Trung Quốc muốn triệt hạ hệ thống
vệ tinh Starlink
Hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX phóng lên từ căn cứ Canaveral ở Florida trong một chuyến đưa 60 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất, thiết lập hệ thống truyền dẫn Internet tốc độ cao phủ khắp địa cầu. Hiện Starlink đã có 2,300 vệ tinh như vậy và làm cho các chế độ độc tài Nga và Trung Quốc rất e ngại. Ảnh Paul Hennessy/SOPA Images/LightRocket via Getty Images
Trung Quốc cho rằng hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk là một mối đe dọa và muốn tiêu diệt nó, trang Infographics cho biết.
China Thinks Elon Musk’s Starlink Satellites Are A Threat And Might Shoo...
China considers Starlink a risk to its national security as the world's superpowers are starting to compete for ...
Starlink là hệ thống hàng chục ngàn vệ tinh viễn thông bay ở quỹ đạo tầm thấp do công ty hàng không vũ trụ SpaceX vận hành nhằm cung cấp kết nối Internet băng thông rộng và tốc độ cao đến mọi khu vực trên trái đất, đặc biệt là những nơi mạng cáp quang không thể vươn tới được. SpaceX bắt đầu phóng những vệ tinh đầu tiên từ năm 2019 và hiện có 2,300 vệ tinh trên quỹ đạo, cho phép truy cập Internet qua vệ tinh ở 32 quốc gia mà Starlink được cấp phép hoạt động.
Từ Ukraine, Trung Quốc lo sợ Starlink
Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, chính phủ Ukraine đã đề nghị ông Elon Musk, chủ công ty SpaceX [và hãng xe điện Tesla] giúp đỡ sau khi bị quân Nga phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu, kể cả các trạm thu phát sóng viễn thông và internet của Ukraine. Đáp lại đề nghị đó, SpaceX đã cung cấp cho Ukraine những thiết bị cần thiết để kết nối mạng vệ tinh Starlink, từ đó quân đội Ukraine duy trì được hệ thống thông tin liên lạc không bị gián đoạn; kể cả các đơn vị phòng thủ thành phố Mariupol tuy phải ẩn nấp dưới hầm ngầm của nhà máy thép Azovstal nhưng vẫn liên lạc được với thế giới bên ngoài.
Bất kỳ ai theo dõi tình hình chiến sự Ukraine đều biết việc kết nối thông tin liên lạc của Starlink ở Ukraine đã góp phần hạn chế bước tiến của Nga trên chiến trường.
Starlink đang được quân đội Ukraine sử dụng và điều đó khiến Trung Quốc lo ngại. Ngoài ra, Trung Quốc coi Starlink là một mối đe dọa an ninh quốc gia của họ khi các siêu cường bắt đầu cạnh tranh để giành vị trí thống trị trong không gian, theo tường thuật gần đây của báo South China Morning Post.
Hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX từng bị báo chí Trung Quốc công khai ra đòn đánh hội đồng vào cuối năm ngoái khi Bắc Kinh phàn nàn hai vệ tinh Starlink đang gây nguy hiểm cho các phi hành gia Trung Quốc và buộc trạm vũ trụ của nước này phải chuyển hướng để tránh va chạm.
Triệt hạ hệ thống internet vệ tinh Starlink?
Một người dân ở Thượng Hải, TQ dùng điện thoại di động để tìm kiếm vị trí các vệ tinh Starlink trên bầu trời Trung Quốc hồi tháng Ba 2021. Ảnh Costfoto/Future Publishing via Getty Images.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Modern Defense Technology, tác giả Nhậm Nguyên Trân (Ren Yuanzhen), một nhà nghiên cứu của Học viện Theo dõi và Viễn thông của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cảnh báo rằng vệ tinh Starlink có thể cung cấp cho các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ và máy bay không người lái quân sự tốc độ truyền dữ liệu gấp 100 lần tốc độ hiện tại của chúng. Trung Quốc càng lo ngại sau khi công ty SpaceX ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để phát triển công cụ có khả năng theo dõi các hỏa tiễn siêu vượt âm (hypersonic weapon) trong thời gian thực và các công nghệ mới khác.
Bài báo của Nhậm lập luận rằng Trung Quốc nên phát triển các khả năng chống vệ tinh; bước đầu là xây dựng một hệ thống giám sát lớn có thể theo dõi và giám sát tất cả các vệ tinh của SpaceX; sau đó phát triển khả năng bắn hạ tất cả các vệ tinh đó. Nhậm khuyên Trung Quốc nên kết hợp các phương pháp tiêu diệt mềm và cứng để vô hiệu hóa một số vệ tinh Starlink và phá hủy hệ điều hành của hệ thống. Nếu việc này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên một chính phủ theo dõi một hệ thống vệ tinh lớn như vậy và có khả năng phá hủy nó.
Cho đến nay, giới khoa học và quân sự đồng ý với nhau rằng hệ thống vệ tinh Starlink hiện không thể bị triệt hạ, vì cho dù có nhiều vệ tinh bị mất thì toàn hệ thống vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Để phá hủy một hệ thống vệ tinh như Starlink, kẻ tấn công sẽ cần vũ khí chống vệ tinh phi quy ước, chẳng hạn như vũ khí sử dụng sóng vi ba có khả năng phá hủy thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử hoặc gây nhiễu.
Ông Nhậm của Trung Quốc cũng lưu ý các vệ tinh của Starlink được trang bị bộ đẩy ion, cho phép chúng nhanh chóng thay đổi vị trí trên quỹ đạo nếu chúng bị nhắm mục tiêu. Ông Elon Musk thì chế nhạo ý tưởng bắn hạ các vệ tinh Starlink và nói rằng, SpaceX có khả năng phóng vệ tinh còn nhanh hơn các đối thủ phóng hỏa tiễn.
Nguy cơ rác vũ trụ
Một vấn đề khác là bất cứ hệ thống vệ tinh nào bị phá vỡ sẽ sinh ra vô số những mảnh vỡ không gian khổng lồ, một mối nguy “rác vũ trụ” mà Cơ quan Hàng không Không gian Hoa Kỳ (NASA) đang đau đầu tìm cách đối phó. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp hàng nghìn vệ tinh bị bắn phá? Trong quá khứ, khi vệ tinh Kosmos 954 của Liên Xô bị vỡ trong bầu khí quyển ở phía bắc Canada, nó đã phát tán các mảnh vỡ phóng xạ, dẫn đến một vụ kiện phải bồi thường ba triệu đô la Canada.
Trong quá khứ, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các cuộc thử nghiệm quân sự chống vệ tinh (ASAT) bằng cách làm nổ các vệ tinh “mục tiêu” trên quỹ đạo, tạo ra những chùm mảnh vỡ lớn trong không gian. Các mảnh vỡ bay không kiểm soát đang đe dọa tàu vũ trụ, trạm không gian hoặc vệ tinh đi ngang qua lộ trình của chúng.
Elon Musk lại bị Trung Quốc tấn công
2021, một năm đầy khó khăn của tỉ phú Elon Musk tại thị trường Trung Quốc vừa kết thúc bằng một “cú đánh hội đồng” khác khi dự án internet vệ tinh Starlink Internet Services ((một dự án hứa hẹn cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn bộ Trái đất) do công ty SpaceX của ông triển khai trở thành “mục tiêu”. Bắc Kinh phàn nàn hai vệ tinh Starlink do công ty hàng không vũ trụ tư nhân Mỹ phóng lên đang gây nguy hiểm cho các phi hành gia Trung Quốc. Hệ quả, Musk bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc dù vụ việc vẫn chưa được Liên Hợp Quốc xác minh độc lập.
Nhờ Liên Hợp Quốc can thiệp
Đầu Tháng Mười Hai, trong một báo cáo gửi tới Văn phòng Các vấn đề Ngoài vũ trụ của Liên Hợp Quốc (United Nations Office for Outer Space Affairs-UNOOSP), Trung Quốc tố cáo hai vệ tinh Starlink đã bay quá gần trạm vũ trụ của nó, buộc trạm phải di chuyển né qua để tránh va chạm.
Báo cáo viết: “Hai trường hợp xảy ra vào ngày 1 Tháng Bảy và 21 Tháng Mười suýt gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Trung Quốc”. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc chỉ mới được chú ý rộng rãi trong tuần này sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc “xem xét kỹ lưỡng” vụ việc.
Ngày 27 Tháng Mười Hai, Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một tờ báo nhà nước, dẫn lời một chuyên gia suy đoán “SpaceX có thể đang cố gắng kiểm tra khả năng nhận biết và phản ứng của Trung Quốc trong không gian”. Vụ việc thu hút khoảng 90 triệu quan tâm trên Weibo, một tiểu blog giống Twitter của Mỹ, và tiếp theo là một cuộc “đại tấn công bằng ngôn từ”. Ví dụ: “Starlink là một “dự án bất hảo”, “một hình thức độc quyền trong cuộc chạy đua không gian”, “Mỹ đã kích động đối đầu”, “Starlink chỉ là… đống rác không gian”, “Những vệ tinh này là vũ khí chiến tranh không gian của Mỹ”, “Musk là vũ khí mới do chính phủ và quân đội Mỹ tạo ra” hay “Những nguy cơ của Starlink đang dần lộ diện, cả loài người sẽ phải trả giá đắt cho các hoạt động kinh doanh của SpaceX”. Và còn nhiều chỉ trích, qui chụp khác.
Ngày 28 Tháng Mười Hai, khi được hỏi về vụ việc, Zhao Lijian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ “Hãy có ngay lập tức biện pháp ngăn chặn tái diễn va chạm. Đây là minh chứng nữa cho ‘tiêu chuẩn kép’ của Mỹ, vừa hô hào ‘ứng xử có trách nhiệm trong không gian bên ngoài’ vừa phớt lờ các nghĩa vụ tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không gian bên ngoài và đe dọa nghiêm trọng tính mạng và an toàn của các phi hành gia”.
SpaceX không cho biết ý kiến về tài liệu Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc, cũng như các câu hỏi về việc công ty có liên lạc với chính quyền Trung Quốc lúc xảy ra sự việc không. UNOOSP cũng không trả lời. Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg (Vandenberg Space Force Base) của quân đội Mỹ, nơi giám sát giao thông không gian và theo dõi các vụ va chạm tiềm ẩn, cũng im tiếng.
Trong báo cáo của mình, Trung Quốc yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhắc nhở các nước tuân thủ Hiệp ước về quản lý hoạt động trên không gian bên ngoài.
Một vấn nạn của giao thông không gian
Nhiều người trên khắp nước Mỹ đang sử dụng mạng Starlink mới và mạng sẽ mở rộng sang các quốc gia khác khi SpaceX phóng nhiều vệ tinh Starlink hơn nữa. “Chùm sao” Starlink đã có hơn 1,900 vệ tinh. Những chùm sao vệ tinh tương tự khác mang tính thương mại hoặc của chính phủ ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian bên ngoài đã làm dấy lên câu hỏi về “cách quản lý giao thông trong không gian”.
Luôn tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa các vật thể trong không gian và báo cáo của Trung Quốc với Liên Hợp Quốc được xem là báo hiệu cho một vấn đề lớn hơn đang đặt ra cho các quốc gia khai thác vũ trụ khi chưa có một giải pháp quốc tế hoàn hảo để theo dõi và điều phối các vật thể trong không gian. Vì vậy, mối quan tâm về va chạm sẽ tiếp tục tăng và các hoạt động trong không gian cũng nguy hiểm hơn khi con người phóng nhiều vật thể hơn vào quỹ đạo.
Cần nhắc lại là Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm quân sự chống vệ tinh (ASAT) bằng cách làm nổ các vệ tinh “mục tiêu” trên quỹ đạo, tạo ra những chùm mảnh vỡ lớn trong không gian. Các mảnh vỡ bay không kiểm soát đang đe dọa tàu vũ trụ, trạm không gian hoặc vệ tinh đi ngang qua lộ trình của chúng.
Nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại về nguy cơ va chạm trong không gian và kêu gọi các chính phủ hãy chia sẻ thông tin về khoảng 30,000 vệ tinh và các mảnh vỡ không gian đang quay quanh Trái đất. Tháng Mười Một, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đột ngột hoãn chuyến đi bộ từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS vì lo ngại các mảnh vỡ không gian.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết: “Trạm Vũ trụ Quốc tế từng phải di chuyển ra khỏi đường đi của các mảnh vỡ từ các cuộc thử nghiệm ASAT năm 2007 của Trung Quốc. Nhắc lại để thấy, mọi bên liên quan đều có lỗi khi làm cho quỹ đạo Trái đất quá đông đúc như hiện nay. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên không gian mới bận rộn hơn nhiều”.
Không rõ liệu các vệ tinh Starlink được đề cập trong báo cáo của Liên Hợp Quốc có tự di chuyển ra khỏi trạm không gian của Trung Quốc không. Tuy nhiên, trang web Starlink khẳng định “Công nghệ tự động tránh va chạm được tích hợp vào vệ tinh Starlink, cho phép chúng tự động tránh né nếu phát hiện nguy cơ va chạm với rác vũ trụ, trạm vũ trụ hoặc bất kỳ vật thể nào khác”.
Theo McDowell, việc vệ tinh Starlink khi đến gần trạm vũ trụ của Trung Quốc vào Tháng Bảy có thể tự thực hiện một sự điều chỉnh nhỏ đường đi đã cho thấy hệ thống tự hành của nó hoạt động tốt. “Nhưng hệ thống đó có thể không hiệu quả nếu không có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Trung Quốc có lý do khi sợ rằng hệ thống tự hành sẽ không hoạt động hoặc chưa được kích hoạt”.
Trạm sạc điện cho xe Tesla tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Joshua Fernandez/Unsplash
Elon Musk sẽ phải chật vật lấy lại uy tín
Cuộc tranh cãi mới chắc chắn làm tổn hại đến danh tiếng của Musk ở Trung Quốc khi ông đã bỏ ra nhiều năm thuyết phục các cơ quan chức năng và người dân Trung Quốc để hãng sản xuất xe hơi điện Tesla của ông xâm nhập vào một nơi mà nhiều công ty nước ngoài khác không thể.
Năm 2019, Tesla trở thành nhà sản xuất nước ngoài duy nhất không có đối tác địa phương, được giảm thuế lớn cho xe hơi của họ (video Musk nhảy trên sân khấu trong buổi ra mắt Model 3 sản xuất tại Thượng Hải vào đầu năm ngoái được lan truyền trên Weibo). Thậm chí, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng nói ông sẽ rất vui để trao “thẻ xanh Trung Quốc” cho Musk sau khi doanh nhân Mỹ nói ông “rất yêu Trung Quốc”!
Nhưng sự tiếp nhận của Musk tại đất nước này đã bị tổn hại trong năm qua bởi một loạt “tiếng xấu”, trong đó có việc phải thu hồi hầu như toàn bộ xe Tesla sản xuất tại Thượng Hải do lỗi kỹ thuật. Công ty còn gặp sự phản đối của những người mua Telsa tại cuộc triển lãm xe hơi Thượng Hải năm nay về chất lượng và nhiều lo ngại an toàn khác mà các cơ quan quản lý Trung Quốc đang điều tra.
Musk, người từ lâu thể hiện sự yêu thích văn hóa Trung Quốc, đã bỏ ra hàng tháng để phục hồi lòng tin. Vào Tháng Bảy, nhân kỷ niệm 100 năm đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, ông viết trên Twitter: “Sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc là đáng kinh ngạc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng! Tôi khuyến khích mọi người hãy đến thăm và tận mắt chứng kiến”.
Trước đó vài tháng, “người đàn ông giàu nhất thế giới năm 2021” đã xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc để dành nhiều lời khen ngợi cho Bắc Kinh và khẳng định “Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới” đồng thời dự đoán “Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành thị trường quan trọng nhất của Tesla”.
Tháng Mười Một qua, Musk đã đưa lên Twitter một bài thơ cổ của Trung Quốc rất nổi tiếng, đề cập đến cuộc cãi vã giữa các anh em trong nhà. Nó nhanh chóng biến thành một chủ đề lớn trên Weibo nhưng không ai hiểu ý đồ của Musk là gì khi ông làm như thế!
Bình Phương
30 tháng 5, 2022
_________________
Đỗ Hứng gởi
|
|