Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Viết về trưởng lão H.T Thích Quảng Độ đệ ngũ Tăng Thống GHPGVNTN




 


 

THƯƠNG TIẾC VỊ CHÂN TU VÔ UÝ



Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN) viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 nhằm ngày 29/1 năm Canh Tý, Phật lịch 2563 tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Hưởng thọ 92 tuổi.

Hoà thượng Thích Quảng Độ là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN), một giáo hội không được nhà nước Việt Nam thừa nhận vì luôn khẳng định sự độc lập trong tinh thần tín ngưỡng và từ chối mọi sự thỏa hiệp với nhà nước vô thần. Ngài đã bị chính quyền Việt Nam sau 1975 bỏ tù nhiều năm, bị lưu giam ở Thái Bình trong giai đoạn 1970 - 1980. Vào năm 1995 hòa thượng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và bị phạt tù 5 năm và 5 năm quản chế với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Ngài cũng từng bị bắt giam trở lại sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt vài năm 2007.

Năm 2018 có tin ngài không còn được lưu trú ở Thanh Minh Thiền Viện( Phú Nhuận, Sài Gòn) và phải quay về lại Thái Bình. Nhưng rồi ít lâu sau đó, ngài bí mật quay lại bằng xe lửa đường dài (do không được nhà nước cấp bất kỳ giấy tờ nào) và đến an trú tại chùa Từ Hiếu, cho đến khi viên tịch.

Với người dân miền Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng của một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, và con người.

Lý do chính giới quốc tế nhiều lần đề cử giải Nobel Hòa Bình cho hòa thượng Thích Quảng Độ, vì ngài đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hoà bình, nhân quyền, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ từng được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền năm 2006. Cùng năm, Ngài được nhận giải Can Đảm vì Dân Chủ do Phong Trào Dân Chủ Thế Giới trao tặng. Trước đó, năm 2003, Ngài từng lãnh giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và linh mục Nguyễn Văn Lý.

Hòa thượng Thích Quảng Độ từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể: Kinh Mục Liên Sám Pháp; Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân; Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân); Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện); Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964; Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận; Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận; Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập); Phật Quang Đại Từ điển (9 tập); Chiến tranh và bất bạo động; Thơ trong tù (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 Mậu Ngọ); Thơ lưu đày (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Sự ra đi của hòa thượng Thích Quảng Độ, là sự mất mát lớn của Phật giáo Việt Nam, giữa lúc các hoạt động giả tôn giáo được tổ chức mạnh mẽ để huyễn hoặc dân chúng từ sự yểm trợ của nhà nước vô thần.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh

 

_____________________________





 



 

BỒ TÁT VÔ UÝ



(Thiền sư Nhất Hạnh viết về Hòa thượng Thích Quảng Độ)


Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ. Bài thơ như sau:

“Không có cái gì quý hơn cái bánh bao

Ăn ngon miệng, trông đẹp mắt làm sao!
Đang cơn đói ruột như cào
Bếp cho một cái, xực vào sướng ghê.
Bây giờ cái bụng căng thẳng no nê
Lim dim cặp mắt đi vào cõi mê Nhưng lạ thay
Tỉnh dậy nghe mùi khê khê
Và băng-ta-lông thấy dầm dề
Đúng rồi!
Thì ra tôi đã tê rê ra quần
Táo quân ơi hỡi táo quân
Tự do hạnh phút có ngần ấy thôi!”
(Cái bánh bao)


Thầy Quảng Độ trong khi ở tù và chịu đói vẫn còn đầy đủ tinh thần hài hước và trong cái hài hước đó còn có cái gan dạ tầy trời.

Tự do hạnh phút có ngần ấy thôi!

Tự do và hạnh phúc hứa hẹn chỉ là một cái bánh bao trong giấc mơ. Thầy chẳng biết sợ là gì. Cả với thần chết Thầy cũng không sợ.

Có một lần nằm trong xà lim quán chiếu về cái chết của chính mình, thầy đã cười lớn. Thầy ngồi nói chuyện với tử thần một cách thanh thản, và còn nhận xét rằng thần chết cũng không dữ dằn gì mấy, trái lại còn có vẻ hiền hiền, so với những người trần gian mà tâm trạng đầy dẫy tham sân si. Tử thần trước khi rời Thầy đã hôn Thầy âu yếm trước khi từ biệt. Ta đã đọc bài thơ “Nói chuyện với tử thần” sau đây:

“Xà lim trông hệt cái nhà mồ

Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần, tôi sợ con cóc khô
Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ
Nửa đêm đập cửa tôi mời “dô”
Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói
Tử thần khoái trá cười hô hô
Trong khi vui vẻ tôi trò chuyện
Tử thần đắc ý nói huyên thuyên
Trần gian địa ngục ham chi nữa
Thôi hãy bay mau vào cõi tiên
Tớ xem tướng cậu cũng hiền hiền
Mà sao thiên hạ sợ như điên
Mỗi lần thấy cậu lò dò tới
Chúng nó hè nhau bỏ tổ tiên
Ấy cũng bởi vì chúng nó điên
Chớ anh coi tướng ta rất hiền
Đứa nào hết số ta mới rớ
Bảo chúng làm ăn đừng có phiền.
Tớ đây tuy có chút lo phiền
Nhưng mà cũng chẳng ham cõi tiên
Trần gian địa ngục tớ cứ ở
Mê loạn cuồng say với lũ điên
Trần gian ta thấy bết hơn tiên
Thân bị gông cùm tâm chẳng yên
Sống trong hồi hộp trong lo sợ
Dẫu phải thánh hiền cũng phải điên
Trần gian tớ thấy béo hơn tiên
Ấy cũng bởi chúng có giấy tiền
Kim cỗ ngàn đời người vẫn thế
Có tiền đầy túi nó mua tiên
Mọi người còn đắm mộng triền miên
Hạ tuần trăng đã dọi vào hiên
Tử thần âu yếm hôn tôi biệt
Phóng ngựa ma trơi về hoàng tuyền

Còn một mình tôi vào cõi thiền
Lâng lâng tự tại cảnh vô biên
Bồ Đề phiền não đều không tịch
Niết Bàn sinh tử vốn vô biên”
(Nói chuyện với tử thần)


Thầy Quảng Độ không sợ thần chết, không phải vì thấy mình mạnh hơn thần chết. Các vô úy của Thầy do thiền quán mà có. Thầy đã nhiều lần thực tập quán chiếu bản chất của cái sống và cái chết. Thầy đã thấy sống và chết tương tức, nương nhau mà biểu hiện, không có cái này thì không có cái kia. Trong một giây phút quán chiếu, Thầy thấy đang sống cũng là đang chết và trong tự thân Thầy cái chết và cái sống đang đồng thời có mặt. Ta hãy đọc bài hát nói Sống Chết sau đây để có một ý niệm về cái chết và cái thấy của Thầy.

“Mưỡu: Đời người như một giấc mơ

Tỉnh ra mái tóc bạc phơ trên đầu
Tuyệt mù xanh thẵm ngàn dâu
Gió tung cát bụi tìm đâu lối về
Nói: Sống là thực hay là ảo mộng
Chết đau buồn nhưng chính thực yên vui
Cứ hàng đêm tôi nghĩ mãi không thôi
Chẵng biết nữa mình đang sống hay là chết
Hoàng lương nhất mộng phù du kiếp
Sinh tử bi hoan thục giác tri
Sống với chết là cái chi chi
Lý huyền nhiệm ngàn xưa mấy ai từng biết
Có lẽ sống cũng là đang chết
Bởi sống cũng trong tôi mà chết cũng trong tôi
Chết đeo mang từ lúc thai phôi
Nào đâu phải đến nấm mồ mới chết
Vì lẽ ấy sống: tôi không sợ chết
Vẫn thung dung sống chết từng giây
Nhìn cuộc sương, tuyết, khói mây
Lòng thanh thản như chim hoa người gỗ
Giữa biển trầm luân gió đồi sóng vỗ
Thân tùng kia xanh ngắt từng cao
Sống với chết nào khác chiêm bao
Lý nhất dị là hào quang bất diệt
Cũng có lẽ chết hẵn rồi mới biết
Sống đau buồn mà chết thật yên vui
Xin đừng sợ chết ai ơi!”
(Sống chết)


Đã không sợ chết, đã thấy được tính tương duyên của sanh tử, thầy Quảng Độ có lý nào còn sợ và sợ ai, kể cả tù đầy, gông cùm và sự dọa nạt. Có một số vị xuất gia không có được đức vô úy của Thầy lại cho Thầy là dại, tại sao cứ lớn tiếng đòi nhân quyền, tại sao cứ lên tiếng chống độc tài áp bức, tại sao cứ phải đấu tranh cho sự tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để rồi chuốc họa vào thân? Phải chăng Thầy lên tiếng bởi Thầy sân si? Họ nói: tu hành thì phải nhẫn nhục, lấy trứng mà chọi đá ít gì? Tại sao không thấy mũ ni che tai cho khỏe? Thầy Quảng Độ trả lời họ trong bài thơ Sân Si như sau:

“Có một số tăng ni

Bảo là tôi sân si
Tu hành chẳng nhẫn nhục
Không hỉ xả từ bi
Luật vô thường là thế
Có thịnh thì có suy
Nay gặp thời mạt pháp
Đạo tất phải suy vi
Đó chính là chân lý
Buồn phiền mà làm chi
Chùa tượng thuộc hình tướng
Phật Pháp vốn vô vi
Ai phá mặt họ phá
Phật Pháp có hề gì
Tu hành nên nhẫn nhục
Trứng chọi đá ích chi?
Không gì hơn sự sống
Hãy sống với mũ ni
Xin cúi đầu phục mệnh
Lạy Đức Phật từ bi
Sự sống quý như thế
Mà sao con vô tri
Từ nay con vui sống
Dù sống chẳng ra gì
Miễn như mọi người khác
Khỏi mang tiếng sân si”
(Sân Si)


Một số lớn trong chúng ta là người hèn nhát. Chúng ta không có được cái tuệ giác và cái vô úy của thầy Quảng Độ. Lịch sử sẽ phê phán chúng ta như thế nào? Bằng đức vô úy lớn lao, thầy Quảng Độ đã cứu chuộc được cho tất cả chúng ta. Có thầy Quảng Độ ta mới dám ngửa mặt lên nhìn người và mới dám nhìn thẳng vào con mắt của con cháu chúng ta.

Thầy Quảng Độ là vị Bồ Tát có khả năng cứu chuộc được cho tất cả chúng ta, gột sạch được cho thế hệ ta cái tội hèn nhát không dám lên tiếng trước bạo lực, áp bức và độc tài. Tôi không bao giờ dám nghĩ là thầy Quảng Độ sân si. Tôi nghiêng mình trước tuệ giác và đức vô úy của Thầy. Cũng may là lịch sử hiện đại còn có thầy Quảng Độ và một số các thầy và các đạo hữu khác, hữu danh hay vô danh, có tầm vóc của những vị Bồ Tát. Tôi rất hãnh diện vì sự có mặt của họ. Tôi không nghĩ rằng thầy Quảng Độ là trứng chọi với đá. Tôi thấy Thầy là kim cương. Đá không thể nào làm tổn hại được kim cương. Thầy là kim cương bất hoại dù hình hài Thầy còn hay không còn hiển hiện.

Thầy Quảng Độ là một trong những vị cao tăng của thời đại chúng ta. Thầy là một vị chân tu, thẳng thắn, chân thật không màng danh lợi, học và hạnh kiêm toàn.

Thầy Quảng Độ ơi, có Thầy cho nên chúng tôi và con cháu của Thầy sẽ không còn để cho sự hèn nhát kéo lôi và làm tê liệt. Con cháu của Thầy sẽ tiếp nối được tinh thần đạo đức và vô úy của Thầy. Xin Thầy cứ yên tâm.

(Sư Ông Làng Mai - Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

P/S: Con đăng lại bài viết của Thầy Nhất Hạnh về Thầy Quảng Độ như một nén tâm hương dâng lên giác linh Hoà thượng. Ngưỡng mong Hoà thượng thong dong trời phương ngoại.


 

____________________________________





 

 

THÍCH QUẢNG ĐỘ

NHỮNG NGÀY THÁNG BIẾN ĐỘNG...1928-2020



Tại sao Hòa thượng Thích Quảng Độ bị ngược đãi và nằm trong tầm ngắm chính quyền suốt từ 1975 cho đến ngày ông mất? Đó là vì ông bất tuân hợp tác và kiên định không cúi đầu. Thái độ cứng rắn dứt khoát không khoan nhượng của ông là sự phản hồi trước sự đàn áp dữ dội của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN) sau 1975…

Ngay sau 30-4-1975, GHPGVNTN lập tức trở thành một trong những mục tiêu số một được nhắm đến. Chùa chiền bị chiếm. Sư sãi bị “đi cải tạo”. Các cơ sở tôn giáo bị tịch thu. Một trong những sự kiện chấn động đầu tiên như một phản ứng trước các chiến dịch đàn áp Phật giáo là vụ tự thiêu của 12 tu sĩ chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 22-11-1975. Trong bản tuyên bố để lại, Đại đức Thích Tuệ Hiền viết: “Chúng tôi sắp sửa thể hiện sự thiêu thân để bảo toàn Chánh Pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới tu sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức, những người với lòng lang dạ thú… Chúng tôi, Tăng Ni chùa Dược Sư, tha thiết kêu gọi quý vị hãy tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả mọi tôn giáo…”.

Đã chẳng có sự “tự do tín ngưỡng” nào được tôn trọng. Thậm chí, tình hình sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam ngày càng tệ hơn. Chưa đầy một năm sau sự kiện tự thiêu nói trên, ngày 22-7-1976, bằng Quyết định số 310/TTG với chữ ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chính quyền bắt đầu bắt buộc tu sĩ từ 18-25 tuổi phải “thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Ngày 9-2-1977, Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Trí Thủ gửi Văn thư 0031/VHĐ/VP đến Phạm Văn Đồng. Hai tháng sau, chính quyền “trả lời” bằng việc mở một chiến dịch quy mô vây bắt hàng loạt chức sắc Phật giáo trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thượng tọa Thích Thông Bửu (quyền Tổng vụ trưởng Tổng vụ cư sĩ), Hòa thượng Thích Quảng Độ (Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo)…

Sự đàn áp Phật giáo được thực hiện dữ dội và khốc liệt, như thể GHPGVNTN nói riêng và Phật giáo nói chung là lực lượng đối lập “nguy hiểm” cần phải bị tiêu diệt. Không chỉ tống Hòa thượng Thích Thiện Minh ra khỏi chùa, chính quyền còn ra lệnh tất cả chùa chiền không được “chứa chấp” hòa thượng này. Cuối cùng, tháng 4-1978, thầy Thích Thiện Minh bị bắt và giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó, ông được đưa qua Chí Hòa và bị tra tấn đến chết. Như một cách phi tang chứng cứ, công an đưa xác thầy Thích Thiện Minh ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, thầy Thích Trí Thủ được thông báo đi nhận xác. Thi thể thầy Thiện Minh vẫn còn đầy vết bầm sưng tím và có dấu hiệu của xiết cổ…

Ngày 9-12-1978, chính quyền tổ chức phiên tòa xét xử tội “chống đối nhà nước và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng” đối với các tăng sĩ bị bắt một năm rưỡi trước đó. Thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị kết án bốn năm (hai năm tù giam, hai năm tù treo). Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế, hai vị được thả ngay sau phiên tòa. Ngày 11-10-1981, Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ lại bị bắt. Việc tạm giam hai nhân vật có ảnh hưởng này là nhằm chuẩn bị cho cái gọi là Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 4-11-1981. Gần một năm sau, cả hai vị được lệnh phải trở về nơi sinh quán. Thầy Huyền Quang bị áp giải ra Bình Định rồi đến Quảng Ngãi để “ổn định cư trú theo quy định”. Trong khi đó, thầy Thích Quảng Độ bị bắt đi cùng với mẹ già ra Thái Bình.

Sự đàn áp Phật giáo vẫn không dừng lại. Tháng 3-1984, hàng loạt học giả Phật giáo bị bắt: Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nguyên Giác, Thích Như Minh, Thích Nữ Huệ Khương, Thích Nữ Trí Hải. Với loạt biến cố kinh khủng đối với Phật giáo, cùng với sự truy bức tinh thần dữ dội, thầy Trí Thủ đổ bệnh. Thay vì để ông ở chùa Già Lam trước thỉnh nguyện của nhiều Phật tử, ông được “nhà nước chăm sóc” bằng cách đưa vào Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân trước 1975). Tại đây, ông đã chết một cách bất thường. Chưa đầy một tháng sau, Hòa thượng Thích Thanh Trí, cánh tay mặt của thầy Trí Thủ, cũng chết một cách không bình thường tại một bệnh viện ở Huế…

Ngày 27-3-1992, sau hơn 10 năm bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện (Phú Nhuận, Sài Gòn) và sống như lưu đày ở Thái Bình, thầy Thích Quảng Độ tự ý bỏ vào Nam sau khi nhiều lần bị công an Thái Bình bác bỏ “đơn xin đi đường” của ông. Tháng 4-1992, công an TP.HCM ra công văn số 47/TL/PC13 yêu cầu thầy Quảng Độ rời Thanh Minh Thiền Viện và phải trở ra Thái Bình trước ngày 19-4-1992. Bất chấp, thầy Quảng Độ vẫn ở lại Sài Gòn. Tháng 10-1994, ông thậm chí công khai dựng bảng “Văn phòng Tổng thư ký Viện Hóa đạo Lưu vong” tại Thanh Minh Thiền Viện.

Tiếp đó, ông ra Thông cáo số 85/VPLU/VHĐ đề ngày 14-10-1994, tuyên bố chính thức tái hoạt động với cương vị Tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN, đồng thời kêu gọi Phật giáo toàn quốc “dựng lại bảng tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại các cơ sở, chùa chiền thuộc Giáo hội”. Kết quả, ngày 31-12-1994, công an tràn vào chùa Thanh Minh, lục soát, tịch thu tài liệu và dọa bắt thầy Quảng Độ nếu ông “tiếp tục ngoan cố”. Ngày 4-1-1995, lúc 3g15 chiều, công an vây kín chùa Thanh Minh, bắn bể ổ khóa cửa phòng riêng của thầy Quảng Độ và bắt ông đi. Lần này thì không ai có thể biết ông bị giam ở đâu… Bất bình trước vô số hành động trấn áp Phật giáo nói chung và trước sự kiện thầy Quảng Độ bị bắt, một nữ Phật tử người Đức tên Sabine Kratze, 25 tuổi, đang du học tại Việt Nam, từng quy y tại chùa Linh Mụ, đã tự thiêu. Sự kiện xảy ra lúc 7g15 tối ngày 3-9-1995, trong căn phòng F 2/2 ở lầu bốn, khách sạn Mini, số 179 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn.

Trong bài Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam, được “viết tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tháng 1 năm 1992 (ngày 14 tháng 12 năm Tân Mùi). Kỷ niệm năm thứ 10 bị quản thúc lưu đày” – như được ghi ở cuối bài, thầy Thích Quảng Độ nói rằng ông “chẳng ân hận gì khi phải chết cho sự thật”. Ông viết:

“Nay đến lượt tôi cũng đã bị cộng sản Việt Nam giam cầm đày đọa suốt mười mấy năm rồi, chỉ vì cái ‘tội’ trung thành với lý tưởng đạo Phật, muốn bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản tinh thần và kiến trúc vật chất của tổ tiên, thế thôi, chứ có tranh giành quyền lợi gì với ai đâu. Vì, theo tôi, văn hóa truyền thống và di sản tinh thần của tổ tiên rất là quan trọng, nhờ đó mà dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa bởi các thế lực phong kiến, đế quốc và thực dân xưa cũng như nay, khi thống trị Việt Nam trước sau có tới hơn nghìn năm. Dĩ nhiên, vì đã lâu đời nên nền văn hóa cổ truyền của chúng ta cũng đã có những cái lỗi thời, ta nên bỏ đi, rồi học hỏi những cái hay cái đẹp của thế giới mà bồi bổ thêm cho mạnh thì được, chứ nếu chúng ta bảo nó đã lâu đời quá rồi, không còn thích hợp với đời mới nữa, thôi bỏ hết nó đi để thay vào đó một thứ văn hóa hoàn toàn mới, hoàn toàn xa lạ, thì chúng ta sẽ bị rơi vào tình huống:

Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông

Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Phảng phất non sông hồn Lạc Việt
Bốn nghìn tuổi sử tủi hay không?!"


“Tủi hay không?”. Điều gì khiến không chỉ ông tủi mà dường như dân tộc này cũng đau lòng khôn dứt? Có phải đó là hiện trạng Phật giáo không chỉ biến tướng mà còn được thay bằng một thứ tôn giáo trá hình? Hay là cái thực tế “Ông bà xem nhẹ hơn con lợn/ Bố mẹ coi như khúc gỗ thông”? Hoặc phải chăng là một tình trạng đầy ngao ngán “Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông/Quỷ quái sinh ra lũ cuồng ngông”?...

Tủi hay không? Có ai còn biết tủi hổ nữa hay không?

(Nguồn tham khảo chính: Phật Giáo Việt Nam - Biến cố và Tư liệu, Văn phòng Thường trực Điều hành, Phật Lịch 2540/1996)


Fb Manh Kim 
 

 

__________________________________





 

 


CHIỀU ĐÔNG



(Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)
 

Một ngày tháng 8 năm 1992, tôi nhận được một bài thơ của một người bạn tin cẩn gởi từ trong nước. Anh chép tám câu thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhưng không có tựa.


Tôi đọc và rất cảm động. Qua từng câu thơ tôi hình dung cảnh cô đơn, trống vắng, quạnh hiu mà Thầy đang sống trong thời gian lưu đày ở Thái Bình trong một buổi chiều đông.


Sau 1975, giữa lúc gần hết mọi người đều đi theo chiều gió, Thầy cố bước ngược chiều để mong cứu vớt những gì còn sót lại sau những điêu tàn, đổ nát. Tinh thần vô úy của đạo Phật đã giúp Thầy vượt qua bao thử thách, cực hình, đày đọa.


Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày từ Sài Gòn raVũ Đoài, Thái Bình, Thầy vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương và đạo pháp.


Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Đăng Lưu như HT Quảng Độ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát.


Ngày đó không có mạng xã hội Facebook như bây giờ. Chúng tôi là một nhóm vài trăm người sinh hoạt với nhau trong giai đoạn Internet còn rất phôi thai.


Tôi gởi bài thơ cho cả nhóm đọc. Nhưng bài thơ thì phải có tựa. Tôi không nói với ai, chỉ im lặng và mạo muội đặt tựa là Chiều Đông, phía dưới viết tên tác giả HT Thích Quảng Độ. Luôn dịp tôi họa lại bài thơ của Thầy đặt tựa Tấc Lòng Son, và sau đó in trong tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười xuất bản lần đầu tại San Jose cuối năm 1992.


Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại.


Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v.. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.


Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác.
 

Ba mươi tháng Tư, 1975, chúng tôi như bầy chim bay tán loạn bốn phương trời. Dù phải sải cánh bao xa, chúng tôi đều mang theo trong tâm hồn mình những bóng mát của một thời tuổi trẻ. Thời của tuổi mười tám với buồng phổi căng đầy sức sống. Bóng mát đó là các thầy. Bóng mát đó là thiền viện, thư viện, giảng đường, và bóng mát đó là lý tưởng Duy Tuệ Thị Nghiệp.
 

Hành trình đầy bi tráng của Thầy trong suốt 10 năm bị bắt giam, tra tấn và lưu đày cùng với bà mẹ già 90 tuổi ở Thái Bình đã để lại một niềm thương yêu và kính phục sâu xa, không những trong lòng nhiều triệu Phật Giáo đồ Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cả trong cộng đồng nhân loại.


Bài thơ của Thầy:

CHIỀU ĐÔNG


Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc

Còn chút lòng son gởi núi sông

(HT Thích Quảng Độ, Thơ Tù HT Thích Quảng Độ, trang 265)

 

TẤC LÒNG SON


Lời thầy vang vọng giữa chiều đông
Hương ngát vô ưu rót tận lòng
Mây nước muôn trùng tan với hợp
Quê hương ngàn dặm có mà không
Tóc xưa dẫu bạc lòng không đổi
Áo cũ dù phai giữ đạo đồng
Mười năm trải một lòng son sắt
Tiếng vọng ngàn thu với núi sông.

(Trần Trung Đạo, Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, trang 126)

 

Cách đây vài năm, khi nhận được thi tuyển Thơ Tù của HT Thích Quảng Độ lần đầu, tôi hồi hộp đọc phần mục lục trước để xem Thầy đặt tựa bài thơ là gì.
 

Tôi rất vui và cảm động khi biết Thầy cũng đặt tựa bài thơ là Chiều Đông. Tôi thầm cám ơn Thầy đã cho phép tôi được sống trong cùng một tâm cảm với Thầy.
 

Thầy là rừng, tôi chỉ là chiếc lá nhưng nhờ có nhân duyên lá và rừng được sống với nhau trong một chiều đông.
 

Sáng hôm qua, trong lúc đang đi bộ trên đường nhỏ trong xóm tôi nhận một tin nhắn của một Phật tử tin cẩn từ trong nước “Hòa thượng Quảng Độ vừa viên tịch”. Tôi lặng người. Không phải vì Thầy ra đi sớm nhưng vì Thầy ra đi.
 

Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch chấm dứt một chương dày 45 năm trong lịch sử đầy thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam. Những chương mới sẽ mở ra nhưng sẽ khác hơn nhiều.
 

Trong tất cả tôn đức chịu đựng tù đày, Thầy là vị đã sống trong tù lâu nhất. Từ tháng 6, 1977 cho đến khi viên tịch, Thầy vẫn là một tù nhân của chế độ CS tại Việt Nam.
 

Chín mươi năm từ khi tiếng gậy trúc của chư tổ vang lên ở các tổ đình khởi đầu cho công cuộc phục hưng Phật Giáo. Trong thời gian đó, bao nhiêu đổi thay đã xảy ra cho đất nước Việt Nam và cho Đạo Phật tại Việt Nam. Hôm nay, một trong những vị còn lại của thế hệ phục hưng Phật Giáo vừa viên tịch. Con thuyền đạo pháp như Thầy nhấn mạnh sau 1975 vẫn còn chênh vênh và niềm trăn trở cho quê hương của Thầy vẫn còn trăn trở.


Nhưng áng mây bay đi sẽ mang về những giọt nước cho cánh đồng khô. Không có gì còn hay mất. Chỉ là những dạng khác nhau trong một cuộc vận hành. Cành mai Quảng Độ vừa rơi xuống nhưng như Thiền Sư Mãn Giác đời Lý viết, sáng mai đây, những cành mai khác lại sẽ nở ra.
 

Bước chân của Thầy không còn nghe nhưng tình yêu của Thầy dành cho quê hương vẫn sáng như ánh trăng rằm, đậm đà như mùi hương của đất và dạt dào như lời thơ Thầy viêt trong một Chiều Đông năm đó.


Từ nước Mỹ xa xôi, con cúi đầu đảnh lễ giác linh Thầy.


Trần Trung Đạo


 

_______________________________________




 

 

𝐇𝐨𝐚̀ 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐢́𝐜𝐡 𝐐𝐮𝐚̉𝐧𝐠 Đ𝐨̣̂ (𝟏𝟗𝟐𝟖 - 𝟐𝟎𝟐𝟎) chân tu và trí thức



Phải dành một ngày quên đi chuyện covid-19 để tưởng nhớ đến một người rất quan trọng: Hòa thượng Thích Quảng Độ (1). Thầy mới qua đời ở chùa Từ Hiếu (Sài Gòn) hôm thứ Bảy 22/2/2020, thọ 93 tuổi. Vậy là thêm một học giả lừng danh của thế hệ vàng Phật Giáo Việt Nam đã về bên kia thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp Phật học của Thầy Quảng Độ có thể gói gọn trong 2 chữ: cống hiến và đấu tranh.

Hai hoà thuợng nổi danh cùng thời về cõi vĩnh hằng, nhưng phản ứng của báo chí (và Nhà nước) thì rất khác. Năm ngoái, khi Thượng toạ Thích Trí Quang qua đời, báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin, kèm theo những bài viết phân ưu đặc sắc. Năm nay, khi Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch, chẳng có báo chí Nhà nước nào đưa tin. Thật ra, báo Tuổi Trẻ có đưa tin, thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà bản tin và bài viết đã bị rút khỏi mạng trực tuyến. Thái độ ứng xử của báo chí (hay đúng hơn là của Nhà nước) làm cho người quan sát phải tự hỏi: tại sao. Lí do sâu xa có lẽ liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của hai vị hoà thượng rất ư khác nhau.

Có lẽ nói không ngoa rằng Hoà thượng Trí Quang có nhiều hoạt động được nhà cầm quyền đương thời có cảm tình, có khi cả ưu ái. Nhưng Hoà thượng Quảng Độ thì hình như không được nhà cầm quyền có cảm tình. Mỗi người một cách và đóng góp. Tôi thì nghĩ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy có thể tóm lược trong hai chữ: cống hiến và đấu tranh. Cống hiến cho Phật học và đấu tranh cho sự độc lập của Phật giáo.

Đ𝒐́𝒏𝒈 𝒈𝒐́𝒑 𝒄𝒉𝒐 𝑷𝒉𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̣𝒄

Một hôm, chừng 10 năm trước, tôi lang thang ở khu bán sách cũ trên đường Cộng Hòa cũ thì 'gặp' Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tôi miên man đọc cuốn sách 'Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận', lật lại trang đầu thì thấy tên dịch giả 'Thích Quảng Độ'! Và, nhà xuất bản Lá Bối. Tôi thầm thán phục Thầy. Hồi nào đến giờ tôi chỉ biết Thầy là người đấu tranh cho Phật giáo, chớ chưa biết ông còn là một học giả. Thấy tôi có vẻ say sưa với cuốn sách, chị chủ tiệm sách nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và hỏi 'Anh mua cuốn đó hông, tui bớt giá cho. Sách loại này giờ hiếm lắm.'  Mà, hiếm thật, vì sách xuất bản từ trước 1975 thì hoặc là đã bị thiêu đốt hoặc cấm lưu truyền hoặc in lại nhỏ giọt. Dĩ nhiên là tôi mua sách và trả y giá. Chẳng những mua cuốn đó, tôi còn 'tậu' luôn cuốn 'Truyện cổ Phật giáo' và 'Dưới mái chùa hoang' cũng qua biên giải của Thầy Quảng Độ. Thế là cái tên của thầy trở thành 'radar' ngưỡng mộ của tôi.

Trước 1975, Thầy Quảng Độ nổi tiếng là một hoà thượng học giả. Thầy từng được bầu làm Tổng thư kí Viện Hoá Đạo (của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt) vào năm 1965. Thầy cũng từng là giảng viên môn Triết học Đông Phương và Tư tưởng Phật Giáo ở Đại học Vạn Hạnh (nay không còn nữa). Thời đó, ĐH Vạn Hạnh, đại học tư thục đầu tiên của miền Nam, qui tụ nhiều học giả nổi tiếng (ngoài Thầy Quảng Độ) còn có những người như Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu), Thích Nữ Trí Hải, Hồ Hữu Tường, và Đoàn Viết Hoạt. Tuy tồn tại chỉ trên dưới 10 năm (1964 - 1975), nhưng ĐH Vạn Hạnh đã có những đóng góp quan trọng cho văn hoá - giáo dục miền Nam. Ban Tu Thư của ĐH Vạn Hạnh đã có công biên dịch nhiều sách quan trọng về Phật Giáo, trong đó có những tác phẩm của Thầy Quảng Độ.

Có thể xếp Hoà thượng Thích Quảng Độ trong nhóm các học giả Phật Giáo trong thời 'vàng son' như Thích Minh Châu, Thích Huyền Quang, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ. Đó là một thế hệ học giả có thực học và thực tài, uyên bác, và đã để lại những công trình học thuật có giá trị cho tới ngày nay. Một trong những tác phẩm Thầy Quảng Độ để lại cho đời là bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển" gồm 9 tập với hàng vạn trang sách, được xuất bản năm 2014.

 


Bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển" có một lịch sử li kì, vì được viết trong nhà tù, nhưng biên soạn lại sau khi ra tù. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của RFA, Thầy Quảng Độ tiết lộ rằng năm 1995 trước khi vào tù, Thầy có yêu cầu quản giáo cho thầy tiếp tục soạn bộ Phật Quang từ điển trong nhà tù Ba Sao (ngoài Bắc). Nhưng thay vì đem bộ từ điển vào tù để dịch, quản giáo chỉ cho Thầy ... giấy trắng. Thầy kể:

"Giấy mỗi lần họ phát cho mình một tập, họ đánh số vào đó mỗi một tập 80 trang. Thế rồi họ phát cho một cây bút. Thế rồi họ đề ngoài cái trang bìa ngoài cùng là ông cán bộ nào mà trực nhật ngày đó. Thế hết tập đó thì mình mới trả để họ giao tập mới, Bút cũng thế, viết hết mực thì phải trả quản bút hết mực cho họ, họ mới cho bút mới. Đấy, họ kiểm soát như thế đấy.Kiểm soát thế cũng tốt bởi vì tôi có công việc làm."

Trong điều kiện nhà tù như vậy mà Thầy cho ra một bộ từ điển cả vài chục ngàn trang! Đến ngày 2/9/1998, Thầy được trả tự do, nhưng bộ từ điển Thầy biên dịch thì ban quản giáo nhà tù giữ lại; họ yêu cầu Thầy phải làm đơn xin, nhưng Thầy nói không vì cho rằng thật vô lí khi mình đi xin cái của mình! Thế rồi, sau khi ra tù, Thầy soạn lại bộ từ điển. Thầy thuật lại rằng:

"Tôi về tôi bỏ ra 2 năm trời tôi làm lại, tôi không xin ai hết. Xin nó phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho, mình cảm ơn. Còn ở đây là của mình mà họ giữ chứ mình có gửi đâu!"

Tính chung, Thầy Quảng Độ đã biên dịch 13 bộ/quyển sách về Phật Giáo. Ngoài ra, Thầy còn để lại 2 tập thơ viết trong tù và lưu đày.

Đ𝐚̂́𝐮 𝐭𝐫𝐚𝐧𝐡 𝐜𝐡𝐨 𝐏𝐡𝐚̣̂𝐭 𝐠𝐢𝐚́𝐨

Sau 1975, một số học giả / tu sĩ Phật Giáo lừng danh đều có chung số phận: đi tù. Họ đi tù vì đấu tranh cho một hệ Phật Giáo độc lập với Nhà nước. Trước năm 1975, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt (GHPGVNTN) là tổ chức hoằng pháp có uy tín vì qui tụ những học giả nổi tiếng và có những hoạt động tôn giáo - xã hội tích cực (như ĐH Vạn Hạnh). Sau 1985, nhà cầm quyền muốn GHPGVNTN phải nhập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không có chữ 'thống nhứt') dưới sự quản lí của Nhà nước. Nhưng các thầy trong GHPGVNTN không chấp nhận chủ trương đó. Họ phải trả giá tù đày cho sự phản kháng đó.

Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu từng bị bắt và tuyên án tử hình vào năm 1984. Nhưng sau khi được chánh phủ một số quốc gia Âu Mĩ can thiệp, hai thầy được trả tự do ngày 31/8/1998 (sau 14 năn bị giam trong nhà tù). Thầy Quảng Độ cũng đi tù, thậm chí còn bị tù đày dài hơn các học giả khác. Năm 1977, Thầy Quảng Độ bị bắt giam vì không chấp nhận sự kiểm soát của Nhà nước đối với giáo sự Phật giáo. Năm 1982 Thầy và mẹ bị đày về Thái Bình, mãi đến 1992 Thầy vào Nam. Vào Nam, năm 1995, Thầy Quảng Độ lại bị bắt và tuyên án phạt 5 năm tù giam và 5 năm quản chế tại gia, nhưng đến năm 1998 thì được đặc xá. Theo RFA, một trong những điều kiện Thầy Quảng Độ được đặc xá là Thầy phải đi Mĩ, nhưng Thầy nhứt định không đi. Năm 2018 Thầy lại bị buộc phải về Thái Bình, nhưng trong cùng năm Thầy lại quay về Sài Gòn và trú ngụ tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày qua đời. Có thể nói cuộc đời của Thầy Quảng Độ sau 1975 là rất ư 'sóng gió' trong việc đòi sự độc lập cho Phật Giáo Việt Nam.

Thầy Quảng Độ là thuộc thế hệ vàng của Phật giáo Việt Nam. Thế  hệ này giờ càng ít hơn và khó có người thay thế. Ngày nay, nhiều khi người ta không phân biệt được ai là tu sĩ và ai là cán bộ. Lại còn có sự lẫn lộn (hay áp đặt) thần tượng thành Phật. Ngày nay, nhiều tu sĩ có bằng tiến sĩ và những chức danh rộn ràng, nhưng đóng góp cho đạo pháp và Phật học của họ thì lại là một câu hỏi lớn.

Sự ra đi của Thầy Quảng Độ có lẽ chẳng làm cho nhà cầm quyền bận tâm, nhưng những Phật tử chân chánh phải suy nghĩ. Suy nghĩ về tương lai của Phật giáo Việt Nam. Nếu nhìn vào những ngôi chùa hoành tráng và những lễ hội được các quan chức viếng thăm, người ta có thể nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam đang phát triển tốt. Có lẽ bề mặt là vậy, nhưng nó che đậy những thoái hoá đằng sau. Thời buổi mà đồng tiền và chánh trị thống trị, nhiều tu sĩ đã bị tha hoá về đạo đức, tranh giành quyền lực, và quên đi sứ mệnh của Phật giáo: giác ngộ và diệt khổ cho chúng sanh. Có người cho là thời ‘mạt pháp’, cũng không quá xa với thực tế.

Phật giáo Việt Nam khởi đầu từ miền Bắc nhưng cũng suy thoái từ miền Bắc. Năm nào tôi cũng có dịp ra Hà Nội và lưu trú gần trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đường Quán Sứ. Đi ngang đó thấy những chiếc xe sang trọng (trong nước gọi là 'siêu xe') mang biển màu xanh, là biết ngay có sự nhập nhằng giữa thế quyền và Phật pháp. Rồi vô số những bản tin về các vị tu sĩ và hành xử của họ chỉ làm cho Phật tử ngao ngán và tự hỏi có phải thời mạt pháp đã đến. Rất có thể. Rất cần một thế hệ như thế hệ của Thầy Quảng Độ thì may ra mới khôi phục Phật giáo Việt Nam.

Thầy Quảng Độ đã tạ thế (hay 'chuyển nghiệp') sau hơn 90 năm ở trọ cõi trần. Trong thời gian 90 năm đó, dù với những sóng gió và dao động lịch sử, Thầy vẫn cống hiến cho cả đời và đạo pháp đúng với vai trò của một bậc chân tu.

===

(1) Theo tiểu sử, Thầy sinh ngày 27/11/1928 ở xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tên khai sanh là Đặng Phúc Tuệ. Chẳng biết thầy vào Nam năm nào, nhưng sự nghiệp Phật pháp của Thầy lừng danh ở miền Nam.

(2) Xin chia sẻ một bài thơ của Thầy Quảng Độ viết có lẽ khi còn bị lưu đày ở Thái Bình:


CHIỀU ĐÔNG

Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc


Nguyễn Tuấn




 

_______________________________________


 

HOÁ THÂN THẦY



Hoà thượng Thích Quảng Độ là một trong những Người Thầy cao cả nhất trong cuộc đời tôi. Sẽ có huynh đệ thắc mắc về điều đó giữa bộn bề chuyện chính trị giáo hội... Nhưng chính trị giáo hội nọ kia thì có can hệ gì trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam và nơi đích sống của mỗi cá nhân.

Còn nhớ cứ mỗi lần anh em chúng tôi thuộc hàng con cháu trong sơn môn Vĩnh Nghiêm đến Thanh Minh thiền viện đảnh lễ vấn an Thầy, Thầy đều ân cần chỉ bảo đường lối tu tập, tinh tấn để hoằng đạo hộ đạo.

Giọng nói trầm ấm, vang vọng, ánh mắt từ hoà, nụ cười hiền hậu, dáng đi thanh thoát, thế ngồi sư tử, tất cả nơi Thầy toát ra một nguồn năng lượng trấn an vững tin rất lớn.

Tôi cũng từng là một trong những người đứng ngoài cổng hàng rào toà án nhân dân thành phố HCM chờ mong được nhìn thấy Thầy bước ra từ phòng xử án vào năm 1995. Khi ấy còn trẻ chỉ đọc sách của Thầy mà đã không tin vào bất cứ tờ báo nào tuyên truyền với những lời kết tội nặng nề về Thầy.

Ai cũng rõ một điều, nếu người ta chiêu dụ Thầy thành công thì Thầy trở thành cao tăng đầy chức phẩm, và khi người ta đe doạ Thầy không thành thì Thầy trở thành ác tăng phản động.

Nhưng có điều Thầy vẫn là Thầy, một thầy tu chí hiếu, chí nghĩa và chí tình. Chí hiếu vì ghi lòng tạc dạ ơn sinh thành của cha mẹ, ơn giáo dưỡng tuệ mệnh của Thầy Tổ. Cho đến những năm cuối đời bài thơ dâng mẹ vẫn in trang trọng nơi kinh sách Thầy phiên dịch. Chí tình vì đồng đạo mà Thầy nhẫn nhục, nhận về mọi thử thách, oan khiên. Ngay cả khi rời chùa Thanh Minh, nghe tin người bạn đạo nằm viện, đứng bên ngoài nhìn vào nhỏ lệ nhớ thương. Chí nghĩa vì không chịu bước sang con thuyền khác mà từ bỏ con thuyền đã đưa mình vượt qua bao sóng gió thác ghềnh.

Thầy là Đức đệ ngũ Tăng thống bi trí dũng đầy đủ, nhưng tình, hiếu, nghĩa nhân gian vẫn gần gũi lay động lòng người.

Thầy mang trên mình sứ mệnh đấu tranh cho tự do chính nghĩa, nhưng Thầy cũng là hóa thân trong hạnh nguyện của những bậc Bồ tát nhập thế.

Phật giáo Việt Nam sẽ mang bộ mặt thế nào nếu không có một Giáo hội do Thầy dẫn dắt. Pháp nạn thực sự chỉ mới bắt đầu khi trước những việc lớn việc khó của dân tộc mà tăng sĩ chỉ biết vì danh lợi phẩm trật của mình mà nịnh bợ luồn cúi ra vào trước thế quyền. Thuyền ngược nước chở nặng, nhưng việc khó, việc lớn trong sinh mệnh dân tộc và Phật giáo thử hỏi ai dám tiên phong mà làm? Thầy nói về pháp cai trị nước nhà nào có ngoài những lời trong kinh Ánh sáng hoàng kim.

Thầy phản ứng với nhà cầm quyền về phép cai trị bóp nghẹt tư tưởng cũng bằng chính những ngôn ngữ ấy.

Nhưng khi có ai đến tham vấn về đạo, thì trí văn, trí tư, trí tu từ nơi Thầy tuôn chảy như suối nguồn, nề gì những sắc sắc không không nơi thân Thầy thực chứng.

Có lần khi tôi hỏi Thầy về sự tồn tại bao lâu của chế độ cộng sản. Thầy im lặng một hồi rồi Thầy bảo rằng cứ nhìn cho rõ cái đang diễn ra trước mắt mà suy thì sư ông sẽ có câu trả lời, nhưng mau hay chậm trong sự sụp đổ của một chế độ này hay chế độ kia cũng chỉ như ngày và đêm mà thôi.

Đấu tranh trong tri giác về lẽ xoay vần vô thường đắp đổi thì muôn đời hoá thân vô ngại, thức tỉnh nhân gian trong những đêm trường. Tôi trở về với công án “ngày và đêm” ấy.

Ngày và đêm là một, vô minh và Phật tánh cũng không khác. Ca tụng ánh sáng nhưng không vì thế mà sợ hãi bóng đêm.

Có thể ngày và đêm đến với nhau trong chuyển động tạm thời, như con chim tích tích truyền cành ban ngày, như con dế rộn rã ban đêm, tăng đến nhà bái chào, giặc xâm phạm vẫn quyết đánh. Tâm thế vô ngại của bậc thượng sĩ xuất trần mà vẫn cư trần, bởi một lẽ nhân gian này chính là tịnh độ. Thầy lấy tâm mình làm đạo tràng chư Phật, lấy thân lấy chí của mình làm mái nhà che chở. Nên lịch sử sẽ mãi ghi về một Đức Tăng thống không chùa, không tịnh thất, lấy thân mộng tạm lánh nhờ nay đây mai đó.

Thầy ra đi không một lời tưởng niệm điếu văn tiểu sử, của tin nơi nhục thể còn một chút này cũng gửi vào biển cả mênh mông, một đời như huyễn như hoá, giấc mộng thế nhân này... thôi thì ai tỉnh ai say mặc ai ai mặc...


Thành kính đảnh lễ Giác linh Thầy nơi hoá thân vô số

Thich Thanh Thang



 

___________________________________




 

TIỂN MỘT ÁNG  MÂY



Thế là xong một kiếp người, cho dẫu một trăm năm cũng chỉ là thoáng bóng phù sinh.Hàng ngàn Tăng ni Phật tử nghiêng mình cung kính tiển biệt một đấng thạch trụ Phật gia vào cỏi vô sanh sáng ngày 25/02/2020, nơi âm dương cách biệt bởi lò hỏa táng Đa Phước, huyện Bình Chánh TP HCM.

Đoàn xe hai bánh của đơn vị áo lam dẫn đầu gần 20 chiếc xe chư Tăng và quần chúng tiến về công viên mai táng Đa Phước trong thầm lặng.Sai thời kinh của Chư Tôn đức, cổ kim quan đưa vào bên trong, cánh cửa lạnh lùng khép kín, nhục thân cố đại lão vào lò, bên ngoài mọi người ngẩn ngơ thương tiếc hướng vào vô vọng!.

Ra về, đoàn tang mang khối u uẩn, tiếc nuối một cái gì vừa mất mát không thể tìm lại được, vừa thanh thản cho một cuộc sống sóng cuộn ba đào. Đời người ai chả thế, sướng khổ, nhục vinh tượng hình nhân quả.Có người chết vì danh lợi cá nhân, cũng có bậc vĩ nhân xã thân cho đại cuộc.Bao bậc lương đống xa xưa đắp xây cho ngôi nhà Phật pháp, tùy từng thời đại mà gặp phải chướng duyên.Tinh thần “vô úy” của đấng trượng phu xuất sĩ không bao giờ mang vết nhơ đời, tuy khác chánh kiến, khác lý tưởng mà nhân cách vẫn trong sáng thủy tinh! Đó là điểm cho người kính trọng, đối tượng không thể xem thường!

Đạo nghĩa con giòng cháu Lạc: - Nghĩa tử là nghĩa tận, dù hận thù cao ngất tầng xanh, khi gửi thân cho đất mẹ, mọi tâm tư của người còn lại đều phủi sạch như chưa từng oán hận; vâng, người chưa từng có lỗi với bất cứ cá nhân, do bất đồng quan điểm, sợi dây vô hình xuất hiện trong tâm tưởng ngăn cách bởi tấm chắn vô minh.Trời quang mây tạnh khi nhân quả nghiệp thức ra đi.Đạo lý tình người, cho dù trăm sông ngàn biển muộn phiền, khi chia tay âm dương đôi ngả, huyết thống Lạc Hồng cũng chỉ là một. Hình ảnh chư Tôn đức của các Tông môn, pháp phái, của các tổ chức hành chánh trong xã hội, trong tôn giáo, trong hệ thống hành chánh cá biệt, có mặt trong giây phút chia lìa nói lên tinh thần Lục hòa duy nhất của người con Phật. Làm sao khỏi xúc động khi TT Thanh Phong xin được cúng dường áo quan, bao Tăng ni xin kính điếu tuy cáo bạch di huấn của cố đại lão HT không chấp nhận, làm sao nói lên được tinh thần vô phân biệt khi có mặt HT Như Tín, HT Thiện Tánh, HT Giác Quang, và còn nhiều nữa khắp các tỉnh thành về tham dự lễ thang,khi các ngài vượt qua rào cản thành kiến giáo hội truyền thống và giáo hội đương nhiệm, để chung lòng cung tiển nguyện cầu cho một bậc lương đống Phật giáo hoàn mãn đạo nghiệp.

Chỉ có dịp này, mới thấy được tinh thần hòa hợp của người con Phật. Đó cũng là di nguyện của người vĩnh viễn ra đi, và luôn là ước nguyện của toàn bộ pháp tử. Tùy từng thời thế, Phật pháp có biến thiên dưới nhiều dạng thức, nhưng pháp mạch vẫn là một, tinh thần lục hòa vẫn là một, Tăng ni tín đồ vẫn là một, một ngôi nhà chung của đấng Từ phụ. Trai đàn chẩn tế ba miền năm xưa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng không ngoài mục đích đoàn kết xã hội, đoàn kết Tăng tín đồ ba miền, lãnh đạo Phật giáo hiện nay, cho dù truyền thống hay đương thời, các ngài cũng luôn mang tâm nguyện mọi người con Phật đều chung tay dưới mái nhà chung để cùng tu tập, mục đích của chư Phật đem chúng ta đến con đường giải thoát, không vì lý do nhất thời của thế tục mà làm gián đoạn lý tưởng “phát túc siêu phương khi tự nguyện thoát hình dị tục” vì các ngài vẫn là Thiên nhân chi đạo sư.Hình ảnh và tâm nguyện cao đẹp đó luôn là ánh đuốc soi lối cho nhân sanh. Trước khổ đau dồn dập của kiếp người, thiên tai hoạn nạn trong cuộc sống, chúng ta cần gần nhau hơn, giúp nhau tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thấy được giá trị giáo pháp cưa Như Lai.

‘Người ra đi chỉ là giấc ngủ trong dòng sinh tử miên viễn, để rồi tâm nguyện chấn hưng Phật pháp, người sẽ hồi đáo ta bà tiếp tục tâm nguyện xa xưa.”người nằm ngủ từ ngàn năm thấp thoáng – ta bước qua ngôn ngữ rụng hai lần” vâng, Bùi Giáng đã nhận chân được lý tính duyên khởi, lý tính vô sanh, vì thế, cho dù khen chê, cho dù thương ghét, ca tụng hay báng bổ đối với bậc Thượng nhân chỉ là vọng âm. Tâm đại lượng của bậc chân sư thể hiện qua lời di huấn, thời hiện tại, PGVN đã làm cuộc cách mạng lớn từ hai gốc đại thụ : cố đại lão Hòa Thượng Thượng Trí Hạ Quang và Bò tát Vô úy Đại lão HT Thượng Quảng Hạ Độ, xem nhục thân chỉ là tro bụi, vì thế di huấn cho pháp tử không tràng hoa phúng điếu, đơn giản đến độ không thể đơn giản hơn.

                                                       ***

Đêm cuối cùng, trên 500 Tăng ni Phật tử thành tâm trì tụng kinh Di Giáo, ôn lại lời dạy của đấng Thế tôn, nguồn tâm linh xuyên sâu vào từng con tim để cảm nhận được pháp mạch sẽ tồn tại,tuy ngôi nhà Phật pháp lần lượt trống vắng những bậc cao Tăng thạc đức, nhưng mạng mạch Phật pháp vẫn trường lưu khi chư Tăng vẫn còn những bậc giới đức tinh nghiêm, thân tâm thanh tịnh. Một án mây đen vừa phủ, nhưng chân trời vẫn rạng sáng hướng Đông.

Tang lễ vừa mãn, bổng xuất hiện nhạc phẩm :Trọn nghĩa ơn thầy (gia huy music: Tâm ca) trên youtube không thể ngăn dòng lệ khi hình ảnh Tôn sư lần lượt xuất hiện theo từng nốt nhạc, tiển thầy đi hay khắc sâu vào lòng người hình ảnh cao đẹp, nhân thân đạo đức sáng ngời cho đàn hậu thế noi gương!
 

MINH MẪN

25/02/2020
 
 

____________________________________



 

NÉN NHANG DÂNG THẦY THÍCH QUẢNG ĐỘ



Thầy Thích Quảng Độ tăng thống thứ năm Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất- tổ chức Phật giáo thành lập từ tháng 1 năm 1964 tại Sài Gòn và sau 1975 đã không được chính quyền công nhận,

Thầy được đề cử giải Nobel năm 2008 do nỗ lực dấn thân đấu tranh cho công bằng, dân chủ và tự do tôn giáo ở VN.

Gã đến thắp nhang dâng hương hồn tâm hồn một chân tu cả cuộc đời hy sinh cho cái đức, cái thiện lành, cái đẹp mà Đức Phật giao giảng.

Hàng ngàn phật tử và các nhà tu hành ngưỡng mộ thầy đến viếng thầy. Trong đó có nhiều nhà tu hành có thân hình gầy gò, khuôn mặt trầm lặng, khắc khổ nhưng ánh mắt sáng trong khác biệt với nhiều sư thầy của giáo hội nhà nước.

Ơ hay, nhìn họ cúi rạp trước thi hài thầy Thích Quảng Độ không dưng gã bật rung người và bật... khóc.

Một dòng chảy của thánh thiện và chân tu cho lý tưởng cao thượng của Đức Phật vẫn ngấm ngầm lan toả trên đất nước này.

Thân xác của thầy Thích Quảng Độ sẽ được rải xuống Biển Đông theo di nguyện của thầy.

Sống vì Dân tộc, Quốc gia.
Chết hoà con sóng Biển Đông.

"Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi! "

Câu thơ này thầy Thích Quảng Độ viết trong những ngày lao tù trả giá cho tình yêu Dân tộc, Giống nòi mãnh liệt.

Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi! 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bình về cái tự do hạnh phúc ấy:

"Thầy Quảng Độ là vị Bồ Tát có khả năng cứu chuộc được cho tất cả chúng ta, gột sạch được cho thế hệ ta cái tội hèn nhát không dám lên tiếng trước bạo lực, áp bức và độc tài. Tôi không bao giờ dám nghĩ là thầy Quảng Độ sân si. Tôi nghiêng mình trước tuệ giác và đức vô úy của Thầy. Cũng may là lịch sử hiện đại còn có thầy Quảng Độ và một số các thầy và các đạo hữu khác, hữu danh hay vô danh, có tầm vóc của những vị Bồ Tát. Tôi rất hãnh diện vì sự có mặt của họ. Tôi không nghĩ rằng thầy Quảng Độ là trứng chọi với đá. Tôi thấy Thầy là kim cương. Đá không thể nào làm tổn hại được kim cương. Thầy là kim cương bất hoại dù hình hài Thầy còn hay không còn hiển hiện."

Cuộc dấn thân chống bất công vì tự do của thầy Thích Quảng Độ bị ví là trứng chọi đá.

Gã không nghĩ thầy Quảng Độ là kim cương mà thầy Quảng Độ vẫn là trứng nhưng trứng trong Bọc trứng Mẹ Âu Cơ- Bọc trứng Đồng bào.

Không đá tảng và cả đạn đại bác nào có thể xuyên thủng Bọc trứng Đồng bào ấy!


Lưu Trọng Văn



 

_________________________________