Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
TRUYỀN THUYẾT CHIM YẾN




 
 


Ngày xưa, xưa rất xưa... có một vị vua tin rằng trong dân gian chắc chắn có một vị thuốc “Trường sinh bất tử”.

Vì ảo mộng đó, Vua ra lệnh triệu tập về cung tất cả các danh y từ khắp mọi miền đất nước và ban sắc lệnh: “Nếu người nào tìm ra loại thuốc “Trường sinh bất tử”, Vua sẽ phong là thần y và ban cho một nửa giang sơn, bằng ngược lại, Vua sẽ chém đầu và thả trôi ra biển”.

Quyết định tàn độc ấy đã làm không biết bao nhiêu bậc danh y tài đức chết thảm.

Vì mãi chạy theo tham vọng điên cuồng, Vua đã bỏ cả việc triều chính. Ngoài biên cương, giặc ngoại xâm lăm le xâm lấn. Trong nước, dân tình khốn đốn vì dịch bệnh tràn lan. Vua không hề tỉnh ngộ mà vẫn ra sức tìm kiếm.

Một ngày nọ, Vua nghe đồn trên núi cao có hai vợ chồng tiều phu rất giỏi về y thuật, chỉ chú tâm trị bệnh giúp đỡ dân lành, quyết không màng danh lợi.

Vua sai lính đến áp giải họ về cung và cũng ban sắc lệnh tàn ác ấy.

Họ khẳng khái chọn cái chết và xin Vua một ân huệ cuối cùng.

Trước khi bị xử trảm, hãy cho họ thời gian để họ hoàn thành tâm nguyện tìm thuốc trị dịch bệnh cứu người.

Khi cơn đại dịch chấm dứt cũng là lúc vợ chồng tiều phu giã từ cuộc sống.

Tiếp theo, giặc ồ ạt tràn vào xâm chiếm. Thế giặc mạnh, Vua thất thủ phải ra biển tìm đường lánh nạn. Lênh đênh trên biển dài ngày, đói khát, kiệt sức, Vua nghĩ mình sẽ không qua nổi thì thuyền dạt vào hoang đảo. Trước những vách đá cheo leo, hiểm trở, cả đoàn người vật vã, tuyệt vọng chờ chết.


Bỗng các quan cận thần nhìn thấy trên vách núi có những tổ chim trắng con con và những cánh chim bé nhỏ chao liệng, tiếng chim hót chíu chít.

Họ lấy tổ chim nấu cho Vua ăn để chống chọi với cơn đói hành hạ.

Thật kỳ lạ, Vua dần hồi phục và cảm thấy có một luồng sinh lực mới mẻ khác thường đã trào dâng trong sinh thể.

Các quan cùng nhau thưởng thức món ăn lạ lùng tình cờ ấy và ai cũng có cảm giác giống như Vua.



Tối đó, Vua ngủ một giấc say nồng, trong chiêm bao thấy đôi vợ chồng tiều phu hiện về.

Họ kể rằng sau khi thác xuống, họ hóa thành đôi chim sống nơi hoang đảo.


Chính lý tưởng sống và phẩm chất cao đẹp của họ đã tạo ra những chiếc tổ trắng xinh bé nhỏ và diệu kỳ đã cứu giúp Vua vượt qua cơn tử nạn.

Họ khẳng định với Vua rằng, trên đời không bao giờ có thuốc “Trường sinh bất tử” mà chỉ có những việc làm tốt đẹp mới giúp cho con người bất tử mà thôi .


Tỉnh mộng, Vua chợt hiểu ra tất cả và ân hận những việc mà mình đã gây ra.

Những chiếc tổ chim màu trắng đã cho Vua một năng lượng sống và sức khỏe phục hồi.


Cả đoàn người quay về đất liền, lập chiến lược, đánh đuổi giặc ngoại xâm và khôi phục lại giang sơn. Vua trở thành vị vua anh minh, hùng mạnh nhất...cho đến lúc băng hà.

Câu chuyện được truyền tụng đến ngàn đời sau... và loài chim kỳ diệu ấy được gọi là chim yến.

 


 
***** Chim Yến *****

 

Ngày xưa, tổ yến được dùng để tiến vua và là một trong những bát trân phục vụ chốn cung đình.


Ngày nay, dùng tổ yến, bạn không chỉ được thưởng thức những tinh túy, tinh hoa đất trời, đem lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe mà còn học được từ đời sống chim yến những triết lý nhân văn sâu sắc của tình yêu lứa đôi chung thủy. Đó chính là sức mạnh trưởng cửu làm nên từ chiếc tổ xinh xinh bé nhỏ mà giá trị tuyệt diệu vô ngần.


Có 1 lần lâu lắm rồi tôi có gặp người bạn nói ngày xưa ở VN trước năm 75 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến…


Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy ác độc quá…Ông nói tội lắm cô ơi…đôi khi phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ…Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã mất kêu thảm thiết lắm…Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ…


 
*****       CHUYỆN TÌNH CHIM YẾN       *****
 
 

Câu chuyện ray rức lòng người.Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…

Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. sống trung thành – chết thuỷ chung.

Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa.

Tập tính đó giết hại Yến.

Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…

Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.

Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quảng đời còn lại.

Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.

Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.

Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.

Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ

Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn xác đẫm máu mang tên “Yến Sào”.

Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được một số giống người man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến ".

Cuộc đời loài chim yến hiện nay thật quá thương tâm, vì lòng tham và sự tàn nhẫn của con người chưa từng giảm bớt…

Hãy dừng lại việc nuôi yến, bán tổ yến cho đến tiêu thụ các sản phẩm từ chim yến.

Nhân nào quả đấy, nếu mình phá hoại nhà cửa của người ta, chia rẽ gia đình người ta, cướp đoạt cái mà chẳng phải thuộc về mình, ăn nuốt vật phẩm dựa trên máu, nước mắt và sinh mạng của chúng sanh thì tương lai gia đình mình, con cháu mình, và cá nhân mình chẳng lẽ không bị quả báo tương tự hay sao?

Vì vậy: Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.


usaelection g

ởi