Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
TƯƠNG LAI VIỆT NAM ĐI VỀ ĐÂU ?


Nhật Bản đang chết dần mà không cần chiến tranh. Người trẻ không muốn cưới, phụ nữ không muốn sinh con, dân số già cỗi và co rút từng năm. Một phần vì đời sống quá đắt đỏ, phần khác vì chính sách phúc lợi vô tình tạo ra cơ chế “thưởng” cho việc sống một mình. Phụ nữ ly dị xong không tái giá sẽ được giảm thuế, hưởng trợ cấp nuôi con, thậm chí nhận phần chia tài sản và lương hưu từ chồng cũ. Thế thì họ lấy chồng để làm gì?

Kết quả là nhiều phụ nữ chọn độc thân. Trường học phải đóng cửa vì không có trẻ em. Làng mạc vắng tiếng khóc trẻ thơ. Chính phủ ra sức kêu gọi sinh con nhưng chẳng ai hưởng ứng. Một xã hội có trình độ cao nhưng đang dần tự tuyệt chủng vì sinh sản trở thành gánh nặng.

Câu chuyện đó tưởng như xa xôi, nhưng nếu nhìn kỹ, Việt Nam đang bước những bước đầu tiên vào một quỹ đạo tương tự nhưng theo một chiều hướng ngược lại. Ở ta, người không sinh thì có học, người đẻ nhiều thì lại ít học. Và hệ quả cuối cùng có thể cũng là một xã hội mất cân bằng nghiêm trọng về dân trí và nguồn nhân lực.

Tầng lớp trí thức, sinh viên có bằng cấp, giới kỹ sư, bác sĩ, giảng viên, người làm trong các ngành công nghệ cao hay kinh tế tri thức tất cả đều đổ về thành phố. Bởi đó là nơi có cơ hội, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiện nghi hiện đại và cả khả năng thăng tiến.

Nhưng càng về thành thị thì đời sống càng đắt đỏ. Giá nhà đất cao ngất ngưởng, thực phẩm đắt đỏ, các loại hình giải trí, y tế, giáo dục đều tiêu tốn nhiều chi phí. Một cặp vợ chồng trẻ dù có bằng đại học, thu nhập tạm gọi là khá, cũng phải chật vật mới lo được cuộc sống hàng ngày.

Đó là lý do vì sao người thành thị ngại sinh con. Họ không ích kỷ, không lạnh lùng. Họ chỉ quá hiểu rằng để nuôi một đứa trẻ “cho ra hồn” là cả một quá trình gian nan. Tiền thuê nhà, học phí, tiền sữa, tiền khám bệnh, tiền giữ trẻ và mỗi thứ đều xé nhỏ thu nhập của họ. Sinh thêm một đứa con chẳng khác nào đặt lên vai một hòn đá nữa, trong khi họ đã gồng mình giữa cuộc sống vốn không có chỗ nghỉ.

Vì thế, nhiều người học cao vẫn quyết định không có con, hoặc chỉ có một. Họ sống tiết kiệm, tập trung cho sự nghiệp, hoặc chọn không kết hôn. Dân số trí thức trong các đô thị vì thế mà ngày càng giảm dần về mặt tái sản xuất baby.

Ngược lại, ở nông thôn, chuyện đẻ con vẫn diễn ra ồ ạt. Không phải vì người ta không biết khó khăn, mà vì không có gì cản lại được. Ở quê, không có trung tâm thương mại, không có rạp chiếu phim, không có quán bar, không có gì gọi là “giải trí hiện đại.” Chồng đi làm về, đi lui đi tới trong cái nhà bé tẹo, trước mặt chỉ có cô vợ. Vợ thì không đi làm, chẳng có phương tiện tránh thai đúng cách. Vậy là cứ thế mà đẻ.

Họ đẻ vì không có thứ gì khác để làm, và cũng vì không được giáo dục đầy đủ về giới tính hay kế hoạch hóa gia đình. Bao cao su, thuốc ngừa thai, hay khám thai định kỳ vẫn còn là khái niệm xa lạ với nhiều người.

Kết quả là dân số tăng nhanh ở những nơi thiếu thốn điều kiện nuôi dưỡng. Những đứa trẻ sinh ra không đủ sữa, không đủ sách, không đủ trường lớp chất lượng, và không có môi trường kích thích tư duy. Chúng lớn lên trong một vòng lặp giống cha mẹ chúng ít học, ít cơ hội, và bị buộc phải sống bằng lao động tay chân.

Trong khi đó, con cái của tầng lớp có học thì lại thưa thớt, co cụm, và có nguy cơ tuyệt chủng dần theo thời gian.

Nếu không có chính sách đúng đắn, tương lai nước Việt sẽ hình thành một cấu trúc xã hội lạ lùng là dân số đông sẽ là nhóm người ít học, chiếm lĩnh nguồn lực, quyền bầu cử, thậm chí quyền cai trị. Còn người có học, có tầm nhìn, có khả năng phát triển đất nước thì lại trở thành nhóm thiểu số.

Và rồi khi đất đai không còn đủ để làm nông, khi khí hậu khiến trồng trọt trở nên bấp bênh, thì lớp người lớn lên từ nông thôn sẽ không thể quay lại ruộng đồng. Họ sẽ tràn về thành thị, cạnh tranh lao động phổ thông, và đẩy xã hội đến giới hạn mới về thất nghiệp, xung đột, bất ổn.

Khi dân chủ không đi kèm với dân trí, nguy cơ tụt hậu là rất rõ ràng. Khi dân số không gắn với chất lượng, thì đất nước đông dân cũng chỉ là gánh nặng. Khi người học ít lại có quyền quyết định số phận người học nhiều, thì sự sa sút không còn là giả thuyết mà là định mệnh.

Tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu, nếu hiện tại không đặt ra câu hỏi đó ngay từ bây giờ?


__________________


Hoang Nguyen gởi