Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Văn hào Pháp Alphone Daudet,
thế kỷ 19
 

Alphonse Daudet (13/5/1840 - 16/12/1897) là một nhà văn Pháp và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Ông sinh ra ở Nîmes (thuộc miền Nam nước Pháp). Ông bắt đầu viết văn từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi Alphonse ra thi tập "Những Người Đàn Bà Đang Yêu" (Les Amoureuses, 1858) và được đón nhận ngay. Độc giả Pháp đặc biệt yêu mến ông qua các tiểu thuyết "Thằng Nhóc Con" (Le Petit Chose), gần như là thiên hồi ký của thời niên thiếu đau khổ của chính mình mà đôi khi cũng được ví với nhân vật trong tác phẩm "David Copperfield" của đại văn hào Charles Dickens của Anh. Những năm sau ông viết nhiều tiểu thuyết cũng thành công không kém, qua các đề tài xã hội của một nước Pháp dân chủ thay thế cho chế độ quân chủ. Cho đến cuối đời, Daudet dao động từ niềm vui thẳng thắn (Nhân vật huyền thoại Tartarin de Tarascon) đến sự mỉa mai như quất mạnh (Numa Roumestan), hoặc nỗi u sầu bệnh hoạn nhất.
 
Cùng lúc với một Daudet thi sĩ, lại có một Daudet duy thực chua chát, ngay cả theo xu hướng tự nhiên, theo dấu chân của những nhà văn cùng thời với ông, Emile Zola hoặc anh em nhà Goncourt (Edmond & Jules de Goncourt, với các tiểu thuyết theo tự nhiên, sáng lập ra hàn lâm viện Goncourt).
 
***
 
Sáng hôm ấy tôi tới trường trễ, rất lo sẽ bị la, nhất là vì thầy Hamel đã dặn sẽ dò bài về thể phân từ, mà tôi thì không hiểu chữ nào. Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện trốn học, bỏ đi lêu lổng ngoài đồng. Trời thì ấm áp và tươi đẹp quá thế này.
 
Nghe có tiếng chim ríu rít ở bìa rừng, và trên cánh đồng Rippert đàng sau xưởng cưa, đám lính Phổ đang tập trận. Những thứ này hấp dẫn tôi hơn cái món mẹo luật phân từ, nhưng tôi cũng còn cưỡng lại được, và tôi ba chân bốn cẳng chạy tới trường.
 
Khi đi ngang Toà Thị Chính, tôi thấy đám đông người đang tụ tập trước bảng cáo thị. Suốt hai năm qua, mọi tin xấu đều từ nơi đó mà ra, nào tin thua trận, nào là lệnh tuyển binh, rồi các chỉ thị của bộ chỉ huy, tôi tự hỏi, chân vẫn không dừng: “Lại chuyện gì nữa đây?”
 
Thế rồi, khi tôi vội vàng chạy qua khu quảng trường, bác thợ rèn Wachter đang đứng đọc bảng cáo thị với anh học việc, nói lớn với theo tôi:
 
“Chạy gì nhanh thế, cậu bé. cậu còn cả khối thời gian tới trường mà!”
 
Tôi nghĩ là bác ấy đang giễu cợt tôi, và tôi thở hổn hển khi tới được mảnh sân nhỏ của thầy Hamel.
 
Thông thường, khi bắt đầu giờ vào lớp, luôn có những âm thanh ầm ĩ, ngoài đường cũng nghe thấy, tiếng mở đóng hộc bàn, tiếng học trò ôn bài đồng loạt, rất ồn ào vì cứ bịt tai mà đọc để nghe cho rõ, còn cả tiếng thầy gõ thước lên bàn nữa.
 
“Tất cả im lặng nhé!”
 
Tôi hy vọng sẽ lợi dụng lúc chộn rộn này để vô lớp không bị ai nhìn thấy. Nhưng hôm nay sao lại yên lặng như đang là sáng chủ nhật thế này! Qua cửa sổ, tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ đàng hoàng, còn thầy Hamel thì đang đi tới đi lui với cây thước kẻ bằng sắt đáng sợ kẹp dưới nách. Phải mở cửa bước vào trong không khí lặng lẽ đó. Bạn chắc là tưởng tượng ra mặt tôi đỏ rần và tôi run sợ như thế nào.
 
Thế nhưng, không. Thầy Hamel nhìn tôi không chút giận dữ và dịu dàng nói:
 
“Hãy vào chỗ ngồi nhanh đi, em Frantz. Lớp học bắt đầu mà vắng mặt em đó.”
 
Tôi nhảy qua băng ghế và ngồi xuống ngay bàn của mình. Đến lúc đó, khi đã bớt lo sợ tôi mới nhận ra là hôm nay thầy mặc cái áo khoác màu xanh thật đẹp, riềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng.
 
Thêm vào đó, hôm nay trường tôi có vẻ gì lạ lùng và trang nghiêm khác thường, nhưng điều làm tôi sững sờ hơn hết là trên mấy băng ghế đặt ở cuối lớp, mọi ngày bỏ trống, hôm nay lại thấy có mấy người dân trong làng đang ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi vậy. Ông già Hauser với cái nón xếp ba góc, ông cựu thị trưởng, ông cựu bưu tá, và nhiều người khác nữa, ai trông cũng buồn rầu. Ông Hauser có mang theo quyển sách vỡ lòng cũ, góc đã quăn queo, ông mở sẵn trên đùi, đặt cái kính đeo mắt trên trang sách.
 
Trong khi tôi đang tự hỏi về tất cả những điều đó thì thầy Hamel ngồi vào ghế của mình, và cất tiếng, cũng với cái giọng nhẹ nhàng và nghiêm trang mà lúc nãy thầy nói với tôi:
 
“Này các con, đây là buổi học cuối cùng thầy dậy các con. Lệnh đến từ Berlin là tất cả các trường học ở Alsace và Lorraine chỉ được phép dùng tiếng Đức mà thôi. Ngày mai sẽ có thầy mới tới đây và hôm nay là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Thầy mong các con phải chú ý thực kỹ.”
 
Những lời ấy khác nào sấm sét giáng xuống đầu tôi! Ôi, bọn khốn! Thì ra đây là cái mà chúng đã dán ở Toà Thị Chính!
 
Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của tôi sao! Tôi còn chưa biết viết nữa mà! Tôi không được học nữa sao? Phải ngưng hết việc học ngay lúc này sao? Tôi giận mình biết bao về thời gian bỏ phí bấy lâu, tôi đã trốn học để đi tìm trứng chim hay đi trượt ván ở Saar! Những cuốn sách mà mới khoảnh khắc trước tôi cho là thứ khô khan, mang vác nặng nề, sách ngữ pháp, sách lịch sử linh thiêng, giờ tôi coi như những người bạn cũ, khó khăn lắm mới rời bỏ được. Và thầy Hamel cũng vậy. Nghĩ đến việc thầy sắp sửa đi xa, tôi sẽ không còn gặp thầy được nữa là tôi quên hết những hình phạt, những đòn đánh thước kẻ của thầy trước kia.
 
Tội thầy quá!
 
Chính vì coi trọng buổi học cuối cùng này mà thầy đã mặc bộ đồ đẹp thường chỉ diện ngày chủ nhật, và lúc này tôi mới hiểu tại sao những vị bô lão trong làng đến ngồi trên những băng ghế nơi cuối lớp. Có vẻ như họ cũng hối hận rằng đáng lẽ họ phải đến trường siêng năng hơn. Đó là cách họ tỏ lòng tri ân thầy chúng tôi đã tận tuỵ suốt bốn mươi năm nay, và cũng để biểu lộ tình cảm ân nghĩa đối với tổ quốc nay đã mất đi.
 
Tôi đang nghĩ về những điều này bỗng nghe tiếng thầy gọi tên. Đến phiên tôi phải đọc bài. Tôi có thể đánh đổi gì để có thể đọc được hết cái quy tắc về phân từ lẫy lừng đó, đọc thật to, thật rõ, không vấp váp chút nào nhỉ? Tôi chỉ ấp úng được mấy chữ đầu tiên thôi, rồi đứng yên như trời trồng, chết dí nơi băng ghế, tim đập mạnh, chẳng dám ngước mắt lên. Tôi nghe thầy Hamel nói với tôi:
 
“Này Frantz, thầy không la con đâu, con bị trừng phạt thế là đủ rồi, con thấy chưa, ngày nào ta cũng tự bảo: ấy, ta còn khối thời gian mà, để ngày mai rồi học cũng được. Và con thấy kết quả ra sao rồi đó… Ừ, tai hoạ lớn nhất của xứ Alsace chúng ta là bao giờ cũng trì hoãn việc học đến ngày mai. Và giờ đây, những kẻ kia có quyền bảo chúng ta rằng: Thế nào! Các ngươi tự nhận mình là dân Pháp, thế mà sao các ngươi chẳng biết đọc biết viết được tiếng mẹ đẻ của mình! Trong chuyện này, trò Frantz à, con đâu phải là người tội lỗi nhất. Tất cả chúng ta đây đều phải tự trách mình cả đấy.
 
Bố mẹ các con không chăm lo lắm việc học hành của các con. Họ thích các con ra đồng làm việc hay vào nhà máy hơn để kiếm thêm chút tiền. Còn thầy đây, bộ thầy không có gì đáng trách à? Chẳng phải là thầy đã sai các con đi tưới hoa trong vườn thay vì bắt các con phải học bài. Và khi thầy muốn đi câu, thầy chẳng ngần ngại cho các con nghỉ học.”
 
Thế rồi, từ chuyện này bắt sang chuyện khác, thầy Hamel nói về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới, trong sáng nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, và cần bảo vệ nó, đừng bao giờ được phép quên điều đó, vì khi một dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, chừng nào còn giữ vững tiếng nói của mình thì không khác gì nắm được chiếc chìa khoá mở cửa tù giam. Rồi thầy mở sách ngữ pháp ra và đọc bài học cho chúng tôi nghe. Tôi ngạc nhiên thấy mình hiểu thật thông suốt. Những điều thầy nói nghe thật dễ hiểu, thực sự rất dễ hiểu. Tôi cũng thấy rằng tôi chưa bao giờ chú ý nghe thầy giảng chăm chú đến thế, mà thầy cũng chưa bao giờ giảng giải mọi điều một cách kiên nhẫn đến thế. Như thể là trước khi đi xa thầy muốn truyền cho chúng tôi tất cả kiến thức của mình, cố trút hết vào đầu óc chúng tôi tất cả một lần.
 
Sau bài ngữ pháp, đến bài tập viết. Hôm đó, thầy đã chuẩn bị những tờ mẫu mới toanh, trên đó có viết bằng chữ rông thật đẹp: France, Alsace, France, Alsace… Những tờ giấy tập viết như những lá cờ nhỏ bay khắp phòng học, treo trên những thanh gắn trên mặt bàn học chúng tôi. Bạn phải nhìn thấy mọi người chăm chú làm việc như thế nào, và lớp học im lặng ra sao! Chỉ còn nghe được tiếng ngòi bút cào trên giấy. Có lúc, có vài con bọ bay vào phòng, nhưng chẳng ai để ý đến chúng, ngay cả những thằng nhỏ bé nhất đang cố công vạch những nét sổ thẳng, toàn tâm, toàn ý, chừng như những nét sổ đó cũng là tiếng Pháp. Trên mái nhà, những con bồ câu gù gù nho nhỏ, tôi nghe tiếng chim và nhủ thầm:
 
“Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?”
 
Có lúc đang viết ngước nhìn lên, tôi thấy thầy Hamel ngồi bất động trên ghế, mắt chăm chăm nhìn hết vật này sang vật khác, như muốn ghi sâu trong tâm trí mình tất cả hình ảnh ngôi trường nhỏ bé này. Thật lạ! Đã bốn mươi năm nay, thầy chẳng luôn ở đây, vẫn chỗ ngồi đó, vẫn sân chơi trước mặt, vẫn lớp học không đổi hay sao? Chỉ có mấy cái ghế, cái bàn sử dụng lâu ngày nay trơn mòn hơn, những cây hạt óc chó nay mọc cao hơn, và dây hoa bia do chính thầy trồng nay quấn quanh cửa sổ, leo lên tận mái nhà. Hẳn là thầy đau lòng lắm khi phải rời xa tất cả những thứ này, khi nghe tiếng cô em thầy ở tầng trên đang đi đi lại lại, đóng gói đồ đạc vào mấy cái rương, bởi vì họ phải rời khỏi xứ ngay ngày hôm sau.
 
Nhưng rồi thầy cũng can đảm dạy hết cả buổi học. Sau phần tập viết, chúng tôi học về lịch sử, sau đó các trò nhỏ bi ba bi bô đánh vần. Dưới kia, ở cuối lớp, cụ Hauser đeo cặp kính vào mắt, hai tay nâng sách vỡ lòng lên cùng đánh vần theo chúng. Ai cũng thấy là cụ cũng rất chăm chú, giọng run run vì xúc động, nghe rất buồn cười khiến chúng tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc. Ôi chao, tôi nhớ buổi học cuối cùng ấy biết bao!
 
Đột nhiên chuông nhà thờ gõ mười hai tiếng. Rồi đến hồi chuông cầu kinh Đức Bà. Đồng thời tiếng kèn đồng của đám lính Phổ đi tập trận về vang lên dưới mấy cửa sổ phòng học. Thầy Hamel đẩy ghế đứng dậy, mặt tái xanh. Chưa lúc nào tôi thấy thầy cao đến vậy. Thầy nói:
 
“Các bạn, các bạn, tôi…tôi…”
 
Có cái gì đó làm thầy nghẹn lại, không nói hết câu được. Thầy xoay người về phía bảng đen, nhặt một mẩu phấn, và bằng hết sức mình ấn lên phấn, thầy viết hàng chữ to hết cỡ:
 
“NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM.”
 
Thế rồi, thầy ngừng tay, đầu gục lên tường, không nói một lời, thầy xua tay ra dấu như bảo chúng tôi: “Lớp học kết thúc… mọi người về đi!”
 
Alphonse Daudet

Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu theo nguyên bản tiếng Pháp


____________


Đỗ Hứng gởi