VÀI ĐIỀU VỀ VÁN CỜ ĐỊA CHÍNH TRỊ NGA – TRUNG
Những ngày vừa qua, các chính khách và truyền thông thế giới dồn tai mắt về Matxcova, nơi cặp đôi Putin – Tập Cận Bình khởi se mối quan hệ địa chính trị thập kỷ, hướng đến năm 2030. Mối quan hệ địa chính trị được ông Putin ngợi ca là không giới hạn, ở đỉnh cao chưa bao giờ có, và du dương nữa là đang bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng nhìn lại lịch sử thì biết mối “duyên tình” Nga – Trung mà ông Putin và ông Tập Cận Bình vừa se, sẽ đi đến đâu.
Lịch sử đã cho thấy mối quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ đối thủ cạnh tranh thôn tính. Đó là hai quốc gia có cùng chung truyền thống lấn chiếm bành trướng. Là hai quốc gia cùng có mục tiêu bá chủ toàn cầu. Bởi vậy, các nước có cùng chung biên giới với Nga và Trung luôn là nạn nhân của họ ròng rã trong nhiều thế kỷ.
Nhưng có sự phân bố lạ kỳ của tạo hoá trên hành tinh là Nga và Trung giáp giới nhau. Thực ra ban đầu, họ không liền kề nhau, mà cách xa nhau hơn 10.000 km. Nhưng mục tiêu bá chủ thế giới đã làm hai trung tâm bành trướng ra bằng cướp đoạt đất đai của người khác, rộng đến mức gặp nhau. Đó là lúc họ phải thôn tính đất đai của nhau. Nhưng “anh” và “tôi” cả hai chưa thể tiến về phía trước. Và biên giới là sự hoà hoãn của cả hai bên.
Quan hệ Nga – Trung rực rỡ nhất là vào thập niên 1950. Chứ không phải bây giờ như ông Putin ca ngợi. Thập niên 1950, trong tình thế chiến tranh lạnh hai phe, trong sự ngộ nhận tình giai cấp vô sản cao hơn tình máu mủ tổ tiên, Liên Xô đã giúp Trung Quốc từ lạc hậu nghèo nàn trở thành một quốc gia công nghiệp – một người chơi lớn trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Nhưng Mao Trạch Đông không quên mối hận nhà Thanh đã để mất hàng triệu km2 phía Tây – Bắc và Bắc sông Hắc Long Giang cho Nga hoàng. Càng không quên mục tiêu bá chủ thế giới. Nên khi đủ mạnh, Trung Quốc lại hiện nguyên hình là đối thủ của Liên Xô. Vì thế mới có cuộc chiến tranh biên giới Trung – Xô tháng 3 năm 1969 khi Trung Quốc toan chiếm lại đảo Trân Bảo.
Không khác Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng sẽ không quên hàng triệu km2 lãnh thổ đã bị Nga chiếm. Mối quan hệ Nga – Trung mới thiết lập, dù được ngợi ca như thế nào, tất đến ngày hiện nguyên hình đưa hai nước về tình thế đối thủ. Bất chấp điều đó trong tương lai, cuộc “duyên tình” hiện thời của Putin và Tập Cận Bình sẽ làm thay đổi tình thế địa chính trị thế giới.
I. THỬ ĐI ĐÔI GIÀY CỦA ÔNG TẬP
Người phương Tây có câu ngạn ngữ, đại ý, muốn biết tình thế của ai thì hãy đi đôi giày của họ. Hãy thử đi đôi giày ông Tập, để biết tình thế của ông. Sau đây là một số toan tính nhìn thấy của ông Tập.
1. DƯƠNG CAO VỊ THẾ QUỐC TẾ CỦA TRUNG QUỐC
Trước khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine ngày 24/2/2023, ông Putin đã phải đến thăm Trung Quốc. Ông Putin đã mời ông Tập Cận Bình thăm Nga. Nhưng lựa chọn thời điểm thăm Nga của ông Tập Cận Bình được cân nhắc kỹ lưỡng vì nhiều mục đích.
Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng Nga mới là đối thủ quân sự có thể huỷ diệt Hoa Kỳ. Nên ngoài vị trí số 1 không tranh cãi của Hoa Kỳ, thì vị trí cường quốc số 2, khó phân chia cho Nga hay Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình đã chọn thăm Matxcova vào lúc vị thế của ông Putin rơi xuống đáy. Đó là lúc ông Tập Cận Bình thoải mái dương cao vị thế cường quốc số 2 thế giới của Trung Quốc, trong sự thừa nhận của toàn thiên hạ. Toàn thiên hạ là bởi vì chính ông Putin đã tự đưa mình đến vị thế chiếu dưới. Ông Tập “đường hoàng” ngồi vào vị thế thân hình chính trị số 2 thế giới.
2. ĐƯA NGA VÀO VÒNG LỆ THUỘC
Thực ra khi Nga phải rút quân khỏi Kyiv sau một tháng tiến quân, cả thế giới đã đánh giá lại vị thế của Nga. Nhưng ông Tập đủ ranh ma để chọn thời điểm, đợi chờ cho đến giai đoạn ông Putin phải cầu cứu khắp nơi. Ông Putin đã phải luỵ đến Iran, Bắc Triều Tiên. Nhưng Iran và Bắc Triều Tiên làm sao có được vị thế như Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã chọn thời điểm để trở thành ‘người cứu tinh vĩ đại’ của ông Putin. Chuyến đi Matxcva của ông Tập là điểm gãy, đánh dấu sự hoán đổi vị thế trong quan hệ hai nước, rằng từ đây, Nga đã rơi vào kỷ nguyên lệ thuộc vào Trung Quốc. Không ai còn nghi ngờ điều này. Cả chính ông Putin.
3. HƯỞNG LỢI TO LỚN VỀ KINH TẾ VÀ QUÂN SỰ
Không chỉ về mặt ngoại giao, mà cuộc viếng thăm Matxcova của ông Tập được lựa chọn là vì mục đích to lớn về kinh tế và quân sự.
Trung Quốc sẽ nhận được dòng chảy khí đốt khổng lồ 50 tỷ m3 mỗi năm từ Nga sang theo đường ống dẫn khí Power Siberia 2 với giá cực kỳ ưu đãi (https://tuoitre.vn/nga-trung-dat-thoa-thuan-ve-duong-ong…). Bởi Nga đang bị cấm vận, mất thị trường châu Âu, chưa biết bán khí đốt đi đâu. Và đó chính là thời điểm Trung Quốc trở thành thị trường khí đốt to lớn đầy khát khao của Nga. Nga phải chào giá cực kỳ ưu đãi cho trung Quốc.
Bị cô lập trên toàn thế giới, Nga chỉ còn trông cậy vào Trung Quốc. Hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Nga. Cùng với đó là người Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cũng sẽ tràn ngập Nga. Họ lấy vợ đẻ con trên đất Nga mênh mông. Đồng thời đông đảo người Nga sẽ theo học tiếng Trung Quốc.
Không chỉ kinh tế, Trung Quốc sẽ thu được lợi từ công nghệ quân sự của Nga. Dù Nga chỉ chia sẻ công nghệ không phải tiên tiến nhất cho Trung Quốc, thì đó cũng đủ để Trung Quốc khám phá và phát triển. Trung Quốc học mót công nghệ máy bay thứ cấp của Nga, nhưng đã có máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J20 trước cả Nga. Trung Quốc mua lại tàu sân bay đóng giở của Liên Xô, nhưng giờ đây đã vượt Nga về số lượng hàng không mẫu hạm. Trong tình thế bi thảm bắt buộc phải chia sẻ công nghệ quân sự của Nga, Trung Quốc sẽ có bước tiến đáng kể về quân sự trong thập niên tới.
4. TĂNG SỨC MẠNH KINH TẾ VÀ SỨC MẠNH ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ
Nga trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá cho Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất. Chỉ riêng hàng điện tử, năm 2022 Nga nhập 4,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Kế hoạch kim ngạch Nga – Trung năm 2024 là 200 tỷ USD nhưng năm 2022 đã đạt 185 tỷ USD. Nga chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Hơn thế nữa, sức mạnh kinh tế không cho đồng Rub vai trò quốc tế, thì ông Putin đề cao giá trị đồng Nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế để loại bỏ đồng Đô la. Đây chính là cơ hội để ông Tập gia tăng sức mạnh của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
5. PHÁT TRIỂN ĐỘI QUÂN THỨ NĂM
Chỉ có đội quân Hoa Kiều mới có thể chiếm nước Nga mênh mông trên thực địa. Mục tiêu này không chỉ của ông Tập mà của lãnh đạo Trung Quốc nhiều thế hệ. Các công ty và hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập nước Nga. Người Trung Quốc sẽ lấy vợ đẻ con trên khắp nước Nga. Nước Nga dân số đang không tăng, vùng Siberia và Viễn Đông phía gần Trung Quốc rộng mênh mông mà thưa thớt người. Đội quân thứ năm mới là sức mạnh lâu dài của Trung Quốc ở Nga.
6. ÔNG TẬP CẦN ÔNG PUTIN TIẾP TỤC GIỮ GHẾ
Ông Tập bề ngoài ca ngợi ông Putin lãnh đạo mạnh mẽ là bởi bên trong ông Tập cần ông Putin tiếp tục giữ ghế. Chừng nào ông Putin còn tại vị thì chừng đó ông Putin và Nga còn bị thế giới cô lập, và do vậy Nga sẽ còn phải lệ thuộc Trung Quốc. Nếu một nguyên thủ khác lên cầm quyền ở nước Nga, có khuynh hướng dân chủ, thì chắc chắn Nga sẽ rời xa vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cho nên ông Tập cần ông Putin cầm quyền. Ông Putin còn tại vị lâu dài thì Trung Quốc càng có lợi.
7. ĐỀ XUẤT KẾ HOẠCH HOÀ BÌNH
Các chính khách lão luyện thừa biết kế hoạch hoà bình của Trung Quốc chỉ là một trò chơi chính trị, không bao giờ thành hiện thực. Trước hết là bởi Trung Quốc không thực tâm. Trung Quốc ngoài miệng nói mong muốn hoà bình cho Ukraine, nhưng trong thâm tâm Trung Quốc mong các đối thủ chính của mình suy yếu bởi cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Thứ hai, Trung Quốc không có khả năng thuyết phục ông Putin tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc luôn cao giọng. Trung Quốc biết không thể thuyết phục Putin rời bỏ các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang chiếm đóng.
Đề xuất của Trung Quốc là một đề xuất mâu thuẫn. Trung Quốc tuyên bố tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc. Nhưng lại đề xuất ngừng chiến ngay. Tức là chấp nhận Nga chiếm đóng lãnh thổ của Ukraine. Nga thì hớn hở. Còn Ukraine thì không bao giờ đồng ý.
Ông Putin sẽ bám vào đề xuất của Trung Quốc. Bám vào đề xuất để tiến hành đàm phán. Tiến hành đàm phán không phải theo các đề xuất của Trung Quốc, càng không phải trả lại lãnh thổ cho Ukraine, mà kéo dài thời gian để tuyển mộ binh sĩ, sản xuất vũ khí, rồi để tấn công, hoặc chí ít là đủ lực lượng ngăn cản các cuộc phản công của Ukraine, giữ cho bằng được phần lãnh thổ đã chiếm đóng.
Còn Ukraine thì không thể bác bỏ thẳng thừng đề xuất của Trung Quốc dù biết đó là trò chơi chính trị. Mà phải tỏ ra có thiện chí xem xét, không làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tìm cơ hội tác động lên Trung Quốc để Trung Quốc không giúp Nga, để Trung Quốc ảnh hưởng lên Nga theo hướng có lợi cho Ukraine.
Bằng kế hoạch hoà bình, ông Tập đang đóng vai trò người hoà giải cho Nga và phương Tây. Nhưng thực ra, ông Tập đang ngầm ủng hộ ông Putin.
8. THÁCH THỨC VỚI HOA KỲ
Mục tiêu vươn lên vị trí cường quốc số 1 thế giới là mục tiêu công khai của Trung Quốc. Dù tuyên bố không liên minh, không chống nước thứ ba thì mối quan hệ Nga – Trung là để làm giảm vị thế của Hoa Kỳ, là đối trọng với Hoa Kỳ. Điều này ai cũng rõ.
II. THỬ ĐI ĐÔI GIÀY CỦA ÔNG PUTIN
Chưa bao giờ ông Putin và nước Nga bị thế giới cô lập như hiện nay. Lệnh truy bắt ông Putin của ICC chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Putin như một chính khách, đưa ông Putin qua cánh cửa nhà tù tội phạm. Khó bắt ông Putin không có nghĩa là thoát tội. Cựu tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, sau khi thất sủng đã bị chính phủ Serbia bắt nộp cho ICC. Một số phận tương tự cũng có thể đến với ông Putin.
Việc bắt giữ ông Putin hay không tuỳ phụ thuộc vào tình thế mỗi quốc gia. Nam Phi mời ông Putin dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Trong khi đó thì Đức tuyên bố sẽ bắt ông Putin nếu ông Putin đến Đức. Đe doạ tuyên chiến hay tấn công hạt nhân đối với quốc gia nào bắt ông Putin không nói lên sức mạnh, mà bộc lộ thế yếu tuyệt vọng. Ông Putin không dễ dàng đến được 123 quốc gia thừa nhận ICC. Đó là tổn thương nghiêm trọng cho uy tín của một cường quốc như Nga.
Trong tình thế ngặt nghèo ông Putin phại dựa hoàn toàn vào Trung Quốc. Đổi lại ông được gì?
1. CHIẾN TRANH TIÊU HAO
Trên mặt trận, quân Nga không thể tiến lên, mà đang có nguy cơ phải lùi dần. Một cuộc chiến tranh tiêu hao nhiều năm là mục tiêu của ông Putin. Ông hy vọng Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mệt mỏi. Chiến trường Ukraine cho thấy, pháo là quyết định. Tên lửa phóng loạt dạng Cachiusa, Grad, Smerch cũng là pháo. Đạn xe tăng cũng là pháo. Mà đạn pháo thì Nga có thể sản xuất ngày đêm với số lượng khổng lồ. Trước đây, Ukraine bắn một quả thì Nga bắn hàng chục quả. Đạn pháo Nga dùng 1 ngày bằng đạn pháo Mỹ và phương Tây giúp cho Ukraine cả tháng. Ở giai đoạn hiện tại, một ngày Ukraine dùng từ 4.000 – 7.000 quả đạn thì Nga dùng đến 20.000 quả đạn/ngày. Không chính xác như đạn pháo phương Tây, nhưng số lượng gấp 5-7 lần thì quá thừa sức huỷ diệt. Cấm vận ảnh hưởng tới nhiều mặt, nhưng đạn pháo, tên lửa phóng loạt, xe tăng thì nước Nga có thể tự cung tự cấp với số lượng có thể cho là “không hạn chế”. Ông Putin cần một cuộc chiến tranh tiêu hao dài ngày.
2. CẦN NGUỒN TÀI CHÍNH ĐỂ NUÔI CHIẾN TRANH
Nguồn tài chính nuôi sống Nga là dầu hoả và khí đốt. Trong hoàn cảnh bị cô lập, cấm vận, thị trường Trung Quốc là lối thoát cho ông Putin. Ông Putin phải thiết lập bằng được mối quan hệ với Trung Quốc dù phải đánh đổi rất nhiều. Trung Quốc từ chối đầu tư vào đường dẫn khí Power Sberia 2, mặc, Nga sẽ đầu tư cho một dung lượng 50 tỷ m3/năm. Đến năm 2030 Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 98 tỷ m3 khí đốt cùng 100 triệu tấn khí hoá lỏng LNG. Năm 2022 Nga tăng 10% lượng xuất khẩu dầu, 21% lượng xuất khẩu than, 150% lượng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Nga bán tài nguyên cho Trung Quốc để lấy tiền nuôi chiến tranh nhiều năm.
3. ĐỂ NỀN KINH TẾ KHÔNG SỤP ĐỔ
Tiền nuôi chiến tranh là một phía. Ông Putin cần thị trường Trung Quốc để nền kinh tế Nga không sụp đổ. Để một bộ phận người Nga còn ủng hộ ông Putin. Người Nga, tuy đã quen chịu gian khổ trong hơn 100 năm qua, nhưng cũng không thể chịu đựng vô thời hạn chỉ nhờ vào lòng kiêu hãnh “nước Nga vĩ đại”. Ông Putin cần người dân Nga có đời sống chấp nhận được. Và Trung Quốc là thị trường lý tưởng hỗ trợ cho nền kinh tế Nga không sụp đổ.
4. TÌM KIẾM NGUỒN NGUYÊN LIỆU ĐỂ SẢN XUẤT VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ CAO
Sự cấm vận của phương Tây đang siết chặt năng lực sản xuất vũ khí công nghệ cao của Nga. Trung Quốc, dẫu không thể cung cấp cho Nga những linh kiện điện tử quốc phòng đời mới nhất, thì cũng giúp cho Nga có được thị trường linh kiện điện tử dân dụng. Nhiều linh kiện trong vũ khí của Nga được lấy từ thiết bị dân dụng của phương Tây. Thông qua thị trường Trung Quốc, Nga có thể duy trì một phần năng lực sáng chế và sản xuất vũ khí công nghệ cao.
Ông Putin đã chịu lép vế nhiều thứ để có được mối quan hệ với Trung Quốc. Khoảng năm 2014, nhà hoạt động chính trị đối lập Alexei Navalny (đang bị ông Putin giam cầm) đã dự báo là ông Putin sẽ đưa nước Nga vào tình thế lệ thuộc Trung Quốc. Điều đó hiện giờ đã thành sự thật. Ông Putin còn dốc sức thúc đẩy đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền chuyển đổi quốc tế thay thế cho đồng Đô la Mỹ.
III. MỘT SỐ KHÍA CẠNH LIÊN QUAN
1. TẠI SAO TẬP CẬN BÌNH PHẢN ĐỐI SỬ DỤNG VŨ KHÍ HẠT NHÂN?
Trong hội đàm Nga – Trung, có đề cập đến điều khoản không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là chủ ý của Tập Cận Bình.
Bởi vì Nga không tự nhiên lại đưa ra điều khoản hạt nhân để tự ràng buộc mình. Khi chuẩn bị mở màn chiến tranh xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã đe doạ trừng phạt nước nào cản trở Nga bằng điều mà “họ chưa bao giờ thấy”. Ông Putin còn bồi thêm “tôi không nói đùa”. Lời đe doa làm “lạnh xương sống” các chính khách phương Tây. Và trong suốt hơn 1 năm chiến tranh Nga ở Ukraine, phía Nga đã nhiều lần đe doạ vũ khí hạt nhân. Nga không dại gì bỗng dưng lại đưa ra điều khoản không sử dụng vũ khí hạt nhân trong thông báo với Trung Quốc.
Tập Cận Bình đưa ra điều khoản không sử dụng vũ khí hạt nhân không phải vì Ukraine. Mà vì Trung Quốc. Nên nó được viết ra trong tuyên bố chung Nga – Trung. Là bởi vì điều Tập Cận Bình quan ngại nhất trong quan hệ Nga – Trung chính là tiềm lực vũ khí hạt nhân của Nga. Kinh tế Nga nhỏ nhoi trước Trung Quốc. Không tính vũ khí hạt nhân, năng lực quốc phòng Trung Quốc vượt trội Nga. Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh quy ước thông thường, không có vũ khí hạt nhân, Nga không thể thắng Trung Quốc. Điều duy nhất đe doạ vị trí cường quốc số 2 thế giới của Trung Quốc chính là tiềm lực vũ khí hạt nhân của Nga. Nên Tập Cận Bình phải viết điều khoản không sử dụng vũ khí hạt nhân vào quan hệ Nga – Trung. Vì mình chứ không phải vì người khác.
2. TRUNG QUỐC CÓ GIÚP VŨ KHÍ CHO NGA?
Trung Quốc đã giúp gì cho Nga?
Thứ nhất, với Nga, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu lửa, khí đốt, than và các tài nguyên khác – đó là cái “phao tài chính” khổng lồ giúp cho ông Putin tiếp tục duy trì cuộc chiến tranh.
Thứ hai, Nga trở thành thị trường kinh tế của Trung Quốc, Trung Quốc trở thành thị trường của Nga – đó là chiếc phao thứ hai cứu sống nền kinh tế Nga khỏi cấm vận.
Thứ ba, qua thị trường Trung Quốc, qua hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, Nga có thể mua bán vật tư, nguyên liệu để sản xuất vũ khí thông thường và vũ khí công nghệ cao. Đây là cái phao thứ ba cứu sống nền quốc phòng Nga.
Ba điều trên đã là sự giúp đỡ vô giá của ông Tập Cận Bình đối với ông Putin. Nhất là trong hoàn cảnh không chỉ bị cô lập, mà ông Putin còn bị toà án quốc tế (ICC) phát lệnh truy bắt. Trong hoàn cảnh hiện thời, với ông Putin, ông Tập Cận Bình là vị “cứu tinh” đích thực.
Nhưng ông Tập Cận Bình có giúp đỡ vũ khí cho ông Putin không? Đó là một vấn đề phức tạp khác.
Ông Tập Cận Bình sẽ chưa mạo hiểm đi nước cờ này. Bởi vì những hệ quả có thể nhìn thấy trước như sau.
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu những trừng phạt lớn từ Hoa Kỳ và phương Tây. Đồng thời nền quốc phòng sẽ bị chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhất là phát triển công nghệ cao. Làm giảm khả năng đua tranh với Mỹ.
Hai là, về quan hệ quốc tế, như vậy Trung Quốc đã công khai đứng về phe xâm lược. Trung Quốc sẽ là kẻ thù chính thức trực tiếp của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine…
Ba là, đi ngược lại điều mà Trung Quốc thường xuyên kêu gọi Mỹ và phương Tây không cấp vũ khí cho Ukraine làm gia tăng xung đột. Vai trò trung gian hoà giải của Trung Quốc sẽ biến mất. Uy tín và vị thế quốc tế của Trung Quốc sẽ bị suy giảm.
Nhưng nếu Chính phủ Trung Quốc chưa công khai cung cấp vũ khí cho Nga, thì cũng không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí bí mật thông qua các cá nhân và các công ty đi qua các nước trung gian để đến Nga.
3. ẢNH HƯỞNG LÊN BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI
Quan hệ Putin – Tập Cận Bình là một liên minh không tuyên bố. Liên minh Nga – Trung sẽ tác động lên bản đồ địa chính trị thế giới, mà trực tiếp nhất là khu vực Thái bình dương – Ấn độ dương. Nhưng các thân hình chính trị quốc tế lớn sẽ biết phải làm gì trước ván cờ Nga – Trung.
Trong khu vực Thái bình dương – Ấn độ dương Úc đang trỗi lên như một nhân tố mới. Úc đã có những thoả thuận xây dựng một đội ngũ hùng hậu tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân với Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh chi phí lên đến hàng trăm tỷ USD. Song song với đó, Úc đã chi 1,3 tỷ AUD (Đô la Úc) mua mua 220 tên lửa tomahawk, 4,2 tỷ AUD mua 29 máy bay Apache, và khoảng 1-2 tỷ AUD để mua tên lửa Himars. Úc – Anh – Mỹ cũng đã thoả thuận phát triển tên lửa siêu thanh.
Úc đặt mua loại tên lửa Mỹ đã kiểm nghiệm trên chiến trường Ukraine
Ngày 5/1, Úc thông báo đã nhận lời chào mời của Mỹ về việc mua hệ thống tên lửa tầm xa giống như loại Ukraine đa...
Liên minh Úc – Anh – Mỹ và liên minh Kim cương Nhật – Mỹ – Ấn – Úc, không nghi ngò gì nữa, sẽ là các nhân tố giúp cho khu vực Thái bình dương- Ấn độ dương cân bằng, dẫu cho quan hệ Nga – Trung phát triển ở mức độ nào.
4. ĐIỀU GÌ VIỆT NAM CÓ THỂ RÚT RA?
Nói về quan hệ Nga – Trung là để rút ra những biện pháp thích nghi.
Tự cường là nhân tố số 1 trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng tự cường không có nghĩa là đứng một mình.
Một quốc gia X dù tuyên bố trung lập, không liên minh với nước nào, thì khi xẩy ra chiến tranh với quốc gia X sẽ xuất hiện phe ủng hộ và phe chống đối. Khối ủng hộ và khối chống đối hình thành ngoài cả mong muốn của quốc gia X.
Việt Nam dẫu có tuyên bố trung lập, thì khi nước khác tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở biển Đông, Việt Nam tự động sẽ có đồng minh. Nếu Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam ở biển Đông, Nga sẽ không phải là đồng minh của Việt Nam.
Nhưng sẽ đến một chính thể sau Putin ở Nga, cũng như sẽ có một chính thể sau Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Tình thế đồng minh lại thay đổi. Trong mọi tình huống, biển Đông cần có sự cân bằng quân sự. Một sự cân bằng quân sự như thế chỉ có thể là một lực lượng quốc tế.
Nguyễn Ngọc Chu
24-3-2023
_______________
Đỗ Hứng gởi