Tôi có 2 con trai và 2 con gái. Khi các con còn nhỏ, tôi rất tự hào về 4 đứa con của mình nhưng khi chúng trưởng thành, cả 4 người đều khiến tôi thất vọng.
Vợ chồng tôi đều từng làm việc ở một cơ quan, điều kiện gia đình tương đối tốt, chúng tôi cũng đã dạy dỗ 4 đứa con rất tốt. Các con đều có học thức cao, công ăn việc làm ổn định. 3 đứa lên tỉnh làm ăn còn cô con gái lớn nhất cũng lấy chồng sớm, không mấy khi về thăm chúng tôi.
Từ năm tôi 43 tuổi, chỉ có 2 vợ chồng tôi ở nhà. Cả 4 người con của tôi đều ít khi về nhà. Mỗi dịp Tết, nếu không phải là con trai thì là con gái không về. Ngôi nhà của vợ chồng tôi dần trở nên trống rỗng, trừ phi vợ chồng già chúng tôi đi tìm từng người một, còn cũng không mong mỏi các con sẽ tự về nhà đều.
Vợ chồng tôi đều không phải chăm cháu. Các con của tôi đều kết hôn và sinh con khá sớm, lúc ấy, chúng tôi vẫn còn công việc ở cơ quan nên không thể đến chăm cháu. Chúng tôi cũng dành ra một số tiền mua nhà cho 2 con trai.
Không biết có phải là không giúp đỡ con cái chăm cháu hay do các con bận bịu, càng ngày càng ít quan tâm đến chúng tôi. Khi vợ chồng tôi bị bệnh và phải nhập viện, cho dù bệnh nặng hay nhẹ, chúng tôi hầu như tự giải quyết mọi thứ. Việc mong đợi vào con cái giống như mong đợi trúng số độc đắc, tùy thuộc vào may rủi và tâm trạng của chúng.
Về tiền bạc, chúng tôi cũng không phải lo lắng nhiều, chỉ cần chúng tôi chăm sóc lẫn nhau là đủ. Do đó, chúng tôi chưa cần sự giúp đỡ từ con cái và chúng tôi đã đi nhiều năm tháng tự lo, tự chăm sóc lẫn nhau như vậy.
10 năm trước, chồng tôi qua đời vì một cơn bạo bệnh, chỉ còn tôi một mình. Con cái cũng không ai ngỏ ý muốn đón tôi về sống chung. Từ lúc đó, tôi bắt đầu sợ bệnh tật, hàng ngày tôi luôn lo lắng về sức khỏe của mình, thực hiện ăn uống điều độ, tập thể để duy trì sức khỏe.
Nhưng già rồi, bệnh tật, ốm đau là điều khó tránh. Sau khi tôi 70 tuổi, tôi bắt đầu phát sinh nhiều bệnh như huyết áp cao, bệnh tim… Lúc đó, các con vẫn còn chút quan tâm đến sức khỏe của tôi và thỉnh thoảng về thăm tôi. Nhưng không có ai có thể luôn đồng hành cùng tôi và tôi không thể dựa vào chúng khi có chuyện gì xảy ra.
Năm ngoái, tôi cần phải phẫu thuật, bệnh viện yêu cầu tôi phải có nhà người đi cùng. Tôi nghĩ đến việc nhờ các con đến chăm sóc, nhưng câu trả lời là không ai trong số họ có thể đến được. 2 người con trai nói phải đi làm không thể nghỉ phép, về phần 2 cô con dâu, một người nói phải chăm con, người còn lại nói sức khỏe không tốt. Khi tôi đặt hy vọng duy nhất vào cô con gái út, con lại nói với tôi rằng con bận không thể đến và nhờ cô con gái lớn, người đang không có việc làm nên tạm ở nhà, đến chăm sóc tôi.
Về con gái lớn, ngay từ đầu tôi cũng không kỳ vọng gì, vì trong 4 đứa, con ở gần nhất với tôi nhưng ít đến thăm tôi nhất. Con gái cả thường chỉ liên lạc với tôi khi cần tiền hoặc cần tôi giúp đỡ. Sau khi suy nghĩ lại, tôi không có ý định làm phiền các con, tôi biết dù có bắt chúng phải chăm sóc mình thì cuối cùng thì tất cả đều không thoải mái.
Vì nhập viện và dự kiến mổ hai ngày nên tôi ở lại một mình, trước khi mổ tôi nhờ y tá tìm người chăm sóc cho tôi. Lúc đó, trong phòng bệnh, tất cả đều có tình trạng giống tôi, nhưng tôi là người duy nhất phải nhập viện một mình.
Trong phòng bệnh, có một người phụ nữ tầm 50 tuổi, ban ngày có 2 cô con gái thay phiên nhau chăm sóc, ban đêm có con trai và con dâu. Điều này thực sự khiến tôi ghen tị.
Người chồng của người phụ nữ ở giường bên cạnh, tò mò hỏi tôi: "Chị, chị thật sự là người mạnh mẽ, tâm lý cũng rất tốt, một mình ở viện để phẫu thuật, thật khác với bà vợ nhà tôi. Bà ấy còn yêu cầu cả gia đình phải ở đây, và phải động viên tinh thần từng tí một".
Lúc đó, tôi không biết liệu anh ta đang khen ngợi tôi hay đang thể hiện sự thương hại. Câu hỏi đó khiến tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi cũng không thể nói rằng, "Tôi có 4 người con mà không có ai đến chăm sóc tôi sao?" Vì vậy, tôi do dự một chút rồi nói: "Thực sự thì cũng ổn, chỉ là tôi làm phẫu thuật một mình để không làm cho gia đình lo lắng thôi. Nói chung, loại phẫu thuật này cũng không có rủi ro lớn, không có gì phải lo lắng cả!"
Người con dâu của một bệnh nhân giường bên cạnh đã lẻn đến và than phiền với tôi nhỏ giọng: "Dì một mình điều trị và ở viện, không giống như mẹ cháu. Chỉ là một chút việc nhỏ, bà ấy làm cả gia đình phải rối bời”.
Nghe những lời phàn nàn của cô con dâu này khiến tôi băn khoăn, nếu tôi nhờ các con phục vụ mình, biết đâu chúng cũng phàn nàn như cô ấy phải không? Con cái bình thường cũng không quan tâm nhiều đến tôi, khi tôi ốm, chúng sẽ phải xin nghỉ phép, ở lại bệnh viện với tôi cả ngày, nhất định sẽ không thích. Cho nên, cuối cùng suy nghĩ một chút, một mình nhập viện kỳ thực cũng khá tốt, yên tĩnh, cũng không có quá nhiều phiền toái.
Vì thế, sau khi xuất viện, tôi đã lập kế hoạch cho tuổi già của mình. Tôi dự định sống dựa vào chính mình, không còn mong con cái chăm sóc cho mình nữa. Tôi thấy nếu mình có quá nhiều kỳ vọng, mình sẽ dễ buồn hơn.
Tôi khá hạnh phúc khi không còn phải trông ngóng các con từng ngày. Ở nhà dù có chuyện gì thì tôi cũng luôn thuê người làm giúp. Khi tôi quá già không thể tự chăm sóc bản thân, tôi cũng đã nghĩ đến việc bán nhà và vào viện dưỡng lão.
Với số tiền tiết kiệm, lương hưu và tiền dư nếu bán nhà, dù chọn sống trong viện dưỡng lão hay thuê bảo mẫu, tôi đều có thể sống một cuộc sống vô tư và thoải mái.
Điều kỳ lạ là gần một năm kể từ khi tôi chọn cách tự chăm sóc bản thân, tôi ít liên lạc với các con hơn, nhưng chúng lại bắt đầu lo lắng cho tôi. Trong dịp Tết Nguyên đán, sau khi tôi thông báo qua một số người thân rằng tôi dự định bán nhà và vào viện dưỡng lão, các con tôi đã trở nên tích cực hỏi thăm hơn nhiều. Cả 4 con thỉnh thoảng sẽ chủ động gọi điện cho tôi và sẽ quay lại thăm tôi vào những ngày nghỉ lễ.
Tuy nhiên, từng người đều đến hỏi thăm tài sản, nhà cửa của tôi. Tôi lảng tránh nói đến những vấn đề đó. Bây giờ tôi đã già rồi, tôi chỉ phải tự lo cho tuổi già của mình. Cuộc sống của tôi đã được sắp xếp rõ ràng, tôi thực sự cảm thấy cảm giác tự do, không phải phụ thuộc vào con cái, rất thoải mái.
Trên thực tế, con người hạnh phúc nhất khi dựa vào chính mình dù tuổi trẻ hay về già.
____________
Đỗ Hứng gởi