Vì sao Mỹ phải bảo vệ Đài Loan và thế cờ vây, TT Trump để lại trước khi rời nhiệm sở
Mỹ muốn bảo vệ Đài Loan bởi lịch sử định hình, bởi vị trí chiến lược của Đài Loan và cũng bởi chặt đứt sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
TT Trump đã đảo ngược chính sách ‘lập lờ’ của Mỹ về Đài Loan trong suốt 4 thập kỷ trước đó, đẩy quan hệ Mỹ-Đài Loan khỏi vùng xám - vùng có thể thoả hiệp hoặc từ bỏ.
Thế cờ vây tài hoa của TT Trump để lại cho Đài Loan đặt tham vọng của Trung Quốc vào chảo lửa trong khi chính quyền kế nhiệm ở Mỹ không thể buông tay…
Có rất nhiều lập luận được đưa ra rằng Đài Loan là một đồng minh mà Mỹ nên duy trì. Đó là một nền dân chủ. Đài Loan có chủ quyền. Quốc đảo này trung thành với Hoa Kỳ...
Quan trọng hơn hết, các phân tích đều chỉ ra rằng Hoa Kỳ cần bảo vệ Đài Loan vì quốc đảo này có tầm quan trọng chiến lược với Hoa Kỳ và nó có ràng buộc với lịch sử lâu dài của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Tổng thống Tsai Ing-wen nói rằng Đài Loan sẽ không cúi đầu trước áp lực từ Trung Quốc và sẽ tiếp tục lối sống dân chủ của mình, khi căng thẳng về hòn đảo vẫn tiếp diễn Ảnh: Getty Images
Thâu tóm Đài Loan-Chìa khóa để Trung Quốc thao túng Thái Bình Dương và đe doạ an ninh Mỹ
Vào tháng 12 năm 1890, Quân đội Hoa Kỳ đã giành chiến thắng trong một trận chiến với thổ dân da đỏ Mỹ tại Wound Knee ở Nam Dakota. Trận chiến này đánh dấu sự kết thúc nội loạn và có nghĩa là Hoa Kỳ có thể tập trung vào các vấn đề bên ngoài lãnh thổ vì cuối cùng Hoa Kỳ đã hoàn thành công cuộc trấn an lãnh thổ phía tây.
Trong vòng 10 năm kể từ khi củng cố xong lãnh thổ phía tây, Hoa Kỳ gần như ‘bon bon’ trên con đường trở thành cường quốc thế giới. Năm 1898, Hải quân Hoa Kỳ đã chiến thắng trong Chiến tranh Tây Ban Nha. Kết quả là Mỹ đã mua lại Philippines và Guam. Cùng năm, Hoa Kỳ hợp nhất Hawaii và ký một thỏa thuận ba bên về Samoa.
Như vậy, con đường hàng hải từ Mỹ, qua Thái Bình Dương vào Châu Á đã hoàn tất, Mỹ thành công đặt dấu ấn, căn cứ quân sự của họ trên các hòn đảo trọng yếu nhất trên vành đai Thái Bình Dương.
Trong bản đồ của Thái Bình Dương, điểm cuối cùng của con đường tiến vào Châu Á của Mỹ chính là vành đai đảo Đài Loan - Nhật Bản.
Đảo Đài Loan nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, tọa lạc giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, tách rời khỏi lục địa Á-Âu đồng thời có đường biên giới trên biển giáp với Trung Quốc đại lục thông qua eo biển Đài
-
-
Một số chiến lược gia gọi chuỗi đảo ở Đông Á (trong đó có Đài Loan) là “Vạn lý trường thành ngược”. Các sĩ quan và chiến lược gia hải quân của Trung Quốc coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này.
Sự mở rộng của Hải quân Hoa Kỳ là rất quan trọng, Mỹ cần phải duy trì điều đó trong chiến lược dẫn đầu của họ. Vào cuối Thế chiến I, Hải quân Hoa Kỳ là lực lượng lớn nhất thế giới. Mỹ đã chế tạo hàng không mẫu hạm là vũ khí thay đổi cuộc chơi ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, và vào năm 1945, Hoa Kỳ có một hạm đội 1.600 tàu; không có quốc gia nào khác có thể cạnh tranh với Mỹ.
Với vị trí như vậy, sự thống nhất của Trung Quốc với Đài Loan sẽ là vết thương trên đầu gối của Mỹ. Bởi lúc này, không chỉ con đường tiến vào Châu Á và kiểm soát chiến lược quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương yếu đi mà còn khiến đối thủ của Mỹ là Trung Quốc mạnh lên gấp bội.
Hãy thử tưởng tượng, Trung Quốc không còn phải tập trung vào vấn đề thống nhất lãnh thổ trong khi có được Đài Loan, vị trí đắc địa để đặt căn cứ quân sự hải quân, làm bàn đạp thâu tóm các tham vọng quyền lực xa hơn ở Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Suốt hai mươi năm qua, hải quân của Trung Quốc là khu vực được ĐCSTQ dành cho khoản ngân sách lớn nhất (hơn cả không quân và lục quân). Việc liên tục phát triển hải quân như vũ bão, không tiếc tiền đầu tư và phát triển đảo nhân tạo, tàu sân bay cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho tham vọng thâu tóm Thái
Bình Dương của họ.
Nhìn vào vị trí địa lý của nó, Trung Quốc được “bao bọc” bởi một chuỗi các đảo gần nhau kéo dài về phía nam từ Nhật Bản, qua Ryukyu’s, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Australia.
Để đi vào Thái Bình Dương, các tàu hải quân của Trung Quốc phải đi qua một trong những điểm tắc nghẽn khác nhau giữa các đảo này. Tàu thương mại (cũng như hải quân của nước này), để đi đến Trung Đông và châu Phi, nơi Trung Quốc thu được phần lớn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phải đi về phía nam qua eo biển Malacca, nơi Trung Quốc đang bị nhiều hạn chế tương đương với các hạn chế ở quần đảo Nhật Bản - Đài Loan.
Một số chiến lược gia gọi chuỗi đảo ở Đông Á là “Vạn lý trường thành ngược”. Các sĩ quan và chiến lược gia hải quân của Trung Quốc coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này.
Rõ ràng địa lý không có lợi cho Trung Quốc trong mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương, nếu không có Đài Loan.
Nếu Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc, điều này sẽ thay đổi. Hải quân của Trung Quốc sẽ không còn bị bó buộc nữa. Trên thực tế, họ sẽ có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới “chuỗi đảo thứ hai” —Guam, Marianas và một số đảo nhỏ khác ở trung tâm Thái Bình Dương — không phải là rào cản khó khăn.
Rất quan trọng, các cảng ở bờ biển phía đông của Đài Loan sẽ mang lại cho các tàu ngầm của Trung Quốc, vốn là trụ cột của hải quân nước này, một lợi ích to lớn. Từ Đài Loan, họ có thể nhanh chóng tiến vào vùng nước sâu không thể bị phát hiện và có thể tiến đến bờ biển phía Tây Hoa Kỳ để thị uy và đe dọa Hoa Kỳ.
Cả hai yếu tố này, đặc biệt được kết hợp với nhau, cho thấy rằng Đài Loan là quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Tham vọng thâu tóm Đài Loan bị đặt trong chảo lửa Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng chiến sự với Đài Loan. Gần đây nhất, Trung Quốc liên tiếp đưa máy bay ném bom vi phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, số lượng máy bay ném bom và mức độ hung hăng của nó liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. Đài Loan kêu gọi sự bảo vệ của phương Tây và Mỹ. Nhiều phái đoàn ngoại giao cao cấp của Châu Âu đã đến Đài Loan trong thời điểm này.
Nếu chiến sự giữa Trung Quốc và Đài Loan nổ ra và Đài Loan buộc phải trở thành một Hồng Kông thứ hai, đây sẽ là tổn thất cực lớn với Mỹ về địa chính trị quân sự, gần như trao cho đối thủ của Mỹ là Bắc Kinh một chìa khóa vàng, mở ra cánh cửa tham vọng trở thành lực lượng hải quân quân lớn nhất thế giới, thao túng toàn bộ Thái Bình Dương và trực tiếp làm đe doạ an ninh Mỹ.
Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Washington có cam kết ngầm bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự chống lại hòn đảo. Nghĩa vụ đó ít nhất có thể có ý nghĩa chiến lược khiêm tốn khi Trung Quốc còn yếu kém về mặt quân sự.
Nhưng với sự tăng trưởng đáng kể của sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, việc tính toán rủi ro-lợi ích cho Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể.
-
Nhóm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis của Hải quân Hoa Kỳ và nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan tập kết ở phía tây Thái Bình Dương (Photo by Specialist 3rd Class Jake Greenberg/U.S. Navy via Getty Images)
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã gia tăng kể từ khi bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập của bà lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2016 của Đài Loan.
Chiến thắng bầu cử đó đã đánh bay chiến lược mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi là xây dựng quan hệ kinh tế bền chặt với Đài Loan với kỳ vọng rằng những liên kết như vậy sẽ dần dần khiến người dân Đài Loan dễ dàng tiếp nhận thống nhất chính trị với đại lục.
Cuộc bầu cử lại long trời lở đất của bà Thái vào tháng 1/2020 đã đặt chiếc đinh cuối cùng vào quan tài hy vọng của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao chống lại Đài Loan cũng như tăng cường leo thang căng thẳng quân sự để thăm dò phản ứng của Mỹ ở hòn đảo này.
Các cuộc tập trận quân sự trên không và hải quân trong và xung quanh eo biển Đài Loan đã gia tăng kể từ năm 2017, nhưng năm 2020 và 2021 đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về quy mô và tốc độ của các cuộc tập trận như vậy.
Vào đầu tháng 9/2020, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập quy mô lớn khác ngoài khơi bờ biển phía tây nam của Đài Loan, biện minh rằng việc này là cần thiết để “bảo vệ chủ quyền quốc gia” và ngăn chặn “sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài” thúc đẩy “các hoạt động giành độc lập” của Đài Loan.
Đáng lo ngại hơn nữa, các máy bay chiến đấu của CHND Trung Hoa hiện thường xuyên tiếp cận và thậm chí vượt qua ranh giới kiểm soát trên thực tế ở giữa eo biển trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đe dọa Đài Loan và kiểm tra khả năng phòng không của Đài Loan.
Nếu vào tháng 6/2020, Bắc Kinh chỉ điều một máy bay ném bom như một phần của một cuộc tấn công đe dọa như vậy vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan .. thì năm 2021, số máy bay ném bom vi phạm vùng nhận diện phòng không có thời điểm lên tới con số 66; một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.
Không chỉ hành động, tất cả các trang ngôn luận của Bắc Kinh không ngừng hung hăng đe doạ tấn công Đài Loan và thể hiện thái độ trừng phạt ngoại giao, kinh tế với bất kỳ quốc gia nào muốn ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.
Ván cờ vây bảo vệ Đài Loan của cựu tổng thống Donald Trump: chặt chẽ và kiên định
Không còn lập lờ về quan điểm với Đài Loan như 4 thập kỷ trước đó, mối quan tâm của Mỹ với Đài Loan đã hoàn toàn thay đổi và bước sang một trang sử mới dưới thời tổng thống Donald Trump.
Có thể nói, TT Trump đã không ngừng mở rộng mối quan hệ Đài Loan - Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Luật cho phép Mỹ trừng phạt vũ trang Trung Quốc nếu xâm phạm Đài Loan
Một cột mốc quan trọng là việc thông qua Đạo luật Du lịch Đài Loan vào tháng 3 năm 2018. Luật đó không chỉ cho phép mà còn khuyến khích rõ ràng các quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Hoa Kỳ tương tác với những người đồng cấp Đài Loan của họ, đảo ngược chính sách cũ đã vận hành trong suốt bốn thập kỷ.
Một năm sau đó, Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế Đài Loan (gọi tắt là Đạo luật Đài Loan) đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, nhằm mục đích gia tăng phạm vi quan hệ Hoa Kỳ - Đài Loan và khuyến khích các quốc gia và tổ chức quốc tế khác tăng cường quan hệ chính thức và không chính thức với lãnh thổ Đài Loan, mà có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.
Đạo luật này nêu rõ chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét tăng cường các mối quan hệ kinh tế, an ninh và ngoại giao với các nước đã chứng tỏ rõ ràng có những quan hệ được nâng cấp và tăng cường với Đài Loan và giảm những quan hệ đó với những nước đã áp dụng các động thái nghiêm trọng hoặc đáng chú ý nhằm phá hoại Đài Loan. Ngôn ngữ này được hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ trừng phạt những quốc gia nào gây tổn hại cho Đài Loan.
Đạo luật Đài Loan được ra đời sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hồi năm 2016, Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch rộng lớn nhằm cô lập hòn đảo này. Kết quả là cho đến năm 2019, số quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc đã giảm từ 22 xuống còn 15.
Trong khi đó, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc đã dần xấu đi, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu thương chiến Mỹ-Trung vào năm 2018.
Trong khi Đài Loan hứng chịu việc bị thu hẹp không gian ngoại giao, quan hệ giữa họ với Hoa Kỳ lại có những bước đột phá lớn, bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Du lịch Đài Loan và các cuộc họp cấp nội các giữa hai nước.
Như một cách đánh tiếng với những quốc gia còn lại muốn hủy bỏ sự công nhận Đài Loan, và nhằm cho phép hòn đảo này tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế, Đạo luật TAIPEI đã được hình thành.
Đạo luật Đài Loan sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ phải “trì hoãn, làm suy giảm và cuối cùng là đánh bại” bất kỳ nỗ lực nào của CHND Trung Hoa trong việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Đài Loan. Không chỉ vậy, trong những ngày cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ còn nỗ lực thắt chặt ván cờ vây của mình với Đài Loan bằng Đạo luật thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đài Loan (TAA), chính thức đặt tham vọng của Trung Quốc vào chảo lửa.
Theo đó, chính phủ Mỹ:
-
Ủng hộ các nỗ lực liên tục của Đài Loan nhằm duy trì năng lực tác chiến phi đối xứng.
-
Thúc đẩy Đài Loan gia tăng chi tiêu quốc phòng để cung cấp đủ nguồn lực cho chiến lược phòng vệ.
-
Bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan nhằm giúp hòn đảo nâng cao khả năng tự vệ.
Đạo luật nhấn mạnh việc Mỹ ủng hộ Đài Loan được tham gia một cách có ý nghĩa vào Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc như Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), và các tổ chức quốc tế khác mà không yêu cầu thành viên phải có tư cách quốc gia độc lập chính thức.
-
-
Dưới thời của tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. (Ảnh: Getty)
Đạo luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo một báo cáo đánh giá về những hướng dẫn của Bộ này cho các trao đổi với Đài Loan và trong vòng 180 ngày kể từ khi Đạo luật được thông qua. Ngoại trưởng Mỹ phải đệ trình báo cáo đó cho các Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện.
Củng cố chặt chẽ nền tảng luật pháp Mỹ để bảo vệ đồng minh Đài Loan, lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương và an ninh sát sườn phía bờ Tây nước Mỹ, chính sách thiết lập dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tổng thống kế nhiệm khó lòng đảo ngược (dù muốn hay không)
Tăng cường vũ khí cho Đài Loan Lời nói đi kèm hành động, Mỹ gia tăng trang bị, tăng cường vũ khí cho Đài Loan. Vào giữa tháng 8/2020, chính quyền Trump đã thông qua việc bán 66 máy bay chiến đấu F-16v tiên tiến trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan - thương vụ bán vũ khí lớn nhất trong nhiều năm - để giúp đỡ nỗ lực phối hợp của Đài Bắc nhằm tăng cường khả năng quân sự của mình.
Sau đó vào tháng 10/2020, Mỹ đã thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Lầu Năm Góc cho biết thỏa thuận bao gồm 3 hệ thống vũ khí, với bệ phóng tên lửa, cảm biến và pháo
Nối tiếp nỗ lực của ông Trump, chính quyền ông Biden hồi tháng 8/2021 cũng đã phê duyệt việc bán thiết bị quân sự trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan. Các mặt hàng trong thương vụ đã được phê duyệt bao gồm 40 xe pháo tự hành, 20 xe hỗ trợ đạn pháo dã chiến và các thiết bị khác.
Trump đã đưa quân đồn trú ở Đài Loan từ năm 2018
Trong bối cảnh leo thang căng thẳng quân sự như vậy, ngày 7/10 vừa qua, Wall Street Journal đột nhiên đưa ra một lời cảnh báo (chứ không chỉ là một tin tức) chấn động rằng
gần một năm nay, Mỹ đã bí mật điều một lượng nhỏ lính đặc nhiệm và lính thủy quân lục chiến sang Đài Loan, huấn luyện quân đội nước này nhằm tăng khả năng phòng thủ trước mối đe dọa từ Bắc Kinh, thông tin trên đã khiến ngoại giới chấn động.
Tuy nhiên, có thông tin chỉ ra rằng việc quân đội Mỹ đồn trú tại Đài Loan đã tồn tại trong nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện nay mới công khai, chính là để phát đi tín hiệu với Bắc Kinh rằng, “Mỹ sẽ sát cánh cùng Đài Loan”.
-
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫy tay chào trong buổi lễ đón trực thăng tấn công Apache AH-64E mới do Mỹ sản xuất tại một căn cứ quân sự ở Đào Viên vào ngày 17/7/2018. (Ảnh của SAM YEH / AFP qua Getty Images)
Bài báo của The Wall Street Journal được đưa ra vào thời điểm hiện nay khi ĐCSTQ gia liên tục gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan; Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết hôm 6/10 rằng, tình hình hai bờ eo biển hiện nay là nghiêm trọng nhất trong 40 năm ông phục vụ quân đội.
Ông nói rằng đến năm 2025, ĐCSTQ hoàn toàn có khả năng sẽ xâm chiếm Đài Loan.
Tờ The Economist cho rằng, đối với chính phủ Mỹ, việc tiết lộ thông tin quân đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan vào thời điểm này và tín hiệu liên tục ủng hộ Đài Loan gần đây có thể giúp kéo dài hòa bình giữa hai bờ eo biển.
Ông Richard Lloyd Parry, Biên tập viên Châu Á của tờ The Times (Anh), cũng có quan điểm tương tự. Ông Parry đã đưa ra một tài liệu hôm 8/10, nói rằng, Mỹ hiện đã quyết định "tiết lộ" sự hiện diện của họ ở Đài Loan, cho thấy Washington muốn gửi một tín hiệu công khai đến Bắc Kinh rằng Mỹ sẵn sàng sát cánh cùng Đài Loan.
Sau khi tin tức về việc quân đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan được đưa ra, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple, cho biết: “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường nỗ lực đe dọa và gây sức ép với Đài Loan cũng như các đồng minh và đối tác khác, bao gồm gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực lân cận Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi cho rằng những hoạt động này phá hoại ổn định và tăng nguy cơ đánh giá sai”.
Ông Supple nói rằng ông không có bình luận gì về các hành động cụ thể, sự hiện diện hoặc việc huấn luyện của Mỹ, nhưng ông muốn nhấn mạnh rằng, sự ủng hộ và quan hệ quốc phòng của Mỹ với Đài Loan là để chống lại mối đe dọa hiện tại do ĐCSTQ gây ra. Ông Supple một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh “ tôn trọng những cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình”.
Sự khiêu khích của Trung Quốc và căng thẳng chiến sự leo thang trong những ngày qua với Đài Loan dường như một phép đo của Bắc Kinh dành cho chính quyền kế nhiệm ông Trump ở Mỹ.
Nhưng thái độ của Quốc hội Mỹ khó có thể thay đổi bất kể chính quyền nào, đảng phái nào đang tại vị, vì đó là an ninh, là vị thế, là quân cờ chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chưa biết Trung Quốc sẽ đẩy câu chuyện xa đến đâu và một thế chiến thứ III có xảy ra như rất nhiều lo ngại và đồn đoán gần đây hay không, nhưng Quốc hội Mỹ và cả thế giới đang nhìn chằm chằm vào năng lực thực thi chiến lược của Washington
. Có những thứ, nếu nằm trong vùng xám, có thể thỏa hiệp. Ván cờ vây của TT Trump đã buộc thái độ của Mỹ với Đài Loan chuyển ra khỏi vùng xám. Thỏa hiệp là điều rất khó có thể xảy ra, ít nhất trên bề mặt.
Trà Nguyễn
_________________
usaelection gởi
|
|