Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Việt Nam khốn khổ chờ Trung Cộng xả lũ thượng nguồn và sẽ tiếp tục vô vọng


Việt Nam và các nước nghèo Đông Nam Á ở hạ nguồn sông Mekong đã sớm gánh hậu quả nặng nề về biến đổi sinh thái và khí hậu kể từ khi TC chặn thượng nguồn Mekong để xây 11 đập thuỷ điện khổng lồ. Trong cơn bĩ cực thiếu điện của TC, hàng triệu sinh kế dưới hạ nguồn của dòng sông này tiếp tục trở thành nạn nhân khốn khổ nhất. Các lời kêu cứu, các cuộc ngoại giao với TC kêu gọi xả đập để nước về càng trở nên vô vọng…

TC đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu năng lượng tăng cao, và các giới hạn nghiêm ngặt trong việc sử dụng than đá. Vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều tháng, gây căng thẳng cho sự phục hồi kinh tế của TC, và đè nặng lên thương mại toàn cầu .

Một số tỉnh của TC cho biết họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện trong nhiều tuần trở lại đây, bao gồm một số khu vực quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tỉnh Quảng Đông - một trung tâm sản xuất chiếm 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 10%, sản lượng kinh tế hàng năm của TC và chiếm một phần lớn hơn trong thương mại nước ngoài - đã buộc phải tắt điện luân phiên hơn một tháng qua. Các hạn chế đã buộc các công ty trên toàn tỉnh phải đóng cửa vài ngày mỗi tuần. Một số chính quyền địa phương cảnh báo rằng việc cắt điện luân phiên có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Không chỉ Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh khác cho hay, họ đang giải quyết các vấn đề tương tự, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây, và trung tâm sản xuất của Chiết Giang. Chính quyền địa phương đã thông báo hạn chế điện trên một khu vực của TC có diện tích bằng cả Vương quốc Anh, Đức, Pháp, và Nhật Bản cộng lại.
 

Việc cắt điện ở TC tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến hàng trăm triệu người dân và các ngành sản xuất công nghiệp. (Ảnh: DANIEL MIHAILESCU/AFP qua Getty Images)
 
Đây là tình trạng thiếu năng lượng tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011 khi mà hạn hán và giá than tăng cao đã đẩy 17 tỉnh thành và khu vực buộc phải hạn chế sử dụng điện. Các nhà máy điện không muốn sản xuất nhiều điện khi giá than tăng cao: Bắc Kinh kiểm soát chi phí điện năng, vì vậy các nhà sản xuất không thể chỉ đơn giản là tăng giá bán điện.

Than tạo ra khoảng 60% - 70% điện năng của toàn TC. Tuy nhiên, chính quyền nước này đang cảnh giác vì lo sợ con số đó sẽ tăng cao hơn nữa, và vì vậy đã cố gắng giảm tiêu thụ than để đạt được mục tiêu trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060. Đó là những gì mà Trung Quốc tuyên bố với thế giới. Nhưng trong nước, lý do thực sự đằng sau việc tắt điện luân phiên tại các thành phố công nghiệp lớn của cả nước lại có thể hoàn toàn khác. 

Dù Bắc Kinh che đậy bằng bất cứ lý do mỹ miều nào, sự thật là TC đang gặp khủng hoảng năng lượng và cuộc khủng hoảng này khiến TC phải chịu tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như thủy điện, đã bị đình trệ vì hạn hán. Đại diện dự án thủy điện lớn của tỉnh Vân Nam cho biết họ đang gặp khó khăn trong sản xuất điện vì không có đủ lượng nước cần thiết trong các hồ chứa. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này ở TC, dù là do thiếu than, thì lại tác động ngay lập tức tới sinh kế của các quốc gia phụ thuộc vào TC trên dòng sông Mekong.
 
Các nạn nhân khốn khổ của 11 con đập TC trên sông Mekong
 
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua 6 quốc gia là nơi có lượng thủy sản lớn nhất thế giới và hỗ trợ sinh kế của hơn 60 triệu người ở các nước nghèo như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam.

TC đã xây dựng 11 con đập khổng lồ ở khu vực miền núi của thượng nguồn sông Mekong để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Hơn nữa, họ có kế hoạch mở rộng dòng sông và xây dựng hàng trăm đập ở hạ lưu sông Mekong cùng các phụ lưu của nó như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Do các hoạt động xây dựng rầm rộ của TC ở thượng nguồn sông Mekong, các khu vực ở hạ lưu đang phải chịu hạn hán cũng như chịu tác động khủng khiếp đến các hoạt động ngư nghiệp và nông nghiệp.

Ông Fabien Baussart, trong một bài đăng trên blog The Times of Israel, viết rằng: Các hoạt động xây dựng tiếp theo trong khuôn khổ BRI, bao gồm việc thay đổi dòng chảy của sông Mekong, sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường, phá hủy sinh kế của hàng triệu người ở các nước nghèo Đông Nam Á.

Một báo cáo năm 2018 của Ủy ban sông Mekong - một tổ chức liên chính phủ về lưu vực sông - cho biết các hoạt động xây dựng đập sẽ có tác động tiêu cực đến sinh thái, sức khỏe, và sinh kế của người dân nghèo sống dọc sông Mekong.
 
Thêm được chừng nào năng lượng thì hay chừng ấy, vậy thủy điện cũng phải vào cuộc.

TC đã xây dựng 11 con đập khổng lồ ở thượng nguồn sông Mekong để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này, khiến các nước khác ở khu vực ở hạ lưu phải đối mặt với những tác động khủng khiếp lên các hoạt động ngư nghiệp và nông nghiệp. (Ảnh: STR/AFP/GettyImages)
 
Không chỉ lòng sông mà những ngôi làng ven sông cũng bị phá bỏ để mở đường cho những con đập khổng lồ do TC xây dựng. Năm 2019, mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong một thế kỷ. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cấp cá, nghề trồng lúa, và sức khỏe tổng thể của hệ sinh thái xung quanh sông.

Con đập của TC ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến mực nước ở hạ lưu sông giảm, gây ra hạn hán nặng nề. Điều này đã tác động đáng kể đến Việt Nam, buộc người dân phải đi một quãng đường dài để có nước sinh hoạt, ông Baussart cho hay.

Các nước Đông Nam Á quá ‘yếu’ để yêu cầu TC ngừng chặn nước. Họ tiếp tục phải đối mặt với những tác động xấu từ các công trình xây dựng đập của TC.

Ở Campuchia, nghề đánh cá và trồng lúa đã bị ảnh hưởng do các đập thủy điện làm giảm nguồn cung cấp cá và chất dinh dưỡng cho đất. 

Tại Thái Lan, quân đội đã phải vào cuộc để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán, do đập Xayaburi trên sông Mekong.

Chính quyền Bắc Kinh còn có kế hoạch mở rộng sông Mekong bằng cách sử dụng chất nổ để làm nổ đá và bãi cát để tạo lối đi cho các tàu lớn 500 tấn của TC.

Các nhà môi trường đánh giá rằng, TC đã ưu tiên lợi ích kinh tế do thủy điện mang lại mà không thừa nhận những tác động tiêu cực đến sông Mekong và các cộng đồng ở hạ lưu, ông Baussart viết.
 
Mất ‘mùa nước nổi’ màu mỡ, chịu ngập mặn kéo dài 
 
Ở nước ta, khác với người dân miền Trung - mùa lũ là mùa tang tóc, tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân sống bên hai bờ sông Tiền, sông Hậu mỏi mắt mong lũ về.

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng rộng lớn bao gồm các lòng sông, cù lao, và đầm lầy ngập mặn màu mỡ ở cuối sông Cửu Long. Nó trải dài khoảng 65.000 km vuông và là nơi sinh sống của hơn 20% dân số Việt Nam.  

Tuy nhiên, năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có lũ. Hiện tượng ‘mùa nước nổi’ xảy ra hàng năm trong khoảng tháng 10 và tháng 11, đem phù sa từ thượng nguồn sông Mekong và cá từ Biển Hồ bên Campuchia về vun bồi cho vựa lúa miền Nam Việt Nam đã không thấy nữa.
 

Người dân gặp khó khi đánh bắt cá tại hạ lưu sông Mekong. (Ảnh: AIDAN JONES / AFP qua Getty Images)
 
Nước biển mặn đã xâm nhập vào nước ngọt đồng bằng sông Cửu Long ở mức chưa từng thấy trong năm 2020, đến mức cây trồng và sản vật của người dân không thể tồn tại được.

Nước biển chảy vào sông Mekong hàng năm như một phần của hệ thống đồng bằng tự nhiên, nhưng nó chưa bao giờ xâm thực xa và với cường độ mạnh như vậy. 

Thông thường, Cửu Long biến mặn chỉ trong vòng một tháng hoặc lâu hơn một chút. Tuy nhiên, năm 2020, nông dân đã phải chịu đựng ít nhất bốn tháng mặn và tình hình dường như vẫn còn tiếp tục.   

Theo tuoitre, về tình hình thủy văn, từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 mực nước trên sông Mekong biến đổi chậm, xuất hiện một số đợt lũ nhỏ và biến đổi tại các trạm từ 2-5 mét, đỉnh lũ tại các trạm ở mức thấp và xuống dần. 
 
Tình trạng ngày một tồi tệ 
 
Hiện tại nước ở các trạm thấp hơn phổ biến từ 0,8 - 3,5 mét so với trung bình nhiều năm, cao hơn 0,9 - 2,1 mét so với cùng kỳ năm 2019. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm 1,6 mét; cao hơn năm 2019 là 0,84 mét. 

Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 21% (khoảng 21 tỷ mét khối), cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 34% (khoảng 34 tỷ mét khối). 

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước ở đầu nguồn dao động theo thủy triều. Hiện tại, mực nước tại Tân Châu - Châu Đốc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,8 - 1,1 mét; thấp hơn cùng kỳ 2019 từ 0,15 - 0,2 mét.

Về dự báo mưa trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Đại - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết ở khu vực thượng lưu sông Mekong, tổng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. 

Ở khu vực trung lưu, tháng 9 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Ở hạ lưu từ tháng 10/2021 đến tháng 1-2022 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%.  

Độ mặn cao hơn là do một số yếu tố, bao gồm cả việc thiếu nước ngọt rửa trôi xuống hạ lưu vào đồng bằng và lòng sông ngày càng sâu.

Khi hệ thống sông Mekong hoạt động bình thường, ngập lụt sẽ diễn ra vào mỗi mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn tràn qua đồng bằng và đổ ra biển. 

Hồ Tonle Sap của Campuchia, cung cấp 30-35% nguồn nước của vùng đồng bằng, dâng đầy bởi những trận lũ này và sau đó, vào mùa khô, nó từ từ xả nước vào đồng bằng. Điều này cho phép nước ngọt tiếp tục rửa trôi nước biển mặc dù không có mưa.  

Hồ thường được rút hết nước vào khoảng tháng 3, điều này sẽ dẫn đến độ mặn cao hơn, nhưng chỉ trong một tháng hoặc lâu hơn cho đến khi gió mùa đến và lưu vực sông Mekong lại bắt đầu ngập lụt. Trong vòng 1 tháng này, người nông dân chỉ đơn giản là sử dụng tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, các con đập ở thượng nguồn - có tác dụng kiểm soát mực nước và phù sa trong các trận lũ gió mùa, và khai thác cát -  đang làm cạn kiệt lòng sông.

Điều này ngăn không cho Tonle Sap đầy nước trong mùa gió mùa vì lượng xả đỉnh điểm không còn nữa. Như vậy có nghĩa là sẽ có ít nước chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long, khiến nơi đây thiếu 10 tỷ mét khối nước trong mùa khô.
 
Nông nghiệp là cứu cánh của Việt Nam trong đại dịch và đang chịu ảnh hưởng nặng nề
 
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng màu mỡ nhất, là vựa lúa và trung tâm nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Nhưng để thực hiện những vai trò đó, khu vực này cần có lũ lụt hàng năm, thường xảy ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 và kéo dài đến tháng 11, mang lại sự màu mỡ cho đất.

Đồng bằng, nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, đã được gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha lúa cho vụ đông xuân 2020-21. Theo Cục Trồng trọt, nông dân đã thu hoạch khoảng 350.000ha cho đến nay. Đồng bằng chiếm 47% tổng diện tích đất trồng lúa của cả nước và sản xuất 56% sản lượng gạo của cả nước, đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
 

Người nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)
 
Đây cũng là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất lúa và trở thành vựa lúa số một cả nước.

Nhưng những năm gần đây lũ không đến thường xuyên. Lượng mưa muộn trong một số năm đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Tháng 2/2020, hạn hán và nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến 30.000 ha cây trồng ở đồng bằng cho đến nay, bằng 7,3% so với con số năm 2016, khi 600.000 người không được tiếp cận với nước ngọt và 160.000 ha đất bị ảnh hưởng bởi nước mặn, gây thiệt hại 5,5 nghìn tỷ đồng.

Tháng 2/2021, nước mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng đến khoảng 40.000ha trái cây và 5.000ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Cục Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Có hàng triệu nông dân trên khắp vùng đồng bằng này đang chịu thiệt hại to lớn, nhưng họ chẳng thể làm được gì ngoại trừ hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi trước khi không còn gì nữa.
 
Ngoại giao sông Mekong và lời hứa của kẻ ‘cầm dao đằng chuôi’
 
Trước cấp bách sinh tồn của hàng triệu sinh kế và an ninh lương thực dựa vào dòng Mekong, trước áp lực quốc tế về trách nhiệm của TC với vấn đề này, nhiều cuộc họp ngoại giao, nhiều thương thảo đã diễn ra. 

Gần đây nhất, tháng 8/2020, một cuộc họp thượng đỉnh về Hợp tác Lan thương - Mekong bao gồm TC , Lào, Thái Lan, Cambodia, Myanmar, và Việt Nam đã diễn ra. Tại cuộc họp này, Thủ tướng TC Lý Khắc Cường đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ chia sẻ thêm thông tin và dữ liệu về trữ lượng nước tại các con đập lớn của TC trên thượng nguồn dòng Mekong.

Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Lý Khắc Cường trong hội nghị rằng TC, trong khả năng của mình, mong muốn giúp các quốc gia thành viên của Hợp tác Lan thương – Mekong sử dụng nguồn nước trên con sông này sao cho tốt hơn.

Tin cũng được Reuters loan đi hôm thứ Hai, nói rằng đây là hứa hẹn của TC sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích gần đây là đã thao túng nguồn nước của dòng Mekong, phương hại cuộc sống của người dân ở các nước vùng hạ lưu.

Nhưng ngay khi các tuyên bố của TC lên mặt báo, hàng loạt chuyên gia quốc tế về Mekong và các chính trị gia đều không mấy tin tưởng vào lời hứa này. Để dẫn chứng, các nhà phân tích đã chứng minh rằng Uỷ hội sông Mekong đã ra đời suốt 25 năm, chủ yếu để cảnh báo và chặn lại hành vi xây đập liên tục ở thượng nguồn Mekong của TC, nhưng TC chưa bao giờ đếm xỉa tới tiếng nói của Uỷ hội này. 

Với Mekong, TC đắc địa ở thượng nguồn, xây tới 11 con đập cực lớn, chặn dòng Mekong ở thượng nguồn làm thuỷ điện. Dòng chảy của Mekong hoàn toàn bị đảo ngược, nắn chỉnh, và điều tiết bởi TC. 

Việc TC đột nhiên tham dự cuộc họp thượng đỉnh Hợp tác Lan thương - Mekong với lời hứa ngọt ngào giống như một mặc cả ngoại giao hơn là vì sinh kế của hàng triệu người dân và các nước nghèo Đông Nam Á. 

Cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng điện chưa từng có 2021 - 2022 tới đây, lời hứa của ‘kẻ cầm dao đằng chuôi’ là TC trong câu chuyện này càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Rất có thể, chúng ta sẽ phải chứng kiến khoảng thời gian ngập mặn kỷ lục, không cách nào khôi phục sau đó, ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của chúng ta.


Thuỷ Tiên 

________________


Alice Dupond g
ởi