Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
VẼ TRANH NGÀI XÁ LỢI PHẤT - BẬC TƯỚNG QUÂN CHÁNH PHÁP, ANH CẢ CỦA TĂNG ĐOÀN 


 
 


Phúc lành không nhỏ cho ai đọc và tôn kính một bậc Thánh vĩ đại này !!!!
 
Chữ đốt trầm, ý khơi hương
Vọng ngôi sao sáng, cúng dường hôm mai
Mây vàng khói trắng bóng ai!
Chập chờn hư niệm, đời Ngài lung linh
Bút nên tâm, mực nên tình
Quỳ xin sám hối - chân kinh lòng này!
Trăng và hoa nở trên tay
Sương mơ còn ngại, lá lay rừng mòng !

 
Một Cuộc Đời Một Ngôi Sao 
 
Cuộc đời hoằng pháp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thành công rực rỡ trên xứ Ấn, một quốc gia đa dạng về chủng tộc và dị biệt về tôn giáo, để hôm nay Phật pháp được lưu truyền trên khắp năm châu, sự hoằng pháp vĩ đại ấy luôn có một phần đóng góp không nhỏ của các vị thánh đệ tử của Ngài. Trong đó có một bậc Thánh ấy là tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất).
 
Đạo Phật là đạo của trí tuệ “Duy tuệ thị nghiệp”, mà tôn giả Sàriputta được xem là đệ tử có trí tuệ bậc nhất trong hàng ngàn bậc thánh đệ tử của đức Phật. Hơn nữa, trong tiền kiếp tôn giả Sàriputta và tôn giả Moggalli Kolita (Mục-kiền-liên) đã được đức Phật Amomadari thọ kí trong tương sẽ là hai vị đệ tử lớn, như hai cánh tay phải và trái của đức Phật Thích Ca (theo Túc sanh truyện). Do vậy, tôn giả Sàriputta luôn được xem là bậc thánh đứng đầu trong hàng đệ tử của đức Phật Thích Ca, là cánh tay phải đắc lực của Ngài.
 
Một ngôi sao chào đời
 
Ngài cũng thuộc dạng con cầu con khẩn , vì đến 50 tuổi cha mẹ ngài mới sinh ngài , Ngày qua ngày, tháng qua tháng, nhờ sự chăm sóc chu đáo , bà Sàri ( mẹ của ngài ) sanh hạ một trai tuấn tú, phi phàm, không dính một tí huyết dơ; nằm an tĩnh trong chiếc bao hồng ngọc, sáng rỡ và tinh khiết. Sắc diện, dung mạo của trẻ như một chúa sư tử lông vàng bước ra từ động báu. Tất cả đều tinh anh - như kết tụ ở đó Ánh Sáng và sự Cao Cả từ muôn ngàn kiếp trước. Tên làng, thế là được phúc hạnh đặt tên cho trẻ: Upatissa! Tên của ngài lúc chưa xuất gia 
 
Ngôi làng kế cận, bà Moggallì cũng sanh hạ cùng một ngày, một giờ, một viên ngọc quý, cũng lấy tên làng đặt tên cho con: Kolita!
 
Upatissa (Xá-Lợi-Phất) và Kolita (Mục-Kiền-Liên) là hai vì sao đồng xuất hiện giữa bầu trời quang sắc diễm kiều, chầu quanh một vừng nguyệt bạch tinh khôi, mới mẻ: "Một bình minh chân lý đang có mặt giữa loài người."
 
Thời thơ ấu
 
Thật là không nói hết sự nuôi nấng, chăm sóc chu đáo của gia đình. Trẻ lớn lên như chiếc bóng của thiên thần với ngày tháng hạnh phúc, hoa mộng. Phước báu tiền kiếp sáng rực rỡ nơi dung sắc, nơi tiếng cười, giọng nói hồn nhiên của trẻ.
 
Lên sáu tuổi, Upatissa đã đến tuổi học vỡ lòng. Ông Vaganta cho mời ba thầy Bà la môn uyên bác từ thành Vương-Xá, đảm trách dạy cho trẻ ba môn học khác nhau. Ðó là ngữ pháp, luận lý và triết học! Riêng ông Vaganta dạy cho con về đạo đức học, luân lý học và các môn thường thức khác... Ðấy là những cái thiện, cái ác, cái phải, cái trái... ở đời; phép ngoại giao, cách cư xử đối với kẻ trên, người dưới, trong và ngoài đẳng cấp; bổn phận đối với thần linh, quốc vương, vợ chồng, con cái v.v... ; cách giữ gìn thân thể cho lành mạnh cùng một số kỷ luật về cảm xúc, về tinh thần...
 
Quả là một tham vọng quá lớn của ông Vaganta, khi muốn nhồi nhét từng ấy môn học cho một đứa trẻ sáu tuổi, một chúng hữu tình nhỏ nhoi được giáng sinh do ân sủng của Thượng Ðế! Nhưng thật đáng ngạc nhiên làm sao, Upatissa không tỏ vẻ lúng túng trước môn học nào. Chỉ non nửa năm sau, Bà la môn Vaganta đã dám hãnh diện để nói với bằng hữu rằng: chỉ cần ít năm thôi là các thầy A-đồ-lê bác học kia sẽ không còn bao lăm chữ nghĩa!
 
Sự thực có lẽ còn hơn thế nữa - vì Upatissa không phải chỉ có học bấy nhiêu! Vừa mới canh ba, khi đang còn trong giấc ngủ say nồng, ông Vaganta đã đánh thức con dậy để tập cho trẻ về Hathayoga - tức là những động tác thể dục để giữ gìn sức khỏe! Bà Sàrì còn đề nghị ông dạy đức tin với thần linh bằng cách để thêm một số giờ cho trẻ đọc kinh, đọc chú và cầu nguyện.
 
Dường như Upatissa đã có sẵn ý chí, tinh tấn, nhẫn nại, căn tu lẫn trí tuệ lâu đời nên không một lời, một chữ, một môn học nào mà trẻ tỏ vẻ lơ là hoặc không thực hành, học và hiểu đúng mức.
 
Tám tuổi, Upatissa đã nổi tiếng khắp làng về sức học. Và kỳ lạ thay! Trẻ Kolita ở làng bên cạnh cũng như thế. Hai trẻ là hai ngôi sao sáng, là hai tiêu chuẩn mẫu mực cho hàng trăm trẻ con cùng lứa tuổi noi gương.
 
Giữa đàn gà chỉ có hai con phượng hoàng. Cả hai gia đình thấy rõ như vậy và họ hãnh diện về điều đó.
 
Năm lên mười tuổi, sức học của Upatissa đã bằng sức học của một thanh niên Bà la môn hai mươi tuổi thông minh và ham học nhất. Trẻ đã bắt đầu bỏ hẳn các trò chơi và hoàn toàn chú tâm vào sự học. Nhờ sự nuôi nấng và bảo dưỡng đúng mức, Upatissa lớn như thổi, khuôn mặt thanh tú, phi phàm và đôi mắt tinh anh, ngời sáng như ánh sao mai. Ngoài các môn học của thầy mà trẻ theo đuổi dễ dàng, không phải cố gắng lắm; trẻ còn nghiên cứu số học, đo lường, tự nhiên học, địa lý, chiêm tinh, thuật số v.v... Cái trí của trẻ quả là một đại dương thăm thẳm, dung chứa hàng trăm con sông kiến thức, hiểu biết và trí khôn của cổ nhân từ ngàn xưa mà vẫn không thấy đầy tràn.
 
Thế là vừa mới mười hai tuổi, Upatissa và Kolita đã nổi tiếng là thần đồng bác học. Trẻ trong làng vây quanh thần tượng của họ. Và Upatissa bắt đầu đóng vai bậc thầy về đủ loại môn học một cách thông tuệ và ưu việt.
 
Cái cây đã đủ sức lớn. Bây giờ chỉ cần môi trường thuận lợi; các điều kiện về thời gian, ánh sáng, không khí, nước v.v... là nó tự đủ sức vươn lên vòm trời xanh cao rộng. Ông bà Vaganta không còn một mảy may lo âu nào nữa về đạo đức, sở học cũng như trí tuệ của con. Tính tình và những phẩm chất cao thượng càng lúc càng hiện rõ như một đóa kỳ hoa từ từ mãn khai. Từ đây, ông giao phó trọn vẹn sự giáo dục cho ba thầy Bà la môn uyên bác. Vả chăng, ông bà còn nhiều việc phải làm; đó là liên tiếp mấy năm sau, bà lại được "linh điển ơn phúc" thêm ba trai và ba gái nữa! Quả thật, ông bà Vaganta đã được đấng Rama "quá thương"!
 
Upatissa lúc mười lăm tuổi đã có xung quanh hơn một trăm đồ chúng. Ba thầy Bà la môn hôm kia đến gặp ông bà Vaganta và nói rằng:
 
- Thưa Ngài trưởng giáo! Sở học của chúng tôi có hạn, chữ nghĩa của chúng tôi có hạn mà trí thông minh, lòng ham hiểu biết của đức công tử thì vô hạn. Chúng tôi không còn gì để dạy nữa.
 
Một vị lại nói:
 
- Chúng tôi, mỗi người, chỉ làm thầy đức công tử một môn học . Ðức công tử hiện giờ có khả năng làm 
thầy chúng tôi rất nhiều môn học khác.
 
Tất cả họ đều xin rút lui.
 
Mười tám tuổi, chàng đã có phong độ và tư cách của một đạo sư lỗi lạc nhất. Chàng nghiễm nhiên thay thế cha dạy dỗ môn sinh và lấy lại sinh khí các lớp học thuở nào. Kolita cũng thành tựu tương đương như Upatissa. Hiện giờ mỗi người có hơn một trăm môn sinh ở trong làng cùng các làng kế cận. Danh tiếng của hai huynh đệ hy hữu này đã vượt qua những lũy tre xanh , vượt qua dòng sông lặng lẽ, vượt qua phạm vi các thôn làng nhỏ bé để bay đến Vương-Xá thành - tức là kinh đô của văn hóa, kinh tế, tín ngưỡng và tâm linh đạo học.
 
Tuổi thơ của Upatissa không còn nữa, chàng đã làm đạo sư khi tuổi vừa thành niên.
 
Sự xuất ly gia đình
 
Trong những ngày du ngoạn và tham dự đại hội Bà-la-môn, cả hai chàng đều hoang mang cực độ. Cả hai đều cảm nhận rằng mọi giáo phái, học thuyết… đều mang những bản chất tranh giành, hơn thua kinh khiếp, không chân thật. Kiếp người mong manh, tụ tán, vui buồn, khóc cười theo những trò giả ảo của thế nhân. Trong tâm hai chàng đều có ý muốn thoát ly cuộc sống gia đình, cuộc sống ràng buộc đầy khổ lụy của thế gian.
 
Sau khi tham dự đại hội trở về, Sàriputta vẫn trầm tỉnh như không có việc gì xảy ra. Thân phụ chàng nhìn con trai trưởng của mình lớn lên với tư cách đạo đức hơn người, uyên bác, thông minh siêu việt, lại cũng đã kế thừa sự nghiệp giáo hóa môn sinh, tiếp nhận đồ chúng cũng như kế thừa mọi truyền thống viên mãn nên ông rất hài lòng. Cả hai ông bà đều tính chuyện lo gia thất cho chàng. Vốn là người thông tuệ, chàng đã cảm nhận và từng nghiên cứu qua những niềm vui về tinh thần và vật chất mà đấng tối cao đã dạy trong thánh điển, cộng với hoài bảo muốn thoát ly của mình, chàng đã từ chối lời yêu cầu của cha mẹ và cầu xin cha mẹ cho mình được xuất gia tầm đạo giải thoát. Bằng mọi hình thức ràng buộc của gia đình, của truyền thống, danh dự, cũng như sự giàu sang… bố mẹ chàng đã tìm mọi cách phủ dụ, khuyên can cũng như buồn thảm và khóc lóc… không cho đứa con yêu kính của mình từ bỏ những quyền uy, danh vọng, giàu sang, ước vọng, ước nguyện của mình mà dấn thân vào con đường đói khổ, lang thang rày đây, mai đó của đời sống xuất gia, xin từng chén cơm thừa, canh cặn bố thí của thế gian.
 
Thế nhưng, ý chàng đã quyết và không gì lay chuyển được, chàng đã đi đến gặp thân phụ, và đứng vòng tay thưa xin cha mẹ cho xuất gia, nếu không chàng sẽ đứng mãi ở đấy đến chết… Nhìn con mình đứng trân, sắc mặt tiều tụy, không uống không ăn suốt hai ngày qua, đôi chân đã run lên sắp quỵ và té xỉu, ông bà đã khóc nhiều, khuyên nhiều nhưng không sao lay chuyển được ý chí xuất trần của con, nếu không đồng ý chắc chắn chàng sẽ chết dần, chết mòn trước mặt; cuối cùng, ông bà đã đồng ý cho chàng xuất gia.
 
Kỳ diệu thay, Kolita ở làng bên cạnh cũng phải trải vô vàn khó khăn mới được gia đình cho xuất gia. Vì mục đích giải thoát cao cả, hai chàng đã gạt nước mắt đảnh lễ cha mẹ, từ bỏ tất cả danh vọng, quyền uy cũng như sự giàu sang của gia đình, chủng tộc để dấn thân vào con đường tầm đạo.
 
Khi hai chàng ra đi thì có gần 250 môn sinh cũng nguyện xin theo hai chàng xuất gia tìm chân lý. Sàriputta và Kolita đều suy nghĩ rằng lâu nay mình chỉ học các giáo phái, học thuyết thuộc truyền thống nên bị bó buộc trong khuôn khổ không thể nào thoát ly ra để thấy được các chủ trương hay của các học thuyết khác. Từ ý nghĩ sáng suốt đó, hai chàng quyết định tìm đến học hỏi những giáo phái ngoài truyền thống Bà-la-môn. Hai chàng đã tìm đến các triết gia, các nhà tư tưởng, nhà ngụy biện… nhưng hai chàng càng cay đắng nhận ra rằng: Mọi học thuyết, giáo phái chỉ là sự tập hợp đông đúc, mang hình thức bên ngoài, ồn ào, hỗn loạn… Ai cũng muốn lập tông, lập giáo, dạy đạo, chỉ là những trưng bày và khoa trương. Bọn thì được các phú thương ủng hộ, bọn thì được các tiểu vương hậu thuẫn, bọn thì mưu đồ chính trị thế quyền, v.v…
 
Cuối cùng thì hai chàng cũng tìm được một đạo sư nổi tiếng đương thời với nhiều tư tưởng và học thuyết lỗi lạc; đó là đạo sư Sanjaya. Hai chàng và gần 250 đồ chúng của mình đã đồng ý làm môn đệ của vị đạo sư này, điều đó làm cho giáo phái của đạo sư Sanjaya càng nổi tiếng thêm lên. Nhưng sau một thời gian học tập tư tưởng chủ đạo của Sanjaya, Sàriputta và Kolita nhận ra rằng đây cũng chỉ là một học thuyết “bất khả tri”, không mang lại chút ánh sáng chân lý nào cho mình. Vì vậy, hai chàng lại quyết định ra đi, tiếp tục hành trình tầm đạo, mặc dù vị đạo sư Sanjaya cố nài nỉ hai chàng ở lại để giao tất cả đồ chúng mà ông đã từng hướng dẫn lại cho hai chàng.
 
Từ đây, hai chàng dấn thân vào cát bụi của xứ Ấn khắc nghiệt. Nghe nơi nào có một đạo sư lỗi lạc, hai chàng liền tìm đến để tham vấn, hỏi đạo. Cái băng giá của miền Tuyết Sơn hay cái nóng bỏng của vùng sa mạc, cái hừng hừng khô khát của miền nhiệt đới… gót chân của hai chàng quí tộc đều trải qua. Nhưng hình bóng vị đạo sư chân chánh và ánh sáng giác ngộ vẫn còn xa vời, chưa tìm thấy được.
 
4. Hội ngộ chân lý
 
Sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề thành Đẳng Chánh Giác, nhớ lại lời nguyện xưa, đức Thế Tôn trở lại Ma-kiệt-đà để độ vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la). Vua Bimbisàra vô cùng vui mừng, kính phục bậc Đại-giác đã xin thọ Tam qui Ngũ giới, làm một Phật tử tại gia. Đồng thời Ông phát tâm dâng cúng tinh xá Trúc Lâm cho đức Phật và chư Tăng. Từ đây, đạo Giác ngộ và hình bóng giải thoát của chư Tăng đã có mặt trên quốc gia này.
 
Một hôm trên đường tầm đạo trong thành Vương-xá, Sàriputta thấy một vị sa-môn y bát trang nghiêm, dung nghi từ tốn, gương mặt trầm tĩnh với hình bóng uy nghi giải thoát, từng bước có chánh niệm đang khất thực trên đường. Chưa bao giờ chàng thấy một vị sa-môn nào có một hình dáng đơn sơ vĩ đại như vậy. Dự định chạy đến hỏi đạo, nhưng cái gì đó quá trang nghiêm làm chàng cứ từ từ theo sau vị sa-môn này. Khi ấy cũng đã khất thực xong, vị sa-môn hướng đến một nơi vắng vẻ, dưới một gốc cây to có bóng mát để thọ thực. Như hiểu được ý của vị sa-môn, Sàriputta nhanh nhẹn dùng tọa cụ của mình trải xuống một nơi an tịnh và mời vị sa-môn ngồi thọ thực; sau khi thọ thực xong, chàng dùng nước và tăm xỉa răng của mình mời vị sa-môn dùng. Mọi việc xong xuôi, Sàriputta liền trình bày ước nguyện của mình và cầu xin vị sa-môn chỉ dạy đạo giải thoát, vì chàng chắc rằng đây thực sự là bậc đã giải thoát mọi sự ràng buộc. Vị sa-môn từ tốn giải thích rằng Ngài là đệ tử của đức Thế Tôn, tên là Assaji (A-thị-thuyết, là một trong năm vị A-la-hán đầu tiên) chỉ mới xuất gia nên chưa hiểu gì nhiều về đạo giải thoát. Do quá khát ngưỡng chánh pháp giải thoát, Sàriputta cầu xin Ngài chỉ dạy cho chàng dầu là một câu kệ ngắn cũng được, thế là tôn giả Assaji đọc bài kệ về Duyên khởi cho Sàriputta nghe:
 
Các pháp do nhân-duyên sanh, cũng do nhân-duyên diệt,
Đức Phật của chúng ta, thường dạy nói như vậy.
 
(Chư Pháp tùng duyên sanh, diệc tùng nhân duyên diệt
 
Ngã Phật Đại Sa môn, thường tác như thị thuyết).
 
Với trí tuệ đã chín muồi, khi nghe xong bài kệ, Sàriputta liền tỏ ngộ, toàn thân rúng động chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, tôn giả Assaji khuyên Sàriputta hãy đến tinh xá Trúc Lâm diện kiến đức Thế Tôn để học đạo giải thoát.
 
Với tâm vô cùng hân hoan, Sàriputta chí thành đảnh lễ từ tạ tôn giả Assaji, chàng trở về gặp hiền đệ Kolita. Thấy sàriputta với vẻ mặt rạng rỡ chưa từng thấy, Kolita ngạc nhiên hỏi duyên cớ, Sàriputta đã kể lại nhân duyên kì ngộ cùng tôn giả Assaji. Sau khi nghe xong bài kệ, Kolita cũng tỏ ngộ chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn.
 
Không muốn riêng mình nhận được giáo pháp bất-tử, hai chàng nghĩ về đạo sư cũ và các môn đệ của mình. Sàriputta và Kolita đã trở lại báo tin cho họ rằng mình đã tìm thấy đạo giải thoát, và khuyên họ cùng mình đến tinh xá Trúc Lâm diện kiến đức Như Lai; Nhưng nghiệp duyên còn nặng, vị đạo sư này không nghe còn dụ hai chàng ở lại để trao đồ chúng cho hai chàng lãnh đạo… Khuyên không được Sanjaya, hai chàng đã từ giả ông ra đi. Hơn 250 đồ chúng của Ông cũng đi theo hai vị huynh trưởng thông tuệ của mình để học đạo giải thoát. Nhìn đồ chúng của mình lần lượt ra đi, Sanjaya quá uất ức hộc máu mà chết.
 
5. Trở thành đệ tử của đức Thế Tôn
 
Khuyên không được vị thầy cũ, Sàriputta và Kolita dẫn hơn 250 môn đệ đến tinh xá Trúc Lâm. Khi vào đến giảng đường, hai chàng cùng các môn đệ đồng quì xuống cầu xin đức Thế Tôn nhận làm đệ tử, xuất gia trong đạo giải thoát của Ngài. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của họ, liền nói: Etha bhikkhave (Thiện lai Tỳ-kheo), đức Thế Tôn vừa dứt lời cả hai chàng cùng hơn 250 môn đệ đều đầy đủ y bát, mang hình bóng xuất trần của những bậc Tỳ-kheo. Sau đó, đức Thế Tôn thuyết pháp cho các vị tân Tỳ-kheo; thời pháp vừa dứt, lạ lùng thay tất cả đều chứng quả Vô sanh (A-la-hán), chỉ riêng Sàriputta và Kolita đều không chứng thêm thánh quả nào. Mãi đến một tuần sau Kolita nỗ lực tu tập mới chứng được thánh quả A-la-hán, còn Sàriputta nửa tháng sau mới chứng đắc quả vị Vô sanh, trở thành bậc có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật.
 
Truyền thống của Đại thừa Phật giáo đã kể lại sự chứng đắc thánh quả A-la-hán của tôn giả Sàriputta như sau:
 
Sau gần hai mươi năm ẩn mình trong tàng kinh các để nghiên cứu tất cả mọi học thuyết, Câu-hy-la, người cậu của tôn giả Sàriputta đã xuất quan ra khỏi tàng kinh các trở thành người thông biện, chưa ai biện luận thắng ông được. Khi biết người cháu mình đã xuất gia theo đức Phật, ông nghĩ rằng nay ta đã là người biện luận giỏi nhất và dĩ nhiên cháu ta sẽ không bằng ta, ta sẽ biện luận để thu phục sa môn Cù Đàm (đức Phật), như vậy cháu ta và mọi người mới hoàn toàn kính phục ta. Nghĩ là làm, ông đã đến gặp đức Phật. Lúc bấy giờ, đức Phật đang thuyết pháp cho đại chúng, tôn giả Sàriputta đang đứng hầu bên cạnh. Phạm chí Câu-hy-la thấy cơ hội tốt đã đến, ông liền hỏi để chất vấn đức Thế Tôn:
 
-“Này sa môn Cù Đàm, người không chấp ngã, chấp pháp. Ý ông nghĩ sao?”
 
Đức Thế Tôn không trả lời mà vặn hỏi lại ông:
 
-“Này Phạm chí, ông bảo rằng ông không chấp ngã, chấp pháp, vậy ông có chấp vào cái tri kiến không chấp ngã, chấp pháp của ông không?”.
 
Ngay câu hỏi vặn của đức Thế Tôn, Phạm chí Câu-hy-la thất kinh tự biết mình đã thua, toàn thân toát mồ hôi nhưng vẫn tự kiêu nên vặn hỏi lại để trả lời:
 
-“Này sa môn Cù Đàm, người không chấp ngã, chấp pháp cũng không chấp vào tri kiến không chấp ngã, chấp pháp. Ý ông nghĩ sao?”
 
Đức Thế Tôn liền trả lời:
 
-“Này ông Phạm chí, ông bảo ông không chấp ngã, chấp pháp, cũng không chấp vào tri kiến không chấp ngã, chấp pháp; vậy hà cớ gì ông đến đây để chất vấn Như Lai?”.
 
Ngay khi câu hỏi của đức Thế Tôn vừa dứt, phạm chí Câu-hy-la liền tỏ ngộ chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn, và xụp lạy xin đức Thế Tôn cho làm đệ tử xuất gia tu tập. Tôn giả Sàriputta đang đứng hầu sau đức Thế Tôn, cũng ngay nơi câu trả lời ấy liền hoát nhiên đại ngộ, chứng được thánh quả A-la-hán.
 
Ngay buổi chiều hôm tôn giả Sàriputta chứng đắc thánh quả A-la-hán, đức Thế tôn đã tập hợp hàng ngàn vị Tỳ-kheo và cư sĩ tại gia đến tinh xá Trúc Lâm để tuyên bố: “Từ đây, Như Lai đã có hai vị Đại đệ tử, là hai vị trưởng tử của Như Lai, đó là tôn giả Sàriputta và tôn giả Kolita. Sàriputta là đệ nhất đại đệ tử và Kolita là đệ nhị đại đệ tử. Họ sẽ là hai cánh tay trợ thủ đắc lực cho Như Lai, được quyền thay mặt Như Lai giải quyết tất cả mọi lãnh vực thuộc về Phật sự hay Tăng sự”. Toàn thể đại chúng thảy đều kinh ngạc và thắc mắc: Tại sao những tôn giả, trưởng lão như nhóm năm ngài Kiều Trần Như, nhóm ngài Yasa, hay nhóm 30 Tỳ-kheo ở Chư Tiên đọa xứ v.v… không được làm trưởng tử, mà hai tôn giả Sàriputta và Kolita còn trẻ, mới xuất gia cũng như mới chứng đắc thánh quả… lại được vinh dự ấy?
 
Biết được tư tưởng của đại chúng, đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho đại chúng nghe về những nhân duyên, sự phát nguyện của hai tôn giả trong tiền kiếp, cũng như những tài năng và quả vị mà hai tôn giả đã chứng đắc trong hiện tại…Toàn thể đại chúng đều dứt mọi nghi ngờ và thảy đều kính phục hai tôn giả.
 
6. Bậc tướng quân Chánh pháp:
 
Sau khi đảm nhận trọng trách “Đại đệ tử của đức Thế Tôn”, lúc nào đức Phật cũng bảo tôn giả Sàriputta đứng hầu bên phải của mình (lúc này chưa có tôn giả Ananda), do vậy mọi thời pháp của đức Thế Tôn đều được tôn giả Sàriputta lãnh hội một cách trọn vẹn, sự đa văn thông tuệ của tôn giả ngày càng siêu việt hơn. Có những lúc, đức Thế Tôn vừa thuyết pháp cho nhóm Tỳ-kheo này xong, thì những đoàn Tỳ-kheo khác đến. Những lúc như vậy, đức Thế Tôn thường bảo tôn giả Sàriputta thuyết lại thời pháp của Ngài cho những vị Tỳ-kheo mới đến, để Ngài đi kinh hành một lát. Hay có những khi vì sự bất hòa của thân tứ đại, những lúc như vậy Ngài liền bảo tôn giả Sàriputta thuyết hết bài pháp còn lại mà Ngài chưa hoàn tất, hay thuyết toàn bộ những thời pháp để giáo giới, khuyến khích sự tu tập của hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… Những thời pháp của tôn giả Sàriputta vừa dứt thì cả đại chúng bao giờ cũng vang lên tiếng “Sàdhu” (lành thay) để ngợi khen tôn giả. Những lúc ấy, đức Thế Tôn cũng đã có mặt trên pháp tòa và tán thán tôn giả Sàriputta trước hội chúng:
 
“Này các thầy Tỳ-kheo! Xá-lợi-phất trước đây là trưởng giáo Bà-la-môn lỗi lạc lúc vừa 18 tuổi, là một học giả Vệ-đà hữu danh, đa văn, bác học, quảng kiến. Ông thông hiểu rành rẽ, uyên bác tất cả mọi loại triết học trong và ngoài truyền thống. Ông cũng là nhà ngôn ngữ siêu việt hai loại diễn ngôn: Bác học và bình dân, thường ngữ và pháp ngữ. Lại nữa, Xá-lợi-phất còn là một nhà thông thiên văn, địa lý, thuật số, vật lý, tự nhiên học… Với kho tàng kiến thức mênh mông ấy, thế nhưng không bao giờ ông ấy thuyết ra một câu thừa, một chữ thừa. Tất cả chỉ cần vừa đủ, trọn ý; vừa văn chương quí tộc, vừa giản dị bình dân, lúc nghiêm túc, lúc dí dỏm. Ai đã từng nghe Xá-lợi-phất thuyết pháp một lần rồi thì dường như đối với họ, trên đời này không có một pháp sư, một giảng sư nào nữa cả.
 
Này các thầy Tỳ-kheo! Tiếng sóng của trăm con sông, ngàn con sông đổ dồn về biển. Cũng vậy, giáo pháp Như Lai thuyết là hải triều âm. Giáo pháp mà Xá-lợi-phất thuyết lại, cũng là hải triều âm, không hai, không khác”.
 
Tìm trong Kinh tạng, chúng ta thấy những thời pháp của tôn giả Sàriputta thuyết giảng rất nhiều và đều có sự ngợi khen và ấn chứng của đức Thế Tôn. Do vậy, những thời pháp ấy được xem là những kinh điển mà tôn giả Sàriputta đã thuyết giảng. Những kinh ấy bao gồm nhiều đề tài khác nhau có liên hệ đến đời sống phạm hạnh. Chuyển tải những giáo lý từ đơn sơ, giản dị cho đến những tư tưởng sâu xa, uyên thâm trong Phật Pháp.
 
Ví dụ như các kinh:
 
Những kẻ thừa hưởng pháp bảo (Pháp số 3)
 
Sự chấm dứt tội lỗi (Pháp số 5)
 
Sammàdhitthi Sutta (Nói về chánh kiến-pháp số 9) v.v…
 
Quả thật, những kinh như vậy được tìm thấy rất nhiều trong các kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Trường A Hàm, Tạp A Hàm v.v…
 
Ngoài sự đảm nhận thuyết giảng Chánh pháp, tôn giả Sàriputta còn thay mặt đức Thế Tôn để giải quyết những vấn đề của chư Tăng, tiếp xúc với vua quan, đại thần, hàng cư sĩ, thí chủ v.v… Có lúc, tinh xá Kỳ Viên lên đến 5000 thầy Tỳ-kheo, bên cạnh những tôn giả đức hạnh cao cả, còn có hàng ngàn Tỳ-kheo mới xuất gia, giới hạnh còn yếu kém… Biết bao nhiêu chuyện quan trọng trong Tăng đoàn từ ẩm thực, y phục, phòng thất… cho đến sự phân công mọi công việc, tu tập… nhiệm vụ mà tôn giả Sàriputta đảm nhận rất to lớn và nặng nề. Ấy vậy mà mọi công việc Ngài đều hoàn thành vô cùng tốt đẹp, thời này được gọi là thời “hoàng kim của Chánh pháp”.
 
Đặc biệt, tôn giả Sàriputta có công rất lớn trong việc truyền bá Chánh pháp về phương Bắc của xứ Ấn. Tôn giả là người tiên phong trong việc hoằng dương Phật pháp đến xứ này, qua lần đảm trách xứ mệnh kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn.
 
Chính những sự việc to lớn mà tôn giả Sàriputta đã đảm trách và thể hiện, đức Thế Tôn và toàn thể chư Tăng đã ban tặng cho Tôn giả mỹ hiệu là: “Bậc tướng quân của Chánh pháp”
 
7. Truyền bá Phật pháp về Bắc Ấn hay công cuộc kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn:
 
Nếu tại Nam Ấn có tinh xá Trúc Lâm, thì tại Bắc Ấn có tinh xá Kỳ Hoàn. Đây là tinh xá tuyệt đẹp và rất có công trong việc hoằng dương Chánh pháp. Trong thời đức Phật, tinh xá này do trưởng giả Sudatta (Tu-đạt) dâng cúng.
 
Ở thành Sàvatthi (Xá-vệ), có vị trưởng giả triệu phú tên là Sudatta. Ông là người rất mực giàu có, lại có lòng thương yêu những người nghèo khổ, cô đơn và thường cung cấp thức ăn, y phục hay những vật dụng cần thiết cho họ, do đó ông được mọi người ban tặng một mỹ danh là: Cấp-cô-độc. Trưởng giả Sudatta có đại thiện duyên hội ngộ với đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn thuyết giảng Chánh pháp. Sau khi nghe Pháp, ông chứng được quả vị Tu-đà-hoàn, cảm nhận được pháp lạc vô biên của đạo giải thoát. Với niềm hân hoan sung sướng chưa từng có trong đời, Ông cũng muốn chia sẻ Chánh pháp an lạc giải thoát đến với những người thân của mình và cho cả quê hương mình. Do đó, ông đã cung kính, thỉnh cầu đức Phật cùng đại chúng đến vương thành Sàvatthi, quê hương của ông để hoằng dương Chánh pháp, ban pháp lạc cho chúng sanh.
 
Được sự đồng ý của đức Phật, trưởng giả Sudatta liền vội vã trở về quê hương tìm một vùng đất như ý để thiết lập tinh xá làm nơi trú ngụ cho đức Phật và chư Tăng. Trải qua mấy ngày tìm kiếm, ông vẫn không tìm được nơi vừa ý, ngoại trừ khu rừng xinh đẹp của thái tử Kỳ-đà. Đây là khu rừng nhỏ rất đẹp, tọa lạc không gần cũng không xa vương thành Sàvatthi, là nơi lý tưởng cho chư Tăng an trú tu tập: “Ở đây có đồi núi nhấp nhô, nước suối ngọt ngào, mát lạnh, tỏa nức mùi hương. Từng khoảng rừng suốt ngày im bóng bởi những tàng cổ thụ xanh um; cây lá phong phú sắc màu, kỳ hoa dị thảo đua nở khắp nơi. Xuyên trong rừng là những khoảng trống lớn nhỏ có thể làm nơi tụ họp hoặc hành thiền cho cả hàng trăm người. Lại có những tảng đá bằng phẳng, nối dài khoảng hai ba chục đòn gánh chạy trong một thung lũng im mát. Suốt ngày gió hát chim ca, mù sương khi đậm khi nhạt, mây trắng vắt ngang đầu núi. Ôi! Quả thật là sơn thủy hữu tình, khí linh thiêng hội tụ từ ngàn năm để chào đón bước chân của đấng vĩ nhân xuất thế!”.
 
Vẫn biết rằng đây là khu rừng quí giá của thái tử Kỳ-đà, không dễ gì mua được, nhưng vì sự an lạc và hạnh phúc của muôn người, trưởng giả Sudatta cũng quyết định đến gặp thái tử Kỳ-đà để trình bày ước vọng quan trọng nhất trong đời mình và xin thái tử Kỳ-đà bán lại khu rừng ấy cho mình. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của trưởng giả Sudatta, thái tử Kỳ-đà rất cảm động, nhưng cũng không muốn mất khu rừng xinh đẹp của mình, do vậy thái tử đã nói một câu đùa vui, để cho Sudatta từ bỏ ý định mua khu rừng: “Nếu ông có khả năng thì cứ lấy vàng mà đổi đất, ta sẽ bán cho.”
 
Trưởng giả Sudatta vui mừng liền hỏi: “Thưa Thái tử đổi như thế nào ạ!”. Thái tử Kỳ-đà nói: “Suối không kể, đá không kể, chỉ tính đất thôi, Ngài lấy vàng lát cho đầy mặt đất, vàng lát đến đâu là ta bán cho Ngài tới đó.”
 
Trưởng giả Sudatta liền theo lời nói ấy mà làm. Không ngờ một câu nói đùa mà thành hiện thực, thái tử Kỳ-đà vì trọng tín nghĩa nên không thể rút lại lời hứa. Trong lúc lấy vàng lát đất, còn những gốc cây chưa trải được, trưởng giả Sudatta dừng lại suy nghĩ. Thấy vậy, tưởng Sudatta đã thối tâm, thái tử Kỳ-đà liền hỏi lý do. Sau khi hiểu được lý do và nghe danh về bậc Thánh vĩ đại, thái tử Kỳ-đà đã phát tâm cúng phần gốc cây mà Sudatta không lát vàng được. Từ đó về sau, tinh xá này thường được gọi là: “Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên” (Cây của thái tử Kỳ-đà, khu vườn (đất) của trưởng giả Cấp-cô-độc).
 
Có được khu rừng như ý, trưởng giả Sudatta liền trở lại tinh xá Trúc Lâm để thỉnh ý đức Thế Tôn chỉ đạo phương pháp xây dựng đại tinh xá, đồng thời ông cũng thưa rằng: “Vương thành Sàvatthi là nơi chưa từng có Phật Pháp, lại là nơi có nhiều bàng môn tả đạo đang lộng hành, mê hoặc quần chúng. Kính thỉnh đức Thế Tôn quang lâm đặt viên đá đầu tiên và hàng phục các tà phái ngoại đạo ở đấy”.
 
Trước sự việc vô cùng quan trọng ấy, đức Thế Tôn đã cử tôn giả Sàriputta sang Bắc Ấn để kiến thiết đại tinh xá, đồng thời hàng phục hàng ngoại đạo tà giáo ở đấy. Vâng lời đức Thế Tôn, tôn giả Sàriputta cùng với trưởng giả Sudatta lên đường sang Bắc Ấn. Đúng như lời thưa thỉnh của Sudatta, những ngoại đạo ở đây khi biết được việc Sudatta dâng cúng khu rừng và ủng hộ một tôn giáo xa lạ nào ấy ở Nam Ấn, họ vô cùng ganh tị, tức giận tìm mọi cách để quấy phá. Họ sử dụng những năng lực thần thông và giáo lý của họ để tranh biện, xô dẹp không cho tôn giáo mới tồn tại, phát triển làm lu mờ, mất uy tín tôn giáo của họ… Chính vì thế mà tôn giả Sàriputta đã gặp rất nhiều khó khăn ở xứ này. Tuy nhiên, bằng tất cả tài năng, đức hạnh của mình, Tôn giả đã dần cảm hóa mọi tầng lớp thần dân ở đây. Với năng lực thần thông đã chứng đắc, với trí tuệ tuyệt vời, sự uyên thâm về giáo điển cũng như sự thông tuệ mọi tư tưởng, triết lý… Tôn giả Sàriputta đã hàng phục các ngoại đạo, học phái ở đây. Một số lượng rất đông ngoại đạo vô cùng kính phục, đã trở về qui y với Chánh pháp.
 
Ngay từ thuở còn tại gia, Tôn giả đã thông tuệ về thiên văn, địa lý… với năng lực này, Tôn giả đã kiến thiết đại tinh xá một cách hoàn hảo, từ cách thiết kế hương phòng của đức Tôn sư, các đại giảng đường để thuyết pháp, hành thiền v.v… cho đến những am cốc nhỏ của chư tăng, nhà khám bệnh, suối tắm… Không bao lâu, một tinh xá kỳ vĩ và huy hoàng đã được hoàn thành. Ngày khánh thành tinh xá cũng chính là ngày vương thành Sàvatthi đón tiếp đức Thế Tôn và hàng ngàn vị Tỳ-kheo từ Nam Ấn, tinh xá Trúc Lâm quang lâm đến xứ này. Trong Kinh tạng, tinh xá này mang nhiều tên gọi như: tinh xá Kỳ Hoàn, tinh xá Kỳ Viên, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên… Tinh xá này được đánh giá là một trong những tinh xá đẹp nhất, lớn nhất và là nơi đức Thế Tôn thuyết pháp nhiều nhất. Kinh điển của Phật giáo được hình thành nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà trong Kinh tạng, chúng ta thường bắt gặp câu mở đầu: “Như thị ngã văn… Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên…”.
 
Công đức của ngài mênh mông như biển cả cao lớn hơn núi ,Không thể dùng vài lời vài chữ mà kể hết công đức của ngài ,điều này không khác gì lấy một cái ống hút mà hút hết nước biển đại dương , nhưng với tất cả lòng tôn kính ngài xin mọi người khởi lên được lòng tôn kính một bậc vô cùng đáng kính ! 
 
Nguồn " sưu tầm từ lời dạy của các bậc tôn đức 
 
Nếu mọi người muốn hiểu thêm về cuộc đời ngài xin lên google hoặc YouTube đọc và nghe tác phẩm Một cuộc đời, một ngôi sao
 
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Sư Minh Ðức Triều Tâm Ảnh
 
---o0o---
 
Cúi đầu xin mười phương Phật Pháp Tăng chứng minh cho phần phước này có được xin nguyện sẽ là nhân duyên cho con và tất cả chúng sanh đời đời được sống trong hiểu biết và thương yêu.


Hoang Nguyen gởi