Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Truyện Vui Cuối Tuần



Thưa quý vị,
 
Hôm nay chiều thứ Sáu, để giảm bớt những căng thẳng trong tuần, tôi hân hạnh gởi tới quý vị một truyện ngắn lãng mạn, viết về thời sinh viên vào cuối thập niên 60 - đầu 70, lúc miền Nam thân yêu chưa bị rơi vào tay Cộng Sản.
 
Đặc biệt đối với những ai từng học Luật – Những anh chị trong GĐLK BCA nhớ lại thời mài đũng quần dưới mái trường Luật, những anh như NV Bình, NV Đĩnh, … nhớ lại hình ảnh những chàng luật sư trẻ tuổi tài hoa …
 
(Bài này từng được đăng trong Đặc San Hội Ngộ LK & Đặc San của Nhóm Cựu SV VN tại SJSU)
 
Giấc Mộng Năm Đầu – PMT
 
Những ngày đầu của năm thứ Nhất trường Luật tôi đi học rất siêng, bữa đó tại giảng đường I, tôi giữ chỗ cho “Tú Râu”, tên bạn mới quen. Chờ hoài không thấy Tú đến, một cô đứng ghi note gần đó vừa nhìn tôi vừa liếc chiếc ghế trống thèm thuồng. Khá lâu có lẽ mỏi chân, cô ta mạnh dạn hỏi:
 
- Tôi ngồi nha?
 
 Lớp đã bắt đầu từ lâu chắc tên bạn không đến, tôi gật đầu thâu quyển sách giữ chỗ về, mặt cô gái tươi lên thấy rõ. Sau giờ học cô gái hỏi:
 
- Phần đầu tôi thiếu, anh cho tôi mượn tập của anh ghi lại được không?
 
 Vì chưa từng giao tiếp với bạn khác phái, tôi gật đầu đáp cụt ngủn:
 
- Được.
 
Cô gái nhìn quanh:
 
- Đây không có chỗ ngồi, anh có thể tới thư viên Quốc Gia gần đây với tôi không?
 
Thấy cô gái dáng hiền lành với giọng nói miền Nam ngọt ngào thân thiện, tôi một lần nữa gật đầu, rồi tà tà chạy chiếc Suzuki theo sau cô gái đến thư viện Quốc Gia trên đường Gia Long, cách trường Luật khoảng năm phút.
 
Sau khi chọn được bàn trống, cô gái chỉ tay vào ngực tự giới thiệu:
 
- Tôi tên Mỹ Dung còn anh tên gì? (1)
 
- Tuấn.
 
Có lẽ do lần đầu nói chuyện với con gái, giọng tôi không mấy tự nhiên nên hơi lớn và không mấy rõ. Người quản thủ thư viện (hình như thầy Tam Lang) đến gần cảnh cáo:
 
- Anh chị phải tuyệt đối giữ im lặng không được nói chuyện trong này.
 
Mỹ Dung le lưỡi làm bộ sợ sệt. Một lát cô lại tò mò hỏi:
 
- Anh có hay đi ghi course không?
 
Tiếng cô hơi lớn vì tôi đâu có dám ngồi gần. Nghe tiếng cô, thầy quàn thủ xăm xăm đi lại:
 
- Đây là lần cuối tôi cảnh cáo anh chị.
 
Người con gái mới quen tự nhiên tỏ ra lì lợm, cô đứng bật dậy khẳng khái nói:
 
- Cám ơn thầy.
 
Một tay ôm sách, một tay cô kéo tôi ra cửa. Xuống hết thang lầu ra đến lề đường, Mỹ Dung chỉ tay về hướng tòa nhà bên kia đường Tự Do hỏi:
 
- Thư viện Alliance Francaise ngay bên kia, anh có khi nào vào chưa?
 
Tôi lắc đầu, cô gái mạnh dạn rủ:
 
- Anh đi theo tôi, tôi có thẻ hội viên.
 
Thư viện Allien nhìn giống một quán ăn hay tiệm cà phê sang của Pháp. Một phần thư viện đang dùng để triển lãm tranh, trong góc một quầy bán rượu, nước ngọt, giữa phòng kê năm bảy bàn học và một bộ sofa. Cũng may còn một bàn trống. Tôi và Mỹ Dung vừa ngồi xuống ghế từ khu sofa một giọng con gái reo lên:
 
- Ê Mỹ Dung, mi cũng học ở đây hả?
 
Tôi nhìn về hướng reo, năm sáu nàng đang vừa học vừa… ăn bánh. Cô lên tiếng ban nãy đến gần bàn chúng tôi ngồi nhắc:
 
- Giới thiệu đi.
 
Mỹ Dung chỉ cô ta:
 
- Ngọc Anh bạn học cùng quê Cần Thơ…
 
Rồi cô lúng túng nhìn tôi:
 
- Còn anh … a.
 
Cô nói nhỏ:
 
- Anh tên gì? Hồi nãy Dung nghe không rõ.
 
Tôi để ý thấy không chỉ Ngọc Anh mà cả đám con gái đang chăm chú nhìn về hướng chúng tôi, máu bắt đầu bốc lên mặt, hơi thở khó khăn, tôi ráng đáp:
 
- Tôi tên… Tuấn.
 
Trong khu con gái bỗng nổi lên những tiếng cười khúc khích và lời bàn tán rầm rì, ánh mắt các tiểu thư đều ngời lên vẻ diễu cợt. Biết mình đang bị chọc phá vô lý, sự mắc cở lúc đầu đã biến thành tức khí, tôi trừng mắt “kên” lại các nàng. Bực thật chứ, không lẽ bộ vó khờ khờ của tôi đã tố cáo với mọi người rằng tôi … tu xuất, vừa mới từ dòng tu lò dò chui ra? Mà những cô nương này đi học gì đâu mà ăn diện diêm dúa, phấn sáp điệu bộ như đi party… 
 
Giữa đám nhố nhăng đó tôi bỗng bắt gặp một ánh mắt to đen kiều mị nhìn mình đăm đăm. “Ah!” Như bị điện giật người tôi bỗng đờ đẫn, tứ chi rũ liệt. Ngoài làn thu ba huyền bí, tôi còn bị thôi miên bởi khuôn mặt thiên thần, đôi môi hấp dẫn, làn môi dưới hơi trề ra khiêu khích …
 
Thấy tôi như bị hớp hồn, Mỹ Dung đụng nhẹ chân tôi nhắc:
 
- Anh cho tôi mượn note để tôi chép.
 
Trong lúc đưa quyển tập cho Dung, một sức mạnh vô hình cũng bắt tôi nhìn về hướng các nàng đài các. Ánh mắt kiều mị cũng ngước lên. Ôi cha! Tia mắt nàng hình như chuyên chở cả ngàn tâm sự. Tim tôi đập thình thình, cô nàng lấy tay che miệng ghé đầu nói gì đó với cô bạn bên cạnh. Người từ hành tinh nào đến mà duyên dáng quá không biết, nàng vừa mang vẻ đẹp rực rỡ của một thiếu nữ phương Tây, vừa có nét duyên dáng thùy mị Á đông, bàn tay búp măng lộ ra khỏi chiếc áo dài màu cánh nhạn với những vằn hoa nổi, một vật gì đó lấp lánh đính trên ngực áo. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nét đẹp và sức quyến rũ kinh hồn của phụ nữ.
 
Mỹ Dung khó chịu vì sự thất thần của tôi đã trả sách bỏ về, thực sự tôi cũng không nhớ cô về từ lúc nào. Nhận ra mình đang ngồi đơn độc, tôi đăm chiêu mơ mộng, cắm cúi viết...  Bỗng ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng, tôi ngước mắt nhìn lên. Không thể tưởng tượng được! Người con gái liêu trai vừa dẫn tôi đến ngưỡng cửa thiên đường đang đứng trước mặt, nàng nở nụ cười mê hoặc thỏ thẻ hỏi:
 
- Anh Tuấn phải không? Tuấn cho Bảo Trân mượn notes hồi sáng để chép. Trân đi trễ không có chỗ nên không ghi được gì.
 
Trời ơi giọng nàng êm như nhung, ấm như ly cà phê buổi sáng, con gái có giọng này chắc lãng mạn và đa tình lắm đây. Thấy tôi ngồi bất động chỉ đưa ánh mắt mơ màng nhìn lên, cô nàng khẽ hắng giọng khiến tôi giật mình, hồn quay về thực tại, ấp úng đáp:
 
- Dạ… dạ… chị … à … cô chờ chút.
 
Đám con gái xóm sofa đang lõ mắt theo dõi lại xì xào khúc khích, cô gái tự xưng Bảo Trân mỉm cười ngồi xuống chiếc ghế trước mặt tôi nói nhỏ:
 
- Đừng “dạ dạ” với Bảo Trân, gọi tên đi nha.
 
Tôi lúng túng chưa biết trả lời ra sao, lấy bút xóa lia lịa vài hàng chữ mới viết xuống tập. Ban nãy ngồi liếc khuôn mặt thánh nữ, bờ vai tròn, vùng ngực phổng, tôi đã viết xuống giấy:
 
Tròn tròn chỉ thấy tròn tròn
 
Từ trên xuống dưới tròn tròn hay hay!
 
Tôi nghĩ phải bôi cho sạch những vần thơ con cóc “tròn tròn” tả chân của mình, không thể để các nàng xóm sofa đọc được.
 
Bảo Trân mang tập đi rồi, tôi vẫn còn bần thần, lòng tự hỏi phải chăng hiện tượng thường được tiểu thuyết mô tả “tiếng sét ái tình”, “coup de foudre” là chuyện có thật? Trong mơ màng, tôi cắm cúi viết vào sách học những câu ảnh hưởng của thơ Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền gọi “người” xưng “ta”:
 
 Người đến từ hoang sơ.
 
Ta lãng tử bơ vơ
 
Chờ nhau từ mấy khiếp.
 
Một mai có bao giờ?
 
Đọc lại tôi hơi thấy ngượng, “người” má cũng có chút phấn hồng, môi cũng có làn sáp đỏ chẳng còn hoang sơ nữa. “Ta” sáng đi học đã ních ổ bánh mì và ly sữa nóng của mẹ, cũng đâu có bơ vơ lãng tử chỗ nào. Rồi mới gặp nhau đây chứ đã chờ nhau từ hồi nào đâu … Đang mơ mộng, tiếng nàng hồ ly lại vọng đến:
 
- Tuấn đến Bảo Trân nhờ một chút. Tuấn viết kiểu tốc ký, tụi này đọc không hiểu.
 
Ái chà chà! Tôi bối rối quá, từ ngày về Saigon, đúng ra từ ngày “tu xuất”, ra khỏi dòng Don Bosco tôi đã dám tiếp xúc với người con gái nào đâu. Thu hết can đảm, tôi ngập ngừng đi về phía các nàng đài các. Quả thật nếu không vì Bảo Trân, cục nam châm đang hút hồn tôi, có lẽ tôi sẽ chẳng dại gì giao tiếp với các cô gái mang đầy vẻ kiêu kỳ và điệu ơi lá điệu này.
 
Các nàng nhường chỗ cho tôi ngồi vào giữa, Bảo Trân trả lại quyển sổ ghi chú để tôi đọc cho cả bọn chép. Mới đọc được vài câu, một cô chận lại hỏi:
 
- Khoan! Anh Tuấn đọc “thông luật”? Chắc anh muốn nói “dân luật” droit civil phải không?
 
Tôi lắc đầu:
 
- Không phải, “thông luật” là droit commun hay common law chứ không phải dân luật.
 
Rồi mỗi khi tôi đọc một chữ khó các nàng lại chận lại đòi giải thích. Tôi hơi ngạc nhiên các nường này ai cũng xinh đẹp, thanh lịch như những chic trong Paris Match nhưng hình như không mấy thông minh (!). Bảo Trân chắc đoán được ý nghĩ của tôi lên tiếng giải thích:
 
- Nhóm Trân phần lớn học trường Tây, có nhiều chữ không hiểu hết nhờ Tuấn giúp nha.
 
À thì ra vậy! Các nàng rành tiếng Phú Lăng Sa hơn tiếng Việt, tôi tự nhiên thấy mình có giá, ít ra cũng hơn hẳn các nàng ở mục … giỏi tiếng ta. Trở nên tự tin hơn tôi bắt đầu ba hoa, có chữ tôi hiểu nghĩa, có chữ cũng chỉ lờ mờ nhưng chế đại vào nghe cũng rất hợp lý. Bảo Trân nghiêng đầu lắng nghe, cặp mắt thiên thần mở lớn, miệng mỉm cười, dáng thích thú. Lúc ra về cô nàng thỏ thẻ:
 
- Tuấn nói chuyện có duyên lắm biết không? Ngày mai đi ghi course xong mình sẽ về thẳng Allien nha. Bảo Trân sẽ làm thẻ hội viên cho Tuấn, nhớ mang theo một tấm “portrait”.
 
Bắt đầu từ hôm đó sau khi ra khỏi trường Luật tôi phóng xe thẳng về thư viện Alliance Francaise. Quan hệ của tôi với Bảo Trân ngày càng gắn bó, bữa ông Tây già giám đốc trung tâm trao thẻ hội viên cho tôi, Bảo Trân dành lấy ký tên vào rồi cong môi hôn nhẹ lên tấm thẻ trước khi trả lại cho tôi, cô nàng cười nhí nhảnh nói:
 
- Để Tuấn lúc nào cũng phải nhớ đến Bảo Trân.
 
Tim tôi muốn nổ tung ra vì … khoái. Thực ra Bảo Trân không làm vậy tôi cũng chẳng thể nào không nhớ đến cô trong mọi nơi mọi lúc. Hình ảnh của Bảo Trân đã bao trùm mọi sinh hoạt của tôi, từ lúc thức giấc cho đến khi thiếp ngủ. Ánh mắt liêu trai của cô luôn ẩn hiện trên mọi trang sách học, theo tôi vào những quán cà phê Văn hay Hầm Gió, ngay cả nhảy múa trên bàn binh bông bên hông trường Luật. Có lúc không thể chịu nổi tôi đã phải nốc nguyên một ly nước lạnh rồi kêu lên thảng thốt: “Bố khỉ! Nhớ quá đi!”
 
Vì không có can đảm xin hình Bảo Trân, tôi đã dùng trí tưởng tượng vẽ khuôn mặt của cô kẹp vào sách học. Hằng đêm trước khi ngủ tôi cẩn thận chào cô giống như Tú Uyên ngày xưa đối với nàng Giáng Tiên trong Bích Câu Kỳ Ngộ.  
 
Nhóm Alien thường rủ nhau đi ăn kem hay uống nước trước rạp Rex, bên hông tòa Đô Chánh, tuy nhóm thanh toán theo kiểu Mỹ nhưng tôi và Bảo Trân luôn trả cho nhau. Chúng tôi cũng thường đi xe chung, cô ngồi phía sau dựa đầu vào vai tôi, vòng tay ôm eo tình tứ, miệng hát nho nhỏ những bản nhạc thời thượng của Connie Francis, Francoise Hardy, Sylvie Vartan, …  Giọng hát của Bảo Trân rất gần với SV, đặc biệt những tiếng phát âm giọng Tây của cô nghe ấm áp và quyến rũ hơn cả Thanh Lan! (chắc do tôi thiên vị?!). Nhiều lần thay vì về thẳng thư viện, chúng tôi chở nhau vòng vòng du dương qua những đường phố vắng như Gia Long, Lê Thánh Tông hay quanh khu bệnh viện Đồn Đất.
 
Kỷ niệm sâu đậm nhất có lẽ là hôm Bảo Trân rủ tôi đi lên gác học. Thư viện Allien có căn gác lửng với sáu bàn học xếp cách xa nhau. Những người lên căn gác để học hay đọc sách là những người muốn có không khí yên tĩnh và sự riêng tư. Bữa đó chúng tôi ngồi bàn trong cùng, Bảo Trân đưa tay với ly coca tôi đang uống. Cô đưa ly lên môi ngậm rất lâu, mắt nhìn tôi đăm đăm như muốn nói điều gì đó. Lúc nhả môi ra và đặt lại ly nước trước mặt tôi, cô thì thầm: “Uống đi.” Tôi xoay xoay ly nước thấy dấu môi mờ mờ in trên thành ly, tôi đặt môi lên đúng chỗ đó, cảm giác lâng lâng như đang được hôn cô. Chúng tôi ngây ngất nhìn nhau, tuy cả hai cùng mắc cở mặt ửng đỏ, nhưng như hai đứa trẻ không ai chịu thua quay đi trước. Cuối cùng Bảo Trân đập nhẹ vào vai tôi mặt hất lên, môi bĩu ra:
 
- Nếu mặt Bảo Trân là course chắc Tuấn thuộc rồi ha! …            
 
Ôi những tháng ngày thần tiên, đời tôi đẹp như một giấc mơ hoa.
 

 
Giấc mơ hoa của tôi đã kéo dài được khoảng ba tháng, vài tuần trước Noel - 69, tôi được Bảo Trân mời đến dự sinh nhật của cô tổ chức tại căn biệt thự ngoài bãi sau Vũng Tầu. Thật ngạc nhiên, gia đình Bảo Trân, dù chưa khi nào cố ý tìm hiểu, qua tiếp xúc bề ngoài tôi cũng đoán thuộc loại bề thế, nếu không nói là “thế gia vọng tộc” nhưng sao sinh nhật thứ 19 của cô tổ chức quá đơn giản. Khách đến dự chỉ có nhóm Alliance Francaise và vài người bạn chắc từ thời trung học, ngoài vợ chồng người quản gia ra vào giúp việc họ hàng không thấy có ai, ngay cả ba má cô cũng vắng mặt.
 
Vì là gã con trai duy nhất trong bữa tiệc, sau khi cắt bánh tôi lững thững ra sau biệt thự ngắm cảnh, không muốn tham dự vào những câu chuyện ồn ào của các cô. Một con đường gồm những bậc đá dài hun hút dẫn xuống bãi sau, xa hơn mặt biển buổi hoàng hôn nhìn thăm thẳm huyền bí, mặt trời đã lặn nhưng chân trời vẫn còn ửng hồng. Đang say sưa ngắm cảnh, tiếng Bảo Trân vọng đến từ phía sau:
 
- Hoàng hôn tại đây đẹp quá Tuấn nhỉ. Không biết chỗ khác có đẹp như vầy không?  
 
Tôi quay nhìn lại, Bảo Trân mặc soiree thướt tha đi tới, dáng cô với những đường cong tuyệt mỹ nổi lên giữa bầu trời đang chuyển thành mầu tím nhạt, lung linh huyền ảo. Hồn tôi trở nên ngây dại trước sức hút của nàng tiên giáng trần giữa cảnh bồng lai. Tôi đoán ngày xưa Lưu Nguyễn nhập thiên thai cũng chỉ thấy cảnh đẹp như vầy là cùng.  
 
Thấy tôi đứng đờ đẫn như đang bị thôi miên, Bảo Trân mỉm cười tỏ ý muốn ngồi xuống bậc đá bên cạnh, tôi vội cởi chiếc áo khoác dùng để chắn gió trên đường phóng xe ra đây trải xuống, cô chớp mắt cảm động, giọng âu yếm khác thường:
 
- Bảo Trân rất hạnh phúc từ khi gặp Tuấn.
 
Tim tôi lại một lần nữa muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, tôi cũng muốn nói với cô những câu tương tự nhưng cứ ấp úng không sao thốt nên lời. Bàn tay tôi bỗng được một bàn tay mềm mại nắm lấy, tôi quay nhìn sang, đôi mắt liêu trai nhìn càng thăm thẳm, khuôn mặt thiên thần như bao phủ một màn sương. Bảo Trân hạ giọng nói như một làn gió thoảng:
 
- Vài ngày nữa Trân đi Tây học rồi.
 
Tôi giật mình đứng bật dậy, không tin ở tai mình, lắp bắp hỏi lại:
 
- Cái gì? Bảo Trân sẽ đi Pháp học? Tại sao? … Đang học ở đây mà.
 
Bảo Trân kéo tay tôi ngồi xuống lại rồi ôn tồn giải thích:
 
- Thật ra việc Trân đi Tây học đã được sắp xếp từ trước nhưng chỉ chắc chắn vài ngày nay thôi.
 
Tai tôi lùng bùng, ngực như mới bị trúng một búa tạ khiến toàn thân rũ liệt, đưa mắt tuyệt vọng nhìn Bảo Trân cố thu lại hình ảnh diễm lệ thân thương. Với giọng buồn buồn Bảo Trân kể:
 
- Chắc Tuấn chưa biết nhiều về gia đình Bảo Trân. Ông ngoại Trân người Suisse sang Việt Nam trong phái đoàn viện trợ nhân đạo sau thế chiến thứ nhất, gặp bà ngoại là thông dịch viên của phái đoàn. Hai người kết hôn rồi về Pháp sống, măng cũng sinh ra ở Pháp.
 
À bây giờ tôi mới hiểu tại sao Bảo Trân có nhiều nét Tây phương, chiều cao và những đường cong đều quá lý tưởng. Bảo Trân đưa cả hai tay nắm lấy tay tôi kéo vào lòng rồi thong thả kể tiếp:
 
- Măng gặp papa lúc ông du học bên Pháp, hai người kết hôn và có Bảo Trân. Papa về lại Viêt Nam nhưng măng đi đi về về vì còn ông bà ngoại bên Pháp. Bảo Trân ở nội trú mùa hè có năm về với nội có năm sang với ngoại. Papa muốn măng về Việt Nam sống nhưng măng không hợp với khí hậu ở đây. Năm ngoái măng về dậy ở Trưng Vương nhưng chỉ được một năm rồi bị đau nên lại phải trở qua Pháp. Khi Bảo Trân vừa xong Bac deux măng đã muốn đưa qua bên đó học nhưng papa muốn phải có một université trong khu Montmartre gần nhà nhận mới cho qua. …
 
Tôi thẫn thờ ngồi nghe, không thể tin mới mấy phút trước còn đang lơ lửng giữa chốn thiên đường mà nay đã rớt xuống chín tầng địa ngục. Thôi đã vậy rồi thì còn gì nữa mà mong! Đưa mắt ngắm tia sáng cuối cùng chiếu lên bầu trời vừa lịm tắt, một ý nghĩ thoáng qua, tôi buông tay Bảo Trân đứng bật dậy:
 
- Thôi! Tối nay Tuấn ra bãi trước mướn ghế bố ngủ chớ không ở đây được đâu.
 
Bảo Trân cũng đứng lên kêu thảng thốt:
 
- Tại sao vậy chứ? Đã sửa soạn chỗ ở cho Tuấn hết rồi mà.
 
- Nhưng ở đây đêm nay làm sao Tuấn ngủ được?!
 
Câu nói đượm chút hờn trách, đã biết sẽ đi Pháp học sao cô chưa khi nào cho tôi hay! Như đọc được ý nghĩ của tôi, Bảo Trân đến gần, không gian như ngưng đọng, một lúc cô ngước lên, giọt nước mắt long lanh trên bờ mi và giọng nói pha chút nghẹn ngào:
 
- Tuấn tin không? Bảo Trân không bao giờ nghĩ sẽ xa Tuấn trước khi xong năm thứ Nhất.  
 
Tôi tin cô nhưng vẫn quá đau đớn vì sắp đánh mất điều quý giá nhất trên đời. Tôi lắc đầu cương quyết:
 
- Tuấn phải ra khỏi đây ngay đêm nay.
 
Trong tâm trí một câu thơ phổ thông của Thế Lữ chợt hiện ra: “Đã quyết không mong xum hợp mãi, bận lòng chi nữa lúc chia phôi”.
 

 
Hôm sau phóng xe về lại Saigon, trời âm u lúc mưa lúc tạnh nhưng má tôi lúc nào cũng ướt, không biết vì nước mưa hay nước mắt. Bên tai tôi văng vẳng tiếng hát của Bảo Trân khi cô dựa đầu vào vai tôi. Những lời trong bản “Tous les garçons et les filles” mới thấm thía làm sao.  “… Vâng, nhưng tôi đi một mình - Qua những con phố, tâm hồn đớn đau ...” (Oui, mais moi, je vais seule Par les rues, l'âme en peine …), “… Không ai thì thầm: “Em yêu anh” bên tai tôi. …” (Personne ne murmure: "Je t'aime" à mon oreille. …)
 
Sau làn nước mắt nhạt nhòa, mấy lần chiếc gắn máy mỏng manh của tôi đã muốn lao vào những chiếc xe chạy ngược chiều.  
 
- - - - -
 
Vài tuần sau ngày Bảo Trân đi Tây, Ngọc Anh đến tìm tôi nhắn ba Bảo Trân muốn gặp. Tôi thật ngạc nhiên, má cô tôi từng tiếp xúc vài lần, dịp gần nhất là khi bà về mang Bảo Trân xuất ngoại nhưng ba của cô tôi chưa từng gặp. Ngọc Anh trấn an:
 
- Ba Bảo Trân dễ mến lắm, ông hay đến nhà Ngọc Anh chơi khi ba còn làm tỉnh trưởng Phong Dinh (Cần Thơ) và ông là trưởng ty Giáo dục.
 
Ba Bảo Trân tiếp tôi rất ân cần, giọng của ông thật đặc biệt pha trộn cả ba miền - thật tình tôi không đoán được ông sinh ra ở đâu. Cách ông nói với tôi vừa từ tốn vừa thâm trầm như một giáo sứ triết đang đứng trên bục giảng:
 
- Bác biết con và Bảo Trân chơi thân với nhau trước khi nó đi Pháp. Bác rất trân trọng tình bạn thời sinh viên, thật trong sáng, xuất phát tự nhiên, không mảy may tính toán. Nhưng bác gặp con hôm nay vì muốn nói với con vài kinh nghiệm của người đi trước. Đường đời với muôn vàn ngã rẽ, không phải lúc nào cũng xẩy ra như ý mình muốn. Sau này nếu con có cơ hội qua Pháp hay Bảo Trân học xong trở lại Việt Nam, hai đứa còn muốn chơi với nhau là điều rất tốt. Còn nếu không được như vậy, bác mong con coi những kỷ niệm thời sinh viên như những giấc mơ đẹp.
 
Thấm ý ông, tôi đứng dậy trả lời:
 
- Thưa bác, cám ơn những lời khuyên của bác. Vâng! Con sẽ coi kỷ niệm với Bảo Trân thời gian qua như một giấc mộng của năm đầu đại học ạ.
 
Ba Bảo Trân bắt tay tôi rất chặt trước khi tiễn ra cửa.
 
-----------------------------
 
(1) Mỹ Dung sau năm đầu học Luật quay qua học Y. Khi mới đến SJ, thấy báo đăng quảng cáo BS PMD tôi tưởng người bạn năm xưa nhưng khi gọi lại được bà cho biết, bạn tôi tên có thêm chữ “Thị”, học sau bà 1, 2 lớp.


_____________


Đỗ Hứng gởi