TRUNG-TÁ TRẦN PHƯỚC THÀNH
Vụ không-tặc Nguyễn Cửu Viết xảy ra hôm trước thì sáng hôm sau Trung-Tá Trần Phước Thành từ Sài-Gòn bay ra đến gặp tôi để hỏi thăm tin-tức. Ông nguyên là Giám-Đốc Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Trung-Nguyên Trung-Phần, bây giờ là Chánh Sở An-Ninh của Nha Hàng-Không Dân-Sự Việt-Nam.
Báo-cáo của tôi đã được chuyển ngay bằng máy vô-tuyến vào Bộ Tư-Lệnh CSQG/Ngành Đặc-Biệt từ chiều hôm qua, và đã được đánh máy thành công-thư để đưa qua trình Tư-Lệnh Quân-Khu I cũng như giao cho tống-thư-viên đáp chuyến bay tải-thư đặc-biệt của Người Bạn Đồng-Minh mang vào Trung-Ương để xác-nhận*. Tôi lấy một bản sao báo-cáo ấy đưa cho Trung-Tá Thành. Ông chăm-chú đọc để xem có cần hỏi tôi thêm điều gì chăng.
-------
*Hồi đó, chưa có email, fax, điện-thoại cầm tay như bây giờ. Điện-thoại viễn-liên (của Bưu-Điện) thì rất hạn-chế, vì tốn nhiều tiền, đa-số Trưởng Ngành Đặc-Biệt ở địa-phương không có. (Xem Chương “Vấn-Đề Truyền-Tin)
*
Hôm qua, được tin sự-việc xảy ra, tôi liền xin Người Bạn Đồng-Minh cho tôi dùng một chiếc trực-thăng của Hãng “Air America” để bay ra tận nơi quan-sát và mở cuộc điều-tra. Nhằm ngày chủ-nhât, bạn tôi phải trả thêm tiền phụ-trội cho một phi-công để phục-vụ riêng cho chuyến đi của tôi. Tôi dẫn Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm cùng đi.
Vật trước tiên mà chúng tôi nhìn thấy là một chiếc phi-cơ của Hãng “Air Vietnam” đang nằm lẻ-loi trên góc tạm ngưng ở cuối đầu này đường-băng của sân-bay Phú-Bài (phi-trường của Huế, thuộc Tỉnh Thừa-Thiên). Được Đài Kiểm-Soát Không-Lưu xác-nhận là chính nó, tôi bảo phi-công đáp xuống đó. Chiếc tàu liên-hệ đậu lệch một bên trong vị-thế bị rời-bỏ vội-vàng; cửa lên/xuống mở rộng nhưng không có cầu-thang; hai bên thân trước, sát sau buồng lái, bị sức nổ xé toang một khoảng lớn.
Thiếu-Úy Hồ Đình Chi, Chủ-Sự Đặc-Cảnh Quận Hương-Thủy sở-tại, lái xe Jeep từ nhà-ga đến đón chúng tôi. Vừa lúc ấy, qua máy vô-tuyến trên xe, Thiếu-Tá Trương Công Ân, Chánh Sở Đặc-Cảnh Thừa-Thiên‒Huế, báo-cáo là anh đang trên đường đi, vì cần gom-góp các tài-liệu và tang-vật liên-hệ như tôi đã chỉ-thị nên đến trễ. Chi tóm-tắt tường-trình công-việc đã làm: băng-bó tạm-thời và chở ngay các người bị thương cùng với các xác chết đến bệnh-viện Huế; tập-trung đoàn phi-hành và các hành-khách thoát nạn lại ở phòng-khách phi-trường; rà-soát an-toàn trong lòng tàu; thu-thập chứng-tích liên-quan đến vụ nổ; phỏng-vấn các chứng-nhân; dò tìm đồng-lõa; v.v...
Chi hướng-dẫn chúng tôi trèo lên tàu. Hành-lý và đồ dùng cá-nhân ngổn-ngang, nhất là các loại đặc-phẩm của Đà-Lạt, trạm cất cánh cuối-cùng của chuyến bay. Ở chỗ lựu-đạn nổ, dâu, mận, mứt, mật, rượu, v.v... văng đổ tung-tóe, trộn lẫn với máu người be-bét, tạo nên một cảnh-tượng hãi-hùng.
Sau khi chụp các kiểu ảnh cần-thiết, tôi cùng Đạm và viên phi-công Mỹ lên xe Jeep của Chi theo tôi đến nhà-ga. Ở đây, tôi dành riêng phòng-khách để hỏi chuyện một nữ và một nam tiếp-viên, là hai chứng-nhân chủ-chốt trong vụ không-tặc đầu tiên này trong lịch-sử hàng-không Việt-Nam.
Khi tàu vừa rời khỏi bầu trời Đà-Lạt thì một nam-hành-khách tiến đến cửa buồng-lái, định xông vào. Nữ-tiếp-viên Hồng liền chặn lại, đẩy lui. Gã đưa cho thấy một quả lựu-đạn đã được rút chốt sẵn mà gã đang nắm trong tay, đòi phi-công lái thẳng ra Hà-Nội, đáp xuống sân-bay Gia Lâm (thuộc Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa, tức Cộng-Sản Việt-Nam, ở Bắc vĩ-tuyến 17).
Giằng-co ở lối đi giữa những hàng ghế đầu, cô Hồng nhanh trí kiếm kế đối-phó với quân cướp nguy-hiểm, cố gắng cầm chân gã lại, kéo dài thời-gian, và lừa cơ chế-ngự kẻ thù. Nam-tiếp-viên ở đằng sau, được cô báo-hiệu, đã dùng máy nội-đàm báo tin cho phi-công biết. Ông Dương Văn Em, Trưởng Đoàn Phi-Hành, đã liên-lạc, thảo-luận với Trung-Ương; và một kế-hoạch dàn cảnh để đánh lừa tên không-tặc đã được cấp-tốc thi-hành.
Trên tàu, các tiếp-viên cho gã biết là tàu đang bay ra Bắc, đúng theo ý muốn của gã; họ chỉ cho gã thấy vùng biển phía dưới, giải-thích là tàu phải bay ngoằn-ngoèo dọc theo duyên-hải hình chữ S của nước mình. Dưới đất, Ban Chỉ-Huy Phi-Trường Phú-Bài hạ hết các lá quốc-kỳ nền-vàng-ba-sọc-đỏ của Việt-Nam Cộng-Hòa ở trong và ngoài sân-bay, treo lên trên đỉnh Đài Kiểm-Soát Không-Lưu, nóc nhà-ga, và cổng ra/vào, mấy lá cờ nền-đỏ-sao-vàng của Cộng-Sản Bắc-Việt. Một số viên-chức an-ninh Quốc-Gia cũng đã cải-trang làm cán-bộ Miền Bắc, sẵn-sàng lên tàu hoan-nghênh gã, với mục-đích cấp-thiết là vô-hiệu-hóa quả lựu-đạn.
Thế nhưng khi phi-cơ hạ xuống đường-băng thì tên không-tặc nhận ra đó là phi-trường Phú-Bài. Biết bị gạt, gã liền thả chốt lựu-đạn, tự-sát và gây tử-vong cùng thương-tích cho những hành-khách ngồi gần.
Ngay từ lúc đầu, hầu như mọi người đều cho rằng gã là một phần-tử cộng-sản. Tôi muốn tìm hiểu và không ngờ chính cô Hồng cũng đã bình-tĩnh và sáng-suốt dò-hỏi điều đó, trong suốt hai tiếng đồng-hồ gợi chuyện để gài bẫy tên cướp không-trung.
Gã cần làm một chuyến đi xa, rời bỏ vùng đất mà ở đó gã không là gì cả để đến một nơi mới-lạ mà gã thấy có hứa-hẹn nhiều. Gã hành-động táo-bạo như thế là để bạn-bè ở Miền Nam hết coi thường mình, và để làm quà ra mắt với xã-hội ngoài kia. Gã chưa hề biết gì về Hà-Nội, không quen biết ai ở đó, và cũng không được ai giới-thiệu hay chỉ-dẫn gì cho chuyến đi.
Lúc ấy, tôi thấy xung quanh đã có mặt các sĩ-quan cao-cấp thuộc bốn phái-đoàn trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát & Giám-Sát Ngưng Bắn, cùng với Trung-Tướng Lâm Quang Thi là Tư-Lệnh Tiền-Phương Quân-Khu I, Đại-Tá Tôn Thất Khiên là Tỉnh/Thị-Trưởng Thừa-Thiên‒Huế, các phái-viên truyền-thông, v.v...
Tôi yêu-cầu tất cả dành ưu-tiên cho tôi điều-tra nội-vụ.
Tôi tóm-tắt cho Thiếu-Tá Đạm biết rằng tên không-tặc không phải là cộng-sản Bắc-Việt Xâm-Lược hoặc cộng-sản nằm vùng; gã chỉ là một phần-tử bất-mãn, xuẩn-động. Vì Đạm đang tiếp-xúc với các hành-khách và đám đông nên tôi muốn anh có câu trả lời chính-xác, nếu có ai hỏi về lý-do và mục-đích của sự việc xảy ra.
Tôi vừa moi tin, vừa ghi-âm và ghi-chép thành bản thảo báo-cáo, được đoạn nào là cho chuyển ngay vào Sài-Gòn đoạn đó.
Lúc Thiếu-Tá Ân đến, mang theo giấy-tờ cá-nhân, hình-ảnh và phiếu sưu-tra dấu tay của các người chết và bị thương, và cho biết tên của tên không-tặc là Nguyễn Cửu Viết, tôi cảm thấy thỏa-mãn với chính mình. Ước-đoán trước kia và nhận-xét hôm nay của tôi đều không sai.
Thời-gian tôi còn coi Ngành Đặc-Biệt ở Vùng II, tôi có chú ý đến một bản tin tình-báo của Đặc-Cảnh Tỉnh Tuyên-Đức nói về một thanh-niên ở Thị-Xã Đà-Lạt đã nhờ một người bạn ở Sài-Gòn kiếm giùm cho gã một quả lựu-đạn. Kết-quả điều-tra sơ-khởi cho thấy tên gã là Nguyễn Cửu Viết, quê ở ngoại-ô Thị-Xã Huế, bản-thân cũng như thân-nhân nội/ngoại không ai có liên-hệ gì với Việt-Cộng. Gã được cha+mẹ cho lên Tỉnh Tuyên-Đức ở học nghề thợ mộc với một người bà-con là chủ trại cưa. Ông này có một chiếc xe-hơi. Một hôm, Viết lái trộm xe ấy xuống đồi, rủi bị tai-nạn chấn-thương trên đầu. Từ đó, gã đổi tính, phát-ngôn bậy-bạ và hành-động dớ-dẩn. Đặc-Cảnh giám-thị, cả ở Huế, Đà-Lạt, và Sài-Gòn, nhưng không thấy gã có giao-tiếp với cộng-sản. Tôi đoán là gã sẽ cướp phi-cơ.
Hồi đó trong xã-hội Miền Nam Việt-Nam có một khuynh-hướng lây nhiễm những bệnh lạ của nước ngoài: nào là tu-sĩ phá phép, đối-lập theo thời, khuôn rập buồn nôn, dáng nhại James Dean, tóc xõa híp-pi, đồng-tính luyến-ái, tình gái cho không, học-trò đánh thầy, cởi truồng chạy phố, v.v... chỉ cướp tàu-bay là chưa. Tôi thông-báo cho Đặc-Cảnh Quận liên-hệ ở Đô-Thành Sài-Gòn biết và đề-nghị cho bám sát người bạn của gã, nhưng không biết các cấp đồng-nghiệp trong đó có lưu-tâm hay không.
Bây giờ dự-đoán của tôi đã thành sự thật. Tôi vội điện vào Ngành Đặc-Cảnh Vùng II để xin lý-lịch và địa-chỉ của người bạn mà Viết nhờ kiếm lựu-đạn cho gã.
Khi Thiếu-Úy Chi mang về cho tôi những tấm ảnh về chiếc Air Vietnam lâm-nạn được sang từ cuộn phim mà tôi đã nhờ anh đem đi rửa, tôi kéo Đạm và viên phi-công của mình ra về.
Lúc Trung-Tá Phạm Văn Ca, Giám-Đốc Nha Nội-Chính thuộc Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, do Đại-Tá (sau này là Chuẩn-Tướng) Huỳnh Thới Tây phái đi, bước đến từ một chiếc phi-cơ Air Vietnam khác, mới đáp xuống, thì mọi việc cần làm đều đã được tôi làm xong.
Về đến Đà-Nẵng, ngay tối hôm qua, tôi đã dựa vào chi-tiết của Ngành Đặc-Cảnh Vùng II phúc-đáp mà gửi điện cho Sở Đặc-Cảnh Quận liên-hệ ở Sài-Gòn, yêu-cầu trong đó hỏi cung giùm kẻ bị tình-nghi cung-cấp lựu-đạn cho thủ-phạm của vụ toan cướp và đã phá-hoại tàu-bay này*.
-------
*Xem Chương “Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây”.
Trung-Tá Trần Phước Thành vừa ngỏ lời khen tôi tháo-vát thì chuông điện-thoại reo.
Thiếu-Tá Đặng Văn Song, Chánh Sở Đặc-Cảnh Thị-Xã Đà-Nẵng, báo-cáo rằng một điệp-viên của mình vừa bị Chi An-Ninh Quân-Đội Quận Quế-Sơn (Tỉnh Quảng-Nam) chặn bắt quả-tang mang theo trong người một số tài-liệu của cán-bộ nội-thành Đà-Nẵng chuyển lên mật-khu. Tiếp theo, Trung-Tá Nguyễn An Vinh, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực sở-tại, cũng gọi nhờ tôi can-thiệp để bảo-vệ điệp-vụ.
Tôi lật liếc nhanh vào cuốn tài-liệu tóm-lược mọi vấn-đề hiện-hành luôn luôn có sẵn bên tay, quay máy điện-thoại quân-sự gọi Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh-Sở An-Ninh Quân-Đội Quân-Khu I. Nghe tôi xác-nhận rằng nguời bị bắt là mật-viên của Đặc-Cảnh Đà-Nẵng và yêu-cầu ông giao đương-nhân cho tôi, Đại-Tá Nhơn sốt-sắng nhận lời. Ông cho biết là Quân-An đã bắt hai người chứ không phải chỉ một, và đồng-ý để tôi nhận lãnh cả hai. Ông chuyển lệnh đến Phó Sở là Trung-Tá Huệ. Trung-Tá Huệ hỏi tôi sao không báo sớm, vì vừa mới chuyển hai người ấy qua Phòng 2 Quân-Đoàn I; nơi đây cần lấy lời khai mà trình nội-vụ lên Tư-Lệnh, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng. Tôi lại gọi điện-thoại qua Đại-Tá Phạm Văn Phô. Cả Đại-Tá Phô lẫn Trung-Tá Hiển, Trưởng và Phó Phòng 2 Quân-Đoàn/Quân-Khu I, đều sẵn-sàng trả lại nội-bọn cho tôi. Tôi hỏi có cần làm thủ-tục giấy-tờ gì không, Đại-Tá Phô đáp không cần. Tôi nói thêm với Trung-Tá Hiển rằng những tin-tức mà Việt-Cộng nằm vùng ghi trong báo-cáo gửi lên mật-khu, kể cả tình-hình quân-sự của ta, đều đã được tôi kiểm-duyệt và chấp-thuận trước rồi, vì cán-bộ trinh-sát nội-thành của đối-phương đã trở thành nhân-viên nhị-trùng của Đặc-Cảnh rồi. Tôi hẹn tôi sẽ đích-thân đến Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I mà nhận các đương-nhân, tránh bớt trung-gian để bảo-mật công-tác.
Tôi đã hội-họp nhiều lần với cặp Đại-Tá Nhơn‒Trung-Tá Huệ đứng đầu ngành Phản-Gián Quân-Sự, cũng như với cặp Đại-Tá Phô‒Trung-Tá Hiển cầm nắm ngành Quân-Báo, tại Quân-Khu này, nhưng nhân dịp này tôi mới thấy rõ là cả Chánh‒Phó của hai cơ-quan bạn ấy đều chung sức chung lòng làm việc với nhau, không như một số Chánh‒Phó ở nhiều ngành và cấp khác, kể cả Cảnh-Lực, khiến tại một số nơi, phụ-nữ có câu: “Thà làm bé ông lớn hơn là làm lớn ông bé!” và trong công-quyền và trong quân-ngũ thì có câu: “Thà làm lớn cấp bé, hơn là làm bé cấp lớn!”
Tôi gọi điện-thoại báo tin kết-quả can-thiệp của tôi cho Chánh-Sở Đặc-Cảnh và Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Đà-Nẵng, và báo-cáo lên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, thông-báo cho Người Bạn Đồng-Minh của tôi, rồi bảo Sở Tác-Vụ báo-cáo sự-việc lên Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương đồng-thời chuẩn-bị hồ-sơ để đợi tôi giải-quyết hậu-quả của việc bất-trắc đã xảy ra cho điệp-viên.
Xong, tôi quay lại thì thấy Trung-Tá Thành đang chăm-chú nhìn tôi. Tôi hỏi ông xem sau khi đọc xong bản tường-trình về vụ không-tặc thì ông có cần hỏi thêm gì tôi không. Ông lắc đầu, rồi gật gật đầu thong-thả nói:
‒ Thấy rõ việc làm của anh, tôi thỏa-mãn vô cùng.
Ngoại-trừ các cảnh-nhân mới được tuyển-dụng và các quân-nhân mới được biệt-phái qua Cảnh-Lực sau này, không có viên-chức Công-An Cảnh-Sát thâm-niên cao-cấp và trung-cấp nào mà không biết đến Trung-Tá Trần Phước Thành.
Ông nguyên là Phó Giám-Đốc của Trung-Tâm Huấn-Luyện & Tu-Nghiệp Cao & Trung-Cấp, về sau là Trường Tình-Báo Trung-Ương, thuộc Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia. Đại-Tá Đàm Trung Mộc, Giám-Đốc, chỉ quản-trị tổng-quát trên mặt lý-thuyết và giấy-tờ, và giảng Hình-Luật Phổ-Thông. Phó Giám-Đốc Thành dạy Tình-Báo và thực-sự điều-hành sinh-hoạt tại các lớp, hoạt-động thực-tập ngoài đường, và kỷ-luật nội-trú trong trường. Tôi đã về học ở đó nhiều lần. Tiêu-chuẩn học-tập của ông đặt ra rất cao. Mọi người đều ngán tính nghiêm-khắc, cương-quyết, tỉ-mỉ, và sắc-bén của ông. Tuy ông không nói ra nhưng học-viên cảm thấy theo ý ông thì hầu như chỉ có ông mới thực-hiện nổi những nguyên-tắc và điều-kiện nhiêu-khê kia. Nhất là thời-buổi bấy giờ Cảnh-Sát khó lòng mà được sự hợp-tác nhiệt-thành từ phía nhà-binh.
Trong tình-hình xáo-trộn sau chính-biến 1-11-1963, đặc-biệt ở thủ-phủ của Miền Trung, nơi liên-tục phát-xuất nhiều đợt tranh-đấu chống chính-quyền, Trung-Tá Thành nhờ nổi tiếng mẫu-mực nên được chọn từ lò đào-tạo ra, giữ trách-vụ Giám-Đốc CSQG Miền Bắc Trung-Nguyên Trung-Phần.
Nhân dịp ra Huế, tôi ghé thăm ông. Ông tâm-sự:
‒ Trên thực-tế, công-việc khó-khăn hơn lý-thuyết nhiều. Trung-Tướng Nguyễn Chánh Thi việc gì cũng hỏi đến tôi. Cộng-sản, dân-chúng, đảng-phái, tôn-giáo, sinh-viên, nghiệp-đoàn... Ngay đối với bạn, thì giao-tiếp với Phòng 2, An-Ninh Quân-Đội, cũng không phải là chuyện dễ; mà hễ đụng đến quân-nhân và các đơn-vị quân-sự thì cũng khó mà êm xuôi...
Lời nói ấy giờ đây tôi vẫn còn nhớ rõ. Sự thật là thế. Nhưng ý Trung-Tá Thành muốn nói là trước khi ghé vào thăm tôi ông vẫn đinh-ninh rằng Cảnh-Sát Công-An giữa thời chiến, dưới chế-độ quân-lực-trị, khó mà đạt được sự giúp-đỡ, nói gì sự nể-vì, từ phía quân-nhân.
Ông vừa đứng dậy định từ-giã tôi thì chuông điện-thoại reo. Trung-Tá Phạm Văn Ca từ Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương gọi ra cho biết là Đại-Tá Huỳnh Thới Tây không bằng lòng việc tôi điện thẳng cho Quận liên-hệ tại Sài-Gòn để nhờ họ điều-tra người bạn của tên không-tặc Nguyễn Cửu Viết. Đại-Tá Tây bảo tôi muốn làm gì ngoài lãnh-thổ Vùng I thì phải trình xin quyết-định của Trung-Ương.
Lại một lần nữa tôi thấy rõ trở-ngại trong việc điều-hành cảnh-vụ mà rập khuôn theo phương-thức áp-dụng bên Quân-Lực: Phòng 2 chỉ cung-cấp tin-tức tình-báo; kế-hoạch hành-quân phải do Phòng 3 đưa ra. Các cấp lãnh-đạo Cảnh-Lực bây giờ là quân-nhân; họ xóa bỏ cái chức-năng đa-hiệu của mọi nhân-viên Ngành Áp-Pháp, mà chính Sắc-Lệnh cải-tổ Cảnh-Lực Quốc-Gia năm 1971, dù đã thay-đổi đa-số quy-tắc, vẫn còn giữ lại ít nhất là một gia-tài, tuy ít được ai thấy rõ giá-trị để triển-khai:
Các cấp chỉ-huy Đặc-Cảnh đều có tư-cách Tư-Pháp Cảnh-Lại mà họ gọi là Hình-Cảnh-Lại. Mỗi Chỉ-Huy-Trưởng CSQG cấp Tỉnh, Quận đều được quyền ban lệnh tầm-nã nghi-can cho toàn-quốc thi-hành. Và, Tư-Pháp Cảnh-Lại/Hình-Cảnh-Lại, với tư-cách Phụ-Tá Biện-Lý (Công-Tố-Viên) một Tòa Án Sơ-Thẩm, các cấp chỉ-huy Đặc-Cảnh cũng được quyền yêu-cầu sự tiếp tay của các Tư-Pháp Cảnh-Lại/Hình-Cảnh-Lại thuộc các Tòa Án khác, lúc cần thì vẫn vượt không-gian và khòi qua trung-gian.
Trung-Tá Trần Phước Thành cũng là quân-nhân, nhưng thuộc thiểu-số rành nghề, được biệt-phái qua Ngành Áp-Pháp từ hồi cấp-bậc còn hiếm, một đại-úy đã có thể làm Giám-Đốc CSQG một Vùng.
Tôi không nói gì với ông, nhưng ông bắt tay tôi thật chặt, như để tỏ lòng thông-cảm của một người thuộc lớp đàn-anh.
(Trích từ cuốn sách hồi-kí “Về Vùng Chiến-Tuyến” do Văn Nghệ ấn-hành năm 1996)
*
GHI RIÊNG: Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên công-khai và chính-thức phản-đối tính-cách quân-phiệt của chế-độ Nguyễn Văn Thiệu.
“… Thêm nhiều sĩ-quan Quân-Lực được biệt-phái qua nắm giữ các chức-vụ chỉ-huy quan-trọng trong Ngành Áp-Pháp. Trừ một thiểu-số có khả-năng, còn thì số khác đã không thạo việc mà không chịu học lại còn lợi-dụng cương-vị mới ― có quyền-hành trực-tiếp đối với dân-nhân ― để làm lợi riêng cho bản-thân, do đó, làm hại chung cho hoạt-động của cơ-quan trọng-yếu này Chính-Quyền. Tôi thấy trước hậu-quả bất-lợi cho chế-độ nói chung, nhất là qua chính-sách quân-cách-hóa guồng máy này, nên đã gửi lên Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, hồi đó là Trung-Tá Nguyễn Mâu, một bức thư điều-trần quan-điểm của mình…
(Trung-Ương đưa Trung-Tá quân-nhân Nguyễn Văn Long ra làm Giám-Đốc CSĐB Vùng II thay-thế tôi.)
Tôi tự thấy mình có nhận-thức đúng, như đã từng có nhận-thức đúng về các biến-cố lịch-sử trước đây; và tôi đã biểu-lộ bằng cả lời nói lẫn việc làm công-khai, trong khuôn-khổ trách-nhiệm và quyền-hạn có sẵn, cái nhận-thức "cấp-tiến" và "quá-khích" ấy của mình…”
(Trích từ “Về Vùng Chiến-Tuyến” trong cuốn sách hồi-kí “Về Vùng Chiến-Tuyến” do Văn Nghệ xuất-bản năm 1996.)
LÊ XUÂN NHUẬN
usaelection gởi