Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Việt Nam: Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và những ‘hạt giống đỏ’

 
 


Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam sau kỳ họp bất thường lần thứ 4 Quốc hội khóa XV sáng 2/3 tại tòa nhà Quốc hội

 

Dư luận Việt Nam, trong những ngày gần đây, nhắc lại câu hỏi của các em học sinh đặt cho ban tư vấn tuyển sinh đại học ở tỉnh Nghệ An năm 2017, ‘Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư thì học trường nào?’.


Thời điểm đó, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng đây là câu hỏi hóc búa, theo tường thuật từ báo Tuổi Trẻ.


Tiến sĩ Công Hồng được trích dẫn nói với các học sinh trường đại học lớn nhất là “trường đời” và không có trường đại học nào đào tạo hai chức vụ này.


‘Hạt giống đỏ’


Tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có học vấn và quá trình làm việc khá giống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng có học hàm Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).


Trong khi đó, ông Võ Văn Thưởng tốt nghiệp ngành Triết học, Đại học Tổng hợp TP HCM, hiện nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.


Qua tiểu sử, ông Thưởng chỉ thuần hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau khi ra trường.


Quá trình công tác của ông Trọng và ông Thưởng cũng hoàn toàn trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ngày 02/03, phóng viên Đông Nam Á Jonathan Head viết trên BBC News, “Đáng chú ý, ông Thưởng có sự nghiệp hoàn toàn trong đảng [Đảng Cộng sản Việt Nam], và chuyên về chủ nghĩa Marx-Lenin”.


Sau đó ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (từ tháng 8/2011), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (4/2014 đến tháng 01/2016), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (02/2016 đến tháng 01/2021) và Thường trực Ban Bí thư (01/2021 đến 3/2023).


Nhận định về chuyển biến nhân sự của Việt Nam với BBC News Tiếng Việt, từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm cho rằng:


“Võ Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế biết tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo ngôn ngữ và tập quán chế độ.


“Võ Văn Thưởng dù biết mình bị “đặt đâu ngồi đó” vẫn vui vẻ tham dự cuộc chơi vì không muốn làm mất lòng ai. Ví dụ trường hợp Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng, có thể ví như ngây ngô và quỷ quyệt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại ngay, vì [Đảng] sợ sự thay đổi lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm nói với BBC.


Kỹ trị hay đảng trị?



Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Chụp lại hình ảnh,Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ kỷ niệm 93 năm thành lập vào ngày 26/03 tới đây


Trong bài phát biểu vào tháng 12/2022, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “Đội ngũ cán bộ Đoàn đông đảo, trẻ trung, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã và đang trở thành nguồn cán bộ kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp.”


Ở Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là “đội dự bị tin cậy của Đảng”. Lực lượng đoàn viên học sinh được xem là nguồn để phát triển đảng viên mới.


Nhiều người trong lĩnh vực nhà nước ở Việt Nam đã và đang chọn con đường ‘tiến thân’ bằng Đoàn Thanh niên, cụ thể hoạt động đoàn thể tích cực thay vì học tập, nâng cao chuyên môn.


Nhân tố tích cực hay còn gọi là “quần chúng ưu tú” trong hoạt động Đoàn Thanh niên sẽ được bố trí học lớp cảm tình Đảng, viết bài thu hoạch sau lớp học, hoặc những lớp trung cấp hoặc cao cấp lý luận chính trị, từ đó được tiến hành kết nạp đảng và sinh hoạt đảng bộ.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, sẽ chưa có một thế hệ kỹ trị cho Việt Nam trong vòng vài thập kỷ tới.


“Vì giới kỹ trị không thể làm chủ tình hình chính trị và ý hệ khi tự bản chất họ chỉ là chuyên gia, chờ chỉ đâu làm đó. Cái cần thiết để thay đổi là một thế hệ chính trị gia mới mang tham vọng quyền lực và nhiệt huyết cách mạng mới ngay trong lòng chế độ. Chuyện này là không thể có trong hoàn cảnh hiện nay – vì các lão thành biết điều này từ bản năng hệ thống.”


Một số thế hệ tiếp nối các cựu lãnh đạo hàng đầu ở Việt Nam đang giữ chức vụ trong Đoàn Thanh niên, như ông Nguyễn Minh Triết, con trai út của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Ông Nguyễn Minh Triết đã đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn (nhiệm kỳ 2022 – 2027).


Nhiều ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện cũng đi lên từ con đường Đoàn.


Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ kỷ niệm 92 năm thành lập vào ngày 26/03 tới đây.


“Chế độ này có cái trì lực (inertia) mạnh từ bối cảnh lịch sử khó khăn và đầy hãnh tiến, nên cái dư lực (momentum) sẽ còn tiếp tục cho đến khi tiêu thụ hết tinh thần sử tính từ 100 năm qua. Giống như Triều Nguyễn thế kỷ 19-20, chế độ này sẽ tồn tại by default [mặc định] cho đến khi có ngoại lực hay biến cố thế giới (ví dụ colonialism [chủ nghĩa thực dân]) làm nó sụp đổ”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm bình luận.


BBC

5 tháng 3 2023

__________



Đỗ Hứng gởi