Từ hàng thập kỷ qua, người ta đã luôn lo ngại cho những chiếc tàu sân bay Mỹ, khi mà sự sống còn của chúng đang ngày càng gặp nguy hiểm trong thời đại của tên lửa chống hạm tầm xa với hệ thống dẫn đường cực kỳ chính xác. Trung Quốc, trong vài năm trở lại đây, đã chuyển mình thành một siêu cường quân sự, với những loại vũ khí có thể khiến các tàu sân bay của Mỹ phải lo sợ.
Thế nhưng Hải quân Mỹ dường như không mấy lo lắng về điều đó. Trên thực tế, Đô đốc John Richardson, Trưởng bộ phận tác chiến hải quân, cho biết "chúng ta ngày nay ít có khả năng bị tấn công hơn kể từ thời Thế chiến thứ 2".
Một lý do giải thích cho thái độ tự tin của Hải quân Mỹ là bởi họ đã đầu tư rất mạnh vào những công nghệ mới nhằm tăng cường sức phòng thủ của các nhóm tàu sân bay tấn công. Họ còn thay đổi chiến thuật tác chiến tại khu vực gần Trung Quốc. Nhưng lý do lớn nhất của sự tự tin này chính là những khó khăn mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi tìm và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.
Những chiếc tàu sân bay năng lượng hạt nhân với khoang tàu lớn như Hải quân Mỹ đang sử dụng tưởng chừng sẽ rất dễ bị theo dõi. Chúng dài hơn một ngàn feet, cao ngang ngửa một tòa nhà 25 tầng, và làm bằng thép có khả năng phản xạ lại tín hiệu radar. Chúng có những trang thiết bị hoạt động dựa trên quang học, hồng ngoại và tần số radio đặc biệt.
Vậy điều gì khiến việc tìm kiếm và theo dõi những tàu sân bay này lại khó khăn đến vậy, khi mà Trung Quốc đã tích trữ được một kho vũ khí khủng gồm đủ loại tên lửa chống hạm?
Đầu tiên, bạn cần biết rằng khu vực mà các tàu sân bay có thể ẩn mình khi đang tác chiến tại Phía tây Thái Bình Dương là rất lớn. Chỉ tính riêng Biển Đông đã rộng hơn 3,6 triệu km2, và chỉ là một trong 4 vùng biển cận biên mà từ đó, các máy bay xuất phát từ tàu sân bay có thể tiến hành các đợt tấn công đánh vào Trung Quốc.
Nếu một tàu sân bay đang tiến hành hoạt động kiểm tra trên biển – tức hoạt động đảm bảo các tuyến đường biển rộng mở cho các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản – nhiều khả năng nó sẽ ở khá xa chuỗi đảo đầu tiên nằm song song với đường bờ biển Trung Quốc, và do đó có thể dễ dàng ẩn mình giữa vùng biển phía Tây Thái Bình Dương cực kỳ rộng lớn. Rất khó để tìm thứ gì đó trong hàng triệu dặm vuông của một đại dương mở, chưa kể trong trường hợp của tàu sân bay Mỹ, mục tiêu cần tìm còn thường xuyên di chuyển chứ không hề đứng im một chỗ.
Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay Mỹ về cơ bản có phạm vi hoạt động không giới hạn. Nếu quân đội Trung Quốc thực sự nhìn thấy tàu sân bay và bắn tên lửa về phía nó, thì khi tên lửa bay đến nơi, tàu sân bay đó đã không còn ở vị trí trước đó nữa. Ở vận tốc 56 km/giờ, tàu sân bay có thể ở bất kỳ đâu trong một khu vực có diện tích hơn 1.813 km2 trong khoảng thời gian 30 phút. Sau 90 phút, khu vực tàu sân bay hiện diện có thể tăng lên hơn 15.540 km2 – đây cũng là khoảng thời gian từ lúc phía Trung Quốc phát hiện ra một tàu sân bay và phóng tên lửa từ đất liền.
Bây giờ hãy xem xét những khó khăn mà phía Trung Quốc cần vượt qua để có thể tấn công được một tàu sân bay. Đầu tiên, họ phải tìm ra tàu sân bay, sau đó phải cố định được vị trí của nó, thiết lập một bản đồ theo dõi liên tục chuyển động của nó; lúc này họ sẽ cần đưa tàu này vào tầm ngắm chính xác của những loại vũ khí cụ thể. Chưa hết, họ còn phải xuyên thủng hàng rào phòng thủ nhiều lớp của tàu sân bay mới có thể tiếp cận được mục tiêu; và cuối cùng còn phải đánh giá xem thiệt hại gây ra có đủ để khiến tàu sân bay ngừng hoạt động hay chưa.
Hải quân Mỹ gọi quá trình này là một "kill chain", và cái tên đã nói lên tất cả. Bởi mỗi bước phải được hoàn thành tuần tự nhau, nếu bất kỳ liên kết nào trong chuỗi (chain) thất bại, toàn bộ quá trình sẽ thất bại. Hải quân Mỹ và các đối tác có nhiều kế hoạch nhằm gây gián đoạn từng bước một trong quá trình đó!
Lấy bước tìm kiếm và cố định vị trí của tàu sân bay làm ví dụ. Trung Quốc có nhiều lựa chọn để thực hiện bước này. Đầu tiên, họ có thể sử dụng radar đặt trên đất liền. Những radar mạnh mẽ nào có thể giám sát những vùng đại dương rộng lớn bằng cách phân tích tín hiệu radar dội ngược lại từ tầng điện ly. Năng lượng sẽ phản xạ xuống phía dưới, và một khi nó chạm đến bề mặt, nó tạo ra những chỉ báo về những diểm dị thường và chuyển ngược chúng về nơi phát tín hiệu ban đầu cũng qua con đường đó.
Trung Quốc có ít nhất 2 radar khổng lồ làm được điều này, nhưng tiện ích của chúng là khá khiêm tốn. Đầu tiên, chúng phải hoạt động ở các bước sóng dài, tạo ra tương đối ít thông tin, để có thể dội ngược lại từ tầng điện ly thay vì đâm xuyên qua nó. Thứ hai, mỗi lần tín hiệu chạm và dội ngược lại từ mục tiêu, rất nhiều năng lượng bị tiêu hao. Thứ ba, bức tranh thu được về các khu vực được khảo sát có độ phân giải thấp đến nỗi radar không thể thiết lập bản đồ theo dõi kể cả khi đã phát hiện ra tàu sân bay. Cuối cùng, bản thân radar rất lớn, và những vật thể cố định như thế này luôn "được" đối phương ưu tiên phá hủy đầu tiên khi xảy ra chiến tranh.
Lựa chọn thứ hai của Trung Quốc là các vệ tinh trinh sát. Nước này đã phóng lên quỹ đạo hàng chục vệ tinh như vậy, một số giống như các vệ tinh thăm dò điện tử mà Hải quân Mỹ dùng để giám sát các đại dương, số khác sử dụng các cảm biến quan học và radar khẩu độ tổng hợp. Nhưng để thu thập được thông tin với chất lượng đủ để phục vụ việc nhắm đối tượng, các vệ tinh phải được đặt ở quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (khoảng 1.062 km tính từ bề mặt hành tinh). Ở độ cao đó, chúng sẽ di chuyển ở tốc độ gần 25.750 km/giờ - có nghĩa là chúng sẽ nhanh chóng biến mất ở đường chân trời và phải hơn một giờ sau mới quay lại vị trí ban đầu.
Hải quân Mỹ phát hiện ra rằng để liên tục giám sát được các khu vực đại dương gần Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải thiết lập 3 hệ thống theo dõi song song bắc – năm ở quỹ đạo thấp, và đưa vào mỗi hệ thống hàng chục vệ tinh được sắp xếp sao cho tầm phủ sóng của chúng liên tục nhau. Trung Quốc chưa thể làm được điều đó, và cho dù có làm được, thì kết nôi toàn bộ các hệ thống trên quỹ đạo với một hệ thống điều hành và điều khiển dưới mặt đất để triển khai vũ khí nhắm vào một chiếc tàu sân bay nào đó cũng sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.
Lựa chọn thứ ba của Trung Quốc là các máy bay radar có và không có người lái. Nhưng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã duy trì một vòng phòng thủ dày đặc trong không trung xung quanh nơi các con tàu này hoạt động, bao gồm máy bay đánh chặn, mạng lưới tên lửa đất đối không, máy bay giám sát và các thiết bị gây nhiễu không trung. Không chiếc máy bay nào của Trung Quốc có thể tiến đủ gần tàu sân bay để tấn công cả. Các tàu nổi và tàu ngầm của Trung Quốc cũng vậy – thậm chí những phương tiện này còn dễ trở thành mục tiêu ưu tiên tấn công của các nhóm tác chiến Mỹ hơn là các phương tiện bay trên không.
Như vậy, thực hiện được những bước quan trọng đầu tiên trong việc tìm và đưa các tàu sân bay vào tầm ngắm là không hề dễ dàng. Kết nối các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này với các hệ thống khác sẽ được sử dụng trong các giai đoạn sau của "kill chain" sẽ là một thách thức, đặc biệt xét quãng thời gian rất ngắn mà Trung Quốc có được để triển khai vũ khí nhắm vào một mục tiêu liên tục di chuyển. Bất kỳ vũ khí nào được triển khai chống lại mục tiêu được định trước kia sẽ cần phải vượt qua nhiều lớp phòng thủ chủ động và thụ động, bao gồm các giải pháp đối phó điện tử, và trong tương lai là các vũ khí bắn tia.
Một số nhà quan sát đã nhấn mạnh mối nguy hiểm mà Mỹ sắp sửa phải đối phó, gây ra bởi những tiến triển gần đây của các tên lửa đạn đạo chống hạm với đầu đạn có thể điều khiển được. Hải quân Mỹ rất quan ngại vấn đề này, và để đáp trả, họ đã di chuyển hầu hết các tàu chiến phòng thủ tên lửa đến Thái Bình Dương. Trên thực tế, những vũ khí này chỉ tạo nên những khác biệt rất nhỏ đến thế cân bằng quyền lực nếu Trung Quốc không thể tìm, cố định, theo dõi và nhắm vào tàu sân bay trước tiên. Khoảng hoạt động của tên lửa chống hạm càng dài, nó càng cần nhiều nâng cấp hơn trong cơ chế bay để có thể tấn công trúng một mục tiêu đang di chuyển. Do đó, nếu không có các dữ liệu cảm biến kịp thời và một hệ thống điều hành và điều khiển linh hoạt, loại vũ khí này chẳng khác gì một đống sắt vụn.
Những điều trên áp dụng cho cả trường hợp vũ khí tấn công là tên lửa đạn đạo đơn thuần hay một loại thiết bị lượn siêu âm. Nếu vị trí của tàu mục tiêu không được xác định kịp thời và với độ chính xác vừa đủ, thì đạn không thể đánh trúng mục tiêu được.
Tóm lại, Trung Quốc không (hoặc chưa) thể vượt qua những rào cản để có thể triển khai thành công một cuộc tấn công vào các tàu sân bay Mỹ. Dù những tàu sân bay này đang phục vụ việc triển khai không lực vào bờ hay duy trì thế kiểm soát trên các tuyến đường biển, Bắc Kinh cũng sẽ rất khó có thể cản trở hoạt động của chúng khi chiến tranh xảy ra. Và có thể chắc chắn rằng dù Trung Quốc sở hữu phương tiện gì để thực hiện một cuộc tấn công như vậy vào ngày đầu chiến tranh nổ ra, chúng cũng sẽ nhanh chóng bị triệt hạ bởi lực lượng liên quân của Mỹ, cả trên đất liền, trên biển, hay trên quỹ đạo.
Minh.T.T theo Forbes
Hoang Nguyen gởi