Tùy thuộc vào các cuộc trò chuyện mà những đứa trẻ này nghe được khi còn non nớt, chúng có thể có cuộc sống rất khác nhau
Có thể có một cách đơn giản để giúp não bộ trẻ nhỏ cải thiện tốt hơn và có lợi ích lâu dài.
Cuộc trò chuyện mau chóng kết thúc khi nói chuyện với một đứa trẻ sơ sinh. Chúng không trả lời. Chúng không than phiền khi ta nói trời lại sắp mưa, hoặc cười khi ta nói đùa.
Đồng thời, những tuần đầu tiên tôi bị nhiều việc gây mệt mỏi. Con nhỏ của tôi không ngủ vào lúc đáng phải ngủ và vì vậy làm tôi mất ngủ theo. Do vậy chẳng lạ gì mà tôi ít nói chuyện với nó.
Khi trẻ có nhiều phản ứng hơn thì việc này dễ hơn, nhưng tôi chưa thấy cần nói nựng ngay khi nó nói ú ớ, hay nói giọng trẻ con với nó một cách rõ ràng chập chạp. Tôi thường ngạc nhiên nhìn người khác, có vẻ nhiều kinh nghiệm làm cha mẹ hơn, nói chuyện đàng hoàng đầy đủ với con tôi.
Vài tháng sau, khi các bé bắt đầu phản ứng nhiều hơn, bập bẹ và cười khúc khích, thì việc này là dễ dàng hơn. Nhưng nghiên cứu cho thấy một số cha mẹ vẫn không nói chuyện nhiều với con cái, và việc này có thể gây ra hậu quả tiêu cực kéo dài - hậu quả thậm chí có thể nhìn thấy trong não.
Vào giữa những năm 1990, đã có một khám phá đáng lo ngại về sự khác biệt rõ rệt về kết quả ngôn ngữ ở trẻ em. Các nhà nghiên cứu Betty Hart và Todd Risley đã đến nhà các gia đình thuộc các nhóm kinh tế xã hội khác nhau, dành mỗi tháng một giờ để ghi âm, trong hơn 2 năm.
Phân tích dữ liệu, họ phát hiện ra rằng trẻ em ở hoàn cảnh nghèo nhất chỉ nghe được 1/3 số từ mỗi giờ so với những trẻ có hoàn cảnh thu nhập cao hơn. Mở rộng quy mô, họ cho rằng khi những đứa trẻ này lên 4, sẽ có độ chênh lệch 30 triệu từ giữa những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó so với những đứa trẻ ở gia đình giàu hơn và có chuyên môn hơn.
Nghiên cứu này là không hoàn thiện. Quy mô lấy mẫu là nhỏ, và không rõ liệu khoảng chênh về số từ có lớn đến mức như họ nêu hay không. Các nhà phê bình khác sau đó đã chứng minh rằng trẻ em gia đình nghèo nghe được nhiều từ hơn so với báo cáo của Hart và Risley khi tính đến ngôn ngữ mà chúng nghe được người ta nói ở trong nhà cũng như ngoài nhà. Phản biện ý phê bình này, một nhóm khác nhấn mạnh rằng "trẻ nhỏ không có được lợi ích khi nghe những chủ đề mà người lớn bàn bạc".
Nếu sự "chênh lệch về từ" này mà tồn tại, thì đó là vấn đề rắc rối vì ngôn ngữ là một trong những yếu tố tiên đoán quan trọng nhất về việc làm của bạn sau này trong cuộc sống, từ những năm học đầu tiên đến đại học và rồi đến nghề nghiệp của bạn. Để đọc, để học các khái niệm toán học và thậm chí để thể hiện trí nhớ, bạn cần ngôn ngữ.
"Nếu ngôn ngữ chưa đủ mức cần thiết, thì bạn bạn đã xuất phát chậm trong cuộc đua," Kathy Hirsh-Pasek, người chỉ đạo Phòng Thí Nghiệm Ngôn Ngữ Trẻ Sơ Sinh của Đại học Temple ở Philadelphia, nói.
Độ chậm trễ này cũng diễn ra trong não. Các nhà thần kinh học hiện có thể chỉ ra cách mà bộ não phản ứng với việc tiếp xúc sớm với ngôn ngữ. Một nhóm, được chỉ đạo bởi Rachel Romeo, một nhà thần kinh học và nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ tại Bệnh Viện Nhi Đồng Boston, đã chỉ ra rằng các tương tác đàm thoại có thể có lợi ích rõ rệt trong việc phát triển não bộ. Nhóm nghiên cứu đã ghi âm các cuộc hội thoại trong các gia đình, theo dõi cả lượng ngôn ngữ được tiếp cận và số lượt nói chuyện. Những đứa trẻ có nhiều cuộc trò chuyện hơn là giỏi hơn trong các nhiệm vụ cần hiểu ngôn ngữ.
Những đứa trẻ này cũng có các kết nối chất trắng mạnh hơn trong não ở hai khu vực chính quan trọng đối với ngôn ngữ, một sự gia tăng làm tăng tốc độ xử lý ở những khu vực này. Điều này, Romeo nói, cho thấy rằng số lần trò chuyện góp phần phát triển trí não. "Chúng tôi thấy rằng việc càng có nhiều cuộc trò chuyện là có tương quan với các kết nối mạnh mẽ hơn trên đường dẫn này, và do đó liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em," Rome Romeo nói.
Đối với sự phát triển của trẻ, cuộc trò chuyện qua lại - không chỉ đơn thuần là nghe thụ động - mới là điều quan trọng nhất.
Thật vậy, nhiều bằng chứng cho thấy rằng đó không phải là việc nghe thụ động - hay thậm chí là lượng từ mà một đứa trẻ nghe thấy - là quan trọng nhất. Thay vào đó, chất lượng của cuộc trò chuyện mới là quan trọng. Nghĩa là việc trao đổi lần lượt qua lại, đòi hỏi lắng nghe và đáp lại, là quan trọng. Nó là cái mà Hirsh-Pasek và cộng tác viên lâu năm của bà, Roberta Golinkoff, gọi là "song ca đối thoại", vì bạn không thể song ca một mình được. Trên thực tế, một nghiên cứu khác cho thấy nếu một cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi một cuộc gọi điện thoại, đứa trẻ không học một từ vừa được trình bày, nhưng sẽ học được từ này nếu không bị gián đoạn.
Nhóm của Romeo đã tiến thêm một bước trong một nghiên cứu nhỏ tiếp theo giúp các cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của các cuộc trò chuyện 2 chiều. Trong nhóm này, họ đã tìm thấy sự gia tăng chất xám ở vùng ngôn ngữ và xã hội trong bộ não trẻ em.
"Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên," bà nói. Việc các vùng xã hội và ngôn ngữ của não là "đi cùng với nhau" trong các mối quan hệ cha mẹ với con cái là điều hợp lý, vì ngôn ngữ làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội, và cả hai thứ này đều là điều cốt yếu đối với cách học của chúng ta," bà nói. "Trên cơ sở đó chúng ta xây dựng kỹ năng ngôn ngữ, và kỹ năng ngôn ngữ này sẽ tạo thêm nền tảng cho nhận thức ở cấp độ cao hơn."
Việc tham gia vào một hoạt động tương tác, như đọc sách, khiến các mô hình bộ não hai người tham gia đồng quy.
Trong khi đó, một nhóm khác, ở Phòng Thí Nghiệm Trẻ Em Princeton, đã theo dõi bộ não của các em bé và những người thí nghiệm, nhận thấy rằng khi họ tham gia vào trò chơi tương tác, như hát hoặc đọc, các mô hình kích hoạt não của họ bắt đầu đồng quy. Nói cách khác, bộ não của họ "cặp đôi với nhau", Elise Piazza, ở Viện Khoa Học Thần Kinh thuộc Đại Học Princeton, tác giả chính của tác phẩm này, giải thích. Vào những thời điểm khác, khi tham gia vào các hoạt động riêng biệt, sự "đồng bộ thần kinh" giữa các bộ não của họ biến mất, bà nói.
"Đây như thể các bạn ăn ý đến mức các bạn hoạt động không phải là hai người, mà là một người. Đó là mức mà chúng tôi nghĩ việc học được nâng cao và xẩy ra, và đó là những gì mà việc trò chuyện mang lại cho bạn," Hirsh-Pasek nói về tác phẩm này.
Tình trạng kinh tế xã hội
Khi cho rằng việc trò chuyện là rất quan trọng từ khi còn nhỏ tuổi, chúng ta nên lo lắng đến đâu về "sự chênh lệch số lượng từ" - và nguyên nhân là từ đâu?
Ngay cả khi nghiên cứu của Hart và Risley là không hoàn hảo, thì ý kiến rằng một sự chênh lệch đáng kể về kinh tế xã hội đã được hàng chục nghiên cứu tiến hành. Ví dụ, năm 2008, Meredith Rowe của Đại Học Harvard đã phát hiện ra rằng các kiểu đối thoại có sự khác biệt đáng kể giữa các gia đình có thu nhập thấp và thu nhập cao - một phần là do mức độ giáo dục khác nhau của cha mẹ trong các nhóm này.
Cha mẹ có thu nhập cao hơn thường sử dụng câu dài hơn và nhiều từ vựng hơn với con cái họ - một phần là vì trình độ học vấn của họ.
Nói cách khác, "kiến thức nuôi dạy con" đóng góp tích cực cho sự phát triển vốn từ vựng, Rowe nói. Trong nghiên cứu này, cha mẹ có thu nhập cao hơn sử dụng câu dài hơn và nhiều từ vựng hơn so với cha mẹ có thu nhập thấp hơn. "Phát hiện then chốt ở đây là sự ảnh hưởng của sự nghèo khó đến cách cha mẹ giao tiếp với con cái là do sự hiểu biết kém của cha mẹ về sự phát triển của trẻ em," bà nói.
Nếu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa tình trạng kinh tế xã hội với khả năng nói của trẻ, thì có thể là do sự nghèo khó có liên quan cả đến trình độ học vấn thấp hơn cũng như sự căng thẳng nhiều hơn. Cả hai yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc trò chuyện với trẻ.
Nhưng tình trạng kinh tế xã hội không phải là quyết định.
Trong một nghiên cứu năm 2015, Hirsh-Pasek và các đồng nghiệp đã xem xét cách nói của 60 trẻ em 2 tuổi, đều thuộc gia đình nghèo khó; họ quay trở lại sau 1 năm để xem chúng phát triển thế nào. Đúng như dự đoán, những đứa trẻ tham gia trò chuyện nhiều khi 2 tuổi đã có ngôn ngữ tiến bộ hơn sau 1 năm. Những đứa ít nói chuyện có điểm kém hơn về khả năng ngôn ngữ.
Trẻ em có nhiều cuộc trò chuyện khi 2 tuổi sẽ có ngôn ngữ phát triển hơn một năm sau đó.
Vì những đứa trẻ này đều ở điều kiện thu nhập thấp, kết quả cho thấy chỉ riêng sự nghèo khó không phải là điều khiến trẻ có kỹ năng ngôn ngữ kém hơn.
"Không phải chỉ là việc bạn sinh ra trong môi trường có nguồn lực hạn chế, mà còn là cách bạn tương tác với con bạn trong môi trường đó, có vẻ như đã tạo ra sự khác biệt." Hirsh-Pasek nói.
Mặc dù sự chênh lệch về lượng từ có thể có hậu quả lâu dài, nhưng tin tốt lành là tất cả các bậc cha mẹ đều nói chuyện với con cái mình ít nhất là một số thời gian. Nếu cha mẹ hiểu rằng tương tác chất lượng là quan trọng hơn số lượng, thì tất cả trẻ em đều có thể được lợi.
Trẻ em mà càng được trải nghiệm xã hội, cho dù với cha mẹ hoặc với người chăm sóc nào khác xung quanh, thì chúng càng học được nhiều hơn, bà nói thêm.
Cũng có nhiều cách khác giúp đẩy nhanh quá trình này. Sự chỉ bảo của cha mẹ là hiệu quả, nhưng mất thời gian và tốn kém. May mắn thay, có những cách đơn giản và đã được thử nghiệm khác giúp khuyến khích các cuộc trò chuyện có chất lượng hơn.
Trẻ sơ sinh và trẻ em mà càng có nhiều trải nghiệm xã hội thì chúng sẽ càng học được nhiều hơn.
Hirsh-Pasek và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng trong các cộng đồng có thu nhập hạn chế ở một số khu dân cư nghèo nhất ở Philadelphia, việc đưa ra lời nhắc ở các siêu thị làm tăng cuộc trò chuyện có ý nghĩa lên tới 33%. Những thứ này có thể đơn giản như những tấm áp phích màu mè đặt ra những câu hỏi như "Sữa từ đâu ra?" và "Bạn thích rau gì?".
Tôi đã đến thăm một số địa điểm ở Philadelphia (kể cả ở một trạm xe buýt, cũng như một sân chơi cho trẻ em tại một thư viện và tại các trò chơi trên bàn có kích thước lớn ở bảo tàng cho trẻ em Please Touch ở Philadelphia) nơi mà Hirsh-Pasek và nhóm của bà đang thử nghiệm một cách tiếp cận khác. Ở đây, người ta sử dụng các trò chơi để khuyến khích nhiều khía cạnh quan trọng của việc học, từ xã hội đến nhận thức, từ kiểm soát phản xạ (lò cò theo ô số) đến chức năng thực hiện (trò chơi giải đố). Điều quan trọng, chúng được bố trí ở nơi mà người ta đã tụ tập thành nhóm. Và mặc dù các trò chơi là cho trẻ em nhưng người lớn cũng thích.
Dự án mang tên "Nơi vừa học vừa chơi", có sự cộng tác với các hội đồng thành phố và kiến trúc sư để "biến đổi địa điểm hàng ngày thành cơ hội học tập". Hơn nữa, sự theo dõi chặt chẽ của các nhà nghiên cứu gần đó cho thấy rằng một số trong số các dự án này đã giúp tăng các cuộc hội thoại lên 30-55%. "Như một món quà bổ sung, khi bạn làm cho những môi trường này trở nên thú vị, cha mẹ các cháu thường sẽ không xem điện thoại nữa, nhìn vào mắt con mình và có một cuộc trò chuyện có ý nghĩa,"
Hirsh-Pasek nói. "Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm được nếu chúng ta làm cho thế giới vui hơn một chút." Với đủ ý chí, các nhà nghiên cứu nói rằng nó sẽ dễ dàng tái tạo những không gian tương tự như vậy ở nhiều thành phố khác.
Dự án Urban Thinkscape biến không gian công cộng thành các hoạt động mang tính học tập.
Ở Anh, chính phủ đã đưa ra một dự án liên quan trên mạng, với những gợi ý đơn giản khuyến khích cha mẹ nói chuyện với con cái nhiều hơn. 'Hungry Little Minds' là một chiến dịch 3 năm với mục tiêu "khuyến khích các bậc cha mẹ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho con mình được học tập từ sớm và giúp chúng chuẩn bị đến trường và học cao hơn nữa".
Với một số người, sự căng thẳng của cuộc sống hàng ngày khiến họ có ít thời gian nói chuyện và vui chơi. Nhưng giờ đây rõ ràng là những điều chỉnh tinh tế trong cách chúng ta nói chuyện với trẻ em - và lắng nghe chúng - có thể thực sự làm bộ não của chúng phát triển tốt hơn.
Được trang bị bằng kiến thức này, bây giờ tôi có sự suy nghĩ về mô hình não con tôi khi tôi dỗ dành và nói chuyện với nó, nói với nó những mẩu chuyện trong ngày và còn hỏi nó xem nó trả lời ra sao. Thường nó đáp lại bằng nụ cười không răng. Những lần khác, nó không phản hồi gì. Nhưng ngay cả như vậy, giờ đây tôi hiểu rằng bộ não của nó đang phát triển vì điều đó, một cái gì mà tất cả chúng ta, dù là cha mẹ hay người chăm sóc nó, có thể đã góp phần quan trọng vào đó.
Melissa Hogenboom
usaelection gởi