Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
TUỔI SINH HỌC
 
 
 
 
Có một số người khi về già có nét đẹp lão nhờ vóc dáng bề ngoài khoẻ mạnh mặc dù tuổi đã cao – da dẻ hồng hào, bước đi còn vững chãi, đều đặn, cử chỉ nhanh nhẹn, và một thái độ cởi mở, yêu đời. Lý do là vì họ có “tuổi sinh học” trẻ hơn so với nhiều người đồng lứa khác.
 
Tuổi sinh học hiện nay vẫn còn là một danh từ khá mới nhưng đồng thời nó cũng là đề tài đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học. Cũng cần nói ở đây, tuổi sinh học không có khả năng mang lại cho con người một cuộc sống vĩnh cửu, nhưng theo lời một số nhà khoa học, nếu một người đạt được mức “điểm tín dụng cho cơ thể” cao thì điều đó có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
 
Cũng theo lời giải thích của các nhà khoa học nói trên, tuổi sinh học – thước đo sức khỏe có thể nhiều hơn hoặc ít hơn cái tuổi tính theo thời gian của đời người – có thể giúp xác định phẩm chất cuộc sống của một người khi tuổi đời ngày càng lớn hơn. Nói như vậy, đối với người già, tuổi sinh học đóng một vai trò quan trọng hơn so với người trẻ tuổi. Thông thường, khi người ta còn trẻ, còn khoẻ mạnh, người ta ít quan tâm tới sức khoẻ, nhưng khi đã lớn tuổi, thái độ sẽ đổi khác – ăn một bữa cơm không ngon miệng cũng làm người ta nghĩ ngợi đôi chút, những hôm thời tiết thay đổi khiến mình mẩy hơi ê ẩm cũng khiến người ta băn khoăn ít nhiều.
 
Ý tưởng đằng sau tuổi sinh học là các tế bào và cơ quan trong cơ thể của con người có độ tuổi thay đổi khác nhau so với tuổi bình thường ở mỗi người. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về tuổi tin rằng nếu biết được tuổi sinh học của một người có thể giúp người đó trì hoãn hoặc tránh được những căn bệnh như mất trí nhớ Alzheimer, ung thư, bệnh tim mạch hoặc những căn bệnh liên quan tới tuổi già khác. Một số nhà khoa học còn tin rằng tuổi sinh học có thể đoán giúp trước được tuổi thọ của một cá nhân chính xác hơn.
 
Một số nhà khoa học khác đồng ý rằng tuổi sinh học quan trọng nhưng lại không đồng ý là nó có thể đoán trước được đời sống của một người. Các nhà khoa học này nói rằng hiện nay vẫn chưa có một cách thức tiêu chuẩn nào để đo lường tuổi sinh học, và nhiều loại dụng cụ hiện còn đang được nghiên cứu và phát triển vẫn chưa chứng minh được là có hữu hiệu hoặc độ chính xác là bao nhiêu. Tâm điểm của cuộc tranh luận trên là sự hy vọng rằng người ta có thể kéo dài cuộc sống bằng cách thay đổi hành vi trong cuộc sống của họ, và có khá nhiều công ty đang đánh cược rằng việc tìm ra tuổi sinh học là điều khả thi trong tương lai gần.
 
Một trong những nhà nghiên cứu và cũng là tiếng nói quảng bá rất mạnh cho khái niệm tuổi sinh học là tiến sĩ David Sinclair, giáo sư môn di truyền học tại Đại học Y khoa Harvard, đang nghiên cứu phát minh cách thức xét nghiệm tuổi sinh học mà ông mô tả “tựa như cho điểm tín dụng cho cơ thể của con người vậy.” Cũng theo tiến sĩ Sinclair, tuổi đời của ông hiện nay là 52 nhưng tuổi sinh học của ông chỉ mới trên dưới 42.
 
Nhưng cũng xin nhắc lại là cho đến nay vẫn chưa có một cách thức xét nghiệm tiêu chuẩn nào cho tuổi sinh học, nghĩa là nó vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu tìm tòi. Một số nhà khoa học tính toán số liệu bằng cách phân tích các dấu ấn sinh học trong máu hoặc nước bọt; một số nhà khoa học và kỹ sư khác thì đo lường bằng cách so sánh các cá nhân với các tiến trình lão hóa khác nhau.
 
Những hoạt động có ảnh hưởng đến tuổi sinh học – như ngủ, tập thể dục và dinh dưỡng – về cơ bản là những thói quen tốt nhiều người trong chúng ta đã biết. Nhưng vì yếu tố di truyền ở mỗi người mỗi khác nên việc theo dõi tuổi sinh học của mỗi cá nhân có thể giúp xác định thói quen nào hữu ích nhất và cách điều chỉnh chúng. Với một người, đi bộ 10,000 bước một ngày có thể là tốt cho sức khoẻ nhất, trong khi với người khác có thể là 6,000 bước.
 
Người ta cũng có thể kéo tuổi sinh học của mình xuống thấp hơn bằng cách tập thiền hoặc thực hiện những phương thức kiểm soát căng thẳng có hiệu quả hơn. Có người lại dùng các loại thuốc bổ sung như vitamine chẳng hạn để giúp họ được trẻ hơn.
 
Các nhà khoa học nghiên cứu về lão hóa hy vọng rằng cuối cùng rồi thì mọi người sẽ có thể đo được chính xác tuổi sinh học của mình và tìm ra được những hoạt động nào đó trong cuộc sống ảnh hưởng đến nó để sau đó tìm cách ngăn ngừa những căn bệnh mãn tính và để có thể sống được thọ hơn.
 
Mặc dù vậy, một số nhà khoa học khác vẫn nghi ngờ về tiến trình này. Một số nghĩ rằng ngay cả khi người ta biết được tuổi sinh học của mình, thì điều đó vẫn chưa hẳn chắc chắn là người ta có thể sử dụng khái niệm này để giúp cho họ sống lâu hơn.
 
Những tranh luận đúng sai về tuổi sinh học và ảnh hưởng của nó lên tuổi thọ của con người có lẽ còn kéo dài lâu nữa. Tuy nhiên, với khoa học ngày càng tiến bộ và tuổi thọ của con người nói chung cũng nhờ đó mà ngày càng kéo dài hơn. Một thế kỷ trước, những ai may mắn sống quá 60 hoặc 70 tuổi thì được cho là thọ lắm rồi. Ngày nay, số người sống quá 90 hoặc thậm chí 100 tuổi không còn là điều hiếm hoi nữa.
 
Trước đây, các nhà khoa học vẫn thường sử dụng tuổi tính theo thời gian và tuổi thọ để làm thước đo chính về sức khỏe trong dân chúng – thời gian đời người càng kéo dài hơn, tuổi thọ trung bình càng cao hơn và như vậy có nghĩa là người dân có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tuổi tính theo thời gian và tuổi thọ không cho thấy bằng chứng cụ thể nào liên quan đến sức khỏe cơ thể của một người trong những năm người đó sống, và do đó đây không hẳn là thông tin chính xác đối với sức khỏe của một người. Trong khi những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong mấy thập niên qua đã kéo tuổi thọ tăng lên, thì nay người ta chú ý nhiều hơn tới tầm quan trọng của phẩm chất cuộc sống của những năm được tăng thêm đó. Nói một cách dễ hiểu hơn, không chỉ là sống thọ mà được sống vui vẻ khoẻ mạnh mới là điều đáng nói.
 
Đó là lý do tại sao nhóm từ “thời gian sống khoẻ mạnh” ngày càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ – vì đây chính là số năm trong đời người mà người ta thực sự có sức khoẻ tốt và không mắc những căn bệnh liên quan tới tuổi tác, và do đó nó quan trọng hơn là số năm người ta được sống. Ví dụ, một người nào đó có thể sống đến 80 tuổi, vậy tuổi thọ của họ là 80, nhưng có thể 20 năm cuối đời của họ sống với một căn bệnh mãn tính, vậy thời gian sống khoẻ mạnh của họ chỉ còn 60 năm – là thời gian sống có ý nghĩa, còn 20 năm kia chỉ là sống dư. Sống mà đau đớn bệnh hoạn, thời gian nằm trên giường nhiều hơn bất cứ thời gian hoạt động nào khác thì chắc hẳn không ai muốn sống thọ kiểu ấy cả.
 
Và như ta có thể đã đoán ra, thời gian sống khoẻ mạnh có liên quan mật thiết đến tuổi sinh học. Giữ cho tuổi sinh học của ta càng trẻ hơn bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu vì nó sẽ không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà còn kéo dài thời gian sống vui sống khoẻ trong cuộc đời của ta.
 
Thông thường mỗi khi biết được một cụ nào đó có tuổi thọ cao hơn bình thường thì giới truyền thông vẫn hay tìm đến phỏng vấn các cụ. Một trong những câu hỏi luôn được đặt ra cho các cụ là bí quyết nào giúp các cụ sống thọ như thế. Và hầu như tất cả các cụ đều có câu trả lời tương tự là cuộc sống của các cụ rất điều độ: ăn uống chừng mực, ngủ nghỉ đầy đủ, sống lạc quan và tránh bị căng thẳng. Một bí quyết sống thọ, sống khoẻ hết sức dễ học vậy mà nhiều người trong chúng ta vẫn không theo được, vẫn tiếp tục phung phí những gì mà tạo hoá ban cho. Phải chăng chúng ta không thích được sống lâu và có sức khoẻ tốt? Không hẳn vậy. Tâm lý chung ai cũng muốn được kéo dài tuổi thọ và sống khoẻ mạnh, cho dù cuộc sống nhiều khi không có gì là thú vị nhưng chẳng mấy ai muốn chia tay sớm với nó. Thích sống lâu, sống khoẻ nhưng đồng thời cũng thích sống buông thả, con người quả thật là sinh vật khó hiếu.
 
Huy Lâm
 
_____________


Đỗ Hứng gởi