Tưởng nhớ 231 năm ngày mất Anh Hùng Áo Vải Của Dân Tộc Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (16/9/1792 - 16/9 /2023)
Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu 1753 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, dưới triều vua Lê Hiển Tông Nhà Hậu Lê. (Ông còn có tên là Nguyễn Quang Bình) Nguyễn Huệ và 2 người anh em của ông, là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định.
Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.
Vào thời bấy giờ, nước Việt chia làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến; từ sông Gianh ra Bắc là đất của vua Lê–chúa Trịnh; phía Nam là bờ cõi do các Chúa Nguyễn cai trị. Lực lượng ban đầu của Nguyễn Nhạc có nhiều nhóm cư dân sở tại, bao gồm người Việt, người Thượng và người Hoa ở Tây Sơn. Có cả những người làm cướp như Nhưng Huy, Từ Linh ở vùng An Tượng, đám quân người Hoa của Tập Đình, Lý Tài, tất cả khối người sẵn sàng bạo động đó được Nguyễn Nhạc nối kết thành một lực lượng vững chắc. Quân Tây Sơn đánh chiếm các huyện, thành, thôn ấp, tuần phủ Quy Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên cùng đề đốc Lý Trình đi đánh dẹp. Quân Khắc Tuyên đến Phù Ly gặp quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy.
Hai bên giao chiến, Lý Trình bị Nguyễn Huệ chém chết, Khắc Tuyên bỏ chạy về Quy Nhơn. Năm 1773, anh em Tây Sơn hạ được thành Quy Nhơn (kinh thành Đồ Bàn cũ của Chiêm Thành). Nguyễn Nhạc bèn thả tù phạm, lùa dân làm binh, dựng cờ hiệu của Tây Sơn lên thành, khiến cho Đàng Trong náo động. Chúa Nguyễn hay tin, sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống mang quân đi đánh Tây Sơn, bị Tây Sơn đánh bại. Thời Đàng Trong vốn hòa bình đã lâu, lính không quen việc binh, trong triều Trương Phúc Loan lại làm mất lòng người, lính ra trận là bỏ chạy, do vậy quân Tây Sơn ngày càng mạnh. Đến tháng 12 năm 1773, Chúa Nguyễn sai Tôn Thất Hương làm Tiết chế, đem nội quân và quân Tam Kỳ đến núi Bích Kê (thuộc Bình Định) bị quân Tây Sơn do Lý Tài, Tập Đình chỉ huy giết chết.
Quân Tây Sơn làm chủ Quảng Ngãi, quân Nguyễn phải rút về, Nguyễn Nhạc sai quân chiếm các phủ Bình Khang, Diên Khánh. Bấy giờ, quân Tây Sơn chiếm một dải đất từ Quảng Ngãi vào Nam cho tới Bình Thuận. Không lâu sau khi làm chủ phần lớn khu vực Nam Trung Bộ, anh em Tây Sơn bắt đầu gặp khó khăn trước những diễn biến mới. Giữa năm 1774, Chúa Nguyễn cử Tống Phước Hiệp mang quân từ Gia Định theo hai đường thủy bộ ra đánh Nam Trung Bộ, và nhanh chóng lấy lại được Bình Thuận, Diên Khánh và Bình Khang.
Tây Sơn từ đó chỉ còn làm chủ từ Phú Yên ra Quảng Ngãi. Nhân cơ hội Chúa Nguyễn suy yếu, tháng 10 năm 1774, chúa Trịnh Sâm sai Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc dẫn 3 vạn quân tiến đánh Đàng Trong. Quân Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và các quan phải chạy vào Quảng Nam, Nguyễn Nhạc mang quân hai đường thủy bộ tiến ra đánh, vội theo đường biển trốn vào Gia Định, Chúa Nguyễn gặp tướng Tống Phước Hiệp vào tháng 2 năm 1775; để Nguyễn Phúc Dương ở lại.
Quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đã đụng độ với quân Tây Sơn cũng đang tiến ra để lùng bắt Nguyễn Phúc Dương. Hoàng Ngũ Phúc đang đà thắng lợi, đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn, sau khi đã bắt được Phúc Dương. Lợi dụng Nguyễn Nhạc thua trận, Tống Phúc Hiệp từ Bình Khang tiến ra đánh Phú Yên, quân Tây Sơn thua trận phải co về Quy Nhơn.
Phần lãnh thổ mà anh em Tây Sơn còn kiểm soát chỉ còn Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Như vậy lúc này, quân Trịnh từ Bắc tiến vào, Chúa Nguyễn rút vào Nam, tình thế của quân Tây Sơn lúc đó rất nguy ngập bị kẹp vào giữa, nếu mang quân ra đương đầu với cả hai phía thì chắc chắn Tây Sơn sẽ bị tiêu diệt. Nguyễn Nhạc quyết định xin giảng hòa với Chúa Trịnh để tập trung vào chiến trường phía Nam, bèn sai người đến chỗ Hoàng Ngũ Phúc xin đầu hàng và làm tiên phong cho Chúa Trịnh để đánh Chúa Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn mượn sức Tây Sơn diệt họ Nguyễn nên nhân danh Chúa Trịnh thuận cho Nguyễn Nhạc hàng, phong làm "Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân".
Dù thế, Hoàng Ngũ Phúc vẫn không cho lui quân, đóng sát địa giới Quảng Ngãi, có ý chờ nếu Tây Sơn bại trận sẽ tiến vào chiếm Quảng Ngãi và Quy Nhơn. Tháng 3 năm 1777, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ làm tướng mang thủy quân vào đánh Gia Định. Lý Tài thua trận bỏ chạy khỏi thành và đưa 2 Chúa Nguyễn về Hóc Môn. Sau Lý Tài rút khỏi Hóc Môn về Ba Giồng bị Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết. Nguyễn Phúc Thuần theo Đỗ Thanh Nhân giữ Tranh Giang, Nguyễn Phúc Dương theo tướng Trương Phúc Thận giữ Tài Phụ. Nguyễn Huệ chia đường đánh bại cả hai cánh quân Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải bỏ chạy về Cần Thơ cầu viện Tổng binh Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ, còn Nguyễn Phúc Dương bỏ chạy về Ba Việt (Bến Tre).
Nguyễn Huệ đánh bại Mạc Thiên Tứ. Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thanh Nhân lẻn ra Bình Thuận cầu cứu Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức. Nguyễn Nhạc nhân lúc Nguyễn Huệ thắng trận ở Nam Bộ cũng cử binh đánh Phú Yên, Bình Thuận. Trần Văn Thức chưa ra khỏi Bình Thuận đã bị quân Tây Sơn giết chết, Chu Văn Tiếp bỏ chạy. Nguyễn Nhạc chiếm lại Phú Yên đến Bình Thuận. Tháng 9 năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Dương và 18 tướng tuỳ tùng bị đưa về Gia Định xử tử (vào tháng 10 năm 1777). Nguyễn Phúc Thuần bại trận bỏ Cần Thơ sang Long Xuyên nhưng bị quân Tây Sơn đuổi đến nơi, bắt được Nguyễn Phúc Thuần mang về Gia Định xử tử tháng 10 năm 1777.
Nguyễn Ánh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ trốn thoát mỗi người một nơi. Như vậy trong vòng 7 tháng, Nguyễn Huệ đánh thắng và bắt giết được cả hai Chúa Nguyễn, Nhà Tây Sơn từ chỗ bị dồn về Quy Nhơn đã chủ động giành lại không những Nam Trung Bộ mà cả Nam Bộ, tiêu diệt thế lực của Chúa Nguyễn.
Năm 1784 Nguyễn Ánh sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc, Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa, thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo.
Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ. Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ đánh vài trận nhưng không thắng, có ý rút binh nhưng gặp dịp một tướng của Nguyễn Ánh là Lê Xuân Giác về hàng bày mưu phục binh. Mưu hợp với ý của Nguyễn Huệ nên ông nghe theo, liền cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút (ở phía trên Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm. Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút.
Quân Xiêm quen mùi thắng nên tiến vào trận mai phục của Tây Sơn, khi quân Xiêm lọt vào trận mai phục, bất ngờ quân Tây Sơn sử dụng pháo bắn uy hiếp dữ dội ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bên cạnh đó, pháo hỏa hổ ở hai bên bờ nã đạn tới tấp vào đội hình làm quân Xiêm rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy.
Cùng lúc đó, một đội thuyền cảm tử chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền quân Xiêm làm cho số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ Xiêm La ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện. Một trận quyết chiến diễn ra trong không đầy một ngày đã tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm. Chiếm được Phú Xuân, thừa thắng quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Quảng Bình, thủ tướng quân Trịnh ở đây bỏ chạy, Tây Sơn chiếm được toàn bộ đất Thuận Hóa.
Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên Nguyễn Huệ xua quân ra Bắc mà chiếm đất Bắc Hà. Nguyễn Huệ nghe lời, bèn cho Nguyễn Lữ ở lại Phú Xuân, sai Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn thủy binh đi trước, còn mình đi sau hậu ứng. Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn thủy binh đi trước, đi qua đất Thanh Nghệ, Năn 1786, Chỉnh chiếm được kho lương lớn ở Vị Hoàng (Nam Định). Chúa Trịnh nghe tin đất Nghệ An nguy cấp vội sai Trịnh Tự Quyền mang 27 cơ quân vào Nghệ An chống giữ, Quân Tây Sơn tiến đến chỗ quân quận Thạc chỉ huy, lúc ấy đang giờ ăn cơm, nghe quân Tây Sơn đến thì bỏ chạy hết. Trịnh Khải tự lên voi giao chiến với Tây Sơn, rốt cuộc thua chạy, bỏ lên Sơn Tây, sau đó tự sát, Nguyễn Huệ chôn theo nghi lễ của bậc đế vương.
Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông, cấm quân lính cướp phá dân gian. Nguyễn Huệ đem các tướng vào lạy Lê Hiển Tông và dâng sổ quân sĩ, dân đinh để tỏ rõ cái nghĩa tôn phù nhất thống, nghĩa là tự đó về sau Nhà Lê có quyền tự chủ. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, và lại gả cho Ngọc Hân Công Chúa. Chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa Chúa Trịnh ở phía bắc, Chúa Nguyễn ở phía nam.
Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Hoàng Tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Sau khi Chúa Trịnh đã sụp đổ, vua Lê Chiêu Thống nắm được quyền bính, nhưng vị vua này không có tài và tính quyết đoán, triều đình lúc bấy giờ không ai là người có năng lực: hễ thấy có giặc thì bỏ chạy, giặc đi rồi thì kéo nhau ra bàn ngược bàn xuôi, người thì định lập lại nghiệp chúa, kẻ thì muốn tôn phù nhà vua. Lại có dòng dõi họ Trịnh là Trịnh Lệ và Trịnh Bồng chia đảng ra đánh nhau để tranh quyền.
Vua Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, lập lại phủ Chúa. Đảng họ Trịnh lại toan đường hiếp chế nhà vua, vua Chiêu Thống phải xuống mật chiếu vời Nguyễn Hữu Chỉnh, lúc ấy đã nắm binh quyền ở Nghệ An ra giúp. Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân từ Nghệ An ra đánh bại Trịnh Bồng, sự nghiệp Chúa Trịnh chấm dứt từ đây. Vua Lê Chiêu Thống phong Nguyễn Hữu Chỉnh chức Đại tư đồ Bằng trung công, Hữu Chỉnh tự quyết đoán mọi việc.
Nắm được uy quyền cao ở triều đình, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra chuyên quyền, muốn chống lại Tây Sơn. (Tại Đàng Trong năm 1787, Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định). Trước tình hình Nam, Bắc đều có biến, Nguyễn Huệ quyết định giải quyết vấn đề phía bắc trước. Ông liền phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm đánh bại Nguyễn Hữu Chỉnh, khiến Chỉnh và hoàng gia họ Lê phải chạy trốn khỏi kinh thành. Sau đó Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm bắt và giết chết, vua Lê Chiêu Thống tìm cách khôi phục nhưng đều không có kết quả. Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô, chạy sang lưu vong bên Trung Quốc.
Tháng 5 năm 1788, Lê Chiêu Thống cùng các bầy tôi sang Long Châu cầu viện nhà Thanh phát binh đánh Tây Sơn. Càn Long muốn nhân cơ hội đánh chiếm Đại Việt bèn sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mang khoảng 20 vạn quân và dân binh, gồm các đạo binh huy động từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa phù Lê. Cả ba đạo quân xuất phát vào cuối tháng 10 âm lịch năm 1788. Càn Long còn đặc cử Phúc Khang An chuyên trách hậu cần. Phúc Khang An đã thiết lập trên 70 đồn quân lương to lớn và kiên cố từ hai đường Quảng Tây và Vân Nam tới Thăng Long.
Riêng chặng đường từ ải Nam Quan tới Thăng Long, Khang An thiết lập 18 kho quân lương trong khi Tôn Sĩ Nghị hành quân. Quân Thanh chia làm 3 đường tiến sang Đại Việt: • Quân Vân Nam, Quý Châu do đề đốc Vân Quý là Ô Đại Kinh, từ Vân Nam qua ải Bạch Mã, theo đường Tuyên Quang xuống Sơn Tây vào Thăng Long. • Quân Quảng Đông, Quảng Tây do Tôn Sĩ Nghị (chức tổng đốc Lưỡng Quảng) trực tiếp chỉ huy, qua ải Nam Quan vào Lạng Sơn; phó chỉ huy là Hứa Thế Hanh (chức đề đốc) cùng các tướng Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long v.v.. • Quân tình nguyện Điền châu do Sầm Nghi Đống chỉ huy, theo đường Long châu tiến vào Cao Bằng rồi tiến về Thăng Long. Ngô Văn Sở sai tướng chặn giữ bến đò Xương Giang chặn quân Thanh, và sai Phan Văn Lân đưa hơn 10 ngàn quân tinh nhuệ từ Thăng Long đi đánh.
Quân Tây Sơn vượt sông Nguyệt Đức đánh vào quân Thanh đang đóng ở núi Tam Tầng, bao vây doanh trại của Tôn Sĩ Nghị. Súng hỏa sang của quân Thanh bắn ra như mưa, đồng thời cung tên từ hai cánh phải và trái của quân Thanh cũng bắn ra ( quân Tây Sơn chết rất nhiều.) Tôn Sĩ Nghị lại phái một toán kỵ binh từ mạn thượng lưu vượt qua sông đánh úp lấy đồn Thị Cầu. Đồn này phát hỏa, Văn Lân cả sợ rút lui Ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), thành Thăng Long bỏ ngỏ, quân của Tôn Sĩ Nghị lấy xong thành này rồi trao ấn cho Duy Kỳ, tấn phong làm An Nam quốc vương lấy lòng dân Đại Việt.
Ngày 22 Tôn Sĩ Nghị làm lễ sách phong cho vua Lê Chiêu Thống. Trong khi đó quân của Ngô Văn Sở rút về tới Ninh Bình cố thủ. Ngày 20 tháng 11, quân Tây Sơn đóng đồn từ Tam Điệp tới Biện Sơn, Ngô Văn Sở cho đô đốc Tuyết vào nam cấp báo với Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Quân Thanh tập hợp thêm được các Hoa Kiều sống ở phía Bắc Đại Việt được chừng một vạn người đóng thành một trại, nhóm quân này ỷ thế đi cướp phá và hãm hiếp không kiêng sợ gì ai (mặc dù Tôn Sĩ Nghị có ra sắc lệnh nghiêm quân kỷ) Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế. Nguyễn Huệ tức tốc cho lập đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung (nghĩa là ánh sáng ở trung tâm), nhằm vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788 dương lịch).
Lời hiếu dụ tướng sỹ được vua Quang Trung đọc tại lễ lên ngôi: Đánh cho để đen răng Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” Dịch nghĩa: Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng Đánh cho nó bánh xe không quay lại Đánh cho nó manh giáp không trở về Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ Ngày 29 tháng 11, quân Tây Sơn đến Nghệ An, đóng lại hơn 10 ngày để tuyển thêm quân.
Vua Quang Trung tổ chức duyệt binh và tiến ra bắc. Ngày 20/12, Quang Trung tiến đến Tam Điệp và tán thành chủ trương rút lui của Ngô Thì Nhậm. Vua Quang Trung chia quân làm 5 đạo: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Ông phân quân cũ cho các tướng còn tự mình chỉ huy số quân mới tuyển để những người lính mới yên tâm chiến đấu Đêm (30 tết), từ phòng tuyến Tam Điệp, quân Tây Sơn xuất phát. Đạo quân do Quang Trung chỉ huy vượt sông Giao Thuỷ đánh đồn Gián Khẩu của quân cần vương nhà Lê.
Quân Lê tan vỡ, Hoàng Phùng Tứ bỏ chạy Ngày 3 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 20 km. Vua Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng. Nhưng khi tiến quân tới Ngọc Hồi, Vua Quang Trung không đánh ngay. Quân Thanh bị động cũng không dám giao tranh trước nhưng cũng không biết bị đánh khi nào. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân hư trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh và gây sự chú ý của quân Thanh tới đạo quân do ông chỉ huy vào mặt trận Ngọc Hồi để tạo điều kiện cho yếu tố bất ngờ của các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo.
Chính Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của kỵ binh cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long. Đô đốc Long đang trên đường bắc tiến hướng đến Sơn Tây (nơi có đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh) thì bất thần rẽ sang làng Nhân Mục và nửa đêm bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống. Đô đốc Long chia quân làm 2: một cánh đánh sang Nam Đồng để tiến vào Thăng Long, một ít quân tiếp tục vây hãm Loa Sơn. Sầm Nghi Đống cố thủ trên đài chờ cứu viện của Tôn Sĩ Nghị, nhưng tới ngày hôm sau không có quân cứu, Sầm mới tuyệt vọng và thắt cổ tự sát.
Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì đô đốc Long đã diệt xong đồn Nam Đồng và tiến vào đánh bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Sáng mồng 5 Tết, khi đô đốc Long tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, Vua Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra. Vua Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi.
Hai mươi toán quân cảm tử dàn ngang thành thế trận chữ “Nhất”, phía trước là 20 tấm mộc kết liền với nhau như bức tường thành di động, xông thẳng vào trận địa của quân Thanh. Những tấm mộc bọc rơm ướt có tác dụng chống đỡ đạn súng hỏa mai và cung tên của quân Thanh từ trong chiến lũy bắn ra, che chở cho đội quân xung kích tiến lên. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn dùng đoản đao và các thứ vũ khí mang theo xông lên phá cửa lũy, tiến vào đồn hỗn chiến.
Quân chủ lực Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung cũng theo đó mà lao vào đồn. Từ hai bên sườn đồi Ngọc Hồi, đội tượng binh cũng đồng thời đánh ập vào. Quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên bị chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy. Quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi chạy tới đê Yên Duyên, trông thấy phục binh Tây Sơn chặn đánh, phải chạy theo đường Vịnh Kiề trốn về Thăng Long. Nhưng chạy tới nửa đường thì gặp cánh quân đô đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng.
Quân Thanh phải chạy lên làng Quỳnh Đô định trốn vào đầm Mực, thuộc làng Quýnh Đô. Quân Tây Sơn lùa voi chiến xuống đầm, đạp chết hàng vạn Quân Thanh Như vậy toàn bộ hệ thống đồn do Tôn Sĩ Nghị thiết lập để phòng thủ ở nam Thăng Long đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt, các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận. Chiều mồng 5 tết (tức 30 tháng 1 năm 1789) Vua Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân, đô đốc Long ra đón rước vào thành. (Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng.) Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh ở Hải Dương và Phượng Nhãn, tơi tả chạy về, bỏ lại cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư.
Trần Nguyên Nhiếp là bí thư dưới quyền Nghị sau này mô tả: Sĩ Nghị cùng Nguyên Nhiếp đi lạc lối, quanh co nhiều chỗ, bị đói khát 7 ngày đêm mới tới ải Nam Quan. (Số quân Thanh kịp theo Nghị qua bên kia biên giới chỉ có khoảng 50 người) Lê Chiêu Thống cùng một số cận thần cũng vội chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Như vậy sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Cánh quân Điền châu gần như bị diệt hoàn toàn, cánh quân Lưỡng Quảng chủ lực bị thương vong nặng và tan rã gần hết, riêng quân Vân Nam – Quý châu không giao chiến mà rút êm về nước.
Vua Quang Trung đã hẹn với ba quân mồng 7 vào ăn tết ở Thăng Long nhưng chỉ đến mồng 5, quân Tây Sơn đã khải hoàn ở kinh thành. Sau cuộc chiến, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh. Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà. Bài văn có đoạn: Nay ta Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi Bảo lập đàn bên sông cúng tế Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa chấm dứt sự tồn tại của nhà Hậu Lê.
Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) sang lưu vong rồi chết ở Yên Kinh. Vua Tây Sơn – hoàng đế Quang Trung sau đó không lâu chính thức được nhà Thanh công nhận. Sau khi lên ngôi hoàng đế và quản lý cả khu vực Bắc Bộ, Quang Trung bãi bỏ chính sách ức thương mà chính quyền Lê-Trịnh trước đây áp dụng, Quang Trung cho thi hành những chính sách thuế khoá đơn giản và bãi bỏ nhiều thứ thuế phức tạp trước đây và giảm thuế cho người dân. Năm 1792, Vua Quang Trung ra chiếu chỉ về việc dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm. Và bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia và có nhiều chính sách thay đổi khác v.v...
Vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc dời đô ra Phượng Hoàng Trung Đô (nay thuộc Nghệ An). Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch.
Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần: "Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!"
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất vào khoảng 11–12 giờ đêm Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792) Ông ở ngôi được 4 năm, hưởng dương 40 tuổi, thuỵ hiệu là Vũ hoàng đế. Ngày nay Tên Nguyễn Huệ hoặc niên hiệu Quang Trung của ông được đặt cho các đường phố, trường học, phường xã ở các thành phố lớn Việt Nam.
Ở Hà Nội, phố Quang Trung được đặt trên di chỉ cũ của phủ Chúa Trịnh là nơi ông từng đóng quân khi tiến vào Thăng Long năm 1786 và cũng là nơi cử hành hôn lễ giữa ông và công chúa Lê Ngọc Hân. Ở Sài Gòn có đường Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm Quận 1, đi thẳng xuống bến Bạch Đằng và đường Quang Trung Gò Vấp cùng một ngôi miếu nhỏ của ông tọa lạc tại Quận 12, gần Công viên phần mềm Quang Trung. Tại Cần Thơ có con đường và cây cầu mang tên Quang Trung nối liền hai quận Ninh kiều và Cái Răng. Ngoài ra hình ảnh của Vua Quang Trung còn được in trên tờ giấy bạc mệnh giá 200 đồng do ngân hàng Quốc Gia Việt Nam phát hành năm 1966.
________________
Hoang Nguyen gởi