"VIỆT NAM" NGHĨA LÀ GÌ?
Câu sấm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “ VIỆT NAM KHỞI TỔ XÂY NỀN “ sau đúng 300 năm đã ứng nghiệm vào năm 1802 Vua Gia Long đặt quốc hiệu nước ta là NAM VIỆT để sau hai năm 1804 đã đổi là VIỆT NAM
1/ Không ít người bây giờ vẫn tưởng "Việt Nam" nghĩa là "nước Nam của người Việt". Hoặc là, qua một số em sinh viên trẻ cho tôi biết ở trường giải thích: "Việt Nam" nghĩa là nước Việt nằm về phương Nam (so với Trung Quốc). Mắc giống gì mà danh xưng một quốc gia lại đi lấy một quốc gia khác làm "hệ qui chiếu"? Coi đi, quốc gia của người Hàn nằm về phía đông nước Trung Hoa, họ đâu giải thích nước họ là ... "Hàn Đông".
Ý nghĩa của hai chữ "Việt Nam" bấy lâu nay thường được diễn giải theo chủ quan của hậu thế, NHƯNG cho dù diễn giải vi diệu/hay ho/cao siêu tới đâu đi nữa thì - xin nhấn mạnh - hãy nhớ rằng tên nước VIỆT NAM 越 南 là do nhà Nguyễn đặt ra. Thành thử phải tìm hiểu nhà Nguyễn gọi vậy với ý nghĩa gì (chớ đừng nhét cách diễn giải của đời sau vào miệng tiền nhân)!
... Hệt như có một làn gió mát mẻ, hết sức khỏe khoắn sau khi tôi may mắn biết được ý nghĩa đích xác của tên nước "VIỆT NAM" khi Gia Long định danh.
"Việt" trong quốc danh "Việt Nam" 越 南, té ra không phải làm một với "Việt" trong quốc danh "Đại Việt" 大 越 (mặc dù nhìn vô mặt chữ hệt nhau)!
Nói nào ngay, "Việt" đàng nào cũng có cái hay, nhưng lại không giống nhau.
2/ VIỆT NAM trở thành quốc danh chính thức, lần đầu tiên, là vào đời vua Gia Long, năm 1804.
2a) Ban đầu, năm 1802, vua Gia Long đặt tên nước là "Nam Việt" 南 越.
Nhưng nhà Thanh e ngại hai chữ 南 越 (Nam Việt) lặp lại quốc danh "Nam Việt" mà Triệu Võ Đế (Triệu Đà, năm 204 trước công nguyên - năm 137 trước công nguyên) đặt ra, bấy giờ lãnh thổ không chỉ có Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đồng bằng sông Hồng cho tới Hà Tĩnh) mà bao trùm luôn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
2b) Để tránh sự e ngại từ nhà Thanh, vua Gia Long đã đổi "Nam Việt" thành VIỆT NAM (越 南).
Dầu "Nam Việt" hoặc "Việt Nam" cũng đều chung ý nghĩa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), sử gia nổi tiếng sống dưới thời vua Gia Long, có mặt trong đoàn xứ qua Trung Quốc đàm phán với nhà Thanh, cho biết:
"Việt Nam là quốc danh thích hợp để chỉ một lãnh thổ hợp nhứt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài”, "chúng ta (nhà Nguyễn) sở hữu đất của Việt Thường trước, và vùng An Nam được thêm vào sau đó".
Hai chữ VIỆT NAM là sự kết hợp giữa VIỆT (THƯỜNG) với (AN) NAM.
3/ Việt Thường là xứ mô?
Theo những sách cổ xưa như "Hậu Hán thư", "Thượng thư đại truyện", "Tư trị thông giám cương mục" thì nước Việt Thường 越 裳 nằm về phía nam Giao Chỉ.
Trong cuốn "Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập" thì xác định tên gọi VIỆT THƯỜNG "là tên cổ của xứ Champa"!
Một nguồn khác cho biết cách gọi "Việt Thường" là để chỉ lãnh thổ về phía nam của Giao Chỉ, bao gồm cả Phù Nam (sau này trở thành vùng Thủy Chân Lạp).
Khi Trịnh Hoài Đức viết "chúng ta sở hữu đất của Việt Thường 越 裳 trước", là nhằm ghi nhận các bậc tiền nhân của vua Gia Long (là các Chúa Nguyễn) đã hùng cứ tại Đàng Trong (Champa, Thủy Chân Lạp). Sau đó Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) đã "thêm vào vùng An Nam 安 南 " là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô (tức Đàng Ngoài).
4/ HÃNH DIỆN HAI CHỮ "VIỆT NAM"!
Trước đó, theo dòng lịch sử qua các đời Lý, Trần, Lê... cho dù tự xưng quốc danh "Đại Việt" đi nữa, tuy nhiên nước Trung Hoa không tôn trọng mà họ cứ gọi xứ sở (lấy Thăng Long làm kinh đô) là "An Nam" miết (và gọi các đời vua Lý, Trần, Hậu Lê đều là "An Nam quốc vương")!
Đến đời Hoàng đế Gia Long, ban đầu triều đình bên Trung Hoa ép vẫn phải dùng quốc danh "An Nam". Nhưng sứ giả của vua Gia Long không đồng ý.
Với quốc danh VIỆT NAM, quí bạn chú ý: Đây là LẦN ĐẦU TIÊN trong suốt lịch sử cả ngàn năm, Tàu đã phải từ bỏ cách gọi truyền kiếp "An Nam" đối với nước Việt chúng ta!
Đời nay chúng ta mỗi khi hãnh diện về hai chữ "Việt Nam" thì nên nhớ tới cái danh xưng đó do Hoàng đế Gia Long đặt ra. Đừng uống nước mà quên luôn cái nguồn quốc danh đó từ đâu, đừng bị nhiễm thói ăn cháo đá bát.
5/ THAY LỜI KẾT
"Việt" (trong "Đại Việt" 大 越 ) dùng để chỉ Việt tộc.
Còn "Việt" (trong "Việt Nam" 越 南 ) tuy cùng mặt chữ nhưng được lấy từ trong danh từ kép "Việt Thường" 越 裳 (định danh về địa lý).
Ghép chữ "Việt" (trong "Việt Thường") với "Nam" (trong "An Nam") thành quốc danh VIỆT NAM, là sự ghi nhận đàng hoàng về nguồn gốc của từng vùng lãnh thổ!
Qua đó, vua Gia Long cho thấy niềm hãnh diện trước việc hợp nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài. Lãnh thổ nước ta LẦN ĐẦU TIÊN trải rộng từ bắc chí nam, theo đường cái quan đi từ Quảng Ninh cho tới mũi Cà Mau thành đường cong chữ S.
Tắt một lời, VIỆT NAM là quốc danh mang ý nghĩa về SỰ HỢP NHỨT LÃNH THỔ.
Ý nghĩa nêu trên của hai chữ VIỆT NAM, thiệt hay hết sức, độc đáo hết sức trong tinh thần đoàn kết các cộng đồng dân tộc ./.
* Mời đọc bài: Thiếu lương thiện trong nhìn nhận tên Việt Nam
THIẾU LƯƠNG THIỆN trong nhìn nhận tên nước "VIỆT NAM"!
1.
Nhằm hất đổ vai trò của vua Gia Long trong việc đặt quốc danh (tên quốc gia), có mấy người mệnh danh là nhà nghiên cứu sử nhấn mạnh: "Hai chữ VIỆT NAM là do nhà Thanh bên Trung quốc ban cho". Lại thêm một nhà sư bình luận: "Việt Nam là tên do người Trung Quốc đặt, không phải Gia Long".
Mỉa mai thay, trong khi tìm cách phủ nhận vai trò của vua Gia Long, họ đang tự bày ra căn bịnh "Hán hóa" đã ăn sâu vô não. Hai chữ VIỆT NAM mà chúng ta yêu quý, theo sự chỉ bảo của những chuyên gia "Hán hóa" là hãy nhớ do Trung Quốc "ban cho", vậy nên... phải nhớ ơn Trung Quốc nhứt hạng chớ còn gì nữa!
Tôi không khỏi nhớ đến video ghi lại buổi thuyết pháp của một nhà sư nói rằng: "Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống là hỗn, vì Việt Nam là em, Trung quốc là anh".
Tôi đâm lo. Đâu phải người dân mình ai cũng hiểu sử, nghe mấy vị xuống tóc này kia thuyết pháp, rồi những kẻ khốn nạn manh danh giới nghiên cứu sử kiểu "Hán hóa", đất nước này sẽ trôi về đâu?
Thành thử tôi viết bài này, những mong được chia sẻ cho nhiều người cùng đọc để cùng nhau giải trừ ngộ nhận.
2.
Hiểu về cái sự "ban cho" quốc danh cách nào cho đúng?
Quí bạn có biết, vào đời vua Lý Nhân Tông (đời vua thứ tư của nhà Lý), nhà Tống bên Tàu vẫn còn gọi nước ta là ... Giao Chỉ quận (nghe mắc dịch không!), và ban cho vua Lý Nhân Tông chức "Giao Chỉ quận vương" - bất chấp trước đó, vào năm 1054 vua Lý Thánh Tông (đời vua thứ ba) đã đặt quốc danh nước ta là "Đại Việt".
Mãi đến năm 1164 nhà Tống bên Tàu ban cho cái lệnh đổi tên "Giao Chỉ" thành "An Nam" 安 南 , nâng cấp từ "quận" thành "quốc", và ban cho vua Lý Anh Tông (đời vua thứ sáu của nhà Lý) làm "An Nam quốc vương". Từ đó trở đi, Tàu gọi nước ta là "An Nam" bất chấp nước ta tự gọi là "Đại Việt"!
Cái tên gọi "An Nam" đầy sự trịch thượng của Tàu đã đeo đẳng cho hết đời nhà Lý, qua nhà Trần, rồi nhà Hậu Lê của nước ta. Và nước Tàu chỉ chấm dứt cái tên gọi "An Nam" ba trợn sau khi Hoàng đế Gia Long sai sứ sang đàm phán, đấu trí mấy phen!
3.
Bên cạnh cái sự "ban cho" tên nước, phong vương, nước Tàu còn đòi nước ta triều cống sản vật.
Triều cống, ban cho tên nước, xin phong vương... có làm nước ta mất độc lập hay không? Hoàn toàn KHÔNG!
Bởi vì tính chất độc lập thể hiện ít nhứt ở hai điều hệ trọng:
a/ Trung Quốc không có quyền nhúng tay vô sắp xếp nhân sự đầu não triều đình nước ta (chú ý: nếu Trung Quốc nhúng tay sắp xếp nhân sự, "độc lập" chỉ còn là cái vỏ hình thức không hơn không kém!);
Nước ta thời xưa chỉ có mỗi việc "xin phong vương" làm màu, cho đúng lễ tắc nước nhỏ với nước lớn, đúng phép ngoại giao hòa hiếu mà thôi.
b/ Hòa hiếu, đúng vậy, nhưng hễ Trung Quốc giở mòi cất quân xâm lược là đập lại ngay lập tức, đập không còn manh giáp.
Trong khoảng gần ngàn năm tự chủ (kể từ đời Ngô Quyền trở đi), mỗi lần Trung Quốc kéo binh qua nước ta, hùng hổ ban đầu nhưng sau đó bỏ chạy mất dép (tiền nhân chúng ta đánh thắng hết Tống tới Nguyên rồi Thanh, chỉ có quãng thời gian nước ta bị MINH tặc cai trị thì mất tiêu nền độc lập trong vòng 21 năm 1407-1428).
4.
Tôi lấy làm lạ, lẽ nào một số người mệnh danh nhà nghiên cứu sử mà họ không biết gì ráo về cái vụ nước Trung Hoa "ban cho" chỉ là lễ thức ngoại giao hay sao?
Ngay dưới thời Lý, Trần hiển hách chiến công đánh giặc phương Bắc tới cỡ đó, nhưng nước ta cũng vẫn xài cái mửng sai sứ qua Trung Quốc để xin "ban cho".
Chuyện nhà Thanh "ban cho", cũng vậy, chỉ là lễ thức ngoại giao cho có.
Vậy, mắc giống gì lấy cái thủ tục "ban cho" của nhà Thanh để khỏa lấp vai trò của Hoàng đế Gia Long trong việc đặt ra quốc danh VIỆT NAM?
Những kẻ nhấn mạnh vào thủ tục nhà Thanh "ban quốc danh", đã và đang cho thấy họ thiếu lương thiện trong tri thức không hơn không kém!
Không lẽ họ muốn đội lên đầu vĩnh viễn hai chữ "An Nam" mà người Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ trước đây gọi nước ta?
5.
Xin mọi người chú ý: ngay trong thủ tục "ban quốc danh" của nhà Thanh, lại minh chứng THẮNG LỢI cho nhà Nguyễn!
Thứ nhứt, nhà Nguyễn không chấp nhận cái trò ầu ơ ví dầu của Tàu kéo dài hàng bao nhiêu thế kỷ gọi nước ta là 安 南 "An Nam". Hoàng đế Gia Long sai sứ qua Trung Quốc đàm phán bỏ tên gọi "An Nam" đó đi.
Thứ hai, sứ nhà Nguyễn đưa quốc danh mới của nước ta là "Nam Việt" 南 越. Nhưng nhà Thanh e ngại quốc danh này nhắc nhớ tới nước Nam Việt vào thời Triệu Đà mà lãnh thổ nước Việt bao trùm luôn Quảng Tây, Quảng Đông.
Nhà Thanh muốn ép dùng lại tên gọi "An Nam". Bấy giờ vua Gia Long đã đánh tiếng nếu dùng dằng thì sẽ chấm dứt việc "xin phong vương" luôn. LẦN ĐẦU TIÊN trong suốt ngàn năm, nước Tàu buộc phải chấm dứt không còn gọi "An Nam" (mà chỉ yêu cầu đảo quốc danh "Nam Việt" thành "Việt Nam")!
Nhà Thanh sau đó được rửa mặt bằng thủ tục gọi là "ban cho quốc danh", theo đúng lễ thức ngoại giao bao đời trước kia giữa nước Tàu với nước ta.
Bất luận "Nam Việt" hay "Việt Nam" thì đây cũng là thắng lợi ngoại giao của sứ giả nhà Nguyễn - bởi, nên nhớ, Trung Quốc muôn đời họ quen thói trịch thượng, chỉ ưng gọi nước ta bằng cái tên "An Nam" mà thôi!
"Nam Việt", hoặc VIỆT NAM 越 南, thảy đều nằm trong mục tiêu của Hoàng đế Gia Long đặt quốc danh mới cho nước ta. Trong "Quốc sử quán nhà Nguyễn" đã giải thích: VIỆT NAM là quốc danh thích hợp với ý nghĩa đây là sự hợp nhứt lãnh thổ giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài.
----------------------------------------------------
(*) Một số nguồn tài liệu cho rằng hai chữ "Việt Nam" đã từng xuất hiện trong thư tịch xưa kia... XIN CHÚ Ý: "VIỆT NAM" trở thành QUỐC DANH (tên nước) thì chỉ bắt đầu vào đời Hoàng đế Gia Long mà thôi.
Theo tác giả AS Bùi
Hoang Nguyen gởi