Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 
 

UKRAINA LIỆU SẼ THẮNG ĐƯỢC NGA ?

 
 
Ukraina liệu sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc hay không ? Giả thiết này cách đây hai tháng không ai dám đặt ra, nhưng những thất bại liên tiếp đã đặt ra dấu hỏi lớn về sức mạnh quân sự của Vladimir Putin. 

Chuyến thăm quan trọng của hai bộ trưởng Mỹ

Các báo Pháp đều chú ý đến chuyến thăm Kiev hôm qua của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, một chuyến thăm đầy thách thức với Nga. Được tổng thống Volodymyr Zelensky loan báo một cách khá vụng về vào tối thứ Bảy, chuyến đi chỉ được Nhà Trắng xác nhận khi cả hai vị đã rời Ukraina, vì lý do an ninh.

Tuy nhiên Libération nhận thấy giọng điệu của hai bộ trưởng thì không thận trọng như thế. Ông Austin khẳng định Ukraina có thể chiến thắng nếu có được những thiết bị tốt và được ủng hộ mạnh mẽ. « Chúng tôi muốn Nga bị yếu đi đến mức không còn có thể làm điều tương tự như xâm lăng Ukraina. Nga đã mất nhiều năng lực quân sự và lính tráng, nói thẳng ra, chúng tôi không muốn Nga nhanh chóng củng cố ». 

Tuyên bố trên cho thấy tầm vóc biểu tượng từ chuyến thăm đầu tiên của hai bộ trưởng Mỹ quan trọng, đúng hai tháng sau khi Nga khởi động chiến tranh. Mỹ sẽ tặng thêm 700 triệu đô la, trong đó Ukraina được 300 triệu để mua vũ khí, số còn lại cho các đồng minh của Kiev sau khi đã chuyển thiết bị cho Ukraina. Tổng cộng Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden đã viện trợ quân sự trên 4 tỉ đô la cho Ukraina. Một đại sứ được bổ nhiệm, đó là bà Bridget Brink hiện đang là đại sứ Mỹ ở Slovakia. Ê-kíp đang làm việc ở Ba Lan trong tuần này sẽ dọn sang Kiev.

Libération nhận định Mỹ hành động thận trọng nhưng cụ thể, và giọng điệu cứng rắn. Khác hẳn với châu Âu, sẵn sàng đưa những hình ảnh của chuyến viếng thăm như thủ tướng Anh Boris Johnson hay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, nhưng nhẹ nhàng hơn trong những tuyên bố đối với Nga.

Vũ khí cho Ukraina : Mỗi nơi một phách

Les Echos nói thêm, khoảng 40 bộ trưởng quốc phòng họp tại Berlin (Đức) hôm nay để bàn về việc giao vũ khí nặng cho Ukraina – vấn đề ngày càng gay gắt. Trước thái độ do dự của thủ tướng Olaf Scholz, tập đoàn Đức RheinMetall đã chính thức đề nghị chuyển khoảng 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Kiev. Pháp khi gởi đại bác Caesar hiện đại thì đã quyết định viện trợ vũ khí hạng nặng. Để phá rối việc giao vũ khí cho Ukraina, quân đội Nga bắn hỏa tiễn vào các giao lộ đường sắt ở Vinnytsia và ga Krasne gần Lviv.

Tờ Ouest-France thống kê sơ qua : Gepard (Đức), Stormer (Anh), M113, M577 (Mỹ)…những xe bọc thép loại cũ này có lợi điểm là đang có sẵn. Riêng Anh có đến 6 loại xe bọc thép khác nhau. Về pháo, có M777 (Mỹ và Canada), PzH2000 (Hà Lan), M109A4 (Bỉ), giàn phóng rốc kết (Ba Lan) … Tờ báo lo ngại không chỉ về « tuổi tác » những loại vũ khí này, mà còn đặt ra cho quân đội Ukraina vấn đề bảo dưỡng, phụ tùng thay thế, và kêu gọi tránh tinh thần cho theo kiểu « giải phóng kho » - phải là một sự phối hợp nỗ lực để đưa Ukraina đến thắng lợi. Rốt cuộc Hoa Kỳ và các đồng minh thỏa thuận hàng tháng đều họp lại để xem xét hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Mỹ, châu Âu và Ukraina không có cùng định nghĩa về chiến thắng

Ukraina liệu sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc hay không ? Giả thiết này cách đây hai tháng không ai dám đặt ra. Nhưng những sai lầm chiến lược, thất bại trong việc bao vây Kiev hay soái hạm Moskva bị đánh chìm tại Hắc Hải đã đặt ra dấu hỏi lớn về sức mạnh quân sự của Vladimir Putin.

Hôm qua tại Kiev, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu ra vấn đề mà người Ukraina đang mơ đến. Theo Le Figaro, trước hết, phải thắng được vài trận đánh. Ở miền đông, hai bên chiến đấu trên một chiến tuyến rất dài, Ukraina không được không lực yểm trợ. Chiến thắng không chỉ nhờ quyết tâm, mà cần có được phương tiện. Kinh tế Nga yếu đi vì trừng phạt, còn Ukraina dựa vào các đồng minh phương Tây.

Để trụ được, cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể có thể đạt đến. Có nên chỉ chống đỡ những cuộc tấn công của Nga ? Chiếm lại tả ngạn sông Dniepr và Kherson ? Đẩy lùi quân Nga đến biên giới Crimée và Donbass ? Tái chiếm các lãnh thổ đã bị mất năm 2014 ? « Nên để cho người Ukraina quyết định cuộc chiến của họ » - một nhà ngoại giao châu Âu e ngại phương Tây chia rẽ. Nhưng chiếm lại những lãnh thổ như Crimée sẽ khiến Ukraina rơi vào một loại xung đột khác.

Mỹ, châu Âu và Ukraina không có cùng một định nghĩa về chiến thắng. Trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, xa rời lợi ích chiến lược của mình, Hoa Kỳ tìm cách làm Vladimir Putin gánh chịu thất bại. Khi làm cho Nga bị yếu đi và thúc đẩy châu Âu vũ trang, Hoa Kỳ rảnh tay đối đầu với Trung Quốc. Về phía châu Âu, cái giá của chiến tranh cũng rất cao. Những biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến kinh tế EU và đa số không muốn lăng nhục Nga. Vladimir Putin sẽ lợi dụng những chia rẽ của phương Tây.

Nếu rốt cuộc rơi vào ngõ cụt chiến thuật, tổng thống Nga có ngưng chiến hay không ? Giả thiết Matxcơva chấp nhận thất bại khó thể xảy ra, và cuộc chiến còn kéo dài. Phương Tây lo ngại trong trường hợp bị thất trận nặng nề, nhà độc tài sẽ cố leo thang. Theo Le Figaro, để có được chiến thắng tại Ukraina, cần phải tìm cách nào khác hơn là một thất bại quân sự cho Putin. Cựu tướng lãnh Olivier Kempf cho rằng « Khái niệm chiến thắng là một khái niệm của thế kỷ đã qua ». Những hiệp ước đã kết thúc các cuộc chiến trong thế kỷ 20 liệu có còn phù hợp hay không ? Giờ đây, những cuộc xung đột « đóng băng » thay vì được giải quyết.

Phá hủy các thành phố Ukraina : Tội ác chống nhân loại ?

Kiến trúc sư và là nhà quy hoạch đô thị Albert Levy đặt ra một vấn đề khác của cuộc xâm lăng Ukraina : « Diệt chủng đô thị có phải là tội ác chống nhân loại ? ». Sau các vụ thảm sát Bucha và Mariupol, các cáo buộc diệt chủng đã được các tổng thống Zelensky và Biden đưa ra. Nhưng còn phải tính đến « urbicide » (tạm dịch diệt chủng đô thị), nhằm tiêu hủy không gian đã hình thành một bản sắc, một lịch sử và một nền văn hóa. Những thành phố đổ nát nơi quân Nga đi qua cho thấy, phải chăng chúng ta đang chứng kiến một kiểu tiêu diệt hàng loạt và cố tình một sắc dân, phủ định quyền hiện hữu của một nhóm người ?

Khái niệm « urbicide » xuất hiện từ cuộc chiến tranh vùng Balkan gồm hai đặc tính : tiêu hủy không gian công cộng đô thị, và phá hủy di sản đô thị để làm mất đi ký ức lịch sử, khiến con người đánh mất bản sắc. Tác giả Levy nhấn mạnh trên Libération, tại Ukraina các thành phố bị quân Nga mặc nhiên tiêu hủy, không chỉ là chiến lược mà còn mang tính chính trị. Không thắng được các chiến binh Ukraina, lính Nga trút giận vào các thành phố và thường dân để « trừng phạt » xã hội Ukraina vì đã hướng về các chế độ dân chủ phương Tây - với cuộc cách mạng Maidan được đánh giá là ngang tầm với các cuộc cách mạng lớn tại châu Âu.

Khi hủy hoại một thành phố và các công trình của nó, họ đã làm tan biến điều kiện vật chất cho đời sống xã hội. Khi xóa sổ những dấu mốc không gian và nơi trao đổi, họ tháo dỡ các giềng mối của cộng đồng. Khi san bằng những thiết bị và cơ sở hạ tầng, người dân không còn những dịch vụ công thiết yếu. Khi tiêu hủy nơi làm việc và sản xuất, cư dân bị tước đi phương tiện để tồn tại. Thành phố còn là nơi lưu giữ lịch sử của một xã hội, thế nên hủy diệt nó là hủy diệt quá khứ.

(RFI)

FB Chu Vinh Hai

_________________


Hoang Nguyen gởi