Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

VIẾT SỬ TRONG TÙ 
 

Trong thời gian đi tù từ Nam đến Bắc, nhân các buổi thảo luận các bài học chính trị, tôi thường trình bày với đồng đội, lý do HK bỏ rơi đồng minh VNCH. Năm 1981, chỉ hơn một tháng sau ngày nhậm chức, TT Reagan giải thích sở dĩ những chiến binh Mỹ từ VN trở về không có chiến thắng, không phải họ bị đánh bại mà vì người ta không muốn họ thắng, đó là chiến lược của Mỹ trong giai đoạn “sau Việt Nam”. Nay Ronald Reagan, đưa nước Mỹ bước vào giai đoạn chiến lược “sau của sau Việt Nam”, 
 
Ngày 8/3/1983 trong diễn văn đọc tại Florida, Reagan gọi Liên Xô là “Đế quốc ma quỹ” (Evil Empire). Ông cho rằng chủ trương giành sức mạnh tột đỉnh cho nhà nước, với những quyền hạn tuyệt đối áp đặt lên cá nhân con người và mục tiêu cuối cùng là thống trị nhân dân toàn thế giới, rõ ràng là họ là nơi tập trung mọi điều độc ác trong thế giới hiện đại. Reagan đoan quyết với quốc dân: “Chúng ta phải tỏ ra có khả năng đối phó với sự thách thức đó. Tôi tin rằng chủ nghĩa cộng sản là một chương sử khác đau buồn, kỳ quặc mà những trang cuối đang được viết….” (I believe that Communism is another sad, bizarre chapter in history whose last pages even now are being written…” (Ronald Reagan, An American Life, Arrow Books, London, 1990, P.567-570) 
 
Từ đầu năm 1980, tình hình ở trại cải tạo K4 Tân Lập trở nên vui nhộn, các đồng đội lớn tuổi, bệnh tật lần lượt được phóng thích; sau đó vài ba tháng lại có một đợt phóng thích các anh em còn khỏe mạnh. Số được trả tự do rất ít, khoảng 20 người, nhưng ai cũng hy vọng mình sẽ trúng số trong các đợt phóng thích kế tiếp. Đến cuối năm 1981, đầu năm 1982 một số đồng đội lần lượt được chuyển về trại Z30 Hàm Tân, một số đồng đội khác từ các phân trại K1, K2 và K3 cũng lần lượt chuyển đến phân trại K4 để chuẩn bị di chuyển về Nam. Tôi có dịp tiếp xúc thêm nhiều đồng đội, trong khi đó, tin tức từ các gia đình trong Nam ra Bắc thăm nuôi thân nhân, cho biết họ nghe tin chính quyền đã thoả thuận trao trả tù cải tạo cho Mỹ. 
 
Một số đồng đội, được cán bộ quản giáo cho biết họ không chuyển trại vào Nam mà sẽ được phóng thích sau vụ mùa cuối năm 1982. Nhiều anh em nhờ cán bộ, nhân các chuyến đưa tù cải tạo về Nam, đến thăm gia đình họ báo tin vui, dĩ nhiên số cán bộ này được quà biếu. Từ giữa năm 1982 việc chuyển tù, từ K4 vào Nam chấm dứt, số trại viên từ khoảng 500 nay chỉ còn khoảng chưa tới 100, chờ ngày phóng thích. 
 
Nhờ các đợt chuyển tù vào Nam, tiếp xúc với gia đình một số người cải tạo, thái độ của cán bộ hoàn toàn thay đổi. Trước đó họ không tin những gì chúng tôi nói về miền Nam, nhưng nay được vào miền Nam, họ xác nhận “các anh nói đúng”. Từ đó, mỗi khi xuất trại lao động, họ không còn theo dõi như lúc trước. 
 
Trại còn tổ chức đội bóng của cải tạo, đấu giao hữu với đội bóng cán bộ, một anh vệ binh ngồi bên cạnh tôi và anh Đinh Phụng Tiến (Việt Nam Thông Tấn Xã), hỏi chúng tôi: “Sau khi được trả tự do, các anh có chiến đấu trở lại hay không? Anh Tiến trả lời: “Trong trận đá bóng, đội chúng tôi đã bị loại khỏi sân vì kém kỹ thuật, thiếu hiệp đồng, nhà dìu dắt không biết chỉ đạo nên đã thua”. Anh vệ binh lại hỏi tiếp: “Nhưng rút kinh nghiệm xong các anh lại ra sân?” Dù câu hỏi chân thành trong không khí cổi mở riêng tư, song chúng chúng tôi trả lời dè dặt nước đôi: “Chúng tôi đã nhường sân cho đội thắng biểu diễn, đội thua phải bị loại là qui luật”.
 
Trong thời gian ở K4 năm 1980 tôi đọc báo Nhân Dân có đăng bài phỏng vấn Lê Đức Thọ liên quan đến quyển hồi ký của Tiến sĩ Henry Kissinger về vấn đề Campuchia trong cuộc đàm phán Paris. Bài báo đã bổ túc những hiểu biết trước đây khiến tôi xác nhận cuộc chiến Campuchia chỉ là cuộc chiến Việt Nam kéo dài. Vì cuộc chiến còn tiếp diễn, nghĩa là trách nhiệm vẫn còn, tôi nghĩ rằng những năm tháng dài trong lao tù là một cơ hội tốt, nơi đây thiếu thốn mọi thứ nhưng có rộng thì giờ để bình tâm suy nghĩ. Tôi phải đúc kết những dữ kiện lịch sử và cố gắng tập trung những hiểu biết để thực hiện một bản tổng hợp cuối cùng về cuộc chiến của chúng ta.
 
Tôi may mắn hơn các bạn đồng cảnh ngộ, ngồi quay lò rèn, có nước chè tươi, có khoai sắn bồi dưỡng vì giúp cán bộ vệ binh rèn dao mài kéo, có nước nóng tắm mỗi ngày. Buổi chiều hoặc ngày chủ nhật, tôi cùng anh Mai Trọng Thản, Tổng thanh tra Bộ Thông tin, tham khảo quyển sách viết về chủ nghĩa cộng sản của Lenin hoặc bàn chuyện thời sự chính trị với Bác sĩ Phạm Văn Thịnh để biết được tin tức từ đài VOA, BBC do anh Nguyễn Uyên cho biết. Bác sĩ Thịnh và anh Uyên sống riêng trong bệnh xá, anh Uyên biết sửa radio nên vệ binh thường nhờ anh, do đó anh biết tin tức từ đài BBC và VOA. Tôi cũng thường chia sẻ nổi vui buồn với các bạn cũ ở CDEC: Phó Hồng Hải, Vũ Ngọc Tiêu, Trần Minh Triết, đặc biệt là anh Nguyễn Tầm, lớn hơn tôi 5 tuổi, anh rất thâm trầm sâu sắc. 
 
Năm 1973 anh Tầm trúng tuyển khóa 20 QGHC, khi vào vấn đáp, giáo sư Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng, hỏi anh đã đọc Kế hoạch Hậu chiến của chính phủ chưa và nhận xét như thế nào? Anh trả lời: Kế hoạch đó không thể thực hiện được vì hai lý do, một là những dữ kiện làm co sở của kế hoạch thu thập trong thời chiến nên không chính xác, hai là kế hoạch hậu chiến nhưng đất nước chưa ở thời hậu chiến thì làm sao thực hiện được.
 
Giáo sư Hảo hỏi:
-Anh có biết là ai tác giả kế hoạch đó? Anh Tầm trả lời: Giáo sư!.
 
Cuối cùng Giáo sư Hảo nói: Tôi không phỏng vấn mà chỉ hỏi, trong quân đội anh phụ trách công tác gì? Anh Tầm trả lời: Tôi làm việc ở ban nghiên cứu chiến lược Trung tâm Khai thác Tài liệu hỗn hợp.  
 
Người bạn hiểu được hoài bảo của tôi là anh Lê Đình Luyện (khóa 1 Chính trị Kinh doanh Đà Lạt) một người khi khái thường “nẹt” thẳng cán bộ, vệ binh mỗi khi họ làm anh bực mình. Mỗi khi đến lò rèn, sửa xe đạp cho cán bộ, vệ binh, anh thường đến nói nhỏ với tôi: Cụ quay lò mà suy tư chuyện đại sự quốc gia.
 
Quả thực, ngồi quay lò, tôi phác họa dàn bài quyển sử, nhớ lại những dữ kiện lịch sử mà tôi ghi nhận trước đây, ghi lại những gì tôi giải bày với đồng đội trong tù, những ý tưởng mới vừa nẩy sinh…
 
Tất cả tôi ghi tóm tắt vào giấy để khỏi quên và có dịp bổ túc thêm. Tôi làm thư ký của đội, ghi biên bản các buổi học tập chính trị, sinh hoạt đội và thống kê các sản phẩm của đội xây dựng là đội chủ lực của trại, nhờ đó tôi có một lọ mực và giấy bút. 
 
Trong các buổi tối sinh hoạt đội, các anh em cứ nghỉ ngơi thoải mái, trong khi tôi viết biên bản, mọi người đều hăng say phát biểu có chất lượng, thật ra tôi chỉ dựa vào các biên bản cũ.
 
Vệ binh đi gát bên ngoài thấy tôi cậm cụi viết, hỏi lớn; “Anh kia viết gì thế?”. Tôi trả lời: viết biên bản sinh hoạt đội. Anh ta nói:
 
Tắt đèn, ngủ đi, sáng mai rồi viết.
 
Trại cũng thường tập họp kiểm tra tư trang trại viên, tôi bày ra một xắp giấy, đến chỗ tôi, cán bộ nói: “Ối giời, cái anh Lâm này, hết báo cáo thi đua, lại biên bản thống kê...”
 
Nhờ thế tôi thoải mái viết sử trong tù, an nhiên tự tại
 
“Thử xem tạo hóa xoay vần ra sao?”
 
Trong giai đoạn này có một điều đau buồn là cái chết thảm thương của một đồng đội: anh Nam thuộc đội Lâm sản bị cây đè chết. Buổi sáng hôm đó, khi các đội ngồi yên chờ cán bộ trực điểm danh xuất trại lao động, anh Nam ngồi đầu hàng đội lâm sản, tự nhiên anh đứng lên, quay đầu nhìn quanh các đồng đội ngổi phía sau, rồi ngồi xuống. Phải chăng anh Nam đã chào vĩnh biệt đồng đội vì buổi trưa hôm đó anh tử nạn? 
 
Cuối năm 1982, tôi được phóng thích.
 
Mùng Ba Tết năm Giáp Tý 1984 tôi
 
vượt biên đến Mã Lai và định cư ở Sydney, Úc Châu từ đầu tháng 10, 1984
 
Từ thời điểm này tôi tiếp tục nghiên
 
cứu cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến
 
này chưa chấm dứt ngày 30/4/1975
 
mà màn kế tiếp rất hấp dẫn, đầy ngạc
 
nhiên khi thấy các nước CS anh em
 
lại trở mặt đánh nhau. Mới ngày nào,
 
vào trại cải tạo, bài học chính trị đầu
 
tiên của CS truyền đạt là “Đế quốc
 
Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại”. Nay Trung Cộng lại cho
 
rằng “Đế quốc xã hội chủ nghĩa là kẻ
 
 thù nguy hiểm nhất của loài người”. 
 
Theo tôi, cục diện đất nước phải trải qua hai giai đoạn được trình bày trong quyển Việt Nam: Thắng và Bại - Mất và Còn được ấn hành hồi tháng Năm năm 1987, ghi lại những gì tôi đã tâm tình với đồng đội trong tù. Trong đó, tôi nhận định Thắng sẽ đưa đến Bại, cuối cùng là tiêu vong. Còn Bại, tạm thời Mất tất cả nhưng kết cuộc lại Còn. 
 
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối thập niên 1980, đề cập việc đất nước Mất và Còn là quá sớm, độc giả có thể cho đó là ý nghĩ hoang tưởng, tựa như mơ giữa ban ngày. Hoặc cho rằng đây là lập luận của kẻ bại trận nay muốn phục thù, nhưng đây không phải là ý định của tác giả. Vã lại, Cộng sản VN đã toàn thắng, họ tập trung cả triệu quân nhân công chức vào trại cải tạo. Tại Mỹ, ý nghĩ bại trận hầu như chế ngự trong dư luận, đến độ người ta không ngừng cổ vũ cho khẩu hiệu “không để xảy ra một vụ Việt Nam khác nữa” (No More Vietnam). 
 
Trong giai đoạn chuyển tiếp, phải luận bàn về lẽ thắng bại trước đã, việc mất còn sẽ đề cập sau. Đối với lịch sử dân tộc, đó là một đoạn đường dài. Thắng bại là lẽ thường tình. Sự tồn vong của Đất Nước mới là điều trọng đại, thiêng liêng. Trong giai đoạn chuyển tiếp, phải luận bàn về lẽ thắng bại trước đã, việc mất còn sẽ đề cập sau. Đối với lịch sử dân tộc, đó là một đoạn đường dài. Thắng bại là lẽ thường tình. Sự tồn vong của Đất Nước mới là điều trọng đại, thiêng liêng. 
 
Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ chiến thắng chiến tranh lạnh, trong khi qua thỏa ước Thành Đô tháng 9/1990, Việt Nam lệ thuộc toàn diện vào Trung Cộng. Ông Nguyễn Cơ Thạch -Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhận định: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu”. 
 
Hiệp định Paris 1973 thất bại ở VN, nhưng Hoa Kỳ xữ dụng tinh thần của hiệp định này: tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và không can dự vào công việc nội bộ của nhau để tạo cơ sở cho Định ước Helsinski ngày 1/8/1975, đưa đến Hội nghị An ninh và Hợp tác toàn Âu (CSCE). Định ước Helsinsi đã trói tay Liên Xô, không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan và các nước Đông Âu, các nước này thực hiện quyền tự quyết dân tộc thoát khỏi sự kềm kẹp của Liên Xô.
 
HĐ Paris 1973 tưởng đi vào quên lãng, nhưng HĐ Paris 1991 về Campuchia rập khuôn HĐ Paris 1973 về VN, lại giúp Hun Sen từ bỏ chủ nghĩa xã hội, Campuchia trở lại chế độ Quân chủ Lập hiến như thời Sihanouk với chế độ đa đảng.  
 
Quyển Việt Nam Thắng và Bại (không còn vế Mất và Còn) được hoàn chỉnh lại, phong phú và xúc tích hơn, được xuất bản năm 1993. Sách dày hơn 1000 trang được Giáo sư Vũ Quốc Thúc viết lời Tựa và Giáo sư  Lê Tấn Lợi viết Cảm Đề “Việt Nam Thắng Bại Luận”. Mười bảy năm sau, năm 2010 Giáo sư Vũ Quốc Thúc phát hành hồi ký Thời Đại Của Tôi Cuốn 1: Nhìn lại 100 năm lịch sử, tôi được hân hạnh viết lời giới thiệu Cuốn 2 Đời Tôi Trải qua Các Thời biến Lịch sử. Sử lược Việt Nam Thời Cận Đại lấy khởi điểm 1920 là năm sinh của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (Quốc tế 3) cũng là năm Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc diện thế giới. Năm 2020 là năm Giáo sư Vũ Quốc Thúc, một chứng nhân lịch sử, đã cống hiến cả cuộc đời phục vụ dân tộc vẫn còn tại thế. 
 
Kính thưa Bác sĩ Trần Văn Tích,
 
Trong Email hồi cuối năm 2021, Bác sĩ viết:  Anh Lê Quế Lâm thân mến, Anh đang biên soạn bộ Lược sử. Xin Anh cho biết Lược sử có chấp nhận là Corps Expéditionnaire trong giai đoạn 1945-1955 đi hành quân tiểu trừ Việt Minh đã từng hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản và đốt nhà dân chúng không. Tôi vừa viết một bài đề cập đến vấn đề này, trong bài có nhắc đến CDEC, CMEC v.v.. Kính mời xem. 
 
Kính thưa Bác sĩ,
 
Tôi ngưỡng mộ khí tiết của sử gia Phạm Văn Sơn khi viết về việc Quân viễn chinh Pháp hãm-hiếp phụ nữ. Đây là sự thật lịch sử, được nhiều người chứng kiến, nhưng rất tiếc giờ đây “có người nặng lời qui tội cho cố Đại tá Sử gia Phạm Văn Sơn là ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.
 
Là tác giả Sử Lược đất nước thời cận đại, tôi thừa nhận các tội ác của Corps Expéditionnnaire trong giai đoạn 1945-1955 là có thật, nhưng tôi lại nhìn các hoạt động của Lực lượng Viễn chinh Pháp vào thời điểm trên theo quan điểm Nhân Quả Lịch sử.
 
Tháng 3/1945 Nhật đã lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Sau khi Thế chiến II chấm dứt, theo quyết định của Đồng minh thắng trận, Pháp trở lại thuộc địa, thương thảo với người bản xứ để trao trả độc lập cho các thuộc địa. Pháp đã thương thuyết với Việt Minh ở Nam Kỳ và ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc, nhưng đều thất bại, do đó Pháp phải thương lượng với người quốc gia. Qua Hiệp ước Élysée 8/3/1949 giữa TT Vinennt Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại, Pháp đã công nhận nước Việt Nam độc lập và thống nhất trong khối Liên Hiệp Pháp.
 
Một chương sử mới được mở ra, những tàn tích của thời quá khứ từng bước được kết toán song phẳng theo quy luật nhân quả, có vay tất phải trả, để kết thúc thời thực dân. Hơn 80 năm trước, Pháp xâm chiếm Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên của đất nước ta để phục vụ nước Pháp. Nay họ có bổn phận gởi quân viễn chinh đến chiến đấu bên cạnh Quân đội Quốc gia Việt Nam còn non trẻ, để bảo vệ nền độc lập và tự do cho dân tộc Việt khỏi lọt vào tay Việt Minh cộng sản được Nga Tàu giúp đỡ. Vì thế nước Pháp đã phải gánh chịu một cuộc chiến đầy tốn kém và tổn thất nhân lực nặng nề.
 
Từ 1949 đến đầu năm 1954, số quân viễn chinh Pháp bị thương vong và mất tích lên đến 120 ngàn. Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny dù đã về hưu nhưng vẫn xin được sang VN để cùng chiến đấu với đứa con duy nhất đang phục vụ ở đây. Trung uý Bernard de Lattre de Tassigny đã tử trận khi trấn giữa một căn cứ quân sự ở đồng bằng sông Hồng.
 
Tổng kết cuộc chiến, số thương vong và mất tich của Quân Viễn chinh Pháp lên đến 140 ngàn, trong khi số tổn thất của ba nước liên kết Đông Dương chỉ khoảng 30 ngàn. Pháp cũng chi cho cuộc chiến Việt Nam 3000 tỉ frans tương đương 7 tỉ USD, gấp nhiều lần số tiền mà Pháp đã nhận của Mỹ qua kế hoạch Marshall. Pháp đã trả xong món nợ Việt Nam trước khi rút khỏi nước này vào năm 1955.  
 
Trên đây là tấm chân tình của tôi đối với người “bà con” niên trưởng trong ngành, tài ba đức độ, Bác sĩ Trần Văn Tích. Tôi không giờ quên ơn Bác sĩ và Đại tá Quân Y Trần Ngươn Phiêu là Điều hợp Hội đồng Tuyển lựa và Trưởng ban Tổ chức Giải Văn Học đầu tiên của Hội Quốc tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do, trao giải Văn Học Đại hội Los Angeles năm 2002 cho quyển Việt Nam Thắng Và Bại. 
 
Đầu năm Nhâm Dần 2022, tôi kính chúc Bác sĩ An Khang Trường Thọ và Bửu quyến được nhiều Hạnh Lộc.
 
 
Kính thư,
 
Lê Quế Lâm (Australia)   

_____________________


Đỗ Hứng gởi