Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 


VẠN PHẬT THÀNH TU HÀNH
NHƯ THẾ NÀO ?




 

Tôi trờ lại Vạn Phật Thành năm 2017

Từ lâu tôi muốn viết về sự tu tập ở Vạn Phật Thành như thế nào ? Nhưng nhiều việc Phật sự bận rộn, hơn nữa cũng lười biếng viết, cho nên hôm nay đột nhiên hứng thú, nên viết đôi nét về sự tu tập ở Vạn Phật Thành, Mỹ Quốc.

Trước khi biết được Vạn Phật Thành, phải nói nhờ hai vị sư huynh là Thầy Thích Minh Chiếu và Thầy Thích Trung Thành ở Mỹ, đều là đệ tử của cố lão H.T Thích Trung Quán (Chùa Hoa Nghiêm ở Villeneuve Le Roi) ngoại ô phía nam Paris. Sau khi nhị vị sư huynh nầy xuất gia với cố H.T Thích Trung Quán, thì mỗi năm đều đến Pháp thăm cố H.T bổn sư Thích Trung Quán, hai vị này mới kể về kỳ tích cố H.T Tuyên Hoá, cũng như Vạn Phật Thành như thế nào ? Nghe xong cảm thấy thích thú kỳ diệu vô cùng, hy vọng có ngày sẽ được gặp Ngài, cũng như đến được Vạn Phật Thành cho biết, trước khi đến được Vạn Phật Thành tôi nói chút xíu về nhân duyên xuất gia của tôi.

Từ lúc còn ở Việt Nam, khoảng năm 1977 tôi đã muốn phát tâm xuất gia với cố H.T Thích Thiện Tâm trụ trì Chùa Đạt Ma – Phan Thiết. Lúc này hơn 10 tuổi đang ở Chùa đi học. Nhưng cố H.T Thiện Tâm không cho phép, vì sợ chính quyền làm khó dễ, vì lúc này chính quyền đang động viên kêu gọi các thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, nên việc xuất gia không thành.

Khoảng tháng 10 năm 1984, tôi cùng gia đình vượt biên qua các đảo Ga Lăng, Indonesie, thời gian ở đây rất vui, người tị nạn rất đông, ban ngày đi học tiếng Anh, tối thì đi Chùa tụng Kinh lễ Phật, và cũng sinh hoạt gia đình Phật tử. Ở đây được khoảng vài tháng thì đi qua Pháp. Đầu năm 1985 thì chính thức tới nước Pháp, ở trong trại vài tháng đi học tiếng Pháp, sau đó về nhà ở Tourcoing, miền bắc nước Pháp, ghi danh tiếp tục đi học trường trung học Pháp. Sau đó tâm xuất gia lại tiếp tục khởi lên, cứ nghĩ đi học rồi mai mốt cũng đi làm, lo cho gia đình, rồi vẫn cứ ở trong vòng lẩn quẩn như bao nhiêu người thế tục, nếu muốn xuất gia thì nên đi càng sớm càng tốt.

Năm 1989, tôi quyết định phát tâm xuất gia, bèn nói với cố Ni Sư Đàm Hải trụ trì Chùa Hoa Nghiêm Grenoble, trước đó Ni Sư cũng hay lui tới nhà, cũng nói về cố H.T Thích Trung Quán, nên Ni Sư dẫn về gặp cố HT Thích Trung Quán và lạy ngài làm thầy bổn sư xuất gia, cùng năm đó vào lễ Vía Bồ Tát Quán Âm, cố H.T làm lễ thọ giới Sa Di. Trước khi đi tu tôi đã thuộc năm đệ Lăng Nghiêm. Sau khi thọ giới Sa Di rồi, Ni Sư Đàm Hải xin cho tôi về Chùa Hoa Nghiêm Grenoble, tiếp tục đi học trong đại học Grenoble được khoảng hai năm.

Năm 1990, cố HT Tuyên Hoá và phái đoàn Vạn Phật Thành đến Âu Châu hoằng pháp. Ni Sư Đàm Hải thỉnh mời Ngài và phái đoàn về Grenoble thuyết giảng, và tôi đã gặp cố HT Tuyên Hoá ở Grenoble, đảnh lễ Ngài và xin Ngài qua Vạn Phật Thành tu tập, Ngài đã hứa khả, thật là vui mừng khó tả. Khi Ngài và chư Tăng xuống Grenoble thuyết giảng, tối đó chư Tăng và tôi ngủ ngồi ở Chánh điện, từ đêm đó tôi đã tập ngủ ngồi.

Năm 1991, cố Ni Sư Đàm Hải mua cho Tôi
 vé máy bay sang Vạn Phật Thành tu học, năm đó Vạn Phật Thành có mở Đại Giới Đàn, và tôi được thọ giới Cụ Túc đại giới đàn này. Năm đó có cố HT Thích Trung Quán, cố HT Thích Chân Thường, TT Thích Minh Đăng, cố Ni Sư Đàm Hải … và các Phật tử tháp tùng sang dự Đàn giới và tham quan Vạn Phật Thành.
 

Chánh Điện Vạn Phật Thành

Từ khi sang Vạn Phật Thành tu học, nhập chúng ở đây trở thành thường trú nhân, theo thời khoá biểu hằng ngày vừa tu, vừa học, vừa làm việc. Sáng sớm ba giờ rưỡi sáng thức dậy, bốn giờ khoá lễ sáng, năm giờ xong, tiếp tục khoá lễ, hoặc ngồi thiền, chín giờ sáng chấp tác làm việc, hoặc có lớp học cho chư Tăng mới thọ giới. Buổi sáng ở đây không dùng sáng, không có cà phê, không có gì hết, chỉ có trà, ai muốn uống thì uống. Mười giờ rưỡi cúng ngọ rồi đi kinh hành ra Ngũ Quán Đường, đọc bài cùng dường, ngũ quán, rồi dùng cơm. Trong lúc dùng cơm có khi gần cả ngàn người, mà im phăng phắc, không một tiếng nói, thật là tuyệt vời làm sao. Thức ăn tự chọn, ăn bao nhiều thì lấy. Ăn xong, bát của ai tự mình đi rửa, rồi đem vào bàn để lại chỗ của mình. Thời gian ăn khoảng bốn mươi lăm phút, ăn xong đại chúng hồi hướng đi kinh hành vào Chánh Điện, đọc Tam Quy Y, xong về phòng nghỉ. Một giờ trưa Khoá Lễ Đại Bi Sám, hoặc chấp tác làm việc, hoặc có lớp học cho chư Tăng mới thọ giới. Bảy giờ tối bắt đầu khoá lễ tối, tụng Kinh Di Đà, Hồng Danh Sám Hối, thay phiên nhau, rồi Mông Sơn thí thực, ngày tiếng Anh, ngày tiếng Tàu, kế tiếp tụng 108 biến tâm Chú Lăng Nghiêm, xong khoá lễ tối thì tới thời pháp thoại, hoặc nghe băng giảng của cố HT Tuyên Hoá. Chín giờ rưỡi tối thì xong, ai nấy về phòng của mình.

Ngủ thì ngủ ngồi, lót cái mền xuống nền tựa vào tường ngủ. Những đêm đầu tiên không ngủ được, thì những đêm kế tiếp đã quá mệt thì sẽ ngủ được thôi, sau đó thì quen dần, ngồi xuống thiền từ từ sẽ ngủ, về sau trở nên bình thường, không có gì khó khăn nữa. Vào mùa đông trời rất lạnh, dưới âm độ c, không có sưởi, chịu khó mặc đồ cho nhiều vào thì ấm thôi. Sáng dậy súc miệng rửa mặt toàn nước lạnh, chỉ khi nào tắm mới có nước nóng, đồ giặt bằng tay, mùa đông phơi tới vài ngày mới khô. Lâu dần trở thành bình thường, không nghe ai than vãn gì hết, vì ở đây là vậy, mình ở được thì ở, không được thì thôi, không ai bắt buộc mình, cũng có một số Thầy không chịu được lâu, một thời gian ngắn rồi bỏ về.

 

Mỗi năm Vạn Phật Thành có khoá Thiền ba tuần lễ và Niệm Phật một tuần lễ vào dịp cuối năm dương lịch.

Vào khoá thiền, bắt đầu thức dậy từ hai giờ rưỡi sáng, ba giờ sáng bắt đầu ngồi thiền. Ngồi một tiếng thì dậy đi hương, đi hương khoảng hai mươi phúc, rồi lại ngồi, cứ tiếp tục như vậy. Mười một giờ trưa dùng cơm, một giờ tiếp tục ngồi thiền, bốn giờ chiều được nghỉ một tiếng. Sáu giờ tiếp tục ngồi cho đến mười một giờ đêm thì nghỉ. Trong lúc ngồi thiền, ai muốn ngồi tiếp thì cứ ngồi, ai muốn đi hương thì đi, có nhiều vị ngồi vài tiếng cho đến bảy tám tiếng liên tục. Riêng tôi thì có thể ngồi kiết già được một ngày đêm liên tục, đây là do tập luyện ngồi kiết già ba tháng trời mới được như vậy, chứ không dễ gì.

Tôi nhớ lại sau khi cố HT Tuyên Hoá mua lại ngân hàng ở Longbeach để thành lập đạo tràng Phước Lộc Thọ, lúc đó tôi đang ở Vạn Phật Thành vừa bị bệnh phổi, Hoà Thượng đã cho tôi và Thầy Hằng Đức xuống ở đạo tràng Phước Lộc Thọ, ở đây thuộc miền nam Cali, nên khí hậu ấm hơn, ở đây họ cho taxi tới đón tôi vào nhà thương khám và cho thuốc về uống, vài tháng sau thì bệnh phổi khỏi hẳn. Trong thời gian nầy tôi chuyên tu thiền, mỗi ngày từ sáng tới tối ngồi thiền một mình, ngồi kiết già lâu nhất có thể, khi nào hết chịu đựng được thì bỏ chân xuống.

Ban đầu ngồi được khoảng một tiếng rưỡi thì chân bắt đầu đau, đau dần tới khoảng hai tiếng rưỡi trở đi, thì đau khủng khiếp lắm, đau cho tới khoảng ba tiếng đồng hồ thì sẽ hết đau, sẽ an lạc vô cùng, không thể nào tả được. Vượt qua được ải thứ nhất này cũng gay go lắm, chứ không dễ dàng gì. Tiếp tục ngồi cho đến khoảng hơn năm tiếng, thì chân bắt đầu đau lại, lần này đau hơn lần trước, đau kinh hoàng lắm, có thể khóc chứ chẳng đùa. Sau khi chịu đựng cái đau khủng khiếp đó, tới khoảng sáu tiếng thì sẽ hết đau, bây giờ tới lúc an lạc một cách lạ lùng, chỉ có mình cảm nhận được thôi. Sau khi vượt qua ải thứ hai nầy, thì có thể ngồi kiết già bao lâu tuỳ ý, có thể ngồi kiết già cả ngày cũng được, không còn đau như trước kia nữa. Từ lúc tập ngồi kiết già cho đến vượt qua được hai cái ải nầy, mất hết ba tháng trời.

Ở đây được khoảng một năm, thì về lại Vạn Phật Thành. Lúc đó tới khoá thiền thất hàng năm, đại chúng vẫn ngồi thiền bình thường, lúc này tôi thử ngồi kiết già được khoảng một ngày đêm. Từ đó tới bây giờ chưa có dịp dự khoá thiền thất nữa, nên chưa ngồi kiết già lại nữa, không biết còn ngồi kiết già được lâu như xưa nữa hay không ! Nhưng dù sao cũng đã trải qua những cảm giác khổ đau an lạc khi ngồi kiết già nhiều tiếng đồng hồ.

Ở Vạn Phật Thành còn có những vị không giữ giới tiền bạc, có nghĩa là không có tiền, có bao nhiêu cúng hết cho chùa, hoặc không nhận tiền cúng dường. Hơn nữa cũng không hay đi ra ngoài, cũng chẳng mua gì. Vì trong Vạn Phật Thành có đầy đủ hết rồi, bên chư Tăng cũng có cái kho, tất cả y áo, giầy dép, túi xách, thuốc men .v.v… ai cần gì thì cứ vào lấy, rồi ghi vào cuốn sổ. Lâu lâu thì có bác sĩ Phật tử tới Vạn Phật Thành khám bệnh cho mọi người, hoàn toàn miễn phí, hoàn toàn không có bảo hiểm sức khoẻ, bệnh thì uống thuốc, hoặc khám bác sĩ Phật tử, hoặc vào nhà thương nếu cần thiết.


 

Lúc này mỗi cuối tuần thầy Hằng Trường, tôi, thầy Hằng Đạt, thầy Hằng Sơn các huynh đệ chúng tôi cuối tuần thì xuống Viện Dịch Kinh Quốc Tế ở Birlingame gần San Francisco thuyết giảng cho các Phật tử người Việt.

Sau đó Hoà Thượng kêu tôi và Thầy Hằng Luật (hiện nay là phương trượng Vạn Phật Thành), tới Tuyết Sơn Tự ở Seattle, ở đây hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, không có Phật tử lai vãng, chỉ có chú Phật tử mang rau cải tới mỗi tuần. Hai huynh đệ ở đây tu tập, tụng Kinh bái sám, ngồi thiền .v.v… Mỗi ngày, sau giờ cơm trưa thầy Hằng Luật dạy tôi tiếng Tàu Phổ Thông khoảng một tiếng, học được đâu khoảng ba tháng, nên nói tiếng Tàu cũng khá hơn. Sau này tự học thêm, vì khi biết được phát âm căn bản rồi thì cũng dễ, hơn nữa đã biết chữ Hán thì cũng dễ hơn nhiều. Chữ Hán thì được cố HT Trung Quán dạy luật học được vài tuần lễ, đa số tự mua sách về học, nên vừa biết đọc và biết nói, giao lưu với người Tàu cũng dễ dàng. Đa số mọi người ở Vạn Phật Thành đều nói tiếng Anh và Tiếng Tàu, còn tiếng Việt thì khi nào giao lưu với Phật tử người Việt. Tiếng Phổ Thông cũng dễ học, chỉ học khoảng vài tháng thì nói được.

Vạn Phật Thành có tông chỉ ngày ăn một bữa, y bất ly thân, lúc nào cũng mặc y nâu khi ăn cơm hoặc đi ra bên ngoài. Lâu dần trở thành quen, không còn cảm thấy vướn bận. Hơn nữa có mặc y trên người cũng là thể hiện tướng người tu, cho nên đi đâu Tăng Ni Vạn Phật Thành đều mặc y nâu, cho tới bây giờ tôi vẫn còn cố gắng giữ truyền thống nầy.

Vào năm 1995, cố HT Tuyên Hoá viên tịch, để lại rất nhiều xá lợi. Sau khi đám tang của Ngài xong, tôi trở về Pháp, mặc dù có thẻ xanh (Green Card) do cố HT Tuyên Hoá làm cho mấy năm trước, nhưng tôi không muốn ở Mỹ, vì thấy cuộc sống ở Mỹ xô bồ quá, muốn trở về Pháp tu, thấy ở Pháp yên bình hơn, nên cuối cùng đã bỏ nước Mỹ trở về Pháp (hiện bây giờ vẫn còn giữ thẻ xanh để làm kỷ niệm, dù đã hết hạn từ rất lâu rồi), mọi người thì ngược lại, đa số đều thích sống ở Mỹ, thôi thì mỗi người một lý tưởng. Cho tới bây giờ tôi cảm thấy đó vẫn là quyết định đúng đắn, cũng là số tôi có duyên sống ở bên Pháp. Trước khi về Pháp tôi xin tất cả những Kinh sách do cố HT Tuyên Hoá giảng giải, gồm có Kinh Hoa Nghiêm 25 tập, Kinh Pháp Hoa 5 tập, Chú Lăng Nghiêm 5 tập (nhưng sau này dịch và in ra tiếng Việt chỉ 2 tập thôi), Chú Đại Bi 1 quyển, Nhân Sinh Yếu Nghĩa 1 quyển.

Sau khi về Pháp, vào những lúc rảnh tôi bèn lấy quyển Nhân Sinh Yếu Nghĩa ra dịch thử, càng đọc càng thấy hay quá, bèn dịch ra tiếng Việt, kế tiếp là dịch Chú Đại Bi giảng giải, rồi dịch Chú Lăng Nghiêm giảng giải, dịch Kinh Pháp Hoa giảng giải, cuối cùng dịch bộ Kinh Hoa Nghiêm giảng giải, tổng cộng thời gian dịch hết tới 20 năm. Sau khi dịch hết những Kinh này, tôi không muốn dịch nữa, muốn nghỉ ngơi, vì dịch Kinh tâm trí rất mệt, vì phải để toàn bộ tâm trí vào Kinh văn, để dịch ra cho đúng ý của Phật nói, và ý của cố HT Tuyên Hoá muốn nói gì. Sau khi dịch ra được quyển nào, thì in ra quyển đó bố thí cho trong nước và ngoài nước và cũng có in ra Kinh Hoa Nghiêm để tụng 1 bộ 8 tập và Kinh Pháp Hoa để tụng 1 bộ 1 tập.

Bây giờ mỗi ngày tôi chuyên trì Chú Lăng Nghiêm nhiều biến nhất có thể và áp dụng thiền trong cuộc sống, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần mình tỉnh thức trở về với chân tâm của mình, thì mình sẽ cảm thấy an lạc. Cuộc sống đời tu rất đơn giản vậy thôi, không tranh giành hơn thua làm gì, cũng không màng danh lợi thế gian, chỉ biết mình còn ăn cơm của đàn na tín thì, thì mình làm tròn bổn phận của mình, thế là đủ. Mỗi chủ nhật hằng tuần, các phật tử về Chùa tụng kinh, xong rồi hướng dẫn họ ngồi thiền 20 phút, sau đó khai thị và vấn đáp Phật pháp, rồi cúng thất, xong rồi ăn cơm. Cứ như vậy tuần này qua tháng nọ, cảm thấy rất an vui.

Giờ này hồi tưởng lại gần
 5 năm tu tập ở Vạn Phật Thành, nên viết ra để mọi người đọc cho vui. Nhưng nhờ những năm tháng tu ở Vạn Phật Thành, bây giờ tôi có thể ở đâu cũng được, nếu không bận Phật sự, chùa chiền v.v… tôi có thể tìm một nơi vắng vẻ trong rừng, trên núi gì cũng được, để ẩn cư tu tập. Nhưng đó chỉ là nghĩ vậy thôi, tất cả mọi sự đều tuỳ duyên, hơn nữa bây giờ cũng nhiều chúng sinh cần mình, thì mình cũng phải phục vụ lại chúng sinh, để làm tròn bổn phận xứ giả của Như Lai, để tiêu hạt cơm của đàn na tín thí.


Chùa Kim Quang ngày 21/10/2021

________________________


Thích Minh Định - Hằng Lý