Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
TUỲ DUYÊN 

 
***

Tùy duyên (隨緣;  E: resulting from conditioning cause, acting up to condition, circumstances as waves result from wind), trong đó:

Tùy :  Có nghĩa là theo, thuận theo.
Duyên :  Có nghĩa là điều kiện.
           
Theo đó, tùy duyên có nghĩa là hành giả có thái độ sống thích nghi, chủ động và tích cưc theo sự thay đổi của hoàn cảnh (không gian và thời gian như: Hoàn cảnh tự nhiên đang có // Hoàn cảnh nghiệp quả đến với ta // Hoàn cảnh xã hội mà ta đang sống ...).  Tùy duyên biểu hiện cho sự ly tướng, rời vọng tưởng, trái với Phan duyên (攀緣;  E: clinging to forms or to the characteristics of dharmas) biểu hiện sự chấp tướng, vọng tưởng (của tâm đối với ngũ trần).
Cụ thể là:

1. Tùy duyên hàm ý là hành giả thấy biết rõ thế gian là tương đối, là lẽ thật của thế gian (thế đế). Tùy duyên là phải phù hợp với chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi, còn chưa thấy đúng vậy mà nói tùy duyên thì chỉ là lạm dụng, là hiểu lầm.

2. Tùy duyên hàm ý là hành giả không chấp kiến, mà vô trụ, linh hoạt, khéo hài hòa với tất cả chứ không lập dị khác người.  Thành ngữ “Bất biếntùy duyên* 不變隨緣” được xem là đồng nghĩa với “Dĩ bất biến, ứng vạn biến * 以不變應萬變” của Dịch học.

3. Tùy duyên không có nghĩa là buông thả theo duyên, là chạy theo duyên (cảnh); nếu hành động như thế thì đó là bị duyên cuốn đi, lôi đi.

4. Tùy duyên trong cuộc sống là sống mà không câu nệ và chấp trước bất cứ một sự việc nào dù đó là thuận cảnh hay nghịch cảnh. Những việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống đều là những bài học đạo lý cho bản thân hành giả, dù đó là những việc tốt hay xấu, đem đến thành công hay thất bại.
         
Theo đạo Phật, điều kiện cần và đủ để hành giả có được thái độ sống thích nghi, chủ động và tích cực, tức sống tùy duyên, là hành giả có được tuệ giác. Tuệ giác nơi đây không gì khác hơn là thấu triệt được đạo đức Duyên khởi và chân lý Duyên khởi.

         
Tùy duyên còn được nói rõ là “
Tùy duyên thuận Pháp * 隨緣順法”, có ý khuyến dạy hành giả theo hoàn cảnh mà sống hợp với đạo đức Duyên khởi và chân lý Duyên khởi (chữ Pháp có nghĩa là đạo đức hay chân lý).  Tùy duyên thuận Pháp được xem như đồng nghĩa với “Khế cơ, Khế lý”.
           
- Khế cơ契機:   Phù hợp với không gian và thời gian(hoàn cảnh, xứ sở, cảnh giới, ... đang sống).
- Khế lý契理:   Phù hợp với chân lý, đạo đức.
         
Trái với “
Tùy duyên thuận Pháp” là “Tùy thuận theo vô minh của bản ngã”,là cách sống diễn ra theo ý đồ của cái Ta ảo tưởng dính mắc vào các pháp.
Trongbài kệ “Cư trần lạc đạo” của Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nhằm khuyến dạy giáo lý Duyên khởi cho hàng hậu học, đã sử dụng từ Vô tâm thay vì Vô niệm như sau:

居塵樂道且隨緣,  Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
饑則飧兮困則眠。  Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
家中有宝休尋覓,  Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
對鏡無心莫問禪。  Đối kính vô tâm mạc vấn thiền.

Ở  đời  vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh Vô tâm chớ hỏi Thiền.
[Vô tâm = Vô vọng tâm “phâai2n biệt”]
        
Dưới đây là vài câu chuyện về tùy duyên:
Tùy duyên không có nghĩa là buông xuôi tiêu cực.
Tùy duyên là thái độ tích cực của ta đối với mọi vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống, ta vẫn giải quyết chúng, nhưng giải quyết mọi việc trong một tinh thần thoải mái, thanh thản. Không như buông xuôi, là bỏ mặc tất cả, không phấn đấu, không tự mình vượt qua và vươn lên trong cuộc sống.

Lục tổ Huệ Năng (638-713) sau khi ngộ đạo được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và khuyên đi về phương Nam, rồi thì Ngài ở ẩn với bọn thợ săn suốt 15 năm. Khi ở với thợ săn thì phải đi săn, đi săn về thì phải nấu ăn cho bọn thợ săn ăn. Ngài ở chung với bọn thợ săn để rồi Ngài tùy theo đó mà giải thoát nghiệp, đi săn không phải để bắt giết chúng sanh mà để phóng sanh và cứu chúng sanh. Còn ăn thì chỉ ăn rau bên thịt chứ không ăn thịt bên rau. Với cuộc sống khó khăn và khắc nghiệt như thế đó mà ngài vẫn làm lợi ích rất nhiều cho bọn thợ săn và muông thú. 
Tùy duyên là thản nhiên trước những vinh nhục của cuộc đời.

Ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc (1686-1769) là một thiền sư Nhật Bản – thuôc dòng Lâm Tế. Sinh thời, ngài nổi tiếng trong vùng là một người đạo đức, sống một đời thanh tịnh. Gần nơi sư ở có một tiệm thực phẩm, trong đó có một cô con gái trẻ đẹp sống chung với cha mẹ. Bỗng một ngày, cha mẹ cô gái bất ngờ khám phá ra là cô đang có thai. Thế là họ tức giận vô cùng, tra hỏi nhưng cô gái cũng không nói cha đứa bé là ai, cuối cùng, bức bách quá cô nói tên của ngài Bạch Ẩn ra.

Tức giận điên cuồng, cha mẹ cô gái đi đến gặp sư, la mắng đủ  điều. Sư chỉ nói: “Thế à!”. Sau khi đứa bé được sinh ra, nó được đem đến bỏ ngay chỗ của Bạch Ẩn. Lúc này, bao nhiêu tiếng tốt đã mất hết, nhưng sư không cảm thấy phiền não. Sư đi khắp xóm xin sữa cho đứa bé và bị mọi người dèm pha, chửi rủa đủ điều…

Một năm sau, cô gái mẹ của đứa bé không chịu nỗi tình thế này nữa. Cô thú nhận với cha mẹ mình rằng, người cha thật sự của đứa bé là một thanh niên làm việc trong chợ cá. Cha mẹ cô gái vội vàng đến ngay gặp sư Bạch Ẩn, lạy lục xin lỗi hết lời và xin phép được đem đứa bé về. Sư Bạch Ẩn vẫn sẵn lòng chiều ý. Trong khi trao đứa bé lại, trước sau sư chỉ nói một câu: “Thế à!”.

Tùy duyên là thái độ sống buông xả sở chấp
Trong quyển Góp nhặt cát đá, có gi lại câu chuyện nhà thiền thú vị: Hai huynh đệ nọ trên đường du phương học đạo, bỗng thấy có cô gái đang loay hoay tìm cách đi qua dòng suối đang chảy xiết. Người sư huynh liền tiến đến hỏi: “Này cô! Cô có muốn tôi cõng cô qua bờ bên kia không?”. Cô gái vô cùng mừng rỡ, liền gật đầu đồng ý. Sau khi qua con suối rồi, hai huynh đệ từ giã cô gái và tiếp tục cuộc hành trình. Đi được một đoạn, người sư đệ không kiềm chế được nữa bèn bức xúc lên tiếng: “Sao sư huynh lại làm như vậy”. Người sư huynh ngạc nhiên hỏi: “Làm chuyện gì?”“Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành kia mà!”, người sư đệ hơi cáu gắt nói. Lúc đó, sư huynh mỉm cười, vỗ vai người sư đệ và nói: “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”

Tùy duyên không có nghĩa là bắt chước rập khuôn được.
Xưa có một vị Thiền sư, Ngài sống ăn uống không có phân biệt gì hết, gặp mặn ăn mặn, gặp chay ăn chay, đôi khi gặp rượu cũng uống luôn. Nhiều đệ tử thấy vậy bắt chước làm theo. Một hôm, Ngài kêu hết đệ tử đến chỗ người ta thiêu xác người chết rồi đem đồ ăn bày ra, Ngài lấy những miếng thịt người ta thiêu còn sót lại, chưa cháy hết, trộn vô đồ ăn rồi nói:
- Các ngươi lại đây ăn với ta bữa này.
Các đệ tử thất kinh, không dám ăn. Ngài ngồi ăn thản nhiên, sau đó mới bảo rằng:
- Các ngươi cùng ăn được với ta cái món này thì mới có thể tiếp tục ăn uống như ta được, còn nếu không được thì thôi từ nay đừng có bắt chước.
Vị Thiền sư nhiều năm tu hành thanh tịnh rồi mới được như vậy, còn các đệ tử chưa được vậy thì làm sao mà tùy duyên theo cách bắt chước được!

---------------

Chú thích:    
- Tùy 隨:  Có nghĩa là thuận theo.
- Tiện 便:  Có nghĩa là đơn giản// có lợi. Như: tiện lợi便利là có lợi, thuận lợi.
            - Nghi 宜:  Có nghĩa là thích hợp, phù hợp, nên. Như: thích nghi 適宜là vừa hợp, đúng với điều nên làm, nên có.
            Theo đó:
Tuỳ tiện隨便# Tùy nghi 隨宜là cách nói thông tục, gần nghĩa với Tùy duyên trong đạo Phật, và trái với Tự tiện 自便có nghĩa là làm theo ý mình, sao cho dễ dàng cho mình, không cần để ý tới ai  hay  Mặc nhiên 默然(= mặc kệ, không quan tâm đến).
Minh Tâm 7/2022

 
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!

***

_____________


Huy Thai gởi