Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
VÔ THƯỜNG LÀ KHỔ HAY LÀ LẠC



Mở đầu bài viết này xin trích dẫn một đoạn trong Lời nói đầu khi xuất bản Kinh Trung Bộ của Hoà thượng Thích Minh Châu : " ...Chúng tôi cúng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thuỷ, đoạn nào không phải nguyên thuỷ. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu , tự mình suy tư,tự mình quán sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thuỷ. Trách nhiệm tìm hiểu ,chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chứ không phải Đạo đến để nhờ người khác thấy hộ, đạo của người có mắt, khôg phải Đạo của người nhắm mắt, Đạo của người thấy, của người biết ,khôg phải Đạo của người không thấy không biết". Trong Kinh điển đăc biệt Kinh Ví dụ con rắn thuộc Kinh Trung Bộ Đức Phật nhấn mạnh: Sau khi học Pháp phải quán sát ý nghĩa các pháp với trí tuệ (đối chiếu với sự thật ) nếu không sẽ nắm giữ ý nghĩa các pháp một cách sai lạc và điều đó sẽ đưa đến tự hại giống như người bắt rắn ngu si nắm lấy đuôi con rắn. Vì vậy người học Pháp và hành Pháp phải quán sát ý nghĩa lời giảng bằng cách đối chiếu với sự thật và đối chiếu với lời dạy "Nhất quán xuyên suốt Kinh điển" của Đức Phật và sau khi biết đó là sự thật ,biết nó phù hợp với " Nhất quán xuyên suốt Kinh điển" thì mới chấp nhận và thực hành. Với tinh thần đó hãy quán sát một đoạn Kinh sau :

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, sắc là thường hay vô thường?

-Vô thường, bạch Thế Tôn
-Những gì vô thường là khổ hay là lạc ?
- Là khổ, bạch Thế Tôn
-Những gì vô thường, khổ ,bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem:"Cái này của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta?"
-Thưa không vậy ,bạch Thế Tôn.
-Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, thọ ...tưởng ...hành ...thức là thường hay vô thường
-Vô thường, bạch Thế Tôn
-Những gì vô thường, là khổ hay lạc?
-Là khổ, bạch Thế Tôn
-Những gì vô thường, khổ ,bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta?"
-Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

Đoạn Kinh này chỉ có thể hiểu theo nghĩa đen chứ không thể hiểu theo nghĩa bóng gió nào cả. Theo nghĩa đen của đoạn Kinh này thì : Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, Vì sắc thọ tưởng hành thức là vô thường nên sắc thọ tưởng hành thức là khồ, sắc thọ tưởng hành thức là vô ngã. Nguyên nhân của sắc thọ tưởng hành thức khổ là do nó vô thường, vì vậy nguyên nhân của khổ là vô thường. Từ nội dung này những tư duy hợp lý , đúng lôgic " tam đoạn luận" sẽ khởi lên như sau : Sắc thọ tưởng hành thức của Phàm hay Thánh đều vô thường và như vậy đều là khổ. Nều vậy sẽ không có Khổ Diệt và Con đường đưa đến Khổ Diệt nơi sắc thọ tưởng hành thức. Nếu Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ sẽ không hợp lý nếu xem những cái đó là của ta ,là ta, là tự ngã của ta .Tư duy như vậy thì vẫn có một cái Ta để mà suy diễn và dựa trên luận đề đó một suy diển hợp lý sẽ khởi lên, vậy cái gì thường còn sẽ là lạc và cái đó mới là của Ta ,là Ta, là tự ngã của Ta

Cái thường còn và lạc đó phải ở ngoài sắc thọ tưởng hành thức. Vì thế bậc Thánh giải thoát Khổ an trú Niết bàn thì Niết bàn ắt hẳn là Thường Lạc Ngã Tịnh như một số người chủ trương hay Niết bàn là Thường Lạc Vô Ngã Tịnh như một số khác chủ trương. Cũng từ đoạn Kinh này mà xuất hiện quan điểm: có ba đặc điểm hay ba dấu ấn để khẳng định đó là Chánh pháp (Tam pháp ấn ) là các pháp Vô thường- Khổ- Vô ngã.

1- Nếu thấy như thật Lý Duyên Khởi nghĩa là phải có đủ hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh quả ,thì quả ấy là Pháp duyên khởi, quả ấy sinh lên rồi diệt ,không thường hằng thường trú ở đâu cả ( gọi là vô thường) và quả ấy vô chủ, không có một pháp nào là chủ nhân vì thế cũng không có một cái Ta là chủ nhân pháp ấy ( gọi là vô ngã) .Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, ở đây không có suy diễn nào có thể khởi lên. Nhưng vì Sắc ... Thức vô thường, khổ nên không thể xem Sắc thọ tưởng hành thức là của Ta,là Ta thì vẫn tồn tại một cái Ta, và như vậy vẫn có một khoảng trống lớn cho các suy diễn khác khởi lên. Một trong các suy diển đó là, vậy cái gì thường ,không sinh không diệt đương nhiên là lạc sẽ là của Ta ,là Ta và như vậy sẽ kích thích suy nghĩ tìm kiếm rồi tưởng tượng ra một Chân Tâm thường trú không sinh không diệt ,một Tánh Thấy Tánh Nghe không sinh không diệt và chấp thủ đó là cái Ta chân thật không sinh không diệt hằng thấy hằng biết,một Chân Ngã. Trong Kinh Giới Phân Biệt kinh số 143 thuộc Kinh Trung Bộ Đưc Phật có nói: Ta là ...là một vọng tưởng, Ta không phải là ...là một vọng tưởng. Chấm dứt vọng tưởng sẽ trở thành một ẩn sĩ tịch tịnh. Lời dạy này đã rất rõ ràng: Ta là ...và Ta không phải là ...đều là các tư tưởng phát sinh trên sự chấp thủ một cái Ta ( Bản Ngã ), khi chấm dứt hai vọng tưởng này thì chấm dứt chấp thủ cái Ta ,(Bản ngã )nghĩa là không có cái Ta nào hết. Đây mới là cách giảng giải về Vô Ngã toàn triệt nhất.

2-Vấn đề Khổ và Nguyên nhân Khổ : Theo đoạn văn này thì sắc thọ tưởng hành thức là khổ và nguyên nhan khổ là do sắc thọ tưởng hành thức vô thường. Nếu Sắc pháp là khổ thì hòn đá đang khổ,mặt trăng ,mặt trời ,trăng sao,ánh sáng ... đang khổ. Vậy có ai trong loài người này dù là Phàm hay Thánh cảm nhận được hòn đá ,mặt trăng ,mặt trời ...đang khổ không? Nếu không ai cảm nhận được các sắc pháp ấy đang khổ thì sắc thọ tưởng hành thức là khổ chính là hoang tưởng ,một chứng bệnh ,bệnh Vô Minh. Vô Minh là thấy Khổ và Nguyên nhân Khổ ở nơi hoàn cảnh .

Đức Phật không nói Năm uẩn là khổ mà ngay bài kinh Chuyển Pháp Luân Ngài đã nói : Năm Thủ Uẩn là khổ nghĩa là chấp thủ Năm Uẩn mới phát sinh Khổ. Duyên khởi lên Khổ đã dược thuyết minh rất rõ ràng: Do có Xúc ( sáu căn tiếp xúc sáu trần) mà có Thọ ,do có Thọ mà có Ái ,do có Ái mà có Thủ ,do có Thủ mà có Hữu, do có Hữu mà có Khổ ( của Sinh Già Bệnh Chêt )sầu bi ưu não không thể kể xiết. Đây chính là thuyết minh một cách tóm tắt lộ trình tâm Bát Tà Đạo .Xúc sinh thì Khổ sinh ,Xúc diệt thì Khổ diệt, sầu bi khổ ưu não là Tâm chứ không phải Cảnh và nó thuộc Hành uẩn ,nó sinh diệt Vô thường ,không thường trú ở đâu cả, không thường trú trong săc thọ tưởng hành thức. Khổ cũng vô ngã nghĩa là không có một cái gì, không có một cái Ta nào la chủ nhân, sỡ hữu Khổ. Đức Phật đã nói: Khi khổ sinh thì biết là khổ sinh, khi khổ diệt thì biết là khổ diệt, trí là trí của người đó không duyên một ai khác .Nghĩa là khi có Khổ sinh thì Thánh hay Phàm đều cảm nhận được Khổ nhưng hiểu biết của kẻ Phàm thì Khổ là Cảnh, thường trú nơi Cảnh, và có chủ nhân( Hữu ngã-Ta khổ) gọi là Vô minh còn bâc Thánh thì hiểu biết Khổ do duyên Xúc, Khổ là Tâm, nó Vô thường ,Vô ngã đây gọi là Minh.

Cũng chính trong Kinh Chuyển Pháp Luân Ngài đã tuyên bố: Nguyên nhân Khổ là khát ái tìm cầu hỷ lạc chỗ này chổ kia như Dục ái ,Hữu ái, Phi Hữu ái. Như vậy Đức Phật nói nguyên nhân Khổ là Tham ái chứ không phải là vô thường. Sự thật về Khổ và Nguyên nhân Khổ này được Đức Phật tuyên thuyết Nhất Quán trong toàn bộ Kinh điển vì vậy đoạn văn trên mâu thuẩn với sự thật ,mâu thuẩn với lời dạy của Ngài.

Đức Phật không bao giờ lại tự mình mâu thuẩn với chính mình nên biết đoạn văn trên không phải là lời của Phật.

3- Vô thường là khổ hay là lạc? Bây giờ hãy đối chiếu ý nghĩa của đoạn văn trên với sư thật .Khi sáu căn và sáu trần tiếp xúc phát sinh thực tại của kẻ Phàm thì cái thực tại là vô thường bao gồm cái thấy, cái nghe ,cái cảm nhận, cái nhận thức và nhưng gì được thấy, được nghe, được cảm nhận ,được nhận thức. Những đối tượng được thây,nghe, cảm nhận là các cảm thọ được chia làm ba trường hợp: dễ chịu ( lạc thọ) ,khó chịu ( khổ thọ ) ,trung tính ( bất khổ bất lạc thọ ) .

- Nếu dễ chịu hay lạc thọ vô thường nghĩa là mất nó thì đó là khổ như mất đi tài sản ,danh tiếng, sức khoẻ ,thân mạng ...

- Nếu đối tượng là khó chịu hay khổ thọ thì khi vô thường mất nó thì lúc đó là lạc chứ không phải khổ. Ví như trời nắng ba tháng dữ dằn thì khi mưa xuống là lạc ,khi một cơn đau đã kéo dài thì khi nó chấm dứt ,vô thường đó là lạc, khi nấu cơm hạt gạo diệt phát sinh cơm thì vô thường là lạc, khi gieo lúa giống, hạt thóc diệt phát sinh cây mạ, vô thương này cũng là lạc ...

- Nếu một đối tượng trung tính hay bất khổ bất lạc thọ thì khi nó vô thường cũng có thể khởi lên lạc hoặc khổ hoặc không khổ không lạc.

Khi đối chiếu với sự thật như vậy thì kết luận "Cái gì vô thường là khổ" không đúng với sự thật, là cái thấy thiên lệch ,một chiều chắc chắn không phải là lời dạy của bậc đã Giác Ngộ Sự Thật. Rất nhiều chổ trong Kinh điển Ngài nói rằng : Nếu thực tại chỉ có khổ mà không có lạc thì chúng sanh sẽ không tham đắm thực tại ấy và vì thực tại có lạc nên chúng sanh mới tham đắm thực tại ấy. Ngài nói Ta đã Tuệ tri vị ngọt là vị ngọt nghĩa là Ngài xác nhận vị ngọt là có thật tuy nó vô thường vô ngã và nó chi là một cảm giác dễ chịu ( lạc thọ) .Nhưng Ngài cũng nói luôn rằng: Ta đã Tuệ tri sự nguy hiểm nghĩa là vị ngọt vô thường nếu thích thú ( Tham ) và nắm giữ nó thì khi nó vô thường, biến hoại, biến diệt sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Nếu một cảm giác dễ chịu mà không thích thú thì sẽ không nắm giữ thì khi nó mất đi sầu bi khổ ưu não không thể khởi lên. Như vây chính Tham ái là Nguyên nhân Khổ chứ không phải là vô thường

4- Thường còn là lạc hay là khổ? Đối với vấn đề này cũng phân ra ba trường hợp để khảo sát:

- Đối tượng dễ chịu : vị như có một món ăn ngon hợp khẩu vị người đó thích thú thưởng thức nhưng nếu bắt người đó bữa nào cũng phải ăn món khoái khẩu đó liên tục không được đổi món kéo dài ra cả năm trời( chưa phải là vĩnh viễn) thì đó là một điều kinh khủng, rất là khổ. Một khuôn viên rất mát mẻ ,đẹp mê hồn với các nàng tiên ,với rượi tiên, âm nhạc tiên ,món ăn tiên,lạc thú của tiên ...và những thứ đó không thay đổi cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác làm cho hai anh chàng Lưu Nguyễn chỉ chịu đựng được hai năm và phải trốn về trần gian vô thường thay đổi. Sự thật là những điều dễ chịu mà nó kéo dài quá mức cũng là khổ kinh khủng chứ chưa nói là nó vĩnh viễn như vậy.

- Một đối tượng khó chịu mà nó thường hằng vĩnh viễn thì làm sao chịu nổi

- Một đối tượng trung tính mà kéo dài thì con người cũng phát điên vì khổ
Vậy thì thường là khổ tuyệt đối chứ không như vô thường vừa khổ vừa lạc. Đối với kẽ Phàm thì vô thường hay thường đều có khổ vì Nguyên nhân Khổ là Vô minh và Tham ái

5- Thực hành Thiền Minh Sát với mục đích thấy Khổ hay thấy Khổ Diệt? .Pháp hành trong Phật giáo là để thấy Sự thật Vô Thường ,Sự thật Vô Ngã là điều không cần bàn luận .Vấn đề cần làm sáng rõ là mục đích của pháp hành là để thấy Khổ hay để thấy Khổ diệt .Theo chủ trương thực hành Thiền Minh Sát của một số người thì mục đích là thấy Tam Tướng : Vô thường, Khổ ,Vô ngã và như vậy họ chủ trương thấy Khổ. Vì vậy khi Thiền sinh trình pháp câu hỏi của họ là đã thấy khổ chưa? Một số hướng dẫn Thiền sinh phải thấy cho được Thân Tâm đang biến đổi , đang sinh diệt nên đó là khổ. Thậm chí có Thiền sư giảng giải một vị A La Hán thấy được sự sinh diệt liên tục nên các vị ấy cũng thấy khổ liên tục và do vậy các vị cũng "ngán" nên các vị phải nhập vào Diệt Thọ Tưởng định để an trú. Nếu một người không tu ,họ không thấy sinh diệt họ không có cái khổ như người tu thấy được sinh diệt là khổ như vậy, thì cách tu như vậy chẳng có lợi ích gì .Một người bị chứng bệnh trầm cảm họ cũng thấy tất cả đều là khổ vì vậy họ đều có ý định kết liễu cuộc đời, đó là chứng bệnh hoang tưởng. Thời Phật tại thế có một số vị Tỷ kheo quán thân bất tịnh nhưng do họ hiểu sai ý nghĩa lời dạy của Phật nên họ chán ghét, ghê tởm, xấu hổ với cái thân bất tịnh nên hàng loạt Tỷ kheo đã tự sát. Đó cũng là một chứng bệnh ,bệnh hoang tưởng.

Trong Tứ Thánh Đế đã được giãng rõ: Khổ cần phải Biết ( Liễu tri ) ,Tập cần phải đoạn, Đạo cần phải tu, Diệt cần phải chứng .Vậy thì khi thực hành Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát thì cũng là thực hành Bát Chánh Đạo với mục đích là chứng ngộ và an trú Khổ Diệt .Khi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên sẽ nhiếp phục lộ trình tâm Bát Tà Đạo( đối với hữu học) và Chánh Kiến trên lộ trình Bát Chánh Đạo sẽ kinh nghiêm được không có Tham Sân Si tức không có Nguyên nhân Khổ nên cũng không có Khổ,đó chính là kinh nghiệm Khổ Diệt. Vì vậy thực hành Tứ Niệm Xứ hay Minh Sát Tuệ không phải để thấy Khổ mà là để thấy Hết Khổ hay là Khổ Diệt.

Tiểu Kinh Đoạn Tận Ái là bản kinh tóm tắt lời dạy trong 45 năm của Đức Phật bằng 5 câu mà pháp hành nằm trọn trong một câu: " Do biết rốt ráo tất cả pháp nên bất kỳ một cảm thọ nào khởi lên ,lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ vị ấy sống quán vô thường, sống quán ly tham, sống quán đoạn diệt ,sống quán xã ly nơi cảm thọ ấy".Quán đoạn diệt là đoạn diệt Năm thủ uẩn nghĩa là đoạn diệt một cái Ta chủ nhân Năm uẩn, cũng có nghĩa là quán vô ngã. Quán ly tham ,quán buông xã để thấy không có Tham Sân Si đối với cảm thọ cũng có nghĩa là thấy Khổ Diệt .Như vậy pháp hành mục đích để thấy Vô thường, Vô ngã và Khổ Diệt.

Khi một Hành giả quán pháp với Chánh Niệm : quán vô thường, thì sau khi thấy ,nghe, cảm nhận đối tượng với cái biết Tĩnh Giác ,Chánh Tư Duy sẽ khởi lên. Chánh Tư Duy sẽ phân tích ,so sánh ,đối chiếu thông tin về đối tượng được Tính Giác cung cấp với những thông tin vô thường( được pháp học lưu trong kho chứa ) đã được Chánh Niệm kích hoạt .Hành vi tư duy này sẽ phát sinh cái biết Ý thức đúng như thật gọi là Chánh Kiến biết đối tượng đó vô thường. Trong cái biết Chánh Kiến này cũng có mặt nội dung về sự nguy hiểm nghĩa là đối tượng đó vô thượng ,nếu thích thú và nắm giữ nó thì khi nó biến hoại biến diệt sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Với Chánh Kiến vô thường như vậy thì Tham Sân Si không thể khởi lên. Ví như khi một người đang khát nước, thấy một cốc nước và nêu anh ta hiểu biết cốc nước này an toàn uống vào sẽ hết khát thì anh ta sẽ uống nhưng nếu hiểu biết của anh ta là cốc nước có độc uống vào sẽ rất nguy hiểm thì anh ta sẽ không uống. Chánh Kiến vô thường khởi lên như vậy thì lộ trình tâm sẽ dừng lại đó không diễn tiến nào tiếp theo và Chánh Kiến cũng kinh nghiệm được lúc đó : không yêu thích ,không chán ghét ,độc lập ,không ràng buộc ,giải thoát không hệ luỵ với đối tượng được thấy ,được nghe, được cảm nhận, được nhận thức ấy. Đó chính là Khổ diệt, chính là Giải thoát. Giải thoát này do Chánh Kiến Vô thường mà kinh nghiệm và an trú nên gọi là Tuệ Giải Thoát.

Khi Chánh Kiến vô thường khởi lên thì cũng kinh nghiệm ngay Giải Thoát nên pháp này không có thời gian là vậy chứ không phải Bát Chánh Đạo là nhân Giải Thoát là quả. Vì rằng nếu Bát Chánh Đạo là nhân Giải Thoát là quả thì khi Bát Chánh Đạo diệt thì Giải thoát sinh và như vậy Giải Thoát là pháp bị chi phối bởi thời gian, là pháp hữu vi thì không phải là giải thoát. Hành giả phải thực hành quán vô thường không chỉ lúc toạ thiền mà phải thực hành mọi tư thế sao cho từ lúc thức dậy cho đến khi nằm ngủ, một dòng Chánh Kiến vô thường khởi lên liên tục .Dòng Chánh Kiến vô thường liên tục nhiều ngày như vậy mới có thể xoá bỏ Vô minh Thường kiến đã được cài đặt từ rất lâu trong " kho chứa", mới đưa đến quả A La Hán. Như vậy Thấy Vô thường là Thấy Khổ Diệt chứ không phải thấy khổ.

6- Tam Pháp Ấn hay Tứ Pháp Ấn? Pháp Ấn là khái niệm phát sinh sau này, còn trong Kinh điển không có khái niệm này. Pháp ấn là gì ? Là những đặc điểm, dấu hiệu để phân biệt Chánh Pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng với giáo pháp không do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Vậy những đặc điểm nào ,những dấu ấn nào để khẳng định đó là Chánh Pháp? Bốn mươi lăm năm thuyết giảng đức Phật chỉ có nói đến hai đề mục : Lý Duyên Khởi và Tứ Thánh Đế. Lý Duyên Khởi nói đến Sự Thật Vô Thường, Sự Thật Vô Ngã. Tứ Thánh Đế nói đến Sự Thật Khổ, Sự Thật Nguyên Nhân Khổ, Sự Thật Khổ Diệt và Sự Thật Con Đường đưa đến Khổ Diệt. Như vậy đặc điểm hay dấu ấn để khẳng định đó là Chánh Pháp phải có sáu. Trong Kinh Dức Phật luôn khẳng định : Xưa nay Ta chỉ nói vê Khổ và Sự chấm dứt Khổ. Đức Phật đã nói gọn lại như vậy nên đặc điểm hay dấu ấn của Chánh Pháp nói gọn lại là có bốn: Vô thường, Vô ngã, Khổ và Khổ diệt. Đây gọi là Tứ Pháp Ấn. Nếu nói Tam Pháp Ấn là Vô thường ,Khổ ,Vô ngã thì Giáo lý như vậy không phải là Chánh Pháp vì không có Khổ diệt mà mục đích của Chánh Pháp là Khổ diệt.

Đại Đức Nguyên Tuệ

_________________


Huy Thai gởi