Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Văn Hoá "nước mắm"

 
Hồi Đại học tui chơi với một cô bạn, thân với nhau rồi tui mới biết nhà cổ giàu lắm, bố cô hồi đó làm Phó Tổng Giám Đốc hãng Hàng không Việt Nam lận. Được bạn mời tới nhà chơi ăn cơm tui háo hức ghê lắm...
 
Tới bữa cơm ngồi vào bàn, nhìn cái gì tui cũng thấy ô kê, chỉ có cái chén con rót xíu xiu nước mắm là tui thấy là lạ, nên tui cứ chăm chú nhìn hoài rùi nghĩ bụng: "Oậy, nhà nó giàu thế mà sao rót nước mắm kẹo thế, ở nhà tao á, nghèo thì nghèo chứ rót nước mắm là phải gần nửa chén lận.

Cơm xong, tui phụ cô bạn rửa chén, lúc ấy cổ mới nói nhỏ với tôi: "Mày nhìn chằm chằm vào chén nước mắm ý mày nói nhà tao keo kiệt phải không? Mày xem nè (cổ cho tui xem cái chén con nước mắm vẫn còn chút sát đáy chưa chấm hết): rót có chút xíu mà còn ăn không hết nè, nước mắm mặn chứ phải nước đường đâu mà rót cho cố ăn không hết rồi đổ, nếu ăn hết thì lại rót thêm có sao đâu!..."

Tôi giật mình và bần thần nghĩ: cái con nhỏ này tinh tế thật, thế mà nó cũng nhận ra mình nghĩ gì...Và bài học từ chén nước mắm xíu xiu đó đã in đậm trong trí óc tôi cho tới lúc tui gây lộn hoài với người thân ở chung nhà cũng chỉ vì chén nước mắm...
 
Từ văn hóa cái chén mắm tui nhận ra người Việt mình đa số ăn uống... phung phí lắm!. Có lẽ cái đói, cái nghèo từ xưa rất xưa rồi nó ám vào thói quen ăn uống của nhiều đời, riết nên lúc nào người ta cũng sợ thiếu, sợ đói, sợ ít đồ ăn quá thì kỳ cục nên thường chuẩn bị thức ăn thừa mứa hơn sức người ăn.

Khi đi quán ăn, nhà hàng cũng thế: đa số người Việt ít gọi từng món, ăn món này xong còn đói thì gọi tiếp có sao đâu? Không, hầu hết là no bụng đói con mắt, cứ gọi 1 loạt rất nhiều món rồi lặc lè mà ăn, ăn không nổi thì tiếc rồi ráng nuốt vào cho hại bao tử và hại cả sức khỏe. Dạo gần đây tôi thấy người ta bớt sỹ diện, ăn không hết là biết xin hộp mang về nhưng đâu đó vẫn còn lắm người sỹ, sợ xin hộp mang về người ta cười cho nên đành bấm bụng mà bỏ dở thức ăn thừa...

Rồi ông bà ta có câu: "Học ăn học nói..." nhưng có vẻ như ít gia đình chịu giáo dục con cái thói quen ăn uống sao cho chừng mực, cho văn minh...
 
Nhân tiện đây tôi kể chuyện thằng cháu tôi:

Thằng bé vừa đi làm có tháng lương đầu tiên mừng quá, đưa 50% phụ mẹ lo gia đình, 50% còn lại nó giữ...Rồi nó hí hửng mời cô bạn gái mới quen rất kháu khỉnh đi ăn. Tới quán, con nhỏ cầm thực đơn gọi hàng loạt món một cách vô ý tứ, thằng bé bắt đầu tái mặt mà không dám ngăn cản, sợ cô bé kia chê đàn ông mà keo kiệt...Rồi y như rằng, con bé chỉ chấm mút qua loa từng món rồi bỏ mứa. Thằng bé hối thúc con nhỏ ăn nhiều hơn thì nó tỉnh bơ bảo: thôi em không dám ăn nhiều, ăn nhiều sợ mập.. Y như rằng tới lúc tính tiền cầm hóa đơn thì thằng nhỏ mặt biến sắc, thanh toán gần hết số tiền nó đang giữ. Lúc đi về nó bảo quán gói thức ăn thừa mang về thì con nhỏ kia phán 1 câu xanh rờn: "Xời ơi ai lại đi xin hộp mang về, quê chết ."

Về tới nhà thằng nhỏ ấm ức kể tôi nghe rồi nói: "Dì ơi, con xui mà hóa ra may, may mà nó bộc lộ thói xấu sớm nếu không con iu nó thì khổ cả đời, chẳng hiểu cha mẹ nó dạy nó ăn uống kiểu gì?..."

Thế đấy, thói quen "phung phí thức ăn" của người Việt là văn hóa đặc trưng mà tụi Tây qua VN nhìn thấy còn phải ngán ngẩm. Ông Sếp người Mỹ của tôi lâu lâu mời tôi đi ăn đều nói đểu tôi một câu: "Ê mày, tao thấy dân Việt mày giàu sụ. Mày nhìn xung quanh mà xem, chỉ có tao với mày ăn uống vừa đủ, còn đâu tao thấy ai cũng gọi thức ăn ngập mặt, ăn không hết bỏ thừa kìa, dân mày giàu dữ bay!"

Tôi xấu hổ mà phải thừa nhận, VN ta có 1 thói quen ăn uống vô độ, nhậu nhẹt thả ga không cần phải đến các dịp Lễ, Tết. Mà cứ đến Tết thì ôi thôi: nhà nhà mua sắm ứ hự, chất đầy nghẹt trong các tủ lạnh làm cứ như chợ hay siêu thị cả tháng mới bán lại, trong khi chỉ mùng 2 thôi là các chợ đã mở bán lại hàng loạt rồi. Đồ ăn để lâu trong tủ lạnh nào có béo bổ gì, thức ăn đã nấu hâm tới hâm lui cũng chẳng tốt lành gì mà sao người ta không thể bỏ được thói quen tích trữ đồ ăn quá mức nhu cầu...Mà người nghèo thì chiếm tới gần 80% dân số, mong được bữa cơm tươm tất hoặc thậm chí có cơm để ăn cũng quá khó khăn trong khi người khác thì phải đổ bỏ thức ăn thừa, tội lỗi quá!
 
Năm đã hết và Tết sắp về, chắc chắn nhà nhà sẽ tưng bừng sắm sửa, đi chợ nấu nướng và ăn uống thả ga... Hy vọng mọi người vui thì vui, chơi thì chơi, ăn uống thì chuẩn bị vừa đủ chứ đừng phung phí thừa mứa quá nhé, hãy một lần nghĩ về văn hóa "Nước mắm" bởi:
Nước Việt mình còn nhiều người nghèo, rất nhiều trẻ em đang đói lắm!
 
Bạch Cúc

____________


Đỗ Hứng gởi