Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

TU THEO PHẬT PHẢI LINH HOẠT
 



– Anh ơi cho em hỏi, nhà em không có bàn thờ tụng kinh được không ạ ?
– Vâng, được bạn nhé!
__________________

– Bạn ơi cho mình hỏi, mình chưa Quy Y, đọc chú Đại Bi có được không bạn ?
– Vâng, được bạn nhé!
__________________

– Bạn ơi, mình chưa ăn chay trường mà mình tụng kinh có được không ạ ?
– Vâng, được bạn nhé!
.v.v.. và v.v….

Mỗi ngày đều có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi Quang Tử những câu hỏi tương tự, nội dung có thể khác nhau, xong đều chung nhau một điểm, đó là các bạn đều muốn tu tập theo Phật Pháp, nhưng sợ phạm phải những “luật thánh thần” nào đó, nên không dám tụng kinh niệm Phật, không dám tu tập, cần hỏi lại cho chắc rồi mới bắt đầu.

Trong vấn đề tâm linh, cẩn thận là một điều tốt. Tuy nhiên, nếu không khéo nó sẽ biến thành những “hàng rào”, cản trở chúng ta tu học Phật Pháp.

Nhất là khi chúng ta không tìm đúng người để hỏi, lại hỏi những tà sư, hay những người thiếu hiểu biết, họ vẽ ra rất nhiều “luật lệ” không được thế này, không được thế kia…khiến ta nản chí, cuối cùng bỏ dở việc tu, và đó mới là điều đáng tiếc nhất.

Vậy trong trường hợp nào, điều kiện như thế nào, khi nào và ở đâu thì chúng ta mới có thể tu tập ?
_______________

1. Tu ít tu nhiều đều tốt cả, đừng lo sợ quá nhiều về “thế này có được không, thế kia có được không”

Bạn hãy nghĩ đơn giản như thế này, người có tu tập, dù chỉ là thêm một câu niệm Phật, tụng một câu thần chú, đọc một câu kinh, hay làm một chút công đức nhỏ nhoi gì đó…cũng đã là hơn hẳn so với không làm chút nào rồi.

Còn lại nếu có thể thêm các yếu tố như bàn thờ tượng Phật trang nghiêm, chông mõ nhang khói đầy đủ, ăn chay giữ giới thanh tịnh, lòng thành thấu trời xanh, hay sự tập trung cao độ không vọng tưởng xen tạp .v.v… thì càng tốt.

Xong nếu không làm được thế, thì cũng không hề có ai cấm bạn tu tập cả. Có, dù chỉ là một chút, vẫn cứ luôn tốt hơn là không có chút nào.

Về vấn đề khi nào và ở đâu, xưa vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị Bà-la-môn đến gặp và hỏi Đức Phật :
– Thưa tôn giả Gau-ta-ma, trong giáo pháp của Ngài, có ngày tốt ngày xấu hay không ?

Đức Phật đáp:
– Này Bà-la-môn, trong giáo pháp của Như Lai có ngày tốt và ngày xấu.

Ngày nào làm việc thiện, với thân, khẩu, ý trong sạch đó chính là ngày tốt.
Ngày nào làm việc xấu với với thân, khẩu, ý bất thiện, đó chính là ngày xấu.

Như lời Phật dạy ấy, chỉ cần trong tâm khởi thiện niệm, muốn làm việc thiện, muốn tu tập theo thiện Pháp của chư Phật, thì bất kì ngày nào, giờ nào, đều chính phải lúc, đều là ngày tốt, giờ tốt cả.

Nói rộng ra, các pháp môn tu trong Đạo Phật như bố thí, trì giới, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, quán tưởng… phù hợp với mọi không gian – thời gian, mọi lúc mọi nơi, 365 ngày trong năm, trong nhà hay ngoài trời, ở nhà hay ở chùa, nhà có tượng Phật hay không có tượng Phật, ban ngày hay ban đêm, nói cách khác là ngày nào, giờ nào, nơi nào… cứ có tu tập là đều tốt cả, đều phù hợp cả. Trừ một trường hợp sẽ nói ngay dưới đây.

Sự thật không có nhiều những luật cấm tu lúc này, cản tu chỗ kia cả như nhiều người mới đến với Đạo Phật lo sợ. Nếu có cũng chỉ là rất ít.

Đó là, chỉ cần lưu ý, những khi nằm, hoặc trang phục không được chỉnh tề, hoặc vào những nơi tế nhị như nhà vệ sinh, làm những việc tế nhị… thì ta chuyển sang tụng kinh niệm Phật thầm trong tâm, không phát ra tiếng, vậy là được. Và chỉ riêng khi nam nữ ân ái, thì mới buông hẳn, không nên tụng kinh niệm Phật thôi.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đa số ai ai cũng đều bận rộn. Nếu cứ đòi hỏi phải đầy đủ bàn thờ tượng Phật trang nghiêm, chông mõ sẵn sàng, khói nhang nghi ngút, áo tràng, áo lam tinh tươm mới được phép tu.

Vậy thì hầu hết chẳng mấy ai đáp ứng được. Mà không đáp ứng được, không lẽ bây giờ nên nghỉ tu hết ? Phải chăng như vậy mới tốt sao ?

Không! Đó chính là giết Đạo Phật ! Quá nhiều “hàng rào” sẽ làm con người ta nản lòng khi tìm về với Đạo, sẽ khiến cho ngày càng ít người thực hành tu tập theo Phật Pháp, và làm cho Đạo Phật không đánh mà tự suy tàn.

Mà thực tế thì, nhiều người tu tập rất đơn giản, thấy nhiều người bảo tụng kinh, niệm Phật tốt, thì họ tranh thủ khi rảnh rỗi, hoặc lúc đi đường niệm Phật, đọc thần chú sơ sơ thôi, họ chưa có hiểu nhiều về các nghi thức nên không hề chỉnh chu gì cả, xong họ cũng gặp được nhiều kết quả tốt đẹp.
Việc tu tập thật ra không có khắt khe như nhiều người lo lắng.
(Nếu như bạn chỉ cần hiểu đơn giản, vậy chỉ cần nhớ nhiêu đây là đủ, không cần đọc tiếp. Còn nếu một muốn hiểu thông suốt ngọn ngành, vậy bạn chịu khó đọc hết, bài cũng khá dài)

Có rất nhiều thế lực muốn phá hoại Đạo Phật, họ hiểu được điều này, nên âm thầm cài người vào trong đạo Phật tung ra nhiều luật cấm thế này, cản thế kia.

Lại cộng thêm một số người cũng tu theo Phật thật, không hề có ác ý, nhưng vì thiếu hiểu biết cũng nghe theo, cùng “góp sức” tung ra thêm hàng loạt “rào cản”không được thế này, không được thế kia… kiểu như phụ nữ đến kỳ không được đi chùa, tụng kinh… hoặc là tụng kinh Địa Tạng, thờ tượng ngài Địa Tạng trong nhà ma quỷ sẽ kéo đến, tụng kinh Pháp Hoa sẽ đổ nghiệp .v.v… khiến nhiều người nhẹ dạ tin theo, cuối cùng bỏ tu một cách đáng tiếc.

Ít ai nhận ra được, thực ra, việc bỏ tu tập mới chính là điều đáng sợ nhất!
Thử hỏi ngược lại, trong các ngôi chùa ni, các ni cô, và cả các cư sĩ nữ công quả trong chùa có phải nghỉ tu này nào không ? Không ! Ngày nào họ cũng tụng kinh niệm Phật cả, đủ 365 ngày một năm, họ chẳng kiêng cữ ngày nào hết, và mọi chuyện vẫn rất tốt đó thôi.

Rồi biết bao nhiêu người thờ tượng ngài Địa Tạng trong nhà, tụng kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa mỗi ngày… nhờ thế họ được tiêu nghiệp, được khỏi bệnh, biết bao nhiêu chuyện linh ứng vi diệu, bao nhiêu điều tốt lành đến với họ. Đâu có bị sao đâu ?

Trong cuốn Báo ứng hiện đời 5 ( còn có tên là Nhân quả giải theo Phật Giáo – Hạnh Đoan biên dịch) có một đoạn đối thoại với hòa thượng Diệu Pháp về cùng một chủ đề này, xin phép được trích nguyên văn :
“Một người hỏi hòa thượng Diệu Pháp:

– Nửa tháng trước tôi có thỉnh một tượng Quan Âm, đã bỏ ra 20 đồng đề khai quang, sau đó vui mừng đem về nhà. Nào ngờ khi bạn bè hỏi thăm, biết tôi đem tượng Phật vào nhà sau 11 giờ trưa thì họ thất sắc la tôi: “Thỉnh tượng Phật phải lo mà đem vào nhà trước 11 giờ chứ! Nếu không, cho dù có khai quang rồi thì chẳng những không linh, mà còn bị gặp tai họa nữa!…”

Kết quả là chưa đầy mấy ngày thì xe đạp tôi bị mất trộm. Đến giờ tối vẫn còn lo sợ, vì chẳng biết từ giờ về sau còn xảy ra tai họa gì nữa không? Do vậy mà tôi đến thỉnh giáo ngài, phải làm sao để thoát khỏi tai nạn?

Hòa thượng đáp:
– Nếu nói “đem tượng Phật vào nhà không đúng giờ sẽ chiêu họa tai đến cho gia đình”, thì liệu còn ai dám thờ Phật nữa? Xin các vị cư sĩ đừng có tuyên truyền cái luận thuyết hồ đồ làm lầm lạc người như thế!

Truyền điều mê lầm thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết thì sẽ thành Ác tri thức (phá hoại Phật Pháp, tội nặng vô cùng! ) Nếu bạn cứ dùng thuyết sai lầm này đề hướng dẫn người tức là làm trái nhân quả đấy!

Có người còn nói không được tụng “Kinh Địa Tạng” ở nhà, vì vừa tụng kinh ma quỷ liền đến… Rồi còn nói chỉ có ở trên lầu cao nhất mới có thể thờ Phật, nếu cúng dưới nhà người là không cung kính… (Vậy những ai ở chung cư thì không được thờ hay sao?) rồi nào là chú Lăng Nghiêm phải tụng lúc 3-5 giờ sáng, phải thế này, phải thế kia v.v….

Đây toàn là tà thuyết gây chướng ngại cho người tụng kinh, trì chú, thờ Phật… Có lẽ người nói có lòng tốt, nhưng tuyên truyền như vậy, ngược lại, sẽ thành trợ giúp ma vương phá Đạo Phật mà không hay.

Bạn nên hiểu, giờ nào cũng đều có thể thỉnh Phật vào nhà, còn chuyện khai quang? Đấy chỉ là hình thức mà thôi. Nên biết, Phật không cần chúng ta khai quang! Ý nghĩa khai quang là biểu minh rằng: kể từ hôm nay ta bắt đầu lễ Phật, học Phật. Nếu cứ nói “không khai quang Phật chẳng hiện hữu” là quá sai lầm!

Thờ Phật tại nhà, sẽ giúp chúng ta lúc nào cũng được nhìn thấy tượng Phật, nhắc nhở rằng trong lòng mình lúc nào cũng có ánh sáng trí tuệ chân chính của Phật, nên làm gì cũng phải có chánh tri chánh kiến. Điều cần làm nhất, thờ phụng tốt nhất chính là: bản thân phải ngưng dứt tham sân si, siêng tu giới định huệ.

Cho nên thỉnh tượng Phật về nhà, có thể cúng thờ ở chỗ nào mà ta cảm thấy thích nhất, hợp nhất là được. Sau khi bày hương hoa cúng phẩm, dâng hương đảnh lễ Phật xong – là xem như khai quang rồi! – Người có thiên nhãn sẽ nhìn thấy tượng Phật phóng kim quang.

Còn không thiên nhãn vẫn có thể dùng tay cảm nhận khí này (chẳng hạn như ở cách mấy mét nhẹ nhàng thử đẩy Phật tượng, cảm thấy có một lực cản vô hình).

Chỉ là tôi muốn nói với các vị: Tượng Phật thỉnh về được ta dùng tâm cung kính đảnh lễ rồi sẽ khác đi, chính xác là Phật Bồ tát sẽ phân thân hiện hữu tại đó (cũng không nên chấp trước vào việc thử xem có cảm nhận được khí lành hay có thể nhìn thấy kim quang không?)… Nếu thỉnh Phật về rồi, trong lúc lễ, bạn có thề tụng 3, 7, 21, 49… biến “Chú Đại Bi” hay Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc Kinh Kim Cang, Kinh A Di Đà, hoặc những kinh Phật nào mà bạn muốn tụng đều tốt cả, như cúng tượng Địa Tạng Vương thì có thể tụng 1-3 bộ…

Tóm lại, bạn cho rằng làm sao trang trọng cung kính nhất thì cứ an vị như thế! Phật nói “tất cả do tâm tạo”, nên chỉ cần sau khi thỉnh tượng Phật về rồi, bạn cần nghiêm trì ngũ giới, hành thập thiện, thì sẽ trở thành đệ tử chân chính của Phật ngay!

Ngược lại, nếu bạn cứ chấp chặt vào hình thức, đi nhiều chùa khai quang cho lắm, nhưng không lưu tâm lo trì ngũ giới hành thập thiện, thì Phật cũng chẳng giáng lâm nơi nhà bạn!

Còn chuyện mất xe đạp, xin hỏi: Ngày xưa khi bạn công tác, có lấy của cơ quan sáu cây gỗ dài độ mét rưỡi và một cây dài mười mấy mét chăng?
– Dạ có, đó là cây cũ do đơn vị không dùng, nên tôi lấy đem về xây nhà bếp.
– Nhưng bạn không được cơ quan cho phép, đã tự tiện lấy đem về nhà! Làm như vậy là lấy trộm! Đó là xưa gieo nhân xấu, hiện tại bị mất xe đạp – là do quả trổ! – Đây chính nhờ công đức bạn thỉnh Phật lễ Phật, nên bắt đầu trả nghiệp, giải nghiệp. Bạn còn tham chiếm của đơn vị nhiều vật khác nữa, phải mau lo sám hối thì may ra có thể tiêu tội, hoặc được quả báo nặng chuyển thành nhẹ… Còn cái chuyện mất xe đạp cùng giờ giấc thỉnh Phật vào nhà không ăn nhập gì tới nhau đâu! Mong tất cả đệ tử Phật đừng có mê tín như thế!”
__________________

2. Tranh thủ tu trong mọi hoàn cảnh

Các vị Phật tử, và kể cả người chưa có Quy y, nếu muốn tu tập mà có thể sắp sếp một thời khóa tu tập cố định hàng ngày thì rất tuyệt.

Xong nếu quá bận rộn, vậy hãy tranh thủ tu, dù chỉ được một chốc một lát ! Chúng ta có thể linh hoạt sắp xếp tu tập mọi lúc mọi nơi, được nhiều thì tốt, mà được ít thì vẫn luôn tốt hơn là không được chút nào.

Như khi lái xe trên đường, vừa đi ta vừa tụng niệm – rất tốt. Hoặc trong lúc làm những việc không cần tập trung quá, hay lúc nấu cơm, quét dọn nhà cửa, vừa làm ta vừa tụng niệm – cũng tốt.

Hay trong lúc chờ đợi gì đó, ta tranh thủ niệm Phật, trì chú, đọc kinh, nghe pháp.v.v… dù chỉ được năm câu, mười câu, rồi sực nhớ tới chuyện gì đó, bị vọng tưởng kéo đi mất – vẫn cực tốt !
“Niệm Phật một câu phước tăng vô lượng.
Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa”
Huống chi ta niệm được đến tận mấy câu, không lẽ không có phước ?
__________________

3. Linh hoạt chọn pháp môn

Bạn có thể linh hoạt chọn niệm danh hiệu vị Phật hay vị Bồ Tát nào mình thích, hoặc chọn đọc thần chú nào, tụng đọc kinh điển nào, tu theo môn nào trong Đạo Phật ( miễn là đúng Đạo Phật) cũng đều tốt cả.

Tùy vào sở thích, tùy vào trình độ, tùy vào nhân duyên mỗi người khác nhau, mà mỗi người phù hợp tu tập một cách khác nhau.
Khi chọn đúng cách tu phù hợp, ta sẽ thấy thoải mái, hứng thú, có thể duy trì lâu dài không bỏ, đó mới là điều quan trọng.

Có một hiểu nhầm rất tai hại, đó là một số người chủ trướng rằng, tu môn này tốt hơn môn kia, pháp môn này là hơn hết, pháp môn khác không bằng.

Do chúng sinh có hàng ngàn phiền não, khổ đau khác nhau, mỗi người một khác, không ai giống ai, thế nên cần phải có hàng ngàn pháp môn khác nhau, tùy từng phiền não mà đối trị.

Giống như trên đời có muôn ngàn căn bệnh khác nhau, mỗi bệnh một cách trị, nên cần phải có hàng ngàn phương thuốc khác nhau mới trị được bệnh.
Không hề có chuyện Đức Phật nói tất cả đệ tử chỉ tu một môn này, hoặc chỉ một môn kia vì pháp môn ấy là hơn hết. Nếu thật sự như thế, Đức Phật chỉ cần dạy một pháp môn là được rồi, Ngài đâu cần nhọc công dạy hàng ngàn pháp môn như vậy làm gì.

Thật sự thời Đức Phật, Ngài đồng thời dạy hàng ngàn pháp môn khác nhau, cao- thấp- dễ- khó đủ hết, và cho phép mỗi người tu một kiểu, không ai giống ai.
Vì sao vậy ?

Vì căn cơ mỗi người khác nhau, không ai giống ai. Người căn cơ cao chọn những môn tu đơn giản sẽ không phát huy được tiềm lực. Người căn cơ thấp chọn pháp môn cao siêu thì không đủ sức theo nổi.

Còn chưa kể đến chí nguyện khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, người tại gia tu khác, người xuất gia tu khác, tu theo Thanh Văn Thừa khác, tu theo Bồ Tát Đạo khác… thế nên với người này khi gặp Phật, Ngài dạy pháp môn quán đếm hơi thở, với người kia Phật dạy quán thân vô thường, người khác nữa Phật dạy niệm Phật cầu Vãng Sinh, lại có người Phật dạy tu lục độ Ba La Mật, muôn trùng sai khác nhau.

Vì rằng pháp môn tốt nhất là pháp môn phù hợp với mình nhất, chứ không nhất định là một môn nào.

Ngày nay, vô cùng đáng tiếc là chúng ta không còn có Phật để đến đảnh lễ và hỏi Ngài pháp môn nào phù hợp với mình.

Ta đành phải dùng cách, thử qua nhiều môn khác nhau, rồi thấy môn nào phù hợp với mình nhất thì ta chọn tu theo. Tu chuyên nhất một môn cũng tốt. Xong có thể cùng lúc tu phối hợp nhiều môn cũng có cái hay.

Như Hòa thượng Tuyên Hóa chẳng hạn, ngài ấy cùng lúc tu thiền, lại kết hợp trì chú, và cũng niệm Phật luôn, bố thí, trì giới, phóng sinh, cứu người … pháp môn nào ngài ấy cũng có phần, và trở thành một đại tông sư vô cùng khả kính, trí tuệ, thần thông đầy đủ, không lẽ vậy là sai ? Nhiều người cũng tu đa dạng pháp môn như thế, vẫn thành tựu những kết quả tốt đẹp, không lẽ bảo họ sai ?

Nếu ban đầu chưa biết chọn kinh hoặc chú nào để tụng đọc, bạn có thể thử qua nhiều kinh chú khác nhau, như chú Đại Bi, chú Vãng Sinh, thần chú Diệt Định Nghiệp, Lục Tự Đại Minh Chú… kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ… hoặc niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” , hoặc niệm “Nam Mô A Di Đà Phật “… sau đó tự mình xác định mình phù hợp niệm Phật, hay tụng đọc kinh chú nào, chọn một hay nhiều môn đều được cả.
__________________

4. Hãy nỗ lực làm tốt nhất có thể , nhưng đừng câu nệ quá nhiều.

Một vấn đề được nhiều người hỏi nữa là : “Sao mình niệm Phật, trì chú mà mãi cứ bị vọng tưởng, phải làm sao ?”

Trong khi tu tập, dù là thiền hay niệm Phật, thậm chí đọc kinh, trì chú mà bị vọng tưởng, là điều rất bình thường với người mới tu. Thậm chí nhiều người tu mấy chục năm vẫn bị vọng tưởng, dù đã thử hết cách loại trừ tạp niệm vẫn không hiệu quả. Cái này thực ra còn phụ thuộc vào căn cơ, vào công đức tích lũy nhiều kiếp chứ không dễ dàng mà sửa được.

Nhưng không sao, ai tu giỏi, tụng niệm không bị vọng tưởng xen tạp thì quá tốt. Xong mà ai tụng niệm cứ bị vọng tưởng, cũng vẫn tốt, vẫn cứ được công đức vô lượng, vẫn cứ gặp được những linh ứng vi diệu, và chắc chắn là tốt hơn nhiều là sợ vọng tưởng mà bỏ không tu tập nữa.

Ai có điều kiện, có thể chuẩn bị chu toàn về mặt hình thức như bàn thờ trang nghiêm, chuông mõ, nhang khói… đầy đủ thì càng tốt, công đức viên mãn.

Còn những ai không làm được đầy đủ như thế, thì ta vẫn cứ tự tin mà tu tập.

Ví dụ người ta mỗi khi tu tập đều trang nghiêm hết thảy thì được 100 % phần công đức, mình không được như thế, xong vẫn linh hoạt tiện đâu tu đó, thì cũng được 70-80% công đức so với người kia . Mà 70-80% của công đức vô lượng thì vẫn là vô lượng công đức, và chắc chắn là tốt hơn nhiều so với người không tu chút nào.

Huống chi, còn rất nhiều yếu tố khác quan trọng hơn đóng góp vào kết quả tu tập, như căn cơ, lòng tin, sức giữ giới, tâm nguyện .v.v… mà hình thức chỉ là một trong rất nhiều yếu tố, và cũng chẳng phải yếu tố quyết định.

Vào thời Phật còn tại thế, khi ấy Đức Phật và A Nan vào thành khất thực, có nhìn thấy một nhóm trẻ đang chơi bên đường, đắp đất thành từng đống giả làm thức ăn, và xây dựng cung điện.

Có một cậu bé nhìn thấy Đức Phật từ xa tới, trong lòng vui mừng, muốn cung cấp thức ăn cho Ngài, liền lấy miếng đất giả làm gạo, dâng lên cúng dường cho Ngài. Đức Phật cúi đầu khen cậu bé, nhận đồ cậu bé dâng, và để cậu bé bỏ đất vào cái bát.

A Nan lấy làm kỳ lạ liền hỏi:
– Bạch Thế Tôn, tại sao người lại nhận chỗ đất kia ạ?.

Đức Phật từ bi trả lời:
– A Nan, điều quan trọng của một sự việc không phải ở kết quả, mà là ở tâm xuất ra. Cậu bé này xuất tâm bố thí, không thể xem nhẹ. Chỗ đất này có thể mang về lấp vào chỗ đất ở phòng của ta.

A Nan làm theo lời căn dặn của Đức Phật, nhưng trong lòng vẫn còn mối băn khoăn, không chịu nổi lại hỏi:
– Bạch Thế Tôn, mặc dù cậu bé này thật sự xuất tâm bố thí, nhưng đồ bố thí lại là chút đất này thì có công đức gì ạ?

Đức Phật mỉm cười và nói
– Đây là một nhân duyên ban đầu, sau khi ta nhập cõi Niết Bàn, một trăm năm sau cậu bé này sẽ đầu thai và trở thành vua, tên gọi Ashoka ( A Dục), những cậu bé khác trong nhóm đó sẽ trở thành đại thần của cậu. Cậu bé sẽ thống trị đất nước một cách tài giỏi và được biết đến ở khắp mọi nơi, mang lại sự phồn thịnh cho Tam Bảo, cúng dường bố thí rộng rãi, phân chia xá lợi phật, còn xây 84.000 bảo tháp cho ta.

Sau đó, quả nhiên sau cậu bé này đã đầu thai thành vua Ashoka ( A Dục Vương), người đã đem Phật Pháp phổ độ khắp châu Á.

Như ta đã thấy, việc cúng dường của cậu bé – tiền thân vua Ashoka, xét về hình thức, với nhiều người có thể nói là rất không thể chấp nhận được, cậu bé lại dám đem đồ giả mà cúng dường Phật.

Ấy vậy mà Phật vẫn nhận, vẫn chứng minh công đức của cậu. Và nhờ phước duyên ấy mà sau này cậu trở thành một vị vua nổi tiếng trong lịch sử, có công làm hưng thịnh Phật Pháp khắp nơi.

Vậy thì hình thức có quá quan trọng như nhiều người có tính “ưa xét nét” nghĩ chăng ? Kẻ phàm phu ưa thổi phồng những thứ thuộc về hình thức lên mà quên mất sự quan trọng của “sự phát tâm”, của “lòng thành” bên trong. Trong khi chính Đức Phật – bậc Thánh trí tuệ tuyệt đối thì lại coi trọng “sự phát tâm và lòng thành”, mà bỏ qua những hình thức bên ngoài.
__________________

5. Hãy kiên nhẫn, cái gì cũng cần có thời gian

Đức Phật hiểu rõ, bất cứ một nhân lành trong Phật Pháp, dù nhỏ nhoi như thế nào đều sẽ đưa đến Phật Quả Tối Thượng. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, Đức Phật Thích Ca dùng trí tuệ tuyệt luân, Ngài quán xét vô lượng kiếp trước của các vị Phật ở khắp mười phương, để tìm xem nhờ nhân duyên ban đầu như thế nào mà khiến nay các vi ấy đã chứng thành quả vị Phật vĩ đại như vậy.

Thật bất ngờ, vì những nhân duyên ban đầu ấy hết sức đơn giản. Có thể thủa kiếp xa xưa, một chú trẻ đùa giỡn, lấy móng tay vẽ hình Phật nghệch ngoạc trên đất cho vui, nhờ thế sau vô lượng kiếp đã thành Phật. Hoặc ban đầu chỉ là một người vào chùa chắp tay xá chào tượng Phật, miệng niệm một câu “ Nam Mô Phật”, đơn giản có thế, vậy mà nhờ đó, nhiều kiếp sau duyên lành với Phật tăng trưởng, được gặp chư Phật giáo hóa nhiều lần, cuối cùng tu tập tiến lên dần dần và sau vô số kiếp, những người ấy đã chứng thành quả vị Phật. Cụ thể, xin trích một đoạn kinh Pháp Hoa như sau:

“…Nếu người nơi tháp miếu
Tượng báu và tượng vẽ
Dùng hoa, hương, phan, lọng
Lồng kính mà cúng dường
Hoặc khiến người trổi nhạc
Đánh trống, thổi sừng ốc
Tiêu địch, cầm, không-hầu
Tỳ-bà, chụp-chả đồng
Các tiếng hay như thế
Đem dùng cúng dường hết,
Hoặc người lòng vui mừng
Ca ngâm khen đức Phật
Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật đạo
Nếu người lòng tán loạn
Nhẫn đến dùng một hoa
Cúng dường nơi tượng vẽ
Dần thấy các đức Phật
Hoặc có người lễ lạy
Hoặc lại chỉ chắp tay
Nhẫn đến giơ một tay
Hoặc lại hơi cúi đầu
Dùng đây cúng dường tượng
Dần thấy vô lượng Phật
Tự thành đạo vô thượng
Rộng độ chúng vô số
Vào Vô dư Niết-bàn
Như củi hết lửa tắt.
Nếu người tâm tán loạn
Bước vào trong tháp chùa
Chỉ niệm Nam-mô Phật
Đều đã thành Phật đạo
Nơi các Phật quá khứ
Tại thế, hoặc diệt độ,
Có người nghe pháp này
Đều đã thành Phật đạo…”

Có thể ngay ở hiện tại, phàm phu như chúng ta không thể nhận thấy bất cứ thay đổi nào, không có bất cứ linh ứng nào sau khi ta niệm Phật, tụng kinh, trì chú một vài câu, hay đơn giản, chỉ là một hành động chắp tay khi vào chùa thấy tượng Phật.

Chúng ta cho rằng như thế là tu không đạt, tu không kết quả, tu không linh, Phật không chứng .v.v… Rồi chúng ta đổ thừa tại lễ chưa đủ, làm sai cái này, cái kia… Rồi vẽ ra rất nhiều yêu cầu như phải là người ăn chay, giữ giới thanh tịnh mới được tụng kinh, hay niệm Phật phải “nhất tâm bất loạn”, nếu không coi như bỏ, rồi không được xen tạp vọng tưởng… tạo thành trùng trùng điệp điệp những lớp “rào cản” khiến cho sự tu tập ngày càng xa vời đối với đại đa số mọi người.

Thực ra những cái đó, nếu có thì càng tốt, xong không có cũng không sao. Hễ có người phát tâm mà làm chút công đức lành nào đó trong Phật Pháp, cũng đều đáng quý trọng, chứ không hề vô nghĩa chút nào.

Nhờ thế, dù hiện tại người đó có thể chưa có gì thành tựu, xong vô lượng kiếp sau người ấy lại sẽ chứng đạo thành Phật, đó mới là điều quan trọng nhất.

Cái sai ở đây là chúng ta quá quan trọng những thành tựu “ngay lập tức” trong hiện tại, chúng ta đòi hỏi cái gì cũng phải có kết quả ngay mới chịu.
Chúng ta phải tuân theo luật nhân quả, chứ không thể bắt luật nhân quả phải tuân theo ý muốn của ta được. Mà nhân quả là cần phải có thời gian, có khi phải qua nhiều kiếp thì nhân mới thành quả được.

“Dục tốc bất đạt “- hiểu được điều nay, khi tu tập, tâm ta lập tức sẽ bình an hơn, không bị các tham vọng cuốn đi. Ta sẽ kiên nhẫn hơn, một sự nhẫn nại vô bờ bến, vì ta biết chắc sẽ có phần thưởng xứng đáng đang chờ ta, chứ không phải một sự chờ đợi vô vọng.
____________________

Nói tóm lại, nếu bạn bắt đầu bước vào tìm hiều và thực hành theo Phật Pháp, bạn nên ghi nhớ những điều sau làm hành trang cho mình, chúng sẽ giúp bạn loại bỏ được rất nhiều rào cản không cần thiết, để bạn có thể tự tin vững bước tu hành, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

1. Tu ít tu nhiều đều tốt cả, đừng lo sợ quá nhiều về “thế này có được không, thế kia có được không”
2. Tranh thủ tu trong mọi hoàn cảnh
3. Linh hoạt chọn pháp môn
4. Hãy nỗ lực làm tốt nhất có thể , nhưng đừng câu nệ quá nhiều.
5. Hãy kiên nhẫn, cái gì cũng cần có thời gian.

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi các bài viết - bình luận và chia sẻ rộng rãi.

Rất hoan nghênh bạn copy - share - chia sẻ các bài viết, giúp cho ngày càng có nhiều người được tiếp cận với đạo lí, công đức vô lượng !

Cầu cho ánh sáng của chư Phật luôn soi sáng tâm hồn các bạn ! Nam Mô A Di Đà Phật ! __()__

Quang Tử

_________________


Hoang Nguyen gởi