Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT




Tammy Tran, một cư dân gốc Việt sống ở New York, vừa trải qua một cuộc chống trọi với bệnh viêm phổi cấp tính do virus corona gây ra. Cô gọi đó là cuộc chiến với tử thần. (Facebook Tammy Tran)
 


Tammy Tran là một trong số những người đầu tiên nhiễm virus corona ở New York. Cô đã trải qua nhiều ngày cách ly và chữa trị tại một bệnh viện ở Manhattan, nơi cô nói đã nhận được chăm sóc tận tình của các bác sỹ.


Nhưng đó cũng là những ngày mà cô cảm thấy “khủng hoảng nhất” trong cuộc đời khi phải chống chọi giữa cái sống và cái chết. 

Không ngờ nhiễm bệnh

Là một người làm trong ngành truyền thông, Tammy – một phụ nữ gốc Việt đang sinh sống ở New York hơn 3 năm nay – nói rằng cô phải tiếp xúc với nhiều người trong công việc nhưng không biết mình đã bị nhiễm từ đâu.

Những triệu chứng ban đầu, như Tammy cho biết, là “ớn lạnh, mệt mỏi và khó thở” nhưng cô không chú ý nhiều và chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh mặc dù trước đó đã nghe cảnh báo từ một người bạn của cô về các triệu chứng của bệnh do virus corona gây ra.

“Đến ngày thứ 6 khi Tammy đi làm thì tự nhiên lên cơn sốt và được đưa đi cấp cứu,” Tammy nói với VOA sau khi đã được ra viện và đang phục hồi tại nhà riêng ở New York.

“Tammy thở không được nữa nên làm các xét nghiệm và được đưa qua nằm ở phòng ICU (phòng hồi sức cấp cứu).”

Sau khi có kết quả dương tính với virus corona, cô được đưa vào phòng cách ly và được hỗ trợ bằng máy thở oxy thường dùng cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện Lower Manhattan Hospital.

Sau 14 ngày, cô hết sốt và được đưa sang phòng chăm sóc phục hồi trước khi được ra viện hôm 30/3.

‘Từ cõi chết trở về’

Mười bốn ngày trong phòng cách ly với máy thở oxy là quãng thời gian mà Tammy nói là “khủng khiếp” nhất.

Lúc mới vào đó, Tammy không biết tại sao mọi người, từ bác sỹ, y tá đến những người phun khử trùng, không cho cô ngủ và cô luôn bị đánh thức.

“Bác sỹ không cho Tammy ngủ. Bác sỹ nói mình phải thức”, Tammy cho biết và giải thích rằng “máy trợ thở hoạt động khi mình thức” còn khi ngủ người bệnh có thể ngừng thở và lúc đó máy trợ thở sẽ không làm việc, dẫn đến tim ngừng hoạt động và tử vong.

“Mười bốn ngày đầu tiên rất là dễ sợ vì không được ngủ khi bác sỹ và y tá vào đánh thức mình hoài”, Tammy nói và cho biết rằng cô được truyền nước biển để hỗ trợ cho cơ thể chống chọi với cơn sốt.

Cùng với cảm giác như “nằm trong nhà xác” vì chỉ có một mình với các bức tường trong phòng cách ly, Tammy nói đó là “thời gian khủng hoảng nhất”.

“Mình không biết là mình sống hay mình chết. Mình thấy rất khó thở. Hơi thở khó khăn và đau cổ, như muốn xé banh lồng ngực của mình ra”, Tammy nói và cho biết cô là người đầu tiên được đưa vào phòng cách ly với cơn sốt khoảng hơn 38 độ C.

Cô cho biết đó là trải nghiệm mà cô chưa bao giờ gặp phải trong đời và trải qua được cơn nguy kịch này, cô thấy "như từ cõi chết trở về”.

May mắn và biết ơn

Là một trong số rất ít những người đầu tiên nhập viện hồi cuối tháng 2, khi New York mới phát hiện một số trường hợp đầu tiên nhiễm virus – lúc đó được gọi là nCoV, Tammy nói cô gần như là người duy nhất nằm trong phòng cách ly.

Do đó cô cảm thấy “may mắn” vì nhận được sự chăm sóc đặc biệt của các bác sỹ khi “bệnh viện còn vắng”, không như hiện nay khi các bệnh viện ở New York đang quá tải vì lượng người nhiễm bệnh nhập viện và sự thiếu thốn về thiết bị trợ thở.

“Bác sỹ rất là tận tâm”, Tammy cho biết. “Phải nói là sau đợt bệnh này Tammy nhận thấy rằng những người làm việc trong ngành y, mình phải rất mang ơn người ta.

Hiện giờ, các bác sỹ này đang phải làm việc rất nhiều và hết sức”.

Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở New York là một phụ nữ 39 tuổi trở về từ Iran hồi cuối tháng 2 và được xét nghiệm tại một bệnh viện ở Manhattan.

Tiểu bang New York hiện đã trở thành điểm nóng của dịch bệnh này ở Mỹ với số ca nhiễm là gần 162.000 – lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, trong đó hơn 7.000 người đã tử vong.

“Con (virus) này rất là dễ sợ – nó không phải là sốt rét, nó không phải là bệnh cảm. Nó là một bệnh về phổi mà không như bệnh lao, mà trên thế giới chưa thể tìm ra thuốc chữa," Tammy nói và cho biết cô sẽ phải cẩn thận để không bị nhiễm lại.

Đối với Tammy, cô coi trải nghiệm này là một lời nhắc nhở đối với bản thân rằng cô sẽ phải chăm sóc sức khoẻ của mình tốt hơn và để ý những lời cảnh báo bệnh sớm của bạn bè cô.

Tammy cũng khuyên mọi người nên ở trong nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát và thực hiện đúng việc giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.


 
Moon Tran gởi