Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 

Ukraine hai tháng máu lửa và vai trò của tình báo thế giới


CIA của Mỹ; SVR của Nga; DGSE và DRM của Pháp, Quoanbu (Quốc an Bộ) của Trung Quốc… tất cả cơ quan tình báo lớn đang ngày đêm nghe ngóng, dòm ngó những “trò mới” tiếp nhau thể hiện quanh chiến sự Ukraine nhằm có thể chơi tay trên trong kỷ nguyên mới của nghiệp vụ tình báo.
 
Bị chỉ trích vì khinh xuất trong công tác thu thập thông tin về khả năng và sự quyết tâm kháng cự của Ukraine, ngành tình báo Nga đang rất khó thở. Đích thân Putin đã không ngại công khai chê trách viên chỉ huy tình báo SVR Sergey Narichkyne. Ngược lại, Tòa Bạch Ốc đã tỏ vẻ hài lòng, không phải che giấu về giá trị thông tin mà các cơ quan tình báo và an ninh cung cấp. Một số hình ảnh chụp bởi vệ tinh do thám đã được gửi đến các báo đăng công khai nhằm đánh động và tập hợp sự ủng hộ của công chúng Mỹ. “Chúng ta vừa có hai tháng chứng kiến những gì mà trước đây không lâu chắc chắn đều bị giữ kín như bí mật quốc gia,” ông Rémi Kauffer, một sử gia về lãnh vực tình báo và là tác giả loạt sách (được giới chuyên ngành đánh giá tốt) là Grandes Affaires des Services Secrets và Femmes de l’ombre, l’histoire occultée des espionnes (sẽ trình làng ngày 19 Tháng Năm 2022).

Trả lời phỏng vấn của tờ Le Point (Pháp), sử gia Rémi Kauffer nhận định rằng, lâu nay dư luận thường đem những thất bại của CIA ra để trêu chọc nhưng thực tế có khác ở chỗ những dự báo của cơ quan tình báo Mỹ thường chính xác. Dĩ nhiên chúng ta hiểu rằng CIA có vấn đề riêng của họ, đó là mỗi khi trình báo cáo về tình hình an ninh, chính trị ở nơi nào đó thì phải đem vào được những chất liệu xác thực mà không làm phật lòng giới chính quyền.
 
Tòa Đại sứ Nga tại London – nơi được xem là ổ tình báo tại châu Âu (ảnh: Perry Hui/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
 
Như chúng ta từng biết, chính quyền Mỹ có lắm lúc chơi vặn vẹo tay chân của CIA, điển hình là vụ vũ khí hủy diệt của Saddam Hussein hồi đầu những năm 2000. Giám đốc CIA thời đó George Tenet đã phải hành xử thật khéo để phát biểu ít nhiều trùng với ý đồ của Tổng thống George W. Bush, rằng “gần như hiển nhiên là đã có những vụ vận chuyển uranium từ Niger đến Iraq”. Hoặc gần đây hơn là việc CIA báo cáo cho Tổng thống Biden những gì ông muốn được nghe, rằng một sự rút quân nhanh ra khỏi Afghanistan sẽ không dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở đất nước này. Chuyện xảy ra thế nào sau đó thì ai cũng đã rõ.
 
Nhưng riêng về vấn đề Ukraine thì CIA đã cố vấn rất tốt cho Tổng thống Biden. Họ báo cáo kỹ, đầy đủ về việc quân Nga được vận chuyển, tập trung về sát biên giới Ukraine và dự báo đúng về ý định tấn công của Putin. Nhờ đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã có thể mạnh miệng lên tiếng cảnh báo với các đồng minh rằng Nga sẽ đánh. “CIA đã làm tốt việc này, giải mã được ý đồ của đối phương là một trong những việc làm khó nhất của mọi cơ quan tình báo,” sử gia Kauffer nhận xét.
 
Để đạt được kết quả này, CIA sử dụng tất cả công cụ kỹ thuật tiên tiến có sẵn, từ nghe lén các cuộc đối thoại qua điện thoại, đọc trộm tin nhắn, phân tích ảnh vệ tinh… nhưng quan trọng hơn là khai thác được “HUMINT”, tức tin tình báo do con người, do mật báo viên cung cấp. Chắc chắn rằng hiện đang diễn ra trong các nhánh tình báo, an ninh Nga một cuộc săn lùng kẻ phản bội rất căng thẳng. Cần nhắc lại, nhà ngoại giao Nga Oleg Smolenko từng làm việc cho CIA mãi đến năm 2017 và hiện sống ẩn tại Mỹ dưới tên hoàn toàn bí mật. Vậy ngoài ông ta ra thì tình báo Mỹ còn có những “con bọ” nào vẫn còn đang hoạt động ngầm trong điện Kremlin, trong tầng lớp những kẻ thân cận nhất với Putin? Rất có thể, nếu xét về tầm mức giá trị những thông tin mà CIA đã thu thập được.
 
Giới chuyên gia về tình báo tỏ vẻ ngạc nhiên với thực tế thời sự tình báo trong hai tháng chiến sự Ukraine. Một, tại sao Putin cho thu hình và chiếu công khai hình ảnh ông ta mắng nhiếc viên chỉ huy SRV? Dụng ý là gì, bản tin chính muốn gửi đi qua những hình ảnh thời sự nóng bỏng ấy là gì? Hai, tại sao Biden lại đồng ý cho phép tuồn cho các báo những hình ảnh vệ tinh do thám cũng như những hình ảnh bí mật khác mà HUMINT thu thập được? Vì làm như vậy có rủi ro khiến mật báo viên bị lật tẩy, bị bắt và có khả năng bị ám sát, thủ tiêu và phi tang!
Hoạt động gián điệp của Trung Quốc hiện có mặt khắp thế giới, từ không gian ảo đến đời thật (ảnh: Omar Marques/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
 
TÌNH BÁO NÀO MẠNH?
 
Nhìn qua các cơ quan tình báo lớn khác, giới chuyên gia về tình báo nhận định rằng, trong khi Mossad của Israel tiếp tục là một tổ chức hoạt động hiệu quả nhưng vẫn chủ yếu tập trung thu thập tin tức ở Trung Đông, không có tham vọng vươn ra sân chơi quốc tế thì tình báo Trung Quốc (Guoanbu-Quốc an Bộ) nay đã trưởng thành, tung điệp viên hoạt động khắp thế giới. Họ tỏ ra rất lợi hại, có tầm cỡ quốc tế sau thời gian dài tập tành kể từ khi được Đặng Tiểu Bình ra lệnh thành lập năm 1983. Về Hoa Kỳ, ngành tình báo Mỹ vẫn rất mạnh và còn có được hợp tác tốt trao đổi thông tin với tình báo Anh. Tại Đức, BND là một cơ quan hiệu quả nhưng không vươn xa. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan tình báo MIT rất được Tổng thống Erdogan tin cậy nên vẫn tiến hành một cuộc chiến ngầm đánh phá các tay súng Kurds của tổ chức PKK. Ngành an ninh châu Âu biết rằng MIT của Thổ đã thực hiện những chiến dịch bí mật sâu trong lãnh thổ châu Âu.
 
Vậy tình báo Pháp thế nào? Lo liệu chuyện này là trách nhiệm của DGSE (Direction Générale de Sécurité Extérieur) và DRM (Direction du Renseignement Militaire), tức quân báo, trực thuộc Bộ Chỉ huy liên quân Pháp. Ngành tình báo Pháp nói chung hoạt động hiệu quả ở tầm mức thế giới, bao phủ toàn cầu dù có những điểm được tập trung kỹ hơn, chẳng hạn như châu Phi là nơi có nhiều đơn vị quân đội Pháp đóng căn cứ. Tuy nhiên mới hồi cuối Tháng Ba 2022, vụ viên tướng chỉ huy DRM Éric Vidaud bị cách chức chỉ sau sáu tháng điều hành là dấu chỉ cho thấy rằng dường như quân báo Pháp đã có sai sót về dự báo Nga tấn công Ukraine và khả năng kháng cự của Ukraine. Người ta không rõ hết sự việc, nguyên nhân nhưng chắc hẳn có trục trặc nào đó.
 
Sử gia Rémi Kauffer cho biết (dẫn lại từ Le Point): “Tóm lại, hầu như thủ đô lớn ở các nước đều là nơi tập trung nhiều nhân viên tình báo nhất, thường đội lốt nhà ngoại giao. Cứ nhìn kỹ trên sân thượng, nóc nhà các đại sứ quán sẽ thấy sao mà có nhiều ăng-ten các loại thế. Chúng là những “lỗ tai” nghe lén đấy. Công chúng Pháp nào biết rằng vào năm 2016, DGSE và DGSI (Cơ quan an ninh nội địa) đã phải cương quyết gâp áp lực liên tục đến Bộ Ngoại giao, Điện Matignon (dinh thự của thủ tướng Pháp) lẫn Điện Élysée (dinh thự của tổng thống Pháp) đến chừng nào mới được thỏa mãn. Đó là việc chính quyền Pháp cuối cùng đã không đồng ý cho toàn khu vực lớn gần tháp Eiffel trở thành “lãnh thổ ngoại giao Nga” vì tại đó Putin đã cho khánh thành một giáo đường Chính thống giáo!”.

P. Nguyen Dũng


_____________


Đỗ Hứng gởi