Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
"VIỆT KIỀU", "KIỀU BÀO" - "KIỀU" nghĩa là gì?


1/ Nói ngay, "kiều" (phồn thể 僑, giản thể 侨) nghĩa là: ăn nhờ ở đậu. "Kiều dân" (僑 民) là người không sống tại quê hương bản địa mà sống ở nước khác - chú ý: "sống" ở đây là rơi vào tình trạng ăn nhờ ở đậu.

Khi nói người nào đó là "Việt kiều" tại Mỹ, nghĩa là người VN đó đang sống trên đất Mỹ nhưng là "ăn nhờ ở đậu", chưa chính thức trở thành công dân nước sở tại. Nhưng một khi họ đã nhập quốc tịch Mỹ, không phải lưu trú theo kiểu ăn nhờ ở đậu nữa, cách gọi đúng ở đây là: "người Mỹ gốc Việt", hoặc "người Việt quốc tịch Mỹ".
 
2/ Nhắc chuyện xưa cho tỏ vấn đề:

Sài Gòn trước đây, vào thập niên 50, nhiều người Hoa ở Chợ Lớn được gọi là "Hoa kiều" - bởi vì họ sống trên đất VN nhưng không chính thức là công dân VN, nhiều người trong họ vẫn giữ quốc tịch "Trung Hoa dân quốc" (Taiwan)... Sau đó, họ đổi sang quốc tịch VN thì không còn gọi "Hoa kiều" nữa, mà gọi là "người Việt gốc Hoa".
Chữ nghĩa ngày đó được dùng rất chuẩn xác.
 
3/ Còn gọi "kiều bào" (僑 胞)? "Bào" tức là cái bọc, "đồng bào" (同 胞 ) là cùng một bọc, một cách gọi thân thiết ví như ruột rà với nhau. "Kiều bào" là người cùng một dân tộc nhưng đang sống ở nước ngoài, và - lại phải nhấn mạnh - là sống nhờ, ở nhờ nước khác ("kiều")!

Hiện nay người Việt ở khắp nơi trên thế giới, dù họ đang là "người Mỹ gốc Việt", "người Úc gốc Việt", "người Pháp gốc Việt"... mà lòng vẫn nhớ về quê hương nên thường gọi nhau là "người Việt hải ngoại", hoặc "đồng bào hải ngoại".
Xưng hô như vậy là chính xác.
 
* Nói nào ngay, vẫn còn có một số người Việt tuy đã mang quốc tịch nước ngoài, chính thức trở thành công dân nước ngoài nhưng lại thích được gọi là ... "kiều bào", "Việt kiều"- tức họ ưng làm "kiều", chỉ "ăn nhờ ở đậu" nơi xứ người thì ... đành chịu, chớ làm sao thay đổi cái tâm lý lớt phớt "chuồn chuồn đạp nước" của họ cho được?
 
* Trong khi đó, cả triệu người Việt hải ngoại xác định đâu ra đó: đối với đất nước đã cho họ được quyền sinh sống chính thức, đàng hoàng, đó là nơi chốn mà họ phải có trách nhiệm đáp đền - bên cạnh nỗi nhớ quê Việt và sự đóng góp cho họ hàng thân thích tại quê nhà.

Họ, là cả triệu người Việt hải ngoại, họ không phải "kiều" ăn nhờ ở đậu gì ráo trọi. Họ đâu phải "kiều dân" mà đều là chính dân của các nước sở tại.
 
4/ Đây, cần nhắc thêm chuyện này:

Hồi năm 1978-1979, xảy ra việc trục xuất nhiều người gốc Hoa ra khỏi VN. Đa số họ đều đã mang quốc tịch VN từ lâu, tức là trở thành người Việt gốc Hoa. Nhưng lúc bấy giờ báo chí cứ réo họ ra mà gọi là "Hoa kiều" - tức xếp họ vào hạng những kẻ ăn nhờ ở đậu không hơn không kém!
Đó, quí bạn thấy rồi đó, quan chức và báo chí lúc bấy giờ biết tỏng nghĩa của chữ "kiều" là gì rồi.

Còn bây giờ? Không lẽ chỉ mới mấy chục năm trôi qua, cái sự hiểu về ý nghĩa của chữ "kiều" bỗng dưng... bốc hơi đâu mất? Nhanh thật. Quá nhanh.
Sao không gọi là "người Việt hải ngoại", "đồng bào hải ngoại"?
 
Matthew NChuong 

________________


Alice Dupond gởi