Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
TỪ XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE, THÁI ĐỘ MỚI CỦA MỸ ĐỐI VỚI ĐÀI LOAN


Với một lý do ích kỷ, người viết thật sự mong muốn Trung Cộng (TC) tấn công Đài Loan và chiến tranh khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương bùng nổ. Lý do, nếu chiến tranh với  TC là chọn lựa cuối cùng và không tránh khỏi để giải quyết một xung đột tại Á Châu, chiến tranh xảy ra càng sớm càng có lợi cho các nước nhỏ trong vùng.

Hitler chỉ cần 6 năm từ 1933 đến 1939 để gia tăng quân đội từ 100 ngàn người theo điều kiện của hiệp ước Versailles lên tới 4.1 triệu quân. Phương tiện và kỹ thuật chiến tranh cũng gia tăng tương ứng để trang bị cho quân đội. Trong khi đó, bộ máy quốc phòng của các nước nhỏ như Ba Lan, Bỉ, Đan Mạch, Nam Tư v.v.. gần như không thay đổi bao nhiêu. Ba Lan bị Hitler và Stalin tấn công cả bốn hướng và bị đánh bại sau hơn một tháng. Đan Mạch đầu hàng ngay trong ngày đầu bị Đức tấn công. Nam Tư chỉ chống cự được hơn một tuần lễ. Một trong những nước thực dân là Hòa Lan (Dutch) chỉ giỏi dùng súng đạn để tàn sát các dân tộc Ghana, Nambia nhưng không phải là đối thủ của các phi đoàn Luftwaffe và đầu hàng sau 4 ngày chiến đấu.

Giống như Hitler, Tập Cận Bình cần thêm thời gian. Thời điểm quan trọng nhất trong nghị trình của Tập Cận Bình là năm 2049.  Họ Tập hy vọng vào thời điểm đó TC về sức mạnh kinh tế và quân sự sẽ qua mặt Mỹ. Vì vậy, dù gan ruột lúc nào cũng muốn nuốt sống Đài Loan, y không dám ra tay khi chưa đủ mạnh.

Tập Cận Bình cần thời gian để (1) tập trung mọi quyền hành, (2) tăng cường kỹ thuật và vũ khí chiến tranh, (3) nâng cấp quân đội để đối phó với chiến tranh có tầm vóc quy mô tại Á Châu và thế giới.

Cả ba điểm đó nằm trong mục đích tối hậu đưa TC lên hàng cường quốc số một thế giới vào năm 2049. Họ Tập nhắc đi nhắc lại chữ “cường quốc” bốn lần trong diễn văn dài đọc trước đại hội 19 đảng CSTQ.  

Nhưng họ Tập quên rằng Mỹ không ngồi đó chờ TC đuổi kịp. Stalin và các lãnh tụ CSLX sau y cũng đã từng chạy đua và thất bại.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine đã thay đổi chính sách đối ngoại của nhiều nước, đặc biệt thái độ của Mỹ đối với Đài Loan.

Cách đây bốn hôm, 23 tháng 5, 2022, trong buổi họp báo với Thủ tướng Nhật, TT Joe Biden khi được hỏi “ Tổng thống không muốn can dự vào cuộc xung đột quân sự Ukraine vì những lý do rõ ràng nhưng liệu Tổng thống có sẵn sàng tham gia quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu điều đó xảy ra không? TT Biden trả lời “Có”.

Cũng trong tháng 5 này,  Mike Pompeo,  cựu Ngoại trưởng dưới thời TT Donald Trump viếng thăm Đài Loan và cũng kêu gọi chính phủ Mỹ nên công nhận Đài Loan. Nguyên văn trong tweet của ông: “Đề nghị Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao của Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) là một quốc gia tự do và có chủ quyền.”

Cách trả lời của TT Joe Biden và đề nghị của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo giống nhau về nội dung. Cả hai trong thâm ý đều đang nghĩ đến Đài Loan như một quốc gia với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Hôm qua, 26 tháng 5, trong lá thư gởi TT Biden, hàng loạt các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa lẫn Dân Chủ như Kevin Cramer (Dân Chủ), Mike Braun (Cộng Hòa), Rick Scott (Cộng Hòa),  Mitt Romney (Cộng Hòa), Elizabeth Warren (Dân Chủ) v.v.. kêu gọi TT Biden duy trì các điều khoản mà TC đã cam kết trong đàm phán thương mại giai đoạn đầu (Phase One Agreement) với Mỹ.

Điều đó cho thấy, chính sách đối ngoại của Mỹ, cường độ có thể khác nhau trong mỗi thời kỳ nhưng luôn thống nhất dù tổng thống là Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Khác với các chính sách đối nội như an sinh xã hội, thuế má, ngừa thai phá thai, kiểm soát súng v.v.., chính sách Ngăn Chặn (Containment Policy) Liên Xô, suốt 44 năm, bắt đầu từ Harry Truman (Dân Chủ) cho tới George H. W. Bush (Cộng Hòa), về căn bản không thay đổi.

Bài viết dưới đây đây được viết tháng 10, 2020, khá lâu trước khi Nga xâm lăng Ukraine nhưng các diễn biến hiện nay phù hợp với nội dung bài viết nên thay vì viết bài viết mới, xin đăng lại để các bạn trẻ dành thời gian để đọc:

TẬP CẬN BÌNH SẼ KHÔNG DÁM ĐỤNG TỚI ĐÀI LOAN

Trong thời gian qua, thỉnh thoảng Tập Cận Bình lại hăm he sáp nhập Đài Loan kể cả bằng vũ lực và điều này tạo nên nhiều bàn tán trong giới phân tích chính trị và quân sự Á Châu.

Ngày 14 tháng 10, 2020, khi thăm viếng một căn cứ quân sự tại Quảng Đông, Tập Cận Bình chỉ thị cho quân đội “phải tập trung hết tinh thần và năng lực để chuẩn bị cho chiến tranh.” Nhưng hăm he là một chuyện, đánh là chuyện khác. Dưới đây là một số trường hợp và lý do khiến họ Tập chỉ hăm he nhưng không dám đụng tới Đài Loan:

Viễn Ảnh Một Chiến Tranh Châu Á

Nếu nhìn theo mười bước đi của Hitler từ khi rút ra khỏi Hội Quốc Liên 1933 đến Thế Chiến Thứ Hai 1939, về mặt địa lý Đài Loan có nhiều nét giống với Áo.  Đức và Áo có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa và biên giới. Hitler sáp nhập Áo năm 1938 không tốn một viên đạn.

Nhưng lợi thế đó của Hitler không áp dụng được trong trường hợp Đài Loan. Giả thiết có một Thế Chiến Thứ Ba hay Chiến Tranh Á Châu bùng nổ, lần này Tập thay vào chỗ Hitler, Đài Loan sẽ giống Ba Lan hơn là giống Áo.
Tập Cận Bình  (1) không “trung lập hóa” được kẻ thù như Đức ký hiệp ước không xâm lăng nhau với Ba Lan 1934, (2) không ký được thỏa hiệp nhân nhượng như giữa Hitler và Nevill  Chamberlain 1938,  (3) không thông đồng được với kẻ thù tương lai như trường hợp Hitler ký hiệp ước bí mật với Stalin 1939, (4) không có một đồng minh nào như Hitler có Mussolini và Hideki Tojo. Một Putin chủ nghĩa cơ hội sẽ tìm cách xa lánh Tập. Chung quanh TC chỉ toàn là kẻ thù.

Điều này có nghĩa khi tấn công Đài Loan và tạo ra một xung đột kinh tế, chính trị và quân sự lớn, TC có thể cũng cùng lúc châm ngòi cho một cuộc chiến Á Châu với sự tham gia ít nhất của Mỹ, Ấn, Nhật, Úc.
Tập Cận Bình không dám nghĩ tới đừng nói chi gây ra tai họa đó.

Chiến Tranh Toàn Diện Giữa TC Và Đài Loan

Cho dù không có Thế Chiến Thứ Ba hay chiến tranh châu Á mà chỉ “anh em thù địch” giữa TC và Đài Loan, và ngay cả trong trường hợp không có sự can thiệp của Mỹ, TC cũng vẫn phải “tắm máu” mới chiếm được Đài Loan bằng võ lực. Eo Biển Đài Loan sẽ ngập xác quân TC không phải sáu trăm ngàn như chiến tranh Triều Tiên mà chắc chắn cao hơn.

Nhiều nhà phân tích ví chiến tranh giữa Đài Loan và TC chẳng khác gì David và Goliath. Điều đó đúng nếu chỉ đem võ khí và dân hai nước ra đếm, nhưng thực tế chiến tranh có thể sẽ khác. Thắng bại không chỉ do quân số và võ khí mà còn do quyết tâm và chiến lược.

Trong Chiến Tranh Mùa Đông giữa Phần Lan và Liên Xô từ 1939 đến 1940, Phần Lan chỉ có vỏn vẹn 34 chiếc xe tăng chống cự với ít nhất 2500 xe tăng của Liên Xô và Phần Lan chỉ có 114 phi cơ chiến đấu đương đầu với 3800 phi cơ đủ loại của Liên Xô. Phần Lan thắng một cách oanh liệt chỉ vì lòng yêu nước và quyết tâm gìn giữ quê hương.

Về chiến lược và chiến thuật, bài học từ các cuộc chiến tranh đảo quốc cho thấy bảo vệ đảo dễ hơn là chiếm đảo.

Các cấp chỉ huy quân sự Đài Loan biết rõ thế yếu của Đài Loan nên kế hoạch bảo vệ đảo là một trong những chiến lược được nghiên cứu và thực tập mấy mươi năm của quân đội Đài Loan. Trừ phi TC dùng bom nguyên tử để xóa sạch Đài Loan trên bản đồ, muốn chiếm đảo, TC không có chọn lựa nào khác ngoài đổ bộ. Nhưng đổ bộ và đánh bại được 250 ngàn quân tinh nhuệ bảo vệ quê hương bằng mọi giá không phải là chuyện một vài ngày hay một vài tuần.

Tập Cận Bình không thể không nghĩ đến viễn ảnh sa lầy trên đảo quốc Đài Loan.

Quan Hệ Kinh Tế Phức Tạp Và Chằng Chịt

Mạng lưới quan hệ và mậu dịch kinh tế chằng chịt, không chỉ giữa TC và Đài Loan mà TC, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu và khối các nước đang phát triển. Vì thế, dù có thắng chiến tranh bằng quân sự nền kinh tế TC sẽ thiệt hại nặng nề nếu không muốn nói là phá sản. Bài học Liên Xô cho họ Tập thấy, phá sản kinh tế sẽ tức khắc dẫn tới phá sản cơ chế chính trị.

Sau trận Chiến Tranh Thương Mại tập một với Mỹ, Tập Cận Bình choàng tỉnh và ý thức rằng TC từ nay sẽ phải thay đổi chính sách kinh tế để đáp ứng với những bước đi kế tiếp của các tổng thống Mỹ.

Dù tổng thống nào, xu hướng đối ngoại của Mỹ đối với TC trong mọi lãnh vực đã thay đổi và sẽ không trở lại như thời kỳ trước “chiến tranh thương mại” nữa. Do đó, không ngạc nhiên khi họ Tập tuyên bố Trung Quốc đối diện với một cuộc Vạn Lý Trường Chinh khác và kêu gọi dân TC chuẩn bị lên đường.

Chiến Tranh Giới Hạn

Giả thiết Tập Cận Bình không đánh chiếm Đài Loan mà chỉ pháo kích sang bên kia Eo Biển Đài Loan như Mao đã làm vào các năm 1954, 1955, hay dùng hạm đội bao vây, cô lập giao thông giữa Đài Loan và thế giới bên ngoài.

Họ Tập cũng không dám tự gây ra những bất ổn đó.

Bởi vì một nguyên tắc chính trị và quân sự cổ điển là mọi bất ổn chỉ làm cho những kẻ thù đoàn kết chặt chẽ hơn. Xung đột quân sự TC Đài Loan sẽ giúp cho Nhật có lý do chính đáng để tái vũ trang toàn diện và QUAD (Quadrilateral Security Dialogue), một diễn đàn không chính thức của bốn quốc gia Nhật, Úc, Ấn Độ và Mỹ để trao đổi thông tin và bàn về các cuộc thực tập quân sự do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề xướng năm 2007, trở thành chính thức. QUAD đang dự tính sẽ mở rộng thêm thành viên và đóng vai trò tiền trạm cho một “NATO Châu Á” ra đời khi cần thiết.

Phiên họp của QUAD 2020 cho thấy dù vẫn không chính thức nhưng các nước chống TC đã mạnh miệng và quyết tâm hơn trước. Họ nắm được nhược điểm và khó khăn của TC.

Xung đột TC và Ấn vừa qua có lợi cho Indo-Pacific Strategy của Mỹ. Ấn thua TC trong chiến tranh Trung-Ấn 1962 do sự sai lầm trong chính sách bang giao quốc tế của Nehru và vì Mỹ đứng ngoài. Bây giờ thì khác. Mỹ sẽ vận dụng các rạn nứt Trung Ấn để dùng 1.35 tỷ dân Ấn làm đối lực cho chủ trương “lấy thịt đè người” của TC.

Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act)

Mặc dù hành pháp và lập pháp của Mỹ đang chia rẽ trong nhiều vấn đề, ủng hộ Đài Loan là một vấn đề cả hai ngành đoàn kết.

Đạo luật Taiwan Relations Act được quốc hội Mỹ thông qua ngày 10 tháng 4, 1979 ghi rõ “Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan các dụng cụ quốc phòng và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.”

“Dụng cụ và dịch vụ quốc phòng” đó là gì tùy thuộc vào sức mạnh quân sự của TC.

Họ Tập không tiên đoán được phản ứng của Mỹ nếu TC xâm lăng Đài Loan.  Vì không tiên đoán được nên y không dám ra tay.

Tập Cận Bình thỉnh thoảng lại hăm he vì hai lý do: Thứ nhất, Tập muốn tạo một không khí chiến tranh để áp đảo tinh thần các thành phần chống Tập còn rất mạnh trong nội bộ đảng CSTQ sau khi y tự phong làm hoàng đế TC vào đầu năm 2018 như Đặng đã làm trong Chiến Tranh Biên Giới với CSVN 1979. Thứ hai, Tập tiếp tục đun sôi chảo dầu đại Hán để giữ “niềm tin vào đảng” và đánh lạc hướng lòng căm phẫn của người dân trước những khó khăn kinh tế sang phía Mỹ thay vì vào Tập.

Mỹ và đồng minh sẽ đánh bại TC trong một cuộc chiến tranh quy ước, dù hôm nay, năm 2049 hay bất cứ thời điểm nào trong tương lai. Vũ khí mạnh nhất của Mỹ không phải là 20 hàng không mẫu hạm (tính cả 9 mẫu hạm trực thăng) hay các chiến đấu cơ F-35 mà là cơ chế chính trị.  Một căn  nhà đứng vững không phải nhờ lớp sơn hay do lời khoác lác của chủ nhà mà nhờ nền móng, và nền móng của một quốc gia là chế độ tự do dân chủ.

Trần Trung Đạo

_______________


Đỗ Hứng gởi