Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
TRUYỆN THẬT NGẮN


ANH EM
 
“ Ông che mắt trái lại”
Tôi cầm chiếc “muỗng” nhựa che bên mắt trái.
“ Ông nhìn lên bảng trước mặt đọc dùm tôi!”

Một hàng chữ được chiếu lên tường. Đầu tiên là chữ lớn rồi chữ cứ nhỏ dần. Cô y tá này chơi ác! Chữ như con kiến thế kia thì đọc làm sao.
“ Ông đổi bên, che mắt phải dùm tôi!”

Chiếc muỗng nhựa nhảy từ trái qua phải. Hàng chữ trước mặt bỗng rõ hẳn lên. Nhỏ cũng đọc được tuốt. Cô y tá chịu thua. Tôi mãn nguyện tự phê.
“ Mắt trái tốt hơn mắt phải nhiều cô nhỉ?”
Cô y tá cười, gật đầu.

Chiếc gương nằm ngay bên cạnh chỗ tôi ngồi đo mắt. Tôi ghé mặt vào gương. Con mắt phải đỏ lên. Hình như nó vừa cố gắng quá. Tôi chăm chăm ngắm con mắt thua thiệt. Hai con mắt được sinh ra cùng một lúc. Như hai anh em sinh đôi. Tại sao mắt phải lại sớm sụm hơn mắt trái? Tôi thuận tay phải. Chắc thuận tay phải thì dùng mắt phải nhiều hơn chăng? Dám lắm! Thằng anh lăn lội nhìn đời nhiều hơn thằng em nên nội lực chóng suy sụp hơn. Làm anh bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Đó là nói về anh em. Không phải anh em thì cá lớn nuốt cá bé, càng lớn càng chiếm phần hơn.

Hai con mắt đúng là hai anh em. Cùng thức, cùng ngủ. Nhưng khi thức thì thằng anh bên phải căng ra lớn hơn để gánh đỡ cho thằng em. Tôi lại ghé mặt vào gương nhìn thằng anh. Nó nhìn lại tôi. Tôi chẳng thấy một chút tị hiềm nào trong tròng trắng cũng như tròng đen của đôi mắt thằng anh. Như làm anh thì phải trần thân ra che chở cho em. Chuyện hết sức tự nhiên.

Con người lớn hơn con mắt nhưng hình như không được bằng con mắt. Cứ nói là anh em mà khi có chút lợi lộc thì mạnh anh anh dành, mạnh em em giật. Trong nhà, ngoài ngõ, trong xóm, ngoài nước hình như đều như vậy cả. Tôi đang nhìn xung quanh tôi bằng con mắt nào đây? Mắt phải hay mắt trái? Mắt phải hay trái đều là mắt cả. Hừ! Có lẽ tôi đang nhìn mọi người chung quanh bằng đôi mắt trần gian còn đượm rất nhiều sân si của tôi. Miệng tôi cố nhẩm đi nhẩm lại, như học bài thuộc lòng hồi nhỏ: anh em như thể tay chân!
 
*** 
 
CÁI LÒ NƯỚNG
 
Cuối tuần, cửa hàng Canadian Tire bán sale lò nướng. Thứ tốt, giá cả trăm bạc nay chỉ còn ba chục. Cô em tôi dục đi mua ngay kẻo hết. Thế là văn chương chữ nghĩa bỏ đi hết. Chạy đã!
 
May quá, còn khoảng chục cái. Bê ngay một cái. Tốt quá, rẻ quá, bê thêm một chiếc nữa, không biết để làm gì. Tôi nghĩ trong bụng: thế là từ nay sáng sáng khỏi phải nghe tiếng than phiền về cái lò cứ nướng bánh mì là cháy, chiều chiều nướng thịt thì lâu ơi là lâu!
 
Mấy ngày trôi qua, hai cái lò mới vẫn còn nằm nguyên trong hộp. Chiếc lò cũ vẫn còng lưng ra cõng bánh mì, cõng thịt và cõng thêm tiếng than phiền. Bảo thay đi chứ còn đợi gì nữa, cô em tôi ngần ngừ. Cái lò vẫn còn dùng được, bỏ đi phí quá! Thế mua lò mới làm chi? Thấy tốt và rẻ quá không mua uổng đi!

Lại mấy ngày trôi qua. Một cơ quan từ thiện gọi tới xin đồ cũ để phân phối cho người nghèo. Cô em tôi hẹn ngày để họ đến lấy đồ. Tôi nhớ tới những ngày mới chân ướt chân ráo tới xứ sở này. Cả nhà kéo nhau leo lên xe buýt tới nhà dòng cùa các dì phước để lấy đồ cũ từ thiện. Lũ con tôi tíu tít thử quần áo, cái nào cũng thích, tuy cái nào cũng cũ. Tôi lựa ít quần áo còn mặc đượcđể mặc đi làm. Mấy bà thì vội vàng tìm lấy những đồ cần dùng trong bếp. Chiếc soong, cái nồi, chén bát, muỗng nĩa, chỉ không có đũa! Cũng qua được cơn bỉ cực. Bỉ cực ở đây ăn thua gì với những ngày khốn khó chúng tôi vừa để lại nơi quê hương.
 
Tôi biết, mai mốt, khi nhân viên hội từ thiện tới lấy đồ cũ nơi nhà tôi, chiếc lò nướng sẽ có mặt. Cái tính chắt chiu, tằn tiện và…hoài cổ của cô em tôi chắc cũng giống như những người đàn bà Việt Nam khác. Không phí của trời. Bởi vì phí của trời mười đời không có. Chúng ta đã được dậy dỗ như vậy.
 
Sáng nay, đọc báo trên internet, thấy tin ở Việt Nam ngày nay các cửa hàng bán đồ mác, đồ hiệu, đắt như tôm tươi. Một cô con cán bộ gộc có tới năm chục cái ví xách Louis Vuitton. Mỗi cái giá cả vài ngàn đô la Mỹ. Nhà báo hỏi một cô đang mua hàng. Cô cho biết không cần nhiều đến thế. Chỉ cỡ năm cái là đủ!
Tôi ngơ ngẩn. Những cô gái…ví bóp này có còn là những người phụ nữ Việt nữa không nhỉ?
 
***
 
CÂY ĐÈN CẦY
 
Cúp điện. Ấy, quen miệng gọi như vậy. Chỉ những ngày ở Việt Nam mới thực sự có cúp điện. Ở bên đây chỉ có mất điện. Vì gió bão, vì tai nạn đứt đường dây, vì nổ hộp biến điện trong khu vực… Cũng may, cơm canh đã nấu xong, tới giờ ăn mới mất điện. Muốn không và cơm vào lỗ mũi, phải cậy tới anh đền cầy. Những anh lính trừ bị này có khi nằm mốc meo hàng năm khuất tất trong ngăn kéo mới được lôi ra lãnh nhiệm vụ. Dễ gì mà mất điện ở cái xứ này!
Hai cây đèn cầy ở hai bên bàn ăn, hai vợ chồng ngồi vào bàn. Thấy là lạ.
 
Cảnh này hình như quen quen. À, nhớ ra rồi. Em có nhớ lần mình đi ăn ở nhà hàng trên Đà Lạt không? Cũng ăn dưới ánh nến như thế này. Mắt vợ long lanh. Mắt chồng long lanh. Những ngày tình nhân đó bỗng hiện về. Nhớ về những ngày đó thì có chán chi chuyện tình tứ mơ mộng. Thích thú như vậy mà sao chẳng bao giờ nhớ tới. Công việc, con cái, nhà cửa, xe cộ, bao thứ đã lấn át kỷ niệm xưa. Cuộc sống như con ngựa bất kham. Nó lôi mình đi. Chạy ná thở. Có biết trời trăng mây nước gì đâu. Cả cuộc sống như không có điểm dừng, không có một cái rest area như trên xa lộ. Vậy mà chúng ta vẫn sống mệt như vậy một cách hồn nhiên. Kể cũng lạ!
 
Chúng ta quen dùng ánh sáng điện. Muốn đèn chùm, đèn bóng, đèn sáng, đèn mờ gì cũng được tuốt. Chỉ một cái với tay, bật nút là có tất cả. Chúng lộng lẫy biết mấy. Nhưng chúng vô hồn. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn cầy, chúng ta mới bắt gặp lại cuộc sống. Đúng nghĩa là cuộc sống. Hương hoa của thế giới của chúng ta.
 
Hai ngọn đèn cầy trong bữa ăn mất điện, tôi mua nơi tiệm One Dollar ở đầu phố. Một đô một hộp 12 cây!
 

____________


Đỗ Hứng gởi