VÔ SẮC VÔ THANH
*
Lê Huy Trứ
Thiền sư Hakuin cũng là tác giả của công án ‘Âm thanh của một bàn tay,’ chúng đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay, nhưng thế nào là tiếng vỗ tay của một bàn tay?
Hakuin viết “Núi, sông và mặt đất này tất cả đều là tai của ta. Những gì ngập tràn tai ta, tự nguyên thủy của nó không phải là âm thanh. Ta có thể lắng nghe sâu sắc mà không cần đến lỗ tai của mình… mà thật ra không có mắt, không có tai mới chính là cái thấy và cái nghe chân thật nhất.”
Trong bài Âm thanh của một bàn tay, Nguyễn Duy Nhiên viết: Mỗi bức tranh của thiền sư Hakuin là một bài pháp thoại, một công án cho người xem. Ông sử dụng những hoàn cảnh bình thường trong sinh hoạt hằng ngày để đưa chúng ta bước vào thế giới chân thật. Như trong bài Tọa Thiền Hòa Tán, The Song of Zazen, thiền sư Hakuin viết:
Tất cả chúng sinh bản lai là Phật
Cũng như băng với nước
Ngoài nước, không đâu có băng
Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật?
Đạo gần bên mình mà chẳng biết
Bao người tìm kiếm xa vời — Đáng thương!
Đó cũng như người nằm trong nước
Gào khát cổ xin được giải khát
Và như nếu chúng ta biết nghe được tiếng vỗ của một bàn tay thì,
Đạo bản lai thanh tịnh hiện thành
Thế giới này là thế giới của Liên hoa tạng
Và thân này là Pháp thân của Phật.
*
Nirvana is right here, before our eyes,
This very place is the Lotus Land,
This very body, the Buddha
(Nguyễn Duy Nhiên)
Ta phải biết buông đi những thành kiến, phân biệt và những kết luận sẵn có của mình, mới có thể nghe được âm thanh của tiếng vỗ của một bàn tay, như thiền sư Hakuin nói: Thật ra không có mắt, [nhưng không đui, THL], không có tai [nhưng không điếc, vô tâm nhưng không phải bất trí, THL] mới chính là cái thấy, cái nghe [và cái biết, THL] chân thật nhất.
Tánh thấy, tánh nghe và tánh biết - quán tâm, quán âm và Tri Kiến Phật phải từ tuệ nhãn (Phật Nhãn, quán quang) chứ không thể qua ngũ quan và ý thức của nhục thể. Chúng ta không thấy thật tại (không kiến tánh) qua cái thấy của nhục nhãn, không ghi nhận đúng âm thanh (không quán âm của vũ trụ) từ cái nghe của tai, không biết trí tuệ qua kiến thức mà phải từ tâm lòng bồ đề. Thật ra có mắt không tròng, có tai không nhỉ, có tâm bất nhị mới chính là cái thấy, cái nghe và cái biết chân thật.
Viên diệu hơn, nếu chúng ta thấy được chân hỏa tam muội và nghe được tiếng vỗ sấm sét của không bàn tay thì đã hành thâm bát nhã, ‘nghe thấy biết’ Quang Âm Bồ Tát trong tự tâm, chiếu kiến biết được ngũ uẩn giai không, và tự độ nhất thiết khổ ách.
Quán âm trì giới sạch nghiệp trần
Quán quang như tục diệm truyền đăng
Quán duyên trí tuệ vô ngàn kiếp
Quán quả từ bi đẹp diệu vời
~ Lê Huy Trứ ~
Tle8464953 Gởi