai cũng vậy, chẳng thể giữ được gì mãi mãi. Hoặc là ta mất người mình thương yêu, hoặc người thân yêu phải mất ta. Tất cả chúng ta đều đau khổ và đời đầy nước mắt. Quả thật, nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả.
Qua câu chuyện này, chúng ta càng thấm thía lời Phật dạy và hiểu rằng bản chất cuộc đời là như thế, đôi khi cũng có niềm vui nhưng đều tạm bợ. Từ đây ta cố gắng tinh chuyên tu hành để tìm một hạnh phúc chân thật bền vững cho mình và cho tất cả chúng sinh.
Sưu tầm
_________________
Hoang Nguyen gởi
