Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Truyện Ngắn: Chân Dung Người Hàng Xóm (phần I)

 
 
 
 

Dương Thu Hương sinh năm 1947 tại Thái Bình, Bắc Việt, từng tốt nghiệp khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du cùng với Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Bằng Việt... và đã đoạt giải nhất truyện ngắn của báo Văn Nghệ Hà Nội. Được mô tả là một cây viết phản kháng can đảm, dám nói thẳng những gì mình suy nghĩ, Dương Thu Hương đã trở thành một trong những cây viết tiêu biểu cho dòng văn học mệnh danh "phản kháng" tại Việt Nam. Trong số các tác phẩm bà sáng tác, có những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tinh thần phản kháng của bà đối với chế độ CS, với những tập tục cổ hủ của xã hội miền Bắc như Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Đường Mù, Tiểu Thuyết Vô Đề... Nhưng bên cạnh những tác phẩm thể hiện những suy tư chân thực của một nhà văn, Dương Thu Hương còn là một người cầm viết sẵn sàng sáng tác theo đơn đặt hàng của đảng, hay nói theo ngôn ngữ XHCN, "theo nhu cầu của cách mạng". Truyện ngắn Chân Dung Người Hàng Xóm dưới đây đã được Dương Thu Hương sáng tác vào tháng 9 năm 1979, sau khi cuộc chiến tranh Việt Trung bùng nổ sẽ cho qúy độc giả thấy được một người cầm viết trong xã hội CS, dù muốn dù không, cũng không thể thoát khỏi vai trò của một nhà tuyên truyền cho chế độ. Vì là tác phẩm đầu tay của Dương Thu Hương nên qúy độc giả sẽ thấy truyện có nhiều tình tiết gượng ép, ý tưởng tuyên truyền của tác giả được bộc lộ một cách sống sượng, bất chấp cả những phát triển phải có của tình người. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế của một tác phẩm đầu tay, qúy độc giả cũng nhận thấy những duyên dáng đặc biệt của tác giả đã sớm thể hiện qua việc mô tả nhân vật, sự kiện, và lối viết tự nhiên, không cầu kỳ của bà.


*

Khi tôi chuyển đến N, một thị trấn nhỏ vùng biên giới, bà cô ruột của tôi lại từ đó rời về Hà nội với đứa con gái duy nhất vừa lấy chồng. Bởi thế, bà để lại cho tôi căn nhà, với giá rất rẻ, hầu như việc lấy tiền chỉ là một sự tượng trưng. Nhà của cô tôi là một trong sáu căn nhà xây áp tường nhau, kéo một vệt dài ven phố bờ sông. Cô tôi bảo dãy nhà này là của một Hoa kiều làm nghề thầu khoán xây vào cuối thời kháng Pháp rồi bán lại cho các chủ, mỗi căn giá bốn lạng vàng. Sáu căn nhà giống nhau như sáu giọt nước. Tất cả đều là nhà một tầng, lợp ngói máng rất cao. Mái trước dốc, mái sau thoai thoải kéo dài cho tới sân nhà bếp. Nhà nào cũng có một cửa ra vào và hai cửa sổ lớn cánh bằng gỗ lắp có thể mở cửa bán hàng. Mỗi nhà có hai buồng và một gian gác xép bằng gỗ lim. Trên khoảng tường cao áp mái, người ta đục một lỗ cửa đắp hình hoa thị. Do lỗ cửa này, những câu chuyện trong nhà không thể che giấu người bên cạnh.


Khi tôi dọn đến, ô cửa bên trái đã bị trát kín từ lâu. Lớp vữa khô còn in rõ những nhát bay vụng về. Ô cửa tường bên phải vẫn để ngỏ. Cô tôi giải thích:


- Cái cửa kia thông sang gian gác nhà Lý Ung nên phải trát kín đi. Lão ấy mặt dơi tai chuột, gian giảo lắm. Còn cái cửa này cứ để nguyên cũng được. Bên ấy là nhà chú Lý Xuân. Chú ấy là người hiền lành, ngay thật...


Vợ tôi im lặng nhìn tôi. Tôi mỉm cười:


- Thế là ta có hai hàng xóm trái màu đấy. Nhớ lời cô dặn mà xem xét...


Cô tôi còn dặn dò chúng tôi một lô kinh nghiệm sống, cách xử thế, những việc linh tinh, những nhân vật đáng chú ý ở cái phố miền sơn cước mà bà đã sống quá nửa cuộc đời. Sau đó cô đi xem xét lại toàn bộ căn nhà với vẻ bịn rịn rồi bảo tôi đưa ra ga. Khi làn khói trắng của còn tàu tắt dần giữa các vách đá, tôi quay lại thị trấn. Con đường bụi mờ mờ trải dưới chân tôi vệt son dài hoang dã. Một nỗi lo âu mơ hồ đè nặng trong tim: Tôi sắp sửa sống ở một vùng đất mới, với những con người mới. Không có ai quen thuộc ở nơi đây. Phải, mối quan hệ lớn nhất bây giờ là quan hệ với những người hàng xóm...


Chiều hôm ấy, cơm xong tôi lững thững ra sân. Trời êm ả. Mùi hoa móng rồng ở bức tường sau bếp toả ra thơm nức. Tôi ngồi xuống ghế, nhìn những vách núi rực nắng chồng chất ở chân trời phía Tây. Tiếng một người bất chợt cất lên:


- Anh chị mới đến ở đây"...


Tôi quay lại. Bên kia hàng rao trồng đậu đũa, một người đàn ông tươi cười nhìn tôi, hàm răng lấp lánh. Ngay tức khắc, tôi hiểu đó chính là Lý Xuân. Tôi vồn vã trả lời:


- Chúng tôi mới chuyển công tác lên đây. Cô tôi để lại cho cái nhà này...


Người đàn ông gật đầu lia lịa:


- Ô, lên đây ở cho vui... anh em áo ngắn cả mà. Trước bà Ân với nhà tôi cũng quí nhau lắm...


Chúng tôi cùng giới thiệu tên mình. Người hàng xóm gương mặt đỏ hồng, tươi tắn. Mái đầu cắt ngắn trên cổ vạm vỡ. Ngực rộng. tấm thân rắn chắc nổi lên những bắp thịt như những múi thừng. Anh ta cởi bộ quần áo thợ ra, bỏ mũ đập cho sạch bụi rồi ngồi xuống gốc một cây liễu cưa cụt làm ghế. Mặt gỗ ngồi nhiều đã nhẵn bóng nhưng ở nơi gốc cây, chồi non đâm tủa lên một đuôi công xanh mớt. Lý Xuân ngồi trên chiếc ghế tự tạo đó với dáng điệu của một ông vua ngồi lên ngai vàng của mình. Anh ta vừa phe phẩy chiếc mũ vừa khoan khoái ngắm nhìn vườn tược, khóm đậu xum xuê và những vòi hoa tím nhạt nở lốm đốm khắp hàng rào. Vẻ mặt mãn nguyện hồn nhiên của anh ta làm tôi có thiện cảm. "Ít ra thì mình cũng đã có một người hàng xóm tin cậy được..." Tôi thầm nghĩ.


Trong bếp nhà Lý Xuân, một phụ nữ bưng mâm cơm bước ra. Người đàn ông quay lại nhìn vợ đon đả:


- A Phượng này, anh chị Ngọc ở dưới xuôi mới lên ở bên thím Ân, hàng xóm mới của nhà mình đấy...


Người đàn bà khẽ cúi chào rồi bước thẳng lên nhà trên. Tôi cảm thấy trong dáng điệu của chị ta, có ẩn giấu một vẻ kênh kiệu kín đáo. Lát sau người vợ cất tiếng gọi:


- Lên ăn cơm Lý Xuân à...


Anh chồng nhỏm dậy:


- Để tôi xay xong cối bột đã nhé.


Dứt lời anh ta chạy vào bếp, khuân một chiếc cối đá cỡ đại ra sân. Xong, lại bê ra một thúng gạo ngâm và một soong nước. Ngồi lên gốc liễu, anh ta chạng hai chân ôm lấy chiếc cối, cầm cần tay. Thế rồi, một tay giội nước, vun gạo, một tay quay vèo vèo liên lục. Chỉ độ một giờ sau Lý Xuân đã xay xong cối bột. Anh ta đứng dậy nhìn tôi cười hể hả:


- Tôi là thợ cơ khí của thị trấn... Tối về làm bánh cải thiện thêm. Anh thấy không"... Tôi làm trong chớp mắt là xong thôi mà...


Tôi gật đầu đồng tình với người đàn ông tràn trề sức sống đó. Lý Xuân cất dọn mọi thứ rồi ra giếng tắm. Sau tiếng giội ào ào là tiếng anh hàng xóm gọi vợ:


- A Phượng, tôi xay xong bột rồi, đi ăn cơm thôi...


Rồi khi vào nhà tôi đã thấy cái bóng đồ sộ của anh ta in giữa khung cửa mở giống như bóng của một con gấu rừng. Suốt bữa ăn không nghe người vợ nói năng gì. Chỉ có tiếng bát đũa va chạm lách cách và tiếng anh chồng thỉnh thoảng lại sốt sắng giục:


- Kìa, mình ăn đi chứ... Ăn đi kẻo ốm...


Trước đây, quan hệ của cô tôi với nhà hàng xóm bên trái là Lý Ung có lẽ không mặn mà cho lắm. Vì vậy, không những ô cửa hoa thị trên nóc tường áp mái bị trẹt kín mà đến hàng rào ngăn cách phần sân của hai nhà cũng được bịt bùng bằng mọi thứ ván gỗ, mảnh toả rỉ và những đồ vật linh tinh khác. Hàng rào chướng ngại ấy trông xấu xí đến tức cả mắt, đối lập hẳn với hàng dậu thông sang nhà Lý Xuân được giăng bằng vài chéo nứa gài cánh sẻ, dây đậu leo xanh rờn, hoa tím nở lung linh như bươm bướm. Tôi có ý định tháo dỡ hàng rào cồng kềnh giữa nhà mình và nhà Lý Ung. Trước tiên là để quan hệ giữa hai nhà bớt căng thẳng. Sau đó là làm một hàng dậu trồng dây leo cho mát mắt.


Tôi sang gặp Lý Ung, người hàng xóm thứ hai. Đó là một người đàn ông thấp bé tuổi trạc bốn mươi. Đúng như cô tôi đã nói, hình dung ông ta có phần kỳ dị. Mặt Lý Ung nhỏ quắt queo, đôi tai mỏng và nhọn bám vào hai bên đầu như đôi tai chuột. Chúng tôi làm quen và nói chuyện cầm chừng. Trái với Lý Xuân, Lý Ung ít cởi mở. Ông ta đắn đo từng câu nói, cặp mắt nhỏ đưa đẩy luôn luôn về phía quầy bày những con vịt quay bóng loáng. Nhà Lý Ung hơi tối vì những đồ vật kê chen chúc. Tủ đứng, tủ bò, giường nằm, bàn ăn cho khách... Toàn là những loại đồ sộ bằng gỗ gụ hoặc lát chun. Trên gác xép, góc trong cùng giáp với nơi mái ngói chụp xuống bức tường chắn đỡ, một chiếc bàn thờ lót sa tanh đỏ kê ngay ngắn. Trên bàn thờ dựng một bài vị đề chữ Hán, bát hương, vài quyển sách bọc da ám khói và mấy quyển Mao tuyển đỏ chói.


Tôi nói chuyện với ông ta khá lâu. Nhng mối quan hệ cũng không tiến triển được bao nhiêu vì Lý Ung kín như một cái hũ nút. Rút cuộc, tôi đành phải nói tới việc phá dỡ hàng rào với ý nghĩ rằng mình đang làm một chuyện vô ích. Đúng như tôi phỏng đoán, người hàng xóm từ chối. Ông ta đưa ra một lô lý do quanh quẩn mà tôi không hiểu nổi. Sau cùng, tôi đành thất bại ra về.


Cái hàng rào vẫn cứ sừng sững giữa hai mảnh đất, thô kệch và xấu xí, ngăn cách đời sống của gia đình tôi với người hàng xóm Hoa kiều ở phía bên trái. Cũng từ dạo đó tôi không để ý đến ông ta nữa. Chỉ có đôi dịp chuyện trò với những người cùng phố, họ cho tôi biết Lý Ung rất giàu và khôn khéo. Dân Hoa kiều ở thị trấn này nể sợ ông ta. Ông ta sống ở đây rất lâu với đứa con gái; còn người vợ chưa thấy mặt bao giờ. Đứa con gái Lý Ung tôi nhìn thấy luôn. Nó giống ông ta như tạc, khuôn mặt và đôi tai bé quắt, con mắt nhìn lầm lì, bí ẩn...


Hàng đậu đũa đã được hái lứa đầu tiên. Những chùm quả mềm mại thả dọc bờ đậu, tươi mởn. Quan hệ giữa gia đình tôi và nhà Lý Xuân cũng gắn bó thêm một mức. Chiều nào ở hai bên sân chúng tôi cũng ngồi trò chuyện. Những câu chuyện về sự làm ăn, sinh hoạt thường kỳ trong phố. Khi nào có trà ngon Lý Xuân mời tôi sang ngồi bên gốc liễu cụt uống nước. Tôi chỉ cần bước nhẹ qua kẽ hở của hàng đậu đũa là tới nơi. Còn nếu tôi mua được cà phê, thế nào tôi cũng bày bộ tách sứ Giang Tây của cô tôi để lại, với hai chiếc phin pha sáng loáng mời anh hàng xóm sang thưởng thức. Và Lý Xuân chỉ co chân bước một bước là vượt qua hàng rào, ngồi vào chiếu với tôi.


Đứa con trai tôi rất quyến luyến Lý Xuân. Anh ta cũng quý thằng bé. Buổi tối làm bánh rán Lý Xuân thường giành viên bột cuối cùng nặn thành con chim, con cá, chiếc đùi gà hoặc quả đào rán phồng lên đem cho thằng bé. Đôi khi, tôi bắt gặp anh ta bế nó lên đùi, vụng về ve vuốt:


- Ô... cháu ngoan lắm... cháu có muốn làm con nuôi chú không"


Lý Xuân lấy vợ đã chín năm mà chưa có con. Tôi biết anh ta đang khao khát được làm bố. "Khi nào có con tôi sẽ đóng cho nó một con ngựa gỗ có lắp chuông. Khi nào có con tôi sẽ gửi mua cho nó chiếc xe đẩy bánh bọc cao su thật tốt, người bà con của tôi bên Trung Quốc đã hứa mua hộ... Khi nào tôi có..." Anh ta thường nói với tôi như vậy.


Vợ Lý Xuân mắc chứng bệnh gì đó không rõ. Không thấy chị ta đi làm. Công việc của chị ta trong một ngày chỉ là đi chợ, nấu hai bữa cơm và buổi tối giao bánh cho nhà hàng. Mỗi ngày A Phượng phải ăn một lạng giò hoặc hai lạng vịt quay. Lý Xuân bao giờ cũng nhường thức ăn cho vợ còn bản thân anh ta thì chỉ ít dầu hoặc một tô rau bí xào cũng và hết sáu bảy bát cơm. "Kìa, mình ăn đi, chả quế của dì Sáu Sìu đấy... Kìa mình ăn đi, vịt ông Lý Ung quay mới ra lò..." Ngày nào tôi cũng nghe người chồng nhắc lại cái điệp khúc ấy vào bữa cơm. Chị vợ điềm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc đó, với một vẻ im lặng nửa hồn nhiên nửa điệu bộ. Hàng tóc mai cắt bằng xoã xuống trán như một tấm mành bên trên cặp mắt một mí long lanh. A Phượng có cái vẻ đẹp của các cô gái vẽ trên hộp phấn rôm Thượng Hải ngày trước. Không hiểu sao tôi thiếu thiện cảm với chị ta. Cả vợ và đứa con trai tôi cũng vậy.



Lý Xuân hát bằng tiếng Hoa, tiếng của tổ quốc anh ta. Mắt anh ta nhìn xa xôi, rưng rức. Giai điệu của bài ca bay lên như cánh chim rồi lượn lờ hạ dần xuống. Lát sau, tưởng chừng sắp sửa tắt đến nơi nó lại vọt lên đột ngột như một đỉnh núi cao bỗng hiện lên phía trước con đường. Tôi nghe tiếng hát buồn buồn của Lý Xuân và thấy hiện ra trước mắt mình một vùng đất bao la tuyết phủ, những làng mạc thưa thớt, những ngôi nhà đắp bằng đất, những bầy chim xứ lạnh bay chậm chậm, vừa bay vừa cất tiếng kêu trên giải đồng bằng xa tắp... Năm tháng bình yên trôi.


Nhưng cuộc sống của Hoa kiều trong thị trấn bỗng nhiên bị xáo động. Cuộc cánh mạng văn hoá vô sản ở Trung Quốc ảnh hưởng tới tận nơi đây. Nhóm Hoa kiều xôn xao. Họ nhận trước tác Mao Trạch Đông đọc và thảo luận. Vài người bỏ về nước. Lại một số người khác vượt biên giới sang. Một buổi sớm rét mướt, công an biên phòng tìm thấy hai xác chết của người Hoa nằm trong một am nhỏ thờ thần ở ven rừng. Cả hai đều bị đâm nát mặt. Trong những ngày đó Lý Xuân có vẻ hốt hoảng. Anh ta ủ rũ và ngơ ngác. Đi làm về, Lý Xuân lùi lũi xay bột, không còn nghêu ngao hát nữa. Nhưng trái lại, A Phượng thì xăng xái lắm. Ngày nào cũng thấy chị ta sang nhà Lý Ung bàn tán chuyện trò, vẻ mặt đầy vẻ quan trọng. Trừ những lúc nấu cơm, A Phượng ngồi đọc trước tác Mao Trạch Đông. Buổi tối, khi Lý Xuân ăn cơm chị ta nói lại cho chồng nghe với cái giọng san sát như mảnh bát cọ nhau. Chúng tôi không hiểu được nội dung, chỉ thấy Lý Xuân cắm cúi và cơm, hoặc dựng đũa thở dài sườn sợt. Tất cả dân phố đều phấp phỏng chờ đợi một cái gì đó không lành sẽ xảy ra trong những người dân Hoa. Nhưng may sao, mọi việc êm xuôi. Ngày nối ngày qua đi và sự xôn xao lắng dần xuống. Người ta bận làm ăn, kiếm sống, lo toan trăm thứ nên những cuộc họp riêng để đọc trước tác Mao Trạch Đông ít dần và bị lãng quên. Lý Xuân tươi tỉnh trở lại. Thỉnh thoảng đã thấy anh ta ngồi trên gốc liễu cụt nhấm nháp chén trà và cất tiếng hát.


Nhưng riêng A Phượng vẫn chưa thể trở lại nhịp sống bình thường. Khi Lý Xuân đi làm, chị ta vẫn sang nhà Lý Ung mỗi sáng. Thay vì đọc trước tác, chị ta ăn phở chùa do chủ nhân thết đãi. Chuyện đó nghiễm nhiên thành lệ. Dân phố xì xào. Đứa con gái Lý Ung nhìn A Phượng với con mắt hằn học kín đáo. Chỉ có Lý Xuân là không hề hay biết. Một buổi sáng trời mưa lớn. Cơn mưa đầu hạ rơi ồn ào trên mái ngói. Tôi ngồi viết lại số phích cho tủ sách cơ quan. Một dòng nước từ mái ngói bỗng nhỏ long tong xuống bàn, bắn lên những tấm bìa viết mực nho còn ướt. Tôi vội vã chuyển bàn làm việc tới một góc nhà và leo lên gác xép xóc lại mảnh ngói vỡ trong bụng thầm đoán đây là kết quả trận ném nhau của lũ trẻ trong phố.


Trên sàn gác, nước dột đọng thành vũng. Tôi kiếm một chiếc ghế nhỏ. Khi đứng trên ghế, đầu tôi đã gần chạm tới cây rui. Vô tình, tôi đưa mắt nhìn vào ô cửa hoa thị thông sang gác nhà Lý Xuân, lúc ấy đã ở ngay trước mặt. Một tia sáng mảnh rọi thẳng từ trên kẽ ngói vào ô cửa trống. Nhờ tia sáng đó, tôi nhìn thấy trên sàn gác nhà Lý Xuân, trong khoảng tối lờ mờ vì chăn đệm che lấp và những bức gỗ nặng nề vây quanh, hai bóng người loã thể vặn vẹo như đôi rắn. Ngay tức khắc, tôi nhận ra A Phượng và Lý Ung. Hoảng hốt, tôi tụt xuống ghế lao xuống nhà dưới. Lặng lẽ và câm nín như một kẻ ăn trộm.


- Sao thế" Xóc lại ngói đi...


Vợ tôi ôm đứa con trai ngồi trên giường la to. Tôi đến bên cô ta, đặt bàn tay lên vai, bóp thật mạnh:


- Đừng om sòm lên. Nước dột nhỏ vào giữa mặt, chờ tạnh mưa mới sửa được.


Thấy thái độ lạ lùng của tôi, cô ta im lặng ngay. Buổi tối, tôi kể chuyện cho vợ tôi nghe. Cả hai chúng tôi cùng ngồi lặng hồi lâu, thương xót anh chồng bị lừa dối.


Sau trận mưa mở đầu, những cơn mưa mùa hạ gọi nhau ào ạt kéo đến. Sông suối dâng đầy trong phút chốc, sóng cuộn ào ào. Nỗi lo ngại lớn nhất của những người làm cha mẹ lúc này là nước lũ. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi luôn luôn theo sát đứa con trai, dặn dò, đe doa. nhiều khi van lơn nó đừng theo bạn ra sông chơi. Nhng tai họa vẫn cứ đến.


Một chiều chúng tôi ngồi phân loại sách cho cơ quan. Trời mới tạnh mưa, nắng le lói chiếu trên mặt đất còn ướt đầm. Đứa con trai tôi nằm vắt chân chữ ngũ ê a đọc tranh truyện trên giường. Vợ chồng tôi vừa làm vừa chuyện vặt. Chợt vợ tôi sực nhớ tới đống lạc chưa kịp phơi đã gặp nước mưa. Cô ta hớt hải bảo tôi mang ra sân phơi. Tôi đành bỏ dở việc, cào đống lạc ở góc nhà vào thúng đem ra sân. Vợ tôi rải lạc thành lớp mỏng trên sân gạch. Phơi lạc xong, cô ta lại phát hiện ra nửa thúng lạc xấu đã bị trương lên và yêu cầu tôi phải giúp cô ta bóc ngay tức khắc. Thế là tôi đành tặc lưỡi ngồi xuống cầm chiếc kẹp tre tách vỏ lạc. Vừa bóc được độ mười hạt, một bà cùng phố chạy xộc vào, kêu thất thanh:


- Chú Ngọc, con chú bị lũ cuốn rồi...


Tôi ném chiếc kẹp tre, đứng lên. Trên giường trống ngơ trống ngắt quyển tranh truyện ném bên mép chiếu, thằng bé đã bỏ đi từ lâu. Không kịp nói một lời, tôi chạy bổ ra cửa, tai ù đi như cối xay nghiền bên trong. Tôi chạy hết phố xuống tới bờ sông, mang máng cảm thấy một người nào đó vừa la khóc vừa chạy theo mình. Chắc đó là vợ tôi. Phía trước bến sông, một đám người tụ tập ồn ào bàn tán. Tôi xô vào họ, tìm quanh quất, Không thấy con, tôi lại đâm nhào xuống nước. Một người nào đó kéo áo tôi lại. Dòng nước đục ngầu lao đi giữa hai bờ đất, khủng khiếp như một con trăn gió phóng tới chụp mồi. Chỉ thấy những lượn sóng đục ngầu chồm lên nhau, rú rít. Không tìm được một mảnh áo, một bàn tay chới với nào được ngoài những đám bọt xoáy tít và những cành củi trôi vùn vụt giữa dòng. Nỗi tuyệt vọng làm tôi như điên loạn. Tôi giằng khỏi bàn tay níu giữ của một người nào đó chạy dọc theo mép nước. Tiếng la khóc của vợ tôi ở phía sau lớn dần lên, bám chặt lấy tôi, khoan sâu vào óc não. Sóng vẫn chập chờn trước mắt tôi như một bầy thú kì dị và độc ác. Tưởng như tôi cũng sắp bị nó nuốt chửng vào cái dạ dày hung hiểm kia. Đúng lúc ấy, Lý Xuân hiện ra trước mặt tôi.


- Anh Ngọc..


Anh ta gọi. Tôi đứng lại, mắt hoa lên. Lý Xuân ướt đầm đìa, tái nhợt, vai vác đứa con trai của tôi. Thấy tôi đứng đờ đẫn, anh ta cũng đứng lại, bế thằng nhỏ xuống:


- Tôi đã quay bảy vòng, nó nôn hết nước... Bây giờ nó thở được rồi đấy...


Lý Xuân nói và trao đứa con nhỏ cho tôi. Làn môi nhợt nhạt hé cười anh nói tiếp:


- Lúc nãy, nó mở mắt ra gọi "Chú Xuân"... Nó nhận ra tôi...


Cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi ôm đứa con, nước mắt trào lên. Vợ tôi cũng lao đến ôm thằng bé. Chúng tôi khóc. Và cùng cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại được một cuộc sống còn quý giá hơn cuộc sống của chính mình. Cuộc sống ấy chỉ chút nữa là vĩnh viễn bị đánh mất. Lý Xuân nhìn chúng tôi với ánh mắt ấm áp. Anh ta quay lại lấy bộ quần áo thợ ướt sũng vắt trên thành cầu. Rồi giơ tay chào chúng tôi, anh thong thả đi vào phố. Từ mùa hè năm đó. Lý Xuân trở thành ân nhân của gia đình tôi. Lẽ tất nhiên chúng tôi quý trọng anh hơn trước nhiều. Nhưng Lý Xuân không hề lạm dụng lòng biết ơn đó. Hình như anh coi việc cứu đứa trẻ cũng tự nhiên như việc cuốc đất trồng sắn, tiện cái đinh ốc hay xay bột làm bánh. Thằng con trai tôi quấn quít anh suốt ngày: "Bố Lý Xuân gập cho con chiếc tàu bay... Bố Lý Xuân bắt cho con con bọ ngựa..."


Lý Xuân nhận thằng bé làm con nuôi. Anh ta thường cầm bàn tay bé xíu của nó xoa lên má, cọ vào chiếc cằm đầy râu:


- Ôi, tay nó xinh ghê ... Ôi, tay nó êm như tay con búp bê bằng lụa...


Mỗi lần có món ăn ngon, vợ tôi lại sai con đem sáng biếu vợ chồng Lý Xuân. Lần nào thằng bé cũng về kể:


- Bao nhiêu miếng thịt nạc cô A Phượng ăn hết, bố Lý Xuân chỉ gặm xương thôi...


Chúng tôi bật cười. Vừa bực vừa thương con người hỉ xả đó. Tháng năm cứ thế trôi qua. Tôi dần dần có thêm nhiều bạn bè mới, công việc quen thuộc dễ chịu hơn nhiều. Tôi gắn bó từ lúc nào không rõ với cái phố nhỏ miền sơn cước này. Lý Xuân vẫn là người hàng xóm tin cẩn, người gần gũi nhất đối với tôi. Có lẽ, chúng tôi có thể sống êm thắm như thế mãi nếu không có những biến động. Đầu tiên, là những vụ xung đột xảy ra dọc biên giới. Dân công xã Trung Quốc bị khích động chạy sang chiếm đất, gặt trộm lúa, phá vỡ những đập nước và mương máng. Những vụ giành giật đất đai, đánh lộn bằng gậy gộc, ném đá xảy ra, dội vào thị trấn. Dư luận ồn ào. Hoa kiều nhìn chúng tôi bằng ánh mắt khác lạ, thầm lén và nghi kị. Đời sống thường ngày của thị trấn trở nên thầm lắng, ủ ê. Buổi tối, các cô gái và các chàng trai không còn rủ nhau tới cửa hàng kem hoặc vào thư viện đọc sách. Lũ trẻ cũng bớt chạy ra đường, hò reo, tập trận giả. Các cánh cửa đóng im ỉm, lọt ra vài vệt sáng. Mọi người sống thu mình lại, chờ đợi cái gì đó sẽ xảy ra. Lý Xuân ủ rũ như con chim gãy cánh. Anh ta buồn bã hơn cả hồi xảy ra vụ cách mạng văn hoá mấy năm trước. A Phượng thậm thọt chạy sang nhà Lý Ung suốt ngày. Thậm chí có bữa chị ta ngồi lì bên nhà lão bán phở, bàn bạc việc cơ mật không thèm nấu ăn. Buổi trưa anh chồng đi làm về lại cắm cúi rửa nồi thổi cơm. Đứa con trai tôi cũng ít sang nhà bố Lý Xuân hơn trước. Dường như nó cũng linh cảm thấy sự thay đổi trong thái độ của những người lớn.


Tình hình mỗi ngày mỗi xấu đi. Ban đêm, qua các khe cửa, những bàn tay đen mang truyền đơn kêu gọi thúc ép người Hoa về nước. Lý Ung thường có những nhóm người tới thì thầm bàn tán. Mắc dầu chính quyền hoạt động tích cực giải thích, trấn an cho số dân Hoa, họ vẫn lục tục bán nhà, thu dọn đồ đạc bỏ về nước. Lý Xuân gầy tọp đi, râu ria tua tủa. Bộ mặt đỏ hồng tràn trề niềm vui sống của anh giờ đây đờ đẫn, hai hốc mắt trũng xuống, hằn nếp gấp trên mi. Anh không làm bánh nữa, suốt ngày thơ thẩn ra vào suy tính. Một đêm oi nóng, vợ chồng tôi thao thức không ngủ được. Đột nhiên, tiếng thì thào gay gắt bên kia tường vẳng sang. Chúng tôi cũng nín lặng nghe. Vợ chồng Lý Xuân cãi nhau. Họ nói tiếng Hoa, chúng tôi chỉ hiểu lõm bõm đôi chút. Giọng nói cả hai cùng cố nén nhỏ nhưng giằn dữ. Người tấn công là A Phượng. Chị ta nói liên tục, hùng hổ. Lý Xuân chống đỡ bằng lối nói nhát gừng, lúng búng của anh ta. Sau một lúc đôi co, A Phượng bỗng hét lên một tiếng nhỏ rồi hằm hè hỏi một câu gì đó. Lý Xuân lặng im không trả lời. A Phượng thúc hối một lần nữa. Lý Xuân vẫn câm nín. Chúng tôi nghe chị vợ rít lên lần thứ hai và tiếp sau đó những tiếng vỗ đôm đốp. Tiếng đập xen lẫn nhịp thở hào hển của người đàn bà. A Phượng đánh chồng. Vợ tôi thì thào. Tôi mở mắt trong bóng tối, lắng nghe tiếng động dội sang và tưởng như nhìn thấy bộ mặt người đàn bà tái mét vì tức giận, hàng tóc mai dính bết trước trán, cặp mắt một mí long lên điên khùng. Chị ta vừa thở hổn hển vừa tát đôm đốp vào mặt Lý Xuân. Anh chồng hộ pháp đó có lẽ nằm im chịu đòn. Chúng tôi không nghe thấy một tiếng động nhỏ nào chứng tỏ anh ta chống đỡ. Sau một hồi bạo động, chắc A Phượng đã mệt. Chị ta thở dốc và nằm vật ra giường. Từ những nan gỗ bị rùng mạnh và vang lên khô khan trong bóng tối.


Sáng hôm sau Lý Xuân đi đâu rất sớm. Gần trưa anh ta mới về: vẻ mặt bần thần. Mấy người cùng phố cho tôi biết anh vừa bán non nương sắn. Nghe đâu chỉ được giá dăm trăm. Nếu để đến vụ, nương sắn của anh phải thu ngót hai ngàn. Ngay buổi chiều hôm đó bên nhà Lý Xuân vang lên tiếng đục gỗ chi chát. Tôi biết anh đang đóng hòm chở đồ. Ngày hôm sau A Phượng gọi người tới bán giường, tủ, mấy chiếc ghế tựa và chiếc cối xay bột. Tới cuối tuần họ đã thu xếp xong. Lý Xuân bước qua hàng dậu, sang nhà tôi:


- Chào anh chị Ngọc, tôi đi.


Anh ta nói, giọng khàn khàn không rõ buồn hay vui. Chúng tôi không dám hỏi han gì thêm chỉ lặng lẽ pha trà. Đứa con trai nhỏ của tôi bỗng ôm choàng lấy Lý Xuân:


- Thế bố có quay lại đây nữa không" bố Lý Xuân"...


Người hàng xóm cầm tay đứa bé, mắt chớp chớp. Sau khi uống một chén trà, anh ta bỗng thở dài:


- Ở đây làm ăn đang vui. Tôi không muốn về đâu, nhng Tổ quốc kêu gọi...


Mấy tiếng cuối cùng nghe như bị hụt hơi. Lý Xuân lặng im không nói gì thêm nữa. Vợ tôi lấy gói kẹo mè sửng vừa mới gửi mua ở Huế đưa cho Lý Xuân và chúc anh ta đi mạnh khoẻ. Lý Xuân đứng dậy chào chúng tôi về. Thân hình vạm vỡ của anh in đầy khuôn cửa. Cái lưng hơi gù gù tạo nên vẻ nhẫn nhịn và cam chịu. Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm quen biết, tôi mới nhận thấy lưng anh ta hơi gù. Lý Xuân đi tới hàng đậu. Vào mùa này, những cây đậu đũa đã hết rụi, khô xác ôm quanh các ống rào. Lý Xuân định bước qua hàng dậu về sân. Đột nhiên đứa con trai tôi chạy bổ ra:


- Bố Lý Xuân ơi, cho con buồng chuối kia nhé, con để chín cây cho chim sáo ăn dần...


Thằng bé vừa nói vừa chỉ buồng chuối tiêu ở góc vườn nhà Lý Xuân đang bắt đầu tròn quả. Lý Xuân quay lại cười. Ngay lúc đó tiếng A Phượng cất lên riết róng:


- Đừng tưởng bở, chúng tao chỉ về hai tháng rồi lại sang đây thôi.


Người đàn bà xanh lét như một con sâu trong bộ quần áo hoa xanh lốm đốm. Mặt chị ta vênh lên nhìn chúng tôi với vẻ ngạo mạn và thách thức. Vợ tôi vội vã mắng con. Thằng bé bỏ chạy đến bên chiếc lồng sáo. Lý Xuân lùi lũi đi về. Đó là kỷ niệm cuối cùng kết thúc một thời gian dài êm ấm.

(còn tiếp)


08/04/2002

Dương Thu Hương



usaelection gởi