Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
VỊ TỲ KHEO MANG TÂM LÝ U UẤT KỲ LẠ


Vị trưởng lão tỳ kheo Sappadasa từ khi xuất gia sống rất đạo đức, không có gì sai sót, tu hành tinh tấn, đúng pháp, đúng giới luật, nhưng trong lòng luôn nổi lên căn bệnh tâm lý kỳ lạ là buồn bã chán nản. Khi nỗi buồn đã quá nặng nề, ngài quyết định sẽ tự tử.

Có lần một con rắn độc bò vào trong pháp đường. Lúc bị đuổi đi, nó phùng mang phun khè khè, mọi người lấy gậy ghìm đầu bắt nó bỏ vào bình rồi mang ra xa thả. Thấy vậy, ngài Sappadasa tình nguyện bê chiếc bình đi. Khi đến chỗ vắng, ngài cho tay vào bình khuấy qua khuấy lại hy vọng con rắn sẽ cắn mình. Thế nhưng, nó chỉ né qua né lại chứ nhất định không động vào ngài.

Ngài ngạc nhiên: tại sao mọi người bảo nó là rắn độc mà nó lại không cắn mình? Ngài cố khua mạnh hơn nữa nhưng nó vẫn dửng dưng. Cuối cùng, ngài đành thả nó đi. Về tinh xá, ngài nói với mọi người: “Con rắn vừa rồi không phải rắn độc”. Nghe vậy, các tỳ kheo cười: “Trời ơi, nó phùng mang, thè lưỡi phun nọc độc, đầu hình tam giác như vậy mà sao không phải rắn độc?”

Lần khác, đến ngày cạo tóc, các tỳ kheo dùng dao cạo tóc cho nhau. Riêng ngài Sappadasa xin mượn lưỡi dao để tự cạo. Ngài lén trốn vào rừng, đứng tựa vào gốc cây định cắt động mạch cổ của mình. Lúc lưỡi dao chạm cổ, ngài bắt đầu hồi tưởng lại đời sống tu hành của mình từ lúc xuất gia cho đến bây giờ. Ngài thấy mình tu rất chân chính, giới luật tinh nghiêm, thực hành pháp đầy đủ, không có gì phải hối hận... nên bây giờ chết được rồi! Một suy nghĩ rất lạ lùng.

Nhưng khi nhìn lại toàn thân, bất giác ngài nhập sâu vào các mức thiền định. Sức tỉnh giác trỗi dậy, ngài nhiếp tâm thanh tịnh dần, thanh tịnh dần và đắc quả ngay tại đó. Ngài Sappadasa buông dao và tâm lý u uất mấy chục năm qua cũng nhẹ nhàng biến mất. Ngài về lại tinh xá nhưng về như một người khác, gương mặt quang minh sáng tỏ, nụ cười nhẹ phảng phất trên môi, không còn là một tỳ kheo buồn bã của ngày xưa nữa.

Các tỳ kheo ngạc nhiên không biết trưởng lão Sappadasa cầm dao cạo đi đâu mà bỗng nhiên khi trở về lại thành con người khác, điềm đạm hư vô mà thanh thản, hân hoan. Các vị hỏi: “Tại sao hiền giả thay đổi nhanh chóng kỳ lạ như vậy?”, trưởng lão Sappadasa đành nói thật. Buổi chiều gặp Phật ở pháp đường, các tỳ kheo đã đem chuyện của ngài Sappadasa ra hỏi.

Lúc này, Phật kể về tiền kiếp của Sappadasa. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, Sappadasa cũng là một người tu, cũng mang tâm lý buồn chán, hờn trách và muốn hoàn tục. Có vài huynh đệ xúi ông: “Huynh hoàn tục đi, ở đây tu hành không ra gì, rất chán, tu mà không biết có tương lai hay không. Nhưng nếu huynh hoàn tục rồi thì những đồ tu của huynh hãy để lại cho chúng tôi, đừng mang về làm gì”. Nghe vậy ông giật mình: “Thì ra những người này xúi mình hoàn tục để lấy đồ”. Đã sẵn chán đời, sau khi biết được sự thật kia ông càng chán nản thêm. Ông cảm thấy không có ai thương ai thật lòng, một lời khuyên cũng đầy dụng ý trong đó. Vì mất niềm tin vào cuộc đời và con người nên ông càng buồn bã hơn, và nỗi buồn này đã theo ông cả mấy chục nghìn năm. Khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện thì duyên tu tập lặp lại và khi duyên đã mãn, ông được chứng đạo.

Các vị lại hỏi: “Bạch Thế Tôn, tại sao Sappadasa không hề ngồi thiền, không hề dụng công mà trong khoảnh khắc đặt lưỡi dao vào cổ, chỉ cần ấn mạnh một chút là đứt mạng sống, thì lại đắc đạo nhanh như vậy?”. Đức Phật nói yếu tố thời gian không quan trọng, bởi Sappadasa đã hành thiền suốt hai mươi nghìn năm. Dù mang tâm lý u uất nhưng Sappadasa cực kỳ tinh tấn, suốt hai mươi nghìn năm đã tu tập thiền định nên bây giờ quả lành đến, chỉ cần đặt lưỡi dao vào cổ cũng đắc đạo. Vì vậy, đừng nhìn vào kiếp hiện tại mà đánh giá sự chứng đắc của một người, bởi vì để có được sự chứng đắc đó, họ đã phải có một bề dày công đức và công phu từ rất nhiều kiếp xa xưa. Chúng ta vì không hiểu điều này nên hay hạn định thời gian cho việc tu hành. Tuỳ vào công đức quá khứ nhiều hay ít mà có người tu mười năm, có người phải mất mười kiếp, và riêng Sappadasa là hai mươi nghìn năm thiền định.

Kể xong câu chuyện, Phật đã nói bài kệ trên:

"Ai sống một trăm năm
Biếng lười, không tinh tấn
Chẳng bằng sống một ngày
Hết lòng trong Chánh pháp"

 
_____________________________
 

TÂM LÝ HIỆN TẠI LÀ SỰ LẶP LẠI CỦA QUÁ KHỨ

Trong tích truyện, vị tỳ kheo Sappadasa một lần mất niềm tin vào cuộc đời, vào con người mà nỗi buồn này đã theo ông cả mấy chục nghìn năm.

Tỳ kheo Sappadasa bị tâm lý u uất buồn chán đeo bám cả mấy nghìn kiếp nhưng may mắn ngài rất kính Phật, giữ gìn giáo pháp, tinh tấn thiền định, nên cái nhân của đạo quả đã thành tựu. Ở kiếp cuối cùng, ngài đã được gặp Phật rồi chứng đạo.

 
____________________________
 

DUYÊN XƯA GIỮA TỲ KHEO SAPPADASA VÀ CON RẮN

Trong tích truyện có đoạn ngài Sappadasa cho tay vào chiếc bình có chứa con rắn độc, và dù ngài có khuấy thế nào nó cũng né tránh không cắn. Tại sao vậy? Vì giữa ngài và con rắn có thiện duyên.

Khi các tỳ kheo hỏi Phật, Đức Phật đã kể rằng: Đời xưa con rắn từng là nô lệ của ngài Sappadasa. Người nô lệ này chỉ có đặc tính trung thành với chủ nhân. Nhưng người này chỉ tốt với chủ nhân, còn nghiệp riêng trong tâm thì không tốt, bản thân lại không biết tu tập, không tăng trưởng được thiện pháp nên cứ đọa dần đọa dần, đến một kiếp phải làm loài rắn độc. Dù mang thân rắn nhưng kiếp xưa người chủ đã đối xử với nó rất tốt khiến nó không có gì phải oán trách. Do vậy kiếp này khi ngài Sappadasa đưa tay vào chiếc bình khua mãi, con rắn vẫn hiền lành né tránh.

Trường hợp này người ngoài nhìn vào sẽ không hiểu được. Rất nhiều chuyện trên đời ta không giải thích được cũng bởi vì nhân quả từ những kiếp xưa. Tại sao nơi kia hung dữ, ai đến cũng sợ mà mình bước đến là mọi việc lại vui vẻ? Cũng vì có cái duyên với nhau.

 
___________________________


TU HÀNH KHÔNG TÍNH THỜI GIAN

Trưởng lão Sappadasa bất ngờ đắc đạo không phải do may mắn mà bởi ngài đã tinh tấn hành thiền trong suốt hai mươi nghìn năm. Đây là một bài học lớn cho những ai ham tu mau.

Có người nói rằng kinh Phật khẳng định có thể chỉ bảy kiếp đã đắc đạo, hoặc có thể bảy năm, bảy tháng, thậm chí bảy ngày... và rất nhiều người cũng tuyên bố tu theo đạo Phật rất nhanh đắc đạo. Sự thật không đơn giản như thế vì quả chứng lệ thuộc vào công đức quá khứ của mỗi người. Như trường hợp của tỳ kheo Sappadasa, ngài đã có bề dày của hai mươi nghìn năm thiền định nên mới có ngày được chứng Thánh quả A la hán.

Chúng ta thấy hai mươi nghìn năm có lâu không? Quá lâu. Nói đến 1000 năm Thăng Long ta thấy quá lâu. Nói đến 4000 năm dựng nước với không biết bao nhiêu thăng trầm biến động, không biết bao nhiêu máu xương của các anh hùng đã đổ xuống để ngày hôm nay chúng ta được sống bình yên lại càng cực kỳ lâu... Vậy mà ngài Sappadasa lại mất đến 20000 năm thiền định, từ thời mà dường như loài người vẫn còn rất sơ khai. Chúng ta luôn cảm thấy thời gian trôi quá lâu, nhưng với con mắt của một bậc đầy trí tuệ thì không có lâu hay mau vì thời gian cũng chỉ là tương đối.

Có người Phật tử gặp vị giảng sư, thưa chào xong anh ngỡ ngàng thốt lên: “Nhanh quá thầy nhỉ, con mới nghe thầy giảng tháng vừa rồi, vậy mà bây giờ lại đến nữa. Thời gian đi nhanh quá”. Vị giảng sư cười: “Đúng như vậy". Ta theo Phật tu hành đến vài nghìn năm thật sự vẫn không phải là lâu. Vì chưa đủ bình an, chưa đủ kiên nhẫn nên khi nghe phải mất đến trăm năm mới đắc đạo ta cảm thấy quá lâu, hoặc nghe phải mất đến nghìn năm mới đắc đạo thì ta thối chí không muốn tu nữa. Nhưng với con mắt của trí tuệ một nghìn năm trôi qua chỉ trong nháy mắt.

Ngày xưa khi mới đến với đạo, đọc những bản kinh Đại thừa như kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm... nói đến công hạnh của những vị Bồ tát phải trải qua muôn triệu ức kiếp (tức là số kiếp nhiều như số cát sông Hằng) làm lợi ích cho chúng sinh, cúng dường chư Phật, hộ trì chư Phật giáo hóa, đi vô số cõi Phật làm Phật sự, chúng tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi không dám nghi ngờ bởi lời Phật không thể sai, nhưng vẫn thắc mắc tại sao Phật đưa ra những khái niệm về thời gian mà nếu dùng tâm tưởng nhỏ bé của mình để đo lường, đầu óc của chúng ta có thể sẽ bị vỡ tung.

Vì vậy khi nghiên cứu kinh, chúng ta đừng tính toán thời gian, cứ bình tâm đọc để những khái niệm “vô lượng thời gian” hay “vô biên không gian” tự ngấm vào tâm hồn ta, mở tung tâm hồn nhỏ bé của ta. Rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn vào vũ trụ, nhìn vào nhân sinh với một nhãn quan lớn lao hơn, độ lượng hơn, tha thứ hơn và bền bỉ hơn.

Khi nghe nói một vị tỳ kheo đã đi qua hai mươi nghìn năm thiền định, chúng ta đừng nghĩ là lâu xa. Và với chính bản thân mình, nếu có ai hỏi: “Anh thử tính xem tu bao lâu sẽ đắc đạo”, chúng ta hãy trả lời: “Tôi sẽ tinh tấn trong hai trăm nghìn năm nữa”. Xin nhớ hai trăm nghìn năm tinh tấn chứ không phải hai trăm nghìn năm giải đãi. Chúng ta nói như vậy, và ta không bao giờ lười biếng, không bao giờ ham mau, cứ tu một cách kiên trì ổn định. Người như vậy mới là người đủ trí tuệ, đủ căn cơ để theo Phật. Vì đạo Phật là đạo của sự vô hạn. Không gian vô biên, thời gian vô hạn cũng chỉ là vô nghĩa với một bậc đã đắc đạo và đạt được vô ngã tuyệt đối. Khi bản ngã đã tan biến thì không còn một giới hạn nào trên đời có thể ràng buộc được vị ấy. Nhưng để có cái quả của sự vô hạn đó thì bây giờ chúng ta phải có cái nhân của sự vô hạn. Nghĩa là ta chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tu tập trong vô lượng kiếp, không bao giờ hạn định thời gian.

ST 

_________________


Hoang Nguyen gởi