Năm ấy, tôi cùng với Trương Ân, bạn học cũ thời sinh viên, lúc bấy giờ là hiệu trưởng một trường ở Quy Nhơn, cùng đi coi thi ở Phan Thiết. Trương Ân là chủ tịch Hội đồng thi, còn tôi là tà lọt của Ân. Trương Ân người phốp pháp, mặt đỏ gay như Trương Phi, tính nết hồn nhiên, tháo vát, nhiệt tình và có lòng, đi đến đâu đem không khí vui nhộn đến đó. Ân được rất nhiều bạn bè đồng nghiệp quý mến từ thời đi học.
Chúng tôi đáp máy bay quân sự từ phi trường Nha Trang đi Phan Thiết. Đường bộ Nha Trang – Phan Thiết tuy ngắn nhưng kém an ninh, nên phải dùng máy bay. Tôi đoán là loại máy bay của Úc Đại Lợi. Trên máy bay không có ghế; chúng tôi ngồi bệt xuống sàn, chen chúc với tủ bàn ghế, rương hòm xiểng đủ thứ… Chắc có sĩ quan nào dọn nhà, đổi ra Phan Thiết chăng… Nóng bức như lò lửa. Gần đến nơi, “tài xế máy bay” như biểu diễn, đâm lên nhào xuống như tụt dốc, làm chúng tôi sợ hết hồn vía!
Điểm của tôi là điểm của thời chiến, điểm của thời kỳ bom đạn. Thay vì những viên đạn, tôi cho điểm rộng, với hy vọng có một người khỏi chết vì bom đạn.Đến nơi, quần áo xốc xếch, tóc tai bù xù, nhễ nhại mồ hôi…, thì đã có ông Trưởng ty tiểu học ra đón.
Ông “mẫn cán” thế này, chắc có chuyện nhờ vả rồi. Xe đưa chúng tôi về nhà Tùng, cũng là bạn học cũ, hiệu trưởng ở Phan Thiết đã đi coi thi chỗ khác. Nhà Tùng mới xây, giàu có, khang trang, mát mẻ… Đúng như là đi nghỉ hè.Nghỉ một chút, rửa mặt mũi xong thì ông trưởng ty vào đề mời ba chúng tôi đi ăn cơm tối. Trương Ân “lão luyện” trong nghề, nên từ chối rất khéo. Tưởng yên, ai ngờ chiều tối, một hiệu ăn Tầu chở bàn ghế tới bầy tiệc ngay tại nhà, không có cách nào khác đành chịu trận ngồi ăn. Bàn tiệc có thêm mấy người, trong đó có hai cô giáo và một giáo viên trẻ, con trai ông Trưởng ty.
Chúng tôi ăn uống vui vẻ, không một chữ nhắc đến thi cử. Nhân tiện đó, mấy cô giáo mời chúng tôi, bữa sau đến nhà ăn cơm. Chúng tôi hoan hỉ không thắc mắc. Trương Ân đã mất vì đột quỵ ở Paris khi còn trẻ. Viết mấy dòng trong bài này, tôi muốn thân tặng các cựu học sinh Cường Để Quy Nhơn và em gái Trương Ân cùng chồng là Tích.
Việc thi cử buổi sáng diễn ra bình thường. Chỉ có điều tôi nhận ra là anh giáo viên trẻ, con trai ông trưởng ty, coi nhầm phòng thi. Tôi nhẹ nhàng nói nhỏ với anh ấy, bảo về lại phòng thi mà anh đã được chỉ định. Cũng hơi ngượng…
Sáng hôm sau, một “sao quả tạ” chiếu đúng vào tôi. Rảo qua hành lang, chỉ cần nhìn thoáng qua là tôi biết ngay cô cậu nào đang “quay phim”. Đầu cứ cúi gằm xuống là có chuyện. Tôi vào phòng thi, nhận ra thủ phạm giấu bài ở đùi, dưới vạt áo dài. Tôi đến gần, cúi xuống nói nhỏ với em nữ sinh, bảo em cất “bửu bối” đi và tránh không để em bị xấu hổ. Không biết vì sao, em hối hả cho mảnh giấy vào miệng nhai để phi tang, đồng thời kêu to lên, là tôi bắt oan em. Em bù lu bù loa làm câu chuyện thành lớn. Tôi bối rối, luống cuống rồi đành lấy bài thi của em. Giằng co qua lại, chẳng ra làm sao cả. Cuối cùng, em thả ra và nhận giấy thi mới.
Tôi bèn cầm tờ giấy làm bài cũ đi về văn phòng Hội đồng thi. Em hoảng, tưởng tôi lập biên bản. Khổ thế, tôi lấy để vứt đi thôi. Em bỏ phòng thi, vừa chạy theo tôi vừa lải nhải, phạm kỷ luật tối kỵ không cho phép là ra khỏi phòng thi. Lại ồn ào, hình như có khóc lóc… Mọi người, các thư ký văn phòng ngoái nhìn, nói mãi em mới chịu về. Tôi trở lại phòng thi của em, tức giận. Nhờ giáo viên ghi vào phách là: Thí sinh gian lận. Ký tên.
Buổi trưa ra về, em đón tôi tại cổng trường ra chiều tuyệt vọng, không năn nỉ nữa mà hét to trước khi bỏ đi: Thầy ác quá, sau này không có con!. May là lời nguyền rủa của em không ứng nghiệm. Sau này, tôi có hai con trai.
Tôi im lặng không nói gì, để mặc em rủa xả, xỉ vả. Nhưng buồn. Cho đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy buồn. Và tự nhiên còn hối hận vì nặng tay với em. Thôi thì cho tôi xin lỗi. Trong đời đi dạy, niềm vinh hạnh đến cho tôi thì đầy không có chỗ chứa. Nhưng bên cạnh đó, có những ân hận việc này, việc nọ nhiều khi chẳng đáng mà vẫn còn nhớ, như mắng nặng một em nữ sinh, dĩ chí có lần còn tát vào má một nữ sinh khác trước mặt đông đảo học trò… Ân hận này sao nguôi!
Bữa cơm tối đó tại nhà các cô giáo thật vui. Trừ Trương Ân có vợ là Hoa, chúng tôi đều độc thân. Buổi tối về nhà, Trương Ân lôi trong cặp ra một bản nhạc có nhan đề: Hãy trả lời em đi anh”. Hắn mở đĩa nhạc và nói: “Con X nó mê cậu, nhờ mang bản nhạc này về tặng cậu”, rồi rống lên phụ họa theo cô ca sỹ. Bản nhạc sến ơi là sến… Rồi sau bốn ngày thi cử, chúng tôi ra phi trường về lại Nha Trang. Không biết ai đó tặng ba đứa mỗi người một túi trong đó có cá mực, nước mắm nhĩ… Và không quên kèm theo một lô giấy ghi tên học sinh, số báo danh v.v…
Điều bất ngờ đến ngạc nhiên là X theo ra phi trường từ lúc nào, đứng sẵn ở một góc, mắt đỏ hoe. Tội nghiệp. Tôi đã vứt tất cả đám giấy vì một lẽ giản dị là nhiệm vụ của tôi đã chấm dứt, tôi chẳng có thể giúp gì cho ai cả. Tôi không có chân trong Hội đồng thi Nha Trang vì đây là kỳ thi Tú tài I, tôi có muốn gian lận cũng không được. Và tôi cũng đã không có dịp trả lời lá thư X đã gửi cho mình.
Sau này X trở thành nhà văn. Phải chăng bắt đầu từ những giọt nước mắt tiễn đưa?
*
Một chuyện khác nữa. Có lần đi coi thi ở miệt Rạch Giá, một ông lính để chình ình một trái lựu đạn trên bàn, dọa ai không biết. Mấy cô giáo sợ run lên, lấm lét. Học trò cũng vậy. Tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng rồi đánh bạo đến gần anh lính nói nhỏ, “Anh làm ơn cất đi giùm thứ kia, không các em nó sợ”. Tôi không nhớ là mình có đái ra quần không. Anh nhìn tôi thăm dò và có vẻ thách thức nói, “Lính mà thầy!”.
Thật ra, tôi có thể len lén về văn phòng, báo cho ông chánh chủ khảo Hội đồng Giám thị. Vài phút sau, quân cảnh sẽ tới. Quân cảnh vào thì lớn chuyện, có thể có án mạng không chừng. Ít nữa thì anh lính đáng thương cũng bị còng tay với những ngày trọng cấm. Nói không được, tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài hành lang đứng ỳ ra đó nhìn trời, nhìn đất. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại ứng xử thụ động như vậy… Anh lính ngồi chán không dọa ai được, cất lựu đạn, nộp giấy trắng, rồi thong thả bỏ thi ra về.
Anh lính ấy không hiểu có kịp về khoe với người tình bữa tối đó không? Anh vừa dọa được một tên thầy giáo chết nhát, mặt hắn xanh như tầu lá, miệng run lẩy bẩy xin anh cất lựu đạn đi. Biết đâu một viên đạn vô tình nào đó hôm nay đã mang anh đi nhẹ nhàng… Đời lính mà thầy! Tôi nhận tôi là một thằng thầy giáo chết nhát. Còn anh, giờ này anh ở đâu? Thầy giáo đôi khi đặt tình người trên cả nguyên tắc. Chắc là như thế.
Cả đời đi coi thi, nếu động tí bắt học trò gian lận, thì sợ không có đủ giấy để ghi. Chỉ có một lần cấm thi (năm đó thôi) em nữ sinh đấy ở Phan Thiết một cách bất đắc dĩ, ngoài ý muốn như kể trên. Vậy mà lòng vẫn ân hận. Tát một em nữ sinh ở một trường tư Khiết Tâm trong lúc nóng giận. Làm sao quên? Mắng một em nữ sinh trường Văn Hóa, đường Gia Long, “Trông cô cũng xinh xắn sao mà ngu thế!”. Chuyện nhỏ như thế mà cũng không quên thì là nghĩa lý gì? Đó là hơn năm mươi năm trước. Ứng xử đó ngày nay ở xứ này chắc phải đi tù, hay ít nhất cũng phải trả lời trước Ban Giám hiệu hay Hội đồng Học chính.
*
Mùa thi ở Huế, sau Tết Mậu thân 1968
Mậu thân xong, sau khi lấy vợ trong hoàn cảnh tương lai đất nước và cá nhân không sáng sủa gì, tôi nhận Sự vụ lệnh ra Huế chấm thi. Huế, nơi mà những năm trước tôi phải chứng kiến những cảnh rối loạn chính trị không mấy vui. Lại một tháng trời đằng đẵng, sống chung với gió Lào.
Nhiều lúc tôi ghét Huế lắm. Ra là buồn, về đôi khi cũng vương buồn. Trong khi xuống Cần Thơ, đi tuốt xuống miệt Long Xuyên, Rạch Giá… thấy lòng thảnh thơi, ăn uống thoải mái… Đến và đi nhẹ nhàng. Chẳng biết tại sao. Cũng chẳng hề có dịp quen biết một cô gái nào.
Từ phi trường Phú Bài về đến thành phố, nét hoang tàn đổ nát vẫn còn tang thương. Những tàu lá chuối tả tơi rách nát. Những cây bị cắt đứt ngang đoạn. Những mái nhà tôn tróc nóc. Con đường dẫn vào Huế bụi mù.
Đôi mắt con gái Huế buồn tang tóc. Những “con đường tình nhân” ở Huế thưa bóng người, áo dài nay cũng không thấy thướt tha nữa. Vắng bóng cả xe đạp đi hàng đôi.
Nghỉ ngơi xong ra phố, đi một vòng. Vết đổ nát vì bom đạn vẫn còn hằn đó… Huế đã có những mất mát không bao giờ lấy lại được. Ai phải chuộc lại cho những cái mất mát ấy?
Học trò Huế gian lận dễ sợ hơn các nơi khác. Cả con trai, con gái. Họ phải sống còn mà. Họ gian lận không dấu diếm, bắt được thì năn nỉ. Con gái thì nước mắt lưng tròng. Ai nỡ làm gì, đành ngoảnh mặt quay đi.
Lòng đã nản. Chấm thi như là “phóng sinh”, tôi cho rộng rãi hơn giám khảo khác đến hai ba điểm, cứ có một vài ý là có điểm. Cho điểm rộng, chấm nhanh. Rồi bỏ ra phố. Nhiều giám khảo khác nhìn với ánh mắt thiếu tôn trọng.
Hoàn cảnh đất nước như thế, còn có can đảm gò lưng từng phân ly nửa điểm để làm gì? Tôi nghĩ tôi hiểu biết đất nước, con người hơn những giám khảo cù lần kia. Tôi có cái lý riêng của mình, bắt nguồn từ chuỗi cảm nghiệm của một cuộc sống mà mặt đất đang rung lên từng hồi của bom đạn và chết chóc. Chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Tôi như sờ thấy, giáp mặt với chiến tranh. Tôi sợ và thù ghét chiến tranh.
Trong chiến tranh, cái gì cũng có thể được. Tout est possible.
Điểm của tôi là điểm của thời chiến, điểm của thời kỳ bom đạn. Thay vì những viên đạn, tôi cho điểm rộng, với hy vọng có một người khỏi chết vì bom đạn.
Lần ra Huế này, tôi gặp lại một nữ giáo viên cùng coi thi chung phòng, tạm gọi tên cô là N. Tôi và N. trò chuyện tương đắc, mặc dầu N. gần như không nói gì nhiều. N. nói bằng những mỉm cười, bằng ánh mắt, bằng những cử chỉ ngầm hiểu toát ra từ con người, tính cách… N. nhẹ nhàng, N. kín đáo, nụ cười chúm chím, môi hồng phơn phớt. Tôi ghét chỗ ấy đậm mầu (???). Tôi không cắt nghĩa tại sao.
Chúng tôi đã đi dạo buổi chiều ở một chỗ có nước rất êm đềm, rất ngọt, mát dịu hẳn lên. Tôi ngắm N. qua làn áo dài mỏng, nét trinh nguyên, tinh tuyền, không một tì vết. N. đi nhẹ nhàng, cẩn trọng từng bước. Không nói năng nhiều. Lâu lâu một tiếng dạ nhỏ. Ánh mắt ngước nhìn có khi tinh nghịch. Cái đẹp nhất của người con gái để ta tôn thờ là nét trinh nguyên ấy. Lòng mềm đi khi nghĩ đến nét cá tính ấy, khi nghĩ về N. Chẳng bao giờ còn những cảm giác như thế nữa. Cũng chẳng bao giờ có những cảm xúc như thế, ngoài Huế.
Gặp nhau chỉ có mấy ngày coi thi, nhưng N. đã đi với tôi nhiều buổi chiều, xem ra tin cẩn lắm. Chúng tôi có cảm tưởng quen nhau từ kiếp nào… Còn đi nhiều nơi không nhớ hết. Chúng tôi cứ đi thế thôi. Có lần trên một loại xe hàng như xe thùng, vuông, mầu trắng bẩn. Đi đâu không nhớ. Chỉ biết đi. Nắm nhẹ tay nhau truyền cảm giác chẳng nói năng gì, mà đối thoại với nhau thật nhiều bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng ấy.
Tôi còn nhớ vài nốt mụn trứng cá tuổi dậy thì phía má trái, phấn son không che hết của N.. Tôi thích nhất là N. biết ngượng ngùng. Rồi một bữa, N. bạo dạn mời tôi đến nhà ăn cơm tối. Hình như chỉ có hai mẹ con. Nhà neo đơn lắm, thanh bạch không giấu nổi. Mẹ N. xoắn xuýt đến tội nghiệp, không giấu được nỗi mừng cho con gái. Phần tôi đã có vợ. Tôi làm gì được?
Như thể những người phụ nữ hiền dịu nhất như N. bao giờ cũng nhận những phần thiệt thòi về mình…
Tôi rời xa Huế mà không có lấy một địa chỉ. Sao N. có thể dại khờ đến như thế. Không biết trao tay một dòng thông tin để liên lạc. Thế còn tôi thì sao?
Một sáng chủ nhật trong tuần lễ cuối cùng ở lại Huế, tôi lần mò lên nhà thờ Phủ Cam. Đường còn vắng người. Hai bên đường không còn một dấu vết đổ nát. Đã đến giờ lễ rồi. Tôi len lén ngồi dưới cuối dãy, như một người khách xa lạ. Tiếng cầu kinh vang vang. Nhưng đến bài kinh Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi, thì giọng đọc kinh của giáo dân dần không còn bình thường nữa. Càng lúc nó càng nỉ non, rồi biến thành tiếng rên xiết… Cả nhà thờ trắng xóa một mầu tang từ trên xuống dưới. Sao chết nhiều thế. Không trừ ai, không trừ nhà nào.
Huế tang thương. Tôi rời Huế với những ý nghĩ đen tối như thế. Tôi vứt bỏ lại đằng sau những chuyện thi cử, chỉ muốn chạy trốn khỏi Huế.
Tôi ra trụ sở hãng máy bay Air Viet Nam để trở về Sài Gòn. Hết một tháng mệt mỏi. Hình bóng N. lúc tỏ, lúc nhạt. Tôi đã vô tình không hỏi nàng về những ngày tết Mậu thân vừa qua.
Quầy bán vé cũng chỉ loe hoe, không có quá năm hành khách. Còn sớm quá chăng? Tạt qua bên kia đường, phía chợ Đông Ba thấy bầy bán nhiều nhãn lồng Huế, tôi mua vội ít chùm định làm quà cho gia đình. Mua xong mới thấy hố, vì bà bán nhãn không có túi ni lông để đựng. Tôi vào đại một cửa hàng bán tạp hóa thuộc loại sang hỏi mua túi ni lông. Cô bán hàng lắc đầu không có. Nhưng nghĩ thế nào, cô bắc ghế trèo lên những kệ bán áo chemise bầy trong tủ kính. Cô lấy xuống hai chiếc, gỡ bao ni lông ra, đưa cho tôi không tính tiền. Tôi ái ngại, vì chiếc áo có giá là nhờ còn vỏ ni lông bọc bên ngoài. Nán lại trò chuyện và hỏi thăm cô bán hàng, cô cho biết ba cô có tiệm trên đường Gia Long hay Lê Thánh Tôn gì đó. Tôi cho địa chỉ và không chờ đợi có dịp gặp lại được cô.
Về Sài Gòn, bẵng đi một thời gian, tôi nhận được điện tín nhắn ra phi trường đón cô. Quá đột ngột mà tôi lại vừa cưới vợ. Tôi đành thất hẹn với cô…
Tôi nợ những người con gái Huế nhiều lắm. Đây là lần thứ hai, tôi mong muốn tuyệt vọng gặp lại N. và cô. Cô có đẹp không nhỉ? Nói đẹp thì ai tin. Nhưng thưa, cô xinh và quý phái lắm, người cao mảnh khảnh. Nhưng đẹp xấu lúc này để làm gì?
Mỗi mùa thi đối với tôi là một mùa kỷ niệm. Mỗi lần bước lên máy bay về từ Huế, thì hình như lòng nặng thêm…
Nguyễn Văn Lục
May 04 2020
———-
Nguyễn Văn Lục là cựu sinh viên Triết, khóa I Viện Đại học Đà Lạt (SGTC)
Đỗ Hứng gởi