Tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời trong xôn xao, nghi hoặc
Trong nhiều bản tin, gần như được lặp đi lặp lại, và không để sơ hở, tin tức về Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ trần vào rạng sáng 14-9 tại nhà riêng, chỉ nói ngắn gọn là vì do bệnh hiểm nghèo. Tang lễ dự kiến được tổ chức với nghi thức cấp cao, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tin cáo phó nêu Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1959 (giấy tờ lý lịch ông ghi năm 1957), quê ở Thừa Thiên – Huế, con trai của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Vịnh là một trong những tướng quân đội, xuất hiện trên truyền thông với các phát biểu được chú ý, vì nhận định vừa phải, không quá cực đoan Cộng sản, cũng như không quá thuần phục Bắc Kinh.
Cuối Tháng Tám, ông Vịnh còn xuất hiện trên truyền hình VTV1 trong lễ ra mắt sách của ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên hình dạng của ông Vịnh làm nhiều người ngạc nhiên, vì ông Vịnh xuất hiện với diện mạo khác lạ, tóc rụng gần hết, gương mặt xanh xao và bị nám đen, bệu bạo, giọng khàn và đứt quãng.
Sự kinh ngạc này có lý do, vì mới hồi tháng Năm, hình ảnh ông đón nhận Huân chương Mặt Trời Mọc của Toà Đại sứ Nhật trao tặng, nhìn ông ta vẫn còn đầy phong độ.
Hình ảnh đau yếu của ông Nguyễn Chí Vịnh được so sánh với những người đã từng “mắc bệnh hiểm nghèo” – nói theo ngôn ngữ báo chí nhà nước – tương tự như ông Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang, có cái gì đó khiến nhiều người liên tưởng, dẫn đến nhiều xôn xao nghi hoặc về bệnh tình và cái chết của ông ta. Có ý kiến ông bị ám sát hay đầu độc, và cho là điều này đã dẫn đến chuyện ông Vịnh chọn chữa trị tại nhà cho đến khi qua đời.
Ông Vịnh được coi là trục cân bằng các ngôn luận cực đoan trong nội bộ của nhà nước Việt Nam hiện nay, và có khuynh hướng nói thẳng nhiều hơn các quan chức cấp cao khác. Ông Vịnh về hưu từ Tháng Mười Hai 2021, nhưng từ khi ông còn tại chức, đã nổi tiếng với tuyên bố
“Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền, cũng như không bao giờ nhượng bộ về vấn đề này”.
Không gọi tên Trung Quốc, nhưng ông Vịnh cũng từng nhấn mạnh rằng Việt Nam không bao giờ chấp nhận “một nền hòa bình lệ thuộc” cũng như “phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền”.
Có vẻ như Trung Quốc cũng như phe thân Bắc Kinh trong nội bộ của Việt Nam không hài lòng về các phát biểu cứng rắn này của Vịnh, nên truyền hình hay báo chí ít dẫn lời của Vịnh qua các xung đột trên biển. Thậm chí trong hội nghị Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt – Trung, cấp thứ trưởng lần 2 đã diễn ra ngày 28-8 tại Bắc Kinh, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, với vai trò Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Vịnh cũng không ngại nhắc lại những quan điểm này.
Tương tự, với Nga khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, trong lần trả lời phỏng vấn với Dân Trí, ông Vịnh nêu quan điểm và mong muốn các bên nhanh chóng tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột, chấm dứt nổ súng để không có thêm bất cứ một người dân thường hay một người lính nào phải thiệt mạng. Dù không nêu đích danh Nga – quốc gia mà ông được đào tạo ngành tình báo – Nguyễn Chí Vịnh nói “những quốc gia theo đuổi đường lối sử dụng bạo lực để giành giật lấy lợi ích không chính đáng sẽ phải trả giá”.
___________
Đỗ Hứng gởi