VÀNG ÍT THAU NHIỀU
Hồi xưa nền báo chí ở Miền Nam rất sung, rất phát triển. Phát triển là do người dân, là do bà con mình rất thích đọc nhựt trình. Có cung ắt có cầu. Những người cung cấp cho cái nhu cầu đọc nhựt trình đó là những người bán chữ.
Báo chí tạo ra một cái nghề bán chữ sống được, dù không giàu có gì, đủ nuôi được vợ con đó cũng là may. Nghề đó gọi chung là nghề văn.
Ða phần các nhà văn nầy xuất thân từ những gia đình ở quê, có ruộng, có vườn, không giàu nhưng tương đối đủ ăn.
Tháng Tám, năm 1945, Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nhựt Bổn đầu hàng quân Ðồng Minh. Thế chiến thứ hai chấm dứt. Phong trào các nước thuộc địa đòi độc lập dâng cao.
Sau 9 năm kháng Pháp, cuộc chiến tranh đẫm máu chấm dứt. Ðất nước chia đôi. Những thanh niên tham gia kháng chiến có hai lựa chọn. Một tập kết ra Bắc. Hai là về thành.
Ông Sơn Nam chọn về thành. Vốn là người có khiếu văn chương, khoái chữ nghĩa, ông gia nhập làng báo Sài Gòn.
Mẫu thân của ông lo sốt vó, lặn lội từ làng Ðông Thái, An Biên, U Minh Thượng lên coi thằng Tám chết sống ra sao?
Cái giai thoại ‘thằng tư con tám’ trên phố xa hoa, tui nghi ông nhà báo đặt dóc. Tui bèn hỏi người con gái lớn của nhà văn Sơn Nam là Ðào Thúy Hằng (theo họ Mẹ) cho rõ ngô khoai.
Té ra ông thần nầy đặt dóc thiệt! Vì Ðào Thúy Hằng trả lời tui như vầy: “Thu! Ông bà nội tui có ba người con: Bác Hai tui tên Phạm Minh Trí. Ba tui Phạm Minh Tài mà hộ tịch ghi thành Tày. Cô Út là Phạm thị Xuân. Cô Tư cũng học hết tiểu học. Bác Hai học giỏi, cũng có bằng Thành Chung nhưng không được học bổng như ba tui. Nhà ở miệt rừng, gói ghém đủ ăn, sống thong dong, không lam lũ”
Như vậy thằng Tám trong bài chỉ là cách gọi chung chung một người dân miền Lục tỉnh với một tầng lớp xã hội nào đó như Thầy Hai, Chú Ba, Anh Bảy v.v. Chớ ông Sơn Nam thứ ba.
Cùng thời với Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Ngọc Linh, Dương Hà…Sơn Nam đi từng bước vào nghề văn. Một làm thơ. Kế đó viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết. Viết mỗi ngày từng đoạn cho hai ba truyện của vài tờ báo gọi là viết “phơi-dơ-tông” (Feuilleton).
Còn nhà văn nào mê đào hát thì chịu khó đi học bài bản cổ nhạc, vọng cổ, xàng xê v.v. để soạn tuồng cải lương như: Kiên Giang Hà Huy Hà, Hà Triều, Hoa Phượng…
Cuối cùng, nhờ rất cứng tiếng Pháp, Thư viện quốc gia là nơi ông Sơn Nam thường vô lục lọi. Ổng lục cái gì ở trỏng? Ổng kiếm tài liệu cho dồi dào để viết dài dài mà kiếm cơm. Nên con đường nhà văn Sơn Nam trở thành nhà biên khảo là chuyện tất nhiên.
Nhà văn Sơn Nam
o O o
Sơn Nam là một người rất nổi tiếng nên có nhiều người quen. Quen thiệt có, quen giả có, có hết ráo. Có nhiều giai thoại về ông. Ðồ thiệt thì ít mà đồ giả thì nhiều. Vàng thau lẫn lộn!
Giai thoại nầy, tui tin là thiệt nè: “Quê ông Nguyễn Quang Sáng có nhiều câu chuyện rất ly kỳ, ông muốn kể cho ông Sơn Nam nghe để viết. Nhưng ông Sơn Nam từ chối: “Vùng đó tao không biết. Tao thấy rặng cây từ xa thôi. Mày cũng có chữ nghĩa, viết đi!”
Quan niệm mần văn của ông Sơn Nam, theo tui nghĩ, là: ngũ quan cộng với cái đầu. Ngũ quan là lưỡi (vị giác) để ăn mắm kho. Mắt (thị giác) để thấy hai lúm đồng tiền của em. Tai (thính giác) để nghe em rủ rỉ, rù rì. Mũi (khứu giác) để ngửi mùi bồ kết em gội đầu? Và tay, (xúc giác), tê tê giựt giựt như lần đầu nắm tay em Chín bờ đò trên bến nước. Rồi quan trọng nhứt là cái đầu để biết chọn lựa vàng trong đám thau lẫn lộn.
Ông Sơn Nam kể là: “Hồi nhỏ, tôi nhớ quê tôi có rất nhiều chim, thú. Ðặc biệt là cọp, khỉ, heo rừng, nai, thỏ. Hơn 5 cây số bờ rạch toàn đất úng, um tùm rừng tràm, cỏ lác, cỏ năn. Chẳng một ai thèm để mắt đến đất, chớ nói chi tới tranh chấp.
Dân quê lại thường đồn đãi chuyện ma quỷ. Những lúc rảnh rang là họ tụm năm tụm ba rượu trà, đờn ca, thổi sáo và kể đủ chuyện. Tôi nghe, gom lại viết thành một truyện ngắn, cốt cho hấp dẫn. Tôi liên tục khai thác nền văn minh miệt vườn cho các trang viết của mình”.
Lúc ông viết biên khảo, tui tin là vì khi đọc những bài về Sử, về Ðịa, biên khảo về Văn minh Miệt vườn, Sơn Nam tra cứu tài liệu đa phần bằng tiếng Pháp rồi dùng đầu óc để loại rác rưởi ra, chỉ giữ lại cái tinh ròng. Ông Sơn Nam viết lách đàng hoàng chớ không viết ẩu tả.
Nhưng có hai chuyện nầy, thiệt tình tui hổng dám tin. Ông nhà báo viết là: “Nhưng rồi khi chuyển sang viết văn xuôi, ông tự phát hiện mình làm thơ dở hơn viết truyện nên dứt khoát ‘ly dị’ nàng thơ”.
Tui không tin là ông Sơn Nam vì làm thơ dở hơn viết văn nên ông nghỉ làm thơ. Mà vì làm thơ là đói; là ‘húp nước mắm’ (chữ của ông).
Chuyện thứ hai tui cho ông nhà báo nầy đặt dóc: “Cuối thời chống Pháp, Sơn Nam là nhà văn duy nhất gốc Nam Bộ được Trung ương mời ra Bắc để sống và viết, nhằm bảo vệ một tài năng văn chương trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh”.
Cuối thời chống Pháp là năm 1954, hoà bình lập lại, hết chiến tranh thì Trung ương nào mà mời ông Sơn Nam ra Bắc vì sợ tên bay đạn lạc.
Hiệp định Geneve ký xong, ông Sơn Nam không đi tập kết vì ông đã có vợ con đùm đề. Ông về thành viết văn để nuôi vợ, nuôi con! Viết vậy nghe còn có lý. Ðặt dóc, bợ đỡ, nịnh hót Trung ương để làm gì?
o O o
Miền Nam có những nhà văn hay lắm như: Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Lê Xuyên, Bình Nguyên Lộc… Hồ Biểu Chánh rất am hiểu về đời sống nông dân. Từng làm ‘chủ quận’ Càng Long, tỉnh Trà Vinh thời Pháp thuộc, Ông có tài quan sát tinh tế. Ông ưa giao du với hương chức, hội tề. Ông lặn lội tận thôn ấp làng mạc, viết rất dài hơi.
Còn Phi Vân trong Phóng sự Ðồng quê, xuất bản năm 1940, trong đó có truyện ‘Trao thân con khỉ mốc’ nó hay như một kịch bản phim.
Với 60 năm cầm bút, Sơn Nam đã để lại một gia tài rất đáng kể và đáng nể. Gia tài đó cho đám hậu sinh là vàng thiệt chớ không phải thau như: Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Gia Ðịnh xưa, Bến Nghé xưa, Hai cõi U Minh, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Phong trào Duy Tân Bắc Trung Nam, Vạch một chân trời, Văn minh miệt vườn…
Nếu một mai, dưới ách cai trị của CS, Miền Nam chúng ta từ từ chắc sẽ không còn nhà văn nào làm ăn đàng hoàng, viết văn chân thật nữa. Chỉ toàn là bọn bố lếu, bố láo cầm bút viết ra để bán rẻ cái lương tâm thì chao ôi cuộc đời nầy nó chán hơn cơm nếp nát!
Đoàn Xuân Thu
____________
Đỗ Hứng gởi