Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Trump kết liễu các ảo tưởng Hoa Kỳ
 
 
 
 
Dù xếp Tạp chí Foreign Affairs vào phía tả hay vào phía hữu trong bầu trời chính trị Hoa Kỳ, bài báo “the End of American Illusion” số tháng Chín Tháng Mười, 2020 của họ quả nói lên chính xác các đóng góp của “tay mơ chính trị” do đun đẩy của lịch sử đã chễm chệ bước vào Nhà Trắng năm 2016. Nguyên văn, xin đọc tại https://www.foreignaffairs.com/articles/americas/2020-08-11/end-american-illusion.
 
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã bị mê hoặc bởi một loạt ảo tưởng về trật tự thế giới. Đối với các vấn đề quan trọng, họ đã nhìn thế giới như họ mong muốn chứ không phải nó thực sự như thế nào. Tổng thống Donald Trump, người không phải là sản phẩm của cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ, nên không hề khốn đốn dưới những ảo tưởng này. Trump là một người tạo gián đoạn và các chính sách của ông, được thông tri bởi viễn ảnh bất chính thống, đã đưa ra một loạt các sửa đổi từ lâu vốn được mong chờ. Nhiều điều chỉnh cần thiết này đã bị trình bày sai hoặc bị hiểu lầm trong các cuộc tranh luận đảng phái, đầy tính châm chọc ngày nay. Nhưng những thay đổi mà Trump khởi xướng sẽ giúp bảo đảm rằng trật tự quốc tế vẫn thuận lợi cho các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ cũng như của các xã hội tự do và cởi mở khác.
 
Khi nhiệm kỳ đầu tiên của chính phủ sắp kết thúc, Washington nên xem xét trật tự đang sụp đổ sau Chiến tranh Lạnh và vạch ra con đường hướng tới một tương lai công bằng và an toàn hơn. Bất kể ai là Tổng thống Mỹ vào tháng Giêng này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ cần áp dụng những ý tưởng mới về vai trò của đất nước trên thế giới và việc suy nghĩ mới về các đối thủ như Trung Quốc và Nga - những quốc gia lâu nay đã thao túng các quy tắc của trật tự quốc tế tự do cho riêng lợi ích của họ.
 
Một loạt các giả định mới nên làm nền tảng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trái ngược với những dự đoán lạc quan được đưa ra sau khi Liên Xô sụp đổ, tự do hóa chính trị rộng rãi và sự phát triển của các tổ chức xuyên quốc gia đã không làm giảm bớt sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Tương tự như vậy, hoàn cầu hóa và sự liên lập về kinh tế không phải là những hàng hóa thuần khiết; thông thường, chúng đã tạo ra nhiều bất bình đẳng và dễ bị thương tổn không lường trước được. Và mặc dù sự phổ biến các kỹ thuật kỹ thuật số đã làm tăng năng suất và mang lại những lợi ích khác, nó cũng đã làm xói mòn lợi thế của quân đội Hoa Kỳ và đặt ra nhiều thách thức cho các xã hội dân chủ.
 
Vì những thực tế mới trên, Washington không thể chỉ đơn giản quay lại với những giả định thoải mái của quá khứ. Thế giới đã vượt ra khỏi “thời điểm đơn cực” của thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh và bước vào thời đại liên lập và cạnh tranh đòi phải có các chính sách và công cụ khác. Để điều hướng đúng đắn kỷ nguyên mới này, Washington phải từ bỏ những ảo tưởng cũ, vượt qua những huyền thoại về chủ nghĩa quốc tế tự do và xem xét lại quan điểm của mình về bản chất của trật tự thế giới.
 
TẤT CẢ PHẢI CÙNG NHAU LÚC NÀY?
 
Khi thế kỷ 20 sắp kết thúc, số lượng ngày càng tăng các quốc gia theo đuổi các lý tưởng dân chủ đã khơi dậy niềm tự hào ở phương Tây và nhiều hy vọng cao cho tương lai. Một sự đồng thuận được đạt tới, cho rằng sự hội tụ về dân chủ tự do sẽ dẫn đến một trật tự chính trị quốc tế ổn định. Khi Liên Xô suy tàn và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush đã kêu gọi một “trật tự thế giới mới”, một “Pax Universalis” (Hòa Bình Phổ Quát) được thành lập dựa trên các giá trị tự do, quản trị dân chủ và thị trường tự do. Vài năm sau đó, Chiến lược An ninh Quốc gia năm 1996 của Tổng thống Bill Clinton đã nêu rõ chính sách cam kết và mở rộng dân chủ nhằm cải thiện “các triển vọng ổn định chính trị, giải quyết xung đột cách hòa bình, nâng cao phẩm giá và hy vọng cho người dân thế giới”.
 
Giả định về sự hội tụ tự do này đã thúc đẩy quyết định cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Như Clinton đã nói vào thời điểm đó, một sự mở cửa như vậy sẽ có “tác động sâu sắc đến nhân quyền và tự do chính trị”. Phần còn lại của thế giới sẽ tiếp cận được thị trường Trung Quốc và hàng nhập khẩu giá rẻ, và Trung Quốc sẽ có cơ hội mang lại sự thịnh vượng cho hàng trăm triệu người, một sự thịnh vượng được nhiều người ở Washington tin rằng sẽ cải thiện triển vọng dân chủ hóa. Đó là một chính sách đôi bên cùng có lợi.
 
Nhưng Trung Quốc không có ý định hội tụ với phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ có ý định chơi theo luật của phương Tây; họ quyết tâm kiểm soát các thị trường hơn là mở cửa chúng, và họ đã làm như vậy bằng cách giữ tỷ giá hối đoái thấp một cách giả tạo, mang lại lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước và dựng lên các hàng rào pháp lý chống lại các công ty không phải của Trung Quốc. Các viên chức trong cả chính phủ George W. Bush và Obama đều lo lắng về ý định của Trung Quốc. Nhưng trong căn bản, họ vẫn xác tín rằng Hoa Kỳ cần phải can dự với Trung Quốc để củng cố hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và rằng tự do hóa kinh tế của Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị. Thay vào đó, Trung Quốc đã tiếp tục tận dụng sự liên lập về kinh tế để tăng trưởng kinh tế và tăng cường quân sự, qua đó bảo đảm sức mạnh lâu dài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
 
Trung Quốc chưa bao giờ có ý định hội tụ với phương Tây.
 
Trong khi Trung Quốc và các tác nhân khác phá vỡ sự hội tụ tự do ở ngoại quốc, thì việc hoàn cầu hóa kinh tế không đạt được kỳ vọng ở quê nhà. Những người đề xuất hoàn cầu hóa vốn cho rằng trong một nền kinh tế được làm cho dễ dàng nhờ thương mại tự do, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận hàng hóa rẻ hơn, việc mất các công việc sản xuất sẽ được thay thế bằng các công việc tốt hơn trong ngành dịch vụ đang phát triển, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ tuôn vào mọi lĩnh vực và các công ty khắp nơi sẽ trở nên hiệu năng và sáng tạo hơn. Trong khi đó, các cơ quan như Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ giúp quản lý một thế giới tự do hơn và hội nhập hơn (đừng bận tâm đến 22, 000 trang quy định của nó).
 
Nhưng lời hứa cho rằng thủy triều đang lên của hoàn cầu hóa sẽ nâng mọi con thuyền lên đã không được ứng nghiệm: một số lên đến đỉnh cao, một số bị đình trệ và một số khác chỉ đơn giản chìm xuồng. Hóa ra hội tụ tự do không hề là đôi bên cùng có lợi: trên thực tế, có kẻ thắng người thua.
 
Một phản ứng dân túy chống lại thực tại này đã khiến giới tinh hoa chưng hửng. Phản ứng này ngày càng gia tăng khi sự bất lương ở Wall Street và các chính sách tiền tệ sai lầm của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã giúp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu năm 2008. Các gói cứu trợ (bailout) hào phóng mà các ngân hàng và công ty tài chính nhận được sau đó đã thuyết phục nhiều người Mỹ tin rằng giới tinh hoa doanh nghiệp và chính trị đang mang hệ thống ra làm trò chơi, một chủ đề mà Trump đã nắm được trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình. Tuy nhiên, nhiều năm trước chiến thắng của Trump, nhiều người Mỹ bình thường đã nhận ra rằng hoàn cầu hóa đang làm tổn thương họ. Những người đang làm việc đã trực tiếp cảm nghiệm được việc thương mại tự do đã làm rỗng các cộng đồng như thế nào khi việc làm và đầu tư vốn chạy ra nước ngoài. Ngay cả nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Gita Gopinath, cũng thừa nhận vào năm 2019 rằng thương mại quốc tế gây tốn kém rất nhiều cho các công nhân sản xuất ở Hoa Kỳ. Từ năm 2000 đến năm 2016, quốc gia này đã mất khoảng năm triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
 
LỪ ĐỪ RỤT ĐẦU VÀO NHƯ RÙA
 
Một ảo tưởng thứ hai đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ mê mẩn là ý tưởng cho rằng Washington có thể phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế để giúp nước này đương đầu với những thách thức lớn và việc “quản trị hoàn cầu” sẽ xuất hiện với sự trợ giúp của giới lãnh đạo Mỹ. Vì các quốc gia được cho là hội tụ về tự do hóa chính trị và kinh tế, nên tự nhiên người ta nghĩ rằng các thách thức xuyên quốc gia như phổ biến vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu sẽ thay thế việc cạnh tranh giữa các quốc gia như là chú điểm chính của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Sự khôn ngoan qui ước cho rằng các mối đe dọa như vậy có thể được quản lý tốt nhất bởi các định chế quốc tế.
 
Quan điểm đó cho rằng vì các quốc gia khác đang không ngừng tiến theo hướng dân chủ tự do, nên họ sẽ chia sẻ nhiều mục tiêu của Washington và sẽ chơi theo các quy tắc của Washington. Niềm tin đó có xu hướng tối thiểu hóa tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia và sự kiện các quốc gia khác nhau trong cách tổ chức cộng đồng của mình. Ngay trong các nền dân chủ, vẫn có một mức độ khác biệt cao về các giá trị văn hóa, định chế và chính trị.
 
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế ngày càng mở rộng và nhiều tham vọng hơn. Năm 1992, Nghị trình Hòa bình của Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros Boutros-Ghali đã hình dung ra một thế giới trong đó Liên hiệp quốc sẽ duy trì hòa bình thế giới, bảo vệ nhân quyền và cổ vũ tiến bộ xã hội qua việc mở rộng các phái bộ duy trì hòa bình. Từ năm 1989 đến năm 1994, tổ chức đã ủy quyền 20 phái bộ hòa bình - nhiều hơn tổng số các phái bộ mà nó đã thực hiện trong bốn thập niên trước đó.
 
Xu hướng phái bộ cũng mở rộng đến các cơ quan Liên hiệp quốc riêng rẽ. Tổ chức Y tế Thế giới, được thành lập năm 1948 để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, đã đi tiên phong trong một số thành tựu lớn nhất của Liên hợp quốc, bao gồm cả việc loại bỏ bệnh đậu mùa và gần như xóa sổ bệnh sốt tê liệt (polio). Nhưng với thời gian, phạm vi của nó cứ thế gia tăng đáng kể. Đến năm 2000, nó đã bắt đầu đưa ra cảnh báo về mọi chuyện, từ an toàn thực phẩm, sử dụng điện thoại di động đến phẩm chất không khí. Việc dàn trải nhân viên và nguồn lực quá mỏng, làm suy yếu khả năng của tổ chức trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng thực sự, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Trong đợt bùng phát ban đầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã bị loại ra bên lề khi các chính phủ quốc gia chạy đua để bảo đảm có được các thiết bị y tế. Việc định chế này mạnh mẽ bảo vệ cách đáp ứng của Trung Quốc đối với đại dịch chứng tỏ rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh của mình để kết nạp Tổ chức Y tế Thế giới hơn là hỗ trợ các sứ mệnh của nó.
 
Tuy nhiên, rắc rối tại Liên hiệp quốc đã vượt xa Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2016, Anthony Banbury, một viên chức Liên hiệp quốc chuyên nghiệp, người gần đây đã giữ chức phụ tá tổng thư ký hỗ trợ thực địa (field support), đã viết rằng bộ máy hành chánh của tổ chức đã trở nên phức tạp đến mức không thể mang lại kết quả, tạo ra một lỗ hỗng đen tối khiến “vô số đô la tiền thuế”, cũng như một danh sách dài “các khát vọng của con người, không bao giờ được thấy lại nữa” rơi tọt vào. Những cơ hội bị mất như vậy đã dẫn đến chủ nghĩa hoài nghi và làm suy yếu trật tự quốc tế tự do từ bên trong.
 
KHÔNG CÒN BÁCH CHIẾN BÁCH THẮNG NỮA
 
Mặc dù chủ nghĩa quốc tế tự do khuyến khích việc liên lập và chủ nghĩa đa phương, nhưng chủ nghĩa này cũng dựa trên niềm tin vào khả năng của Washington trong việc duy trì vô thời hạn ưu thế quân sự không bị đối đầu mà họ có được ngay sau Chiến tranh Lạnh. Thực thế, sự thống trị quân sự của Hoa Kỳ hiện đang bị thách thức ở hầu hết mọi lãnh vực. Hoa Kỳ không còn có thể hoạt động tự do trong các lĩnh vực truyền thống trên bộ, trên biển và trên không, cũng như trong các lĩnh vực mới hơn như ngoại tầng không gian và không gian mạng. Sự phổ biến của các kỹ thuật và hệ thống vũ khí mới và việc theo đuổi các chiến lược phi đối xứng của các đối thủ đã hạn chế khả năng của quân đội Mỹ trong việc tìm kiếm và tấn công các mục tiêu, cung cấp và bảo vệ các lực lượng của họ ở nước ngoài, tự do di chuyển trên biển, kiểm soát các tuyến đường liên lạc trên biển và bảo vệ quê hương. Không có gì có khả năng đảo ngược các xu hướng này.
 
Kể từ thập niên 1990, Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào không gian vì an ninh quốc gia của mình, vì rất nhiều chức năng quân sự và tình báo phụ thuộc vào các tài sản, như vệ tinh, vốn đặt tại đó. Nhưng Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác hiện có khả năng triển khai các hệ thống vũ khí chống vệ tinh. Trong khi đó, các hoạt động thương mại tư nhân trong không gian cũng tăng theo cấp số nhân. Kể từ năm 2014, phần lớn các vụ phóng vệ tinh được thực hiện bởi các quốc gia không phải Hoa Kỳ - chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các thành viên của Liên hiệp Âu Châu, làm xói mòn thêm khả năng của Hoa Kỳ trong việc điều động tự do trong không gian và làm tăng số lượng mảnh vỡ quay quanh trái đất, đe dọa mọi tài sản không gian.
 
Sự thống trị quân sự của Hoa Kỳ hiện đang bị thách thức ở hầu hết mọi lãnh vực.
 
Trong không gian mạng, các điểm dễ bị tổn thương về phần cứng và phần mềm đã xuất hiện khắp các chuỗi cung ứng quân sự, có tiềm năng làm giảm hiệu năng của các lãnh vực quan trọng. Vào năm 2018, David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, đã mô tả Các chiến đấu cơ hỗn hợp F-35 như “một chiếc máy tính biết bay”, và do đó, giống như mọi máy tính, nó rất dễ bị tấn công mạng. Cùng năm đó, Ủy ban Khoa học Quốc phòng cảnh báo rằng vì có quá nhiều hệ thống vũ khí được kết nối với nhau, nên một một hệ thống bị ảnh hưởng cũng có thể ảnh hưởng đến những hệ thống khác.
 
Đồng thời, các đòi hỏi hành chánh cũng khiến quân đội khó đổi mới hơn. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi chương trình Chiến đấu cơ Tấn công Hỗn hợp được hình dung cho đến khi phi đội F-35 chiến đấu đầu tiên được tuyên bố hoạt động. Quân đội đòi hỏi mức hiệu suất cao một cách phi thực tế, điều mà các công ty, vì khao khát hợp đồng, nên đã hứa sẽ cung cấp. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates từng than phiền việc các lực lượng quân sự không sẵn sàng bằng lòng với giải pháp "80%" thực sự có thể được xây dựng và cung cấp cho thực địa trong một khung thời gian hợp lý. Vì các kỹ thuật đối kháng (countervailing technologies) phát triển hết sức nhanh chóng, các va chạm này trong kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến của đất nước, đặc biệt chống lại các đối thủ cạnh tranh gần như ngang hàng.
 
Trong khi đó, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã phát triển điều gọi là hệ thống vũ khí chống tiếp cận / bác bỏ khu vực, làm giảm khả năng của Washington trong việc dự phóng sức mạnh ở Đông Á và ở Châu Âu. Trung Quốc đã phát triển và hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật của họ, và đầu tư rất nhiều vào các kỹ thuật nhằm cải thiện các lực lượng qui ước của họ. Nga đã chế tạo một loạt vũ khí "ngày tận thế" kỳ lạ và vũ khí hạt nhân chiến thuật năng suất thấp, bất chấp các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Hoa Kỳ. Và cả hai nước cũng đang dồn nguồn lực vào các loại vũ khí siêu âm có tốc độ và khả năng cơ động khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường không hữu hiệu.
 
Ngoài ra, các đối thủ nhỏ hơn như Iran và Triều Tiên đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện các chương trình hạt nhân của họ. Bất chấp các viễn kiến về một thế giới trong đó không ai có thể thách thức lực lượng Mỹ, kỷ nguyên thống trị quân sự của Mỹ đã được chứng minh là tương đối ngắn.
 

Cảnh Sát Trung Quốc với Kính có Khả Năng Trí Khôn Thông Minh 
 
KỸ THUẬT LOẠI BỎ BẠN BÈ
 
Niềm tin đặt không đúng chỗ vào những ưu điểm của các kỹ thuật mới không giới hạn trong các vấn đề quân sự. Khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lạc quan cho rằng những kỹ thuật này sẽ cổ vũ việc truyền bá các giá trị dân chủ tự do — “thời đại thông tin có thể trở thành thời đại giải phóng”, như Tổng thống George H.W. Bush đã nói vào năm 1991. Một ít năm sau, Clinton dự đoán rằng “tự do [sẽ] được truyền bá qua điện thoại di động và bộ điều giải (modem) cáp”.
 
Tuy nhiên, với thời gian, điều rõ ràng là cùng những kỹ thuật vốn kết nối và tạo năng lực cho người ta cũng có thể tạo lâm nguy cho tự do và sự cởi mở và hạn chế quyền được để yên - tất cả đều là các yếu tố của một nền dân chủ phát triển. Các quốc gia độc tài đã triển khai các kỹ thuật kỹ thuật số để kiểm soát công dân của họ, với sự hỗ trợ (đôi khi không chủ tâm) của các công ty phương Tây. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phát triển một hệ thống giám sát tinh vi nhất trên thế giới, chẳng hạn, sử dụng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt và giọng nói và sắp xếp trình tự DNA để tạo ra một hệ thống “tín dụng xã hội” nhằm theo dõi 1.4 tỷ người dân Trung Quốc và tưởng thưởng hoặc trừng phạt họ dựa trên lòng trung thành được tri nhận của họ đối với đảng-nhà nước.
 
Những thực hành này không chỉ giới hạn vào các chính phủ độc tài - một phần vì Huawei, công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc, đã xuất khẩu các công cụ giám sát tới 49 quốc gia, bao gồm các công cụ sử dụng trí khôn nhân tạo (AI). Theo Danh mục Trí khôn Nhân tạo Giám sát Hoàn cầu của Qũy Carnegie, hầu như tất cả các quốc gia thuộc nhóm G-20 đều đã triển khai kỹ thuật giám sát bằng trí khôn nhân tạo, bao gồm các chương trình nhận dạng khuôn mặt. Trong khi đó, dù Đảng Cộng Sản Trung Quốc cấm Twitter ở nước mình, Bắc Kinh và các chính phủ khác đã sử dụng nó và các hệ điều hành (platforms) khác để thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch ở nước ngoài nhằm làm suy yếu các nền dân chủ từ bên trong.
 
PHÁ ĐỔ CÁC HUYỀN THỌAI
 
Trump, trong chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã đưa ra một số điều chỉnh đối với những ảo tưởng của quá khứ - thường thẳng thừng và đôi khi không nhất quán. Việc ông rời bỏ những cách truyền thống để nói về và thực hiện chính sách đối ngoại xuất phát từ việc chấp nhận sự thật không thoải mái chút nào là các viễn kiến về hoàn cầu hóa tốt lành và chủ nghĩa quốc tế tự do nhằm xây dựng hòa bình đã không thành hiện thực, thay vào đó, đã để lại một thế giới ngày càng thù nghịch với các giá trị và quyền lợi của Hoa Kỳ.
 
Trump nhấn mạnh vai trò của các quốc gia trong trật tự quốc tế, thách thức xu hướng Hoa Kỳ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc muốn chuyển giao quyền lực cho các tổ chức quốc tế. Điều này không có nghĩa là đơn phương làm giảm vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới; đúng hơn, nó có nghĩa báo hiệu sự tôn trọng chủ quyền các nước khác. Thí dụ, hãy xem xét chiến lược của chính phủ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm việc chống lại các đòi hỏi lãnh thổ quá mức và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và củng cố an ninh hàng hải của các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam, bằng cách cung cấp thiết bị cho họ. Các biện pháp như vậy đối lập với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra các mối liên hệ lệ thuộc trong khu vực và thiết lập các phạm vi ảnh hưởng.
 
Nói rộng hơn, chính phủ Trump đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại vào các thể chế và chuẩn mực quốc tế khác nhau. Điều này có nghĩa là thúc giục các cường quốc khác nhận trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của chính họ và đóng góp nhiều hơn vào sức mạnh của trật tự do phương Tây lãnh đạo. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sự quan tâm của Trump đối với việc chia sẻ gánh nặng đã “làm cho NATO mạnh hơn”. Từ năm 2016 đến năm 2018, chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO ngoài Hoa Kỳ đã tăng 43 tỷ dollars Mỹ và Stoltenberg đã dự đoán rằng đến năm 2024, khoản chi tiêu như vậy sẽ tăng thêm 400 tỷ dollars Mỹ.
 
Trump đã đưa ra một số điều chỉnh đối với các ảo tưởng của quá khứ.
 
Trong giao thương và thương mại, nguyên tắc có đi có lại có nghĩa phải cất cao hồi chuông báo động, lớn tiếng hơn trước đây, về việc Trung Quốc không sẵn sàng mở cửa thị trường của họ cho các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ và các thực hành không công bằng của Bắc Kinh, như cưỡng bức chuyển giao kỹ thuật và đánh cắp tài sản trí tuệ. Các chuyên gia ước tính rằng kể từ năm 2013, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại kinh tế hơn 1.2 nghìn tỷ đô la do hậu quả của các hành vi lạm dụng nghiêm trọng của Trung Quốc.
 
Việc Trump sử dụng thuế quan như một chiến thuật giao thương đã nhấn mạnh việc ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Các nhà phê bình đã chỉ trích thuế quan như việc hoàn toàn đi trệch ra ngoài chế độ chính thống. Thực tế, việc sử dụng thuế quan trả đũa để đòi có đi có lại là một truyền thống của Mỹ có từ thời tổng thống George Washington. Thuế quan cũng được các nước trên thế giới sử dụng để chấp pháp các quyết định của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế hoặc chống lại các khoản trợ cấp không công bằng do các quốc gia khác cung cấp. Thuế quan của Trump đã giúp mang lại một thỏa thuận ban đầu với Trung Quốc, không giống như bất cứ thỏa thuận song phương Mỹ-Trung nào trước đó, bao gồm các cam kết có ý nghĩa của Bắc Kinh nhằm hạn chế việc đánh cắp bí mật giao thương, giảm việc cưỡng bức chuyển giao kỹ thuật, và mở cửa các thị trường Trung Quốc cho các dịch vụ tài chính và hàng hóa nông nghiệp của Mỹ.
 
Các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ Trump nhằm giảm thiểu các mặt trái của việc hoàn cầu hóa, như các điểm dễ bị thương tổn do các chuỗi cung ứng “chỉ vừa đúng lúc” và việc phi kỹ nghệ hóa ở trung tâm Hoa Kỳ tạo ra. Theo lời của Robert Lighthizer, đại diện thương mại của Hoa Kỳ, trong những trang này, mục tiêu là hỗ trợ “loại xã hội mà [người Mỹ] muốn sống” bằng cách thừa nhận phẩm giá của công việc và luôn nhớ đến người lao động Mỹ và an ninh quốc gia Mỹ khi soạn thảo chính sách kinh tế. Cùng với những đường lối này, một biện pháp quan trọng là việc chính phủ tăng cường Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ, một cơ quan chuyên xét duyệt các khoản đầu tư lớn vào các công ty Hoa Kỳ của các thực thể nước ngoài và giúp ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng các khoản đầu tư để tiếp cận các kỹ thuật quan trọng do các công ty Hoa Kỳ phát triển.
 
Phù hợp với mục tiêu nâng cao sức mạnh của Mỹ, Trump đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là đảo ngược sự suy giảm của quân đội Mỹ - và đã tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 20% kể từ năm 2017. Việc tài trợ cho việc hiện đại hóa hạt nhân và phòng thủ tên lửa đã trở lại sau nhiều năm bị lãng quên, và chính phủ Trump đã thành lập Lực lượng Không gian. Bộ Quốc phòng đã ưu tiên theo đuổi các kỹ thuật tiên tiến, như tên lửa siêu âm và trí khôn thông minh, như một phần trong chú tâm tổng thể nhằm cạnh tranh với các cường quốc khác. Lầu Năm Góc và các tổ chức tình báo Hoa Kỳ cũng đã nâng cao khái niệm hoạt động quan trọng là "phòng thủ về phía trước" trong không gian mạng, hướng dẫn Hoa Kỳ chủ động hơn trong việc nhận diện các mối đe dọa, đánh phủ đầu các cuộc tấn công, và áp đặt các chi phí nhằm ngăn chặn và đánh bại các chiến dịch độc hại trên mạng.
 
Không có chính sách nào của chính phủ mà không có sai sót hoặc bất nhất. Chính phủ Trump đã cho thấy một xu hướng, được các chính phủ tiền nhiệm chia sẻ, dựa quá nhiều vào các đối tác khu vực vốn không phải lúc nào cũng xứng đáng trong công việc. Một thí dụ là sự hồ đồ về mức độ theo đó Washington có thể rút các lực lượng của mình khỏi Iraq và Syria sau chiến thắng do Mỹ dẫn đầu trước Nhà nước Hồi giáo trị (còn gọi là ISIS). Việc củng cố các thành quả của Hoa Kỳ ở đó đòi phải có sự hiểu biết về khả năng hạn chế của các đối tác của Washington ở Syria, động cơ lẫn lộn của các nhà lãnh đạo ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, và nguy cơ bỏ ngỏ thực địa cho chế độ Assad, Iran và Nga. Cuối cùng, việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ đòi phải có một vai trò trực tiếp, dù khiêm tốn, của Hoa Kỳ.
 
Tổng thống và các thành viên trong chính phủ của ông cũng tỏ ra hỗn xược đến mức phản tác dụng khiến các đồng minh xa lánh, đặc biệt ở châu Âu. Và không phải lúc nào thuế quan cũng được áp dụng một cách có chiến lược. Điều tốt hơn là tìm kiếm sự đoàn kết trong cuộc cạnh tranh chống lại Trung Quốc hơn là gây chiến với các đồng minh và đối tác bằng cách áp đặt lên họ các khoản thuế quan đối với thép và nhôm vào năm 2018.
 
VƯỢT QUA NÓ
 
Bất kể ai được bầu làm tổng thống vào tháng 11, việc quay trở lại với mớ giả định chiến lược được thiết kế cho thời điểm đơn cực sẽ gây hại cho lợi ích của Hoa Kỳ. Cạnh tranh đang là và sẽ vẫn là một đặc điểm cốt lõi của môi trường quốc tế, và sự liên lập không xóa bỏ được điều đó. Nếu một đảng viên Dân chủ chiếm được Nhà Trắng, ông ta có thể sẽ buộc phải thuyết phục rằng sự kình địch là một đặc điểm không thể thay đổi của hệ thống quốc tế và sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu quay trở lại với các tiền đề của thời đại đã qua.
 
Nếu Trump thắng nhiệm kỳ hai, chính phủ của ông phải tập chú vào việc thực thi tốt hơn các thay đổi chính sách mà nó đã khởi xướng, gửi nhiều thông điệp nhất quán hơn và xây dựng các liên minh mạnh mẽ hơn ở cả trong lẫn ngoài nước. Bất cứ ai chiếm được Nhà Trắng vào tháng Giêng sẽ cần hiểu rằng các kình địch đa chiều ngày nay sẽ không kết thúc bằng những chiến thắng qui ước. Nói rộng hơn, các nhà hoạch định chính sách và chiến lược gia cần phải vượt qua sự nhấn mạnh của họ vào việc đạt được các trạng thái kết thúc đặc thù (particular end states), vì điều này xuất phát từ quan điểm cơ học và phi lịch sử về cách hoạt động của chính trị. Trong thực tế, như nhà sử học Michael Howard đã lập luận, các hành vi của con người tạo ra hàng loạt các hoàn cảnh mới, những hoàn cảnh này, ngược lại, đòi hỏi các phán đoán và quyết định mới.
 
Địa chính trị là chuyện trường cửu. Đó là lý do tại sao sự cạnh tranh vẫn tồn tại bất chấp các người duy lý tưởng mong muốn khác đi thế nào. Do đó, mục tiêu chính trong chiến lược của Hoa Kỳ nên là việc ngăn chặn sự tích tụ các hoạt động và xu hướng làm tổn hại đến các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ, thay vì theo đuổi các dự án lớn như cố gắng xác định xem Trung Quốc hoặc các quốc gia khác nên tự quản lý ra sao. Để làm điều này, Hoa Kỳ phải soạn thảo các chính sách nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực và ngăn chặn sự xâm lược của các cường quốc xét lại.
 
Địa chính trị là chuyện trường cửu. Đó là lý do tại sao sự cạnh tranh vẫn tồn tại bất chấp các người duy lý tưởng mong muốn khác đi thế nào.
 
Nhiều người cánh hữu vốn ủng hộ sự tự chế hoặc giảm bớt sẽ miễn cưỡng chấp nhận ý tưởng cạnh tranh liên tục bởi vì họ có xu hướng hạ thấp nguyện vọng của các cường quốc khác. Theo lập luận của họ, nếu Hoa Kỳ tự chế, các nước khác sẽ làm theo. Lịch sử gợi ý khác thế. Nhiều người cánh tả sẽ miễn cưỡng chấp nhận ý tưởng về một trạng thái kết thúc cuộn tròn (rolling end state) vì họ có xu hướng tin rằng vòng cung lịch sử đang tiến tới một sự hội tụ tự do và coi sự lôi và kéo của một thế giới cạnh tranh như quá hung hăng và có xác suất dẫn đến chiến tranh.
 
Nhưng thừa nhận vị trí trung tâm của cạnh tranh không có nghĩa là ủng hộ việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng không có nghĩa là thúc đẩy tiến tới chiến tranh. Việc chấp nhận rộng rãi hơn bản chất cạnh tranh của địa chính trị thực sự đòi hỏi phải có một nền tảng sức mạnh quân sự, nhưng nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các công cụ ngoại giao và kinh tế của nghệ thuật lãnh đạo đất nước. Chính vì rất nhiều cạnh tranh quốc tế ngày nay xảy ra dưới ngưỡng cửa xung đột quân sự, các cơ quan dân sự cần đi đầu trong việc duy trì trật tự và định hình một cảnh quan thuận lợi cho các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ. Nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra một khi tư duy và văn hóa của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ thay đổi nhằm cho phép sự công nhận rộng rãi hơn đối với cuộc cạnh tranh đang diễn ra.
 
Khi tiến lên, thành công về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ dựa trên một cách tiếp cận hợp tác sáng suốt. Thay vì coi việc hợp tác với các quốc gia khác như mục đích tự tại, các nhà hoạch định chính sách nên công nhận nó như một phương tiện để soạn thảo một chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Họ cũng phải nắm vững điều này là hợp tác chân chính đòi phải có đi có lại. Margrethe Vestager, ủy viên cạnh tranh của Liên minh Châu Âu, có lẽ nói hay nhất khi bà nói lên bản chất của chính sách này: “Tôi đến từ đâu — tôi lớn lên ở miền tây Đan Mạch — nếu bạn tiếp tục mời người ta và họ không mời bạn trở lại, bạn sẽ ngừng mời họ”.
 
Ngoài ra, Washington cần chấp nhận rằng các vấn đề hoàn cầu không nhất thiết được giải quyết tốt nhất bởi các thể chế hoàn cầu, vốn chịu trách nhiệm giải trình chủ yếu trước các bộ máy hành chánh nội bộ hơn là các cơ chế bên ngoài. Các thể chế như vậy có thể đóng những vai trò hữu ích như các cơ quan triệu tập và trung tâm chia sẻ thông tin, nhưng họ thiếu năng lực hoạt động để hành động một cách quy mô; sự phức tạp hành chánh ngăn cản họ hoàn thành các sứ mệnh rộng lớn hơn.
 
Xem xét lại việc quản trị hoàn cầu không đòi hỏi phải bác bỏ các nguyên tắc tự do hoặc từ bỏ một trật tự dựa trên chúng. Nhưng vì chỉ một số ít các quốc gia cam kết với những nguyên tắc này, nên mục tiêu phải là thúc đẩy điều mà học giả Paul Miller đã mô tả như một “trật tự tự do nhỏ hơn, sâu hơn” gồm các nền dân chủ đã kỹ nghệ hóa nhằm bảo vệ các giá trị tự do và phục vụ các mục đích chiến lược và kinh tế. Trọng tâm có thể là tạo ra các liên minh có tinh thần sứ mệnh nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng dư thừa, tài trợ việc nghiên cứu các kỹ thuật đang ló dạng, cổ vũ giao thương công bằng và có đi có lại cũng như hợp tác trong các vấn đề an ninh. Những liên minh như vậy sẽ mở cửa cho các thành viên mới với điều kiện họ chia sẻ các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ và có thể mang lại các khả năng giải quyết các vấn đề chủ chốt. Trật tự dựa trên luật lệ thời Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu y như thế: như một nhóm do Hoa Kỳ lãnh đạo gồm các quốc gia có cùng một tinh thần muốn chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh chiến lược và ý thức hệ chống lại một kẻ thù chung.
 
Washington cũng cần đổi mới tư duy về nền kinh tế chính trị và nâng cao năng lực của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ trong việc giải quyết sự tác động qua lại của chính trị và kinh tế. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể tích hợp các chính sách kinh tế và chiến lược chính trị của mình như Trung Quốc bằng cách đặt nền kinh tế chỉ huy của mình trực tiếp phục vụ các mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington nên đầu tư nhiều hơn vào tình báo kinh tế và giúp nó chia sẻ dễ dàng hơn những thông tin đó giữa các bộ và cơ quan bằng cách thành lập một trung tâm quốc gia về tình báo kinh tế, có lẽ được mô phỏng theo Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, như học giả Anthony Vinci đã vận động.
 
Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ phải chống lại các khoản đầu tư lớn lao của Trung Quốc vào nghiên cứu và phát triển trong các ngành kỹ thuật đang ló dạng. Quốc hội phải tài trợ cho các nghiên cứu của khu vực công và tư trong lĩnh vực trí khôn nhân tạo, máy tính hiệu suất cao, sinh học tổng hợp và các lĩnh vực kỹ thuật quan trọng về chiến lược khác. Và Bộ Ngoại giao cũng nên đặt kinh tế lên vị trí tiền đạo và trung tâm bằng cách trao cho các viên chức kinh tế nhiều trách nhiệm hơn tại các tòa đại sứ và bằng cách mở thêm các tòa lãnh sự trên khắp thế giới, để thúc đẩy tốt hơn các mối liên hệ kinh doanh và thương mại.
 
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải chấp nhận rằng trong thế giới đương thời, tốc độ là một thành phần quan trọng của quyền lực. Khả năng đáp ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa và nắm bắt cơ hội nâng cao ảnh hưởng của một quốc gia. Đáp ứng chậm làm suy yếu nền quản trị dân chủ, vì chúng làm giảm lòng tin của người dân rằng chính phủ của họ có thể thỏa mãn các nhu cầu trong một khoảng thời gian hợp lý. Sự thật này đã được làm nổi bật nhờ đại dịch hiện nay, một đại dịch mà khi bắt đầu, phần lớn do sự che đậy khởi đầu của Trung Quốc, các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động quá chậm chạp. Các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cần đưa ra một cách tính toán mới: thời gian dẫn đến thành quả. Được trang bị bằng biện pháp này, một nhà hoạch định chính sách có thể có hy vọng nhận diện được những trở ngại cần được loại bỏ để hoàn thành công việc.
 
ĐIỀU TRUMP ĐÃ NHÌN RA
 
Các mục tiêu của trật tự quốc tế tự do rất đáng khen ngợi - và trong nhiều trường hợp, người ta đã đạt được chúng bất chấp các rủi ro làm nản lòng. Thế giới hiện an toàn hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn trước đây. Nhưng các hậu quả bất ngờ của hoàn cầu hóa và những hứa hẹn không thành của nền quản trị hoàn cầu không thể bị làm ngơ.
 
Trong một thế giới cạnh tranh giữa các cường quốc, bất bình đẳng kinh tế và các khả năng kỹ thuật rực rỡ, trong đó các ý thức hệ cũng như mầm bệnh lây lan với sự dữ dội của virút, tiền cược quả quá cao và các hậu quả quá tàn khốc đến không thể chỉ bám vào những gì đã hoạt động trong quá khứ và hy vọng sẽ có điều tốt nhất. Trump đã nhận ra thực tại này sớm hơn nhiều người trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Bất cứ ai kế nhiệm ông - dù là vào năm 2021 hay vào năm 2025 - cũng sẽ cần phải nhìn nhận điều đó.
 


Vũ Văn An
 
26/Aug/2020

 
usaelection gởi