Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Từ thuyền nhân tới “thùng nhân”

 

Sổ Tay Ký Thiệt k 376
 
Hai tuần qua, tin về vụ 39 người Việt Nam chết ngộp trong thùng lạnh một chiếc xe vận tải lớn “vô chủ” bỏ ở Essex, ngoại ô London, đã làm rúng động dư luận người Việt ở trong nước và cả ở hải ngoại. Ai cũng kinh hoàng khi biết những người này là nạn nhân của một đường dây buôn người lậu vào Âu Châu, xuất phát từ Nghệ An.

Tin tức về vụ này tràn ngập trên mạng, được cập nhật mỗi ngày với những chi tiết mới và bình luận khác nhau.

Ông Hoàng Huy, một người từng làm thông dịch viên cho Cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh đã viết một bài ngắn cho biết người Việt tại nước Anh gọi những người nhập lậu vào nước Anh là “người rơm”, và ông ta giải thích: “Người rơm” là một từ cay đắng! Nó chất chứa cả máu – nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Vì sao lại là “rơm”? Vì một khi bước vào con đường này, bạn hãy chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm – như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi “đường dây” đưa họ tới một nước Châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết – chết không ai hay”. Bởi lẽ Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ…..hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam; và như thế có nghĩa là còn cơ hội….trốn tiếp. Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung quốc chứ chắc chắn họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.”(ngưng trích)
 
Ông Đỗ Công, không biết ở đâu và làm gì mà tỏ ra rành rẽ ngọn ngành của thảm kịch này. Trong bài “Thớt có tanh tao ruồi mới đến”, tác giả viết:
 
Nhiều người vẫn không hiểu tại sao 39 người Việt chết vừa rồi cứ phải đi Anh mới chịu. Có người có việc làm nhà hàng ở Pháp nhưng vẫn mượn nợ, mua vé đi chui qua Anh cả 10 ngàn Mỹ kim. Có người đến Đức, hay lao động ở Romania rồi, nhưng cũng nhập vào dòng đi chui để đến nước Anh. Có người mua vé đi từ Hà Nội, qua Bắc Kinh, Nga, Ukraine, vượt Pháp, Đức, đến Anh, tốn $30 ngàn Mỹ Kim.
 
Anh Quốc là nước có nhiều người di dân Việt đến từ miền Bắc. Hợp pháp cũng có, mà sống bất hợp pháp cũng nhiều. Họ làm tập trung vào các ngành gồm nhà hàng, móng tay và trồng “cỏ”, tức là Marijuana. Phụ nữ thì được hứa hẹn làm móng tay, đàn ông thì lao động tại nhà hàng và các nông trại ngầm trồng cỏ. Sau nhiều năm lao vào lãnh vực này, hiện nay giới giang hồ người Việt gốc Bắc kiểm soát gần 70% thị trường Marijuana ở Anh. Nói cách khác, thương trường này, theo cảnh sát Anh ước lượng $2.6 tỷ dollars và một vốn, chín lời. Lời đến nỗi, theo cảnh sát Anh, trồng 4 trại, bị bắt mất 3 trại cỏ, họ vẫn còn lời. 
 
Vì kinh doanh lậu, và nhu cầu khát nhân công, lợi nhuận khủng. Lao động ở Nghệ An, Hà Tỉnh khi đến Anh thì luôn có việc làm, với đồng lương cao hơn lao động các nghành nghề khác, nếu tham gia trồng cỏ. Mấy năm trước, khi chưa có nhiều lao động đến từ Nghệ An, Hà Tỉnh. Những ông chủ trại "cỏ", cần lao động đến nỗi đã tìm cách mua hay ép thanh thiếu niên từ Việt Nam, rồi đưa lậu qua Anh, buộc họ làm lao động nô lệ trong các trại cỏ này. Nhờ cảnh sát Anh giải cứu nhiều trường hợp, và lao động chui qua nhiều, tình trạng bắt cóc thanh thiếu niên Việt làm nô lệ lao động ở Anh mới giảm.
 
Qua Anh, làm vài năm, dành dụm, khôn lanh, họ lại trở thành những ông chủ trại “cỏ” nhỏ, lời cả triệu dollars dễ dàng. Từ đó, nhà lầu, nhà ngói thi đua nhau mọc ở Hà Tỉnh, Nghệ An. Hình làng tỷ phú ở Nghệ An theo báo Reuter tường thuật là thí dụ điển hình.
 
Vì vậy, vay nóng, thế nhà, thế đất, nợ nần để chạy tiền từ 10 ngàn đến 30 ngàn Mỹ Kim để mua chỗ, đút lót đến cho được nước Anh. Dù có nguy hiễm, gian truân, hay tù tội thì mấy cũng thử là vậy. Liều lĩnh, và trưởng thành trong môi trường phức tạp, vô pháp. Đám di dân mới này, con cháu của bác và đảng, một số sẵn sàng lao vào con đường tội ác. Cám dỗ đổi đời, làm giàu và giàu nhanh, khủng thì chỉ có đường trồng cỏ và buôn cỏ, để có tiền trả nợ cả vốn lẫn lời, nếu không muốn bị giới giang hồ đòi nợ và thanh toán.
 
Nghệ An, Hà Tỉnh là hai nơi có thu nhập bình quân thấp nhất cả nước. Trung bình, thu nhập hàng năm hai Tỉnh khoảng $2000 Mỹ kim, so với cả nước $2540. Tỉnh nghèo, đói lại không có việc làm vì khủng hoảng của nhà máy Formosa. Cá chết, biển độc, nguồn nuôi dưỡng kinh tế bị co cụm. Kinh doanh du lịch, nhà nghỉ nhà hàng bị chết. Để sống thì chỉ còn cách đi lao động thuê, lao động chui ở nước ngoài. Thị trường lao động nước ngoài gửi ngoại tệ về hai tỉnh này, đã là nguồn nuôi sống gia đình, bộ máy đảng, chính quyền địa phương. Vì vậy, đảng csVN càng tạo điều kiện, toa rập, móc ngoặc, buôn bán giấy tờ, khuyến khích để dân đi lao động chui nước ngoài. Và nếu đi ở Anh, càng kiếm nhiều tiền thì càng tốt cho đảng.
 
Nghị quyết 274/2009 của Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Nghệ An kêu gọi; “xuất khẩu lao động là mối quan tâm hàng đầu của đảng, để có việc làm, xoá đói giảm nghèo”. Không quan tâm sao được, khi năm ngoái số tiền người đi lao động nước ngoài chuyển về cho gia đình trong Tỉnh Nghệ An là $255 triệu Mỹ Kim. Như vậy bao nhiêu Mỹ Kim chui vào túi đảng, để tiếp tục nuôi sống bộ máy chính quyền.
 
39 người Việt xấu số đã chết. Gia đình buồn nhưng viên chức chính quyền Nghệ An, Hà Tỉnh còn buồn nhiều hơn. Họ đang lo sợ vụ việc sẽ bị phanh phui, hé lộ đường giây buôn người ngầm mà họ có dính phần. Không ngạc nhiên khi thấy thái độ bất hợp tác và gây khó khăn của chính quyền địa phương, khi gần đây thông tin đang lộ dần, cảnh sát Anh đang ráo riết truy tìm hành tung ông Trùm, triệu phú Mỹ kim họ Trương gốc Nghệ An, người đã chỉ đạo đường dây đưa người đi lậu ra nước ngoài cả chục năm nay. Nếu vài hôm sau có ai họ Trương bị chết bất ngờ, thì có thể là Đảng đã ra tay cho giết người bịt khẩu, trước khi bị cảnh sát Anh bắt giữ, nếu đang trốn đâu đó ở nước ngoài.” (ngưng trích)
 
Ngày 29 tháng 10, ông Lê Thương viết một bài trên FaceBook, bác bỏ luận điệu cho rằng những người này ra đi vì họ nghèo đói, muốn tìm miếng cơm manh áo và luận điệu cho rằng những người này là nạn nhân của FORMOSA họ quá nghèo đói, ở quê không có việc gì làm nên phải tìm cách bỏ nước ra đi"...
 
Trong số nạn nhân, người được nhắc tới nhiều là cô Phạm Thị Trà Mi, người mà trước khi chết đã nhắn tin về cho mẹ: "Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được". Tin từ Nghệ An cho biết Trà Mi là chị của Phạm Mạnh Cường, một dư luận viên của đảng, và có người yêu là Nguyễn Công Thắng, một an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.
 
Theo tin đài VOA thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN Lê Thị Thu Hằng nói trong một phát biểu đăng trên website của bộ rằng: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng”, và rằng, “Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này.”
 
Không biết bà Lê Thị Thu Hằng có “hết sức đau lòng” thật  hay không, nhưng ai là người Việt Nam, hay không phải người Việt Nam, mà không không cảm thấy đau buồn trước “thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng này”, nếu còn có một trái tim con người.
 
Trước đây, sau ngày 30.4.1975, thế giới cũng đã bàng hoàng thương cảm khi thấy hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do trên những con tàu gỗ mong manh, bất chấp dông bão và hải tặc, mà khoảng một phần tư trong số này đã không đến được bến bờ tự do. “Thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng” này đã kéo dài hơn mười năm, và thế giới đã dang tay cứu giúp những người mà họ gọi “thuyền nhân” (boat people) tràn ngập các bờ biển Vùng Đông Nam Á.
 
Những thuyền nhân ấy đã ra đi vì không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, một do chính trị và tinh thần cao đẹp, nên họ đã bỏ lại tất cả tài sản vật chất để ra đi mình không và đã xây dựng lại đời sống thành công trên quê hương mới từ con số không với sự lương thiện và chuyên cần. Họ góp mặt bình đẳng trong mọi lãnh vực của sinh hoạt trong xã hội và được kính nể.
 
Hai tuần lễ trước thảm kịch của những người Việt Nam chết trong thùng xe lạnh giá tại Essex trên đường nhập cảnh lậu vào nước Anh, tại thủ đô Washington đã diễn ra buổi lễ long trọng thăng chức Tướng cho một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ, ông Nguyễn Từ Huấn.
 
Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn có một tiểu sử ly kỳ liên quan đến lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ, và vấn đề nhân đạo trong chiến tranh. Ông Huấn là con của một sĩ quan Quân lực VNCH, sinh tại Huế năm 1959, năm mà CSBV xé bỏ Hiệp Định Genève, bắt đầu phát động cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam. Cuộc chiến tranh leo thang ác liệt vào năm 1968, CSBV và du kích Việt Cộng đã lợi dụng cuộc hưu chiến vào dịp Tết Mậu Thân, mở cuộc tổng tấn công bất ngờ vào 41 thành phố và tỉnh lỵ tại Miền Nam.
 
Tại Sài-Gòn, mục tiêu chính của cuộc đánh trộm, du kích VC đã xâm nhập và chiếm giữ nhiều nơi trong thành phố, nhất là vùng ngoại ô, trong đó có Quận Gò Vấp, nơi gia đình Trung tá Nguyễn Tuân cư ngụ. Chỉ huy toán VC là  Nguyễn Văn Lém, còn được gọi là Bảy Lốp, đã tàn sát cả gia đình ông Tuân gồm tám người. Cậu bé Nguyễn Từ Huấn, khi ấy lên 9, cũng bị trúng đạn, nhưng đã sống sót và ở bên cạnh mẹ trong hai giờ trước khi bà mất máu và qua đời.
 
Sau đó, Bảy Lốp bị một đơn vị Quân đội VNCH bắt và dẫn giải đến Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, khi ấy là Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Nghe báo cáo về tội ác của Bảy Lốp, Tướng Loan đã rút súng lục, xử tên khủng bố VC tại chỗ, trước Chùa Ấn Quang. Tình cờ, phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams đang có mặt tại hiện trường, đã không bỏ lỡ cơ hội để chụp “tấm hình lịch sử”. Tấm ảnh này, được đặt tên là “Saigon Execution”, năm 1969 đã được Giải Pulitzer về ảnh báo chí và được truyền thông thân cộng và đám phản chiến tại Mỹ khai thác, tố cáo VNCH vô nhân đạo, Tướng Loan tàn ác đã giết một tù binh bị trói tay mà không xét xử. Bức ảnh này không cho thấy tội ác khủng khiếp của tên khủng bố VC đã tàn sát thường dân, kể cả những đứa bé vô tội, và khi ấy cả Sài-Gòn đang là bãi chiến trường bốc lửa.
 
Bức ảnh ấy đã gây tai hại không nhỏ một cách bất công cho chính nghĩa của VNCH, cho Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và cho cả Eddie Adams khi ông ta biết những sự thật mà tấm ảnh không “nói” hết được làm lương tâm ông ta đã bị cắn rứt trong nhiều năm. Sau khi Tướng Loan qua đời tại Virginia, Adams viết trên tạp chí TIME số đề ngày 27.7.1998: “Trong tấm ảnh đó có hai người bị giết, tên Việt Cộng bị ông tướng bắn và ông tướng bị tôi giết bằng máy ảnh của tôi. Dù không có ý đồ ngụy tạo nhưng đôi khi một tấm ảnh có thể nói dối. Tôi xin lỗi…
 
Một lời xin lỗi muộn màng, sau khi Tự Do đã chết tại Nam Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Loan cũng đã qua đời. Nhưng trái đất vẫn không ngừng quay, đời sống trên hành tinh này vẫn tiếp tục và lịch sử vẫn ghi lại những sự thật không thể che dấu mãi.
 
Cậu bé Nguyễn Từ Huấn thoát chết năm xưa đã là một chứng nhân lịch sử, và đang làm lịch sử với tư cách một viên Tướng trong Hải Quân Hoa Kỳ, lực lượng trên biển hùng mạnh nhất thế giới, như ông đã nói trong buổi lễ thăng cấp ngày 10 tháng 10 vừa qua:
 
“Đây là nước Mỹ của chúng ta, một đất nước được xây dựng trên sự phục vụ, lòng tốt và sự quảng đại, cơ hội cho mọi người, tự do để hy vọng và ước mơ.
Tại một nơi nào khác, có thể một người tị nạn chính trị với một tương lai bất định, giống như cảnh ngộ của tôi 44 năm trước, lại được sự tin cậy của quốc gia dung nhận mình để sẽ phòng vệ mình vào lúc cần thiết? Đứng trên nơi đây hôm nay là một tuyên hứa trung thành với quốc gia này của chúng ta, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.”
 
Không người Việt Nam nào mà không vui mừng và cảm thấy tự hào chung với Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn về sự thành công của ông, cũng như sự thành công của rất nhiều “thuyền nhân” khác trên khắp thế giới.
 
Cũng không có người Việt Nam nào không cảm thấy đau xót và tủi nhục cho những “thùng nhân” đã chết thảm tại Essex..
 
Ai đã gây ra thảm kịch ấy, và ai đã gây ra thảm kịch của những thuyền nhân đã bỏ mình ngoài biển khơi trước đây?
 
Câu hỏi để cho bà Lê Thị Thu Hằng trả lời.
 
Ký Thiệt

Đặng Hữu Phát gởi