Vụ ‘bán con’ ở Trà Vinh: Bị cáo tính tìm người khá giả nuôi bé chứ không bán; đang kháng cáo
Một cặp vợ chồng trẻ người Khmer túng quẫn ở tỉnh Trà Vinh, Việt Nam, mới đây bị tòa án phạt tổng cộng hơn 20 năm tù về tội bán con ruột mới ra đời. Nữ bị cáo trong vụ này nói với VOA rằng cô không hề có chủ định bán con mà chỉ mong tìm người khá giả để nuôi cháu bé.
Cô và chồng đang làm việc với luật sư để kháng cáo bản án sơ thẩm, VOA được biết. Trong khi đó, nhiều người bàn luận trên mạng xã hội rằng xét trình độ nhận thức hạn chế và hoàn cảnh khó khăn của cặp vợ chồng, nhà chức trách dường như đã “cứng nhắc”, “vô cảm” khi xử lý vụ này.
Theo tường thuật hôm 15/1 trên Dân Trí, Tuổi Trẻ và một số báo khác ở Việt Nam, vào tháng 11/2022, cô Thạch Thị Kim Nhung, 22 tuổi, và anh Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, 29 tuổi, cùng trú tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Trà Vinh, đã “lên mạng rao bán con ruột” khi đó mới hơn 1 tháng tuổi.
Các báo viết rằng đôi nam nữ ở với nhau như vợ chồng và có 4 con chung này làm như vậy vì cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho 3 con nhỏ còn lại sau khi “bán đi” con út.
Đến đầu tháng 12/2022, cô Nhung và anh Tuấn đạt được thỏa thuận với một người có tên là Nguyễn Hữu Dương, 32 tuổi và sống ở tỉnh Hà Tĩnh, theo đó, họ giao con cho anh Dương ở Trà Vinh và nhận 18 triệu đồng.
Không lâu sau, theo tường thuật của báo chí, anh Dương mang cháu bé đi “bán” cho người khác, bị người dân tố cáo và bị công an bắt.
Từ vụ bắt giữ đó, cô Nhung và anh Tuấn cũng bị công an triệu tập và họ đã “thừa nhận hành vi phạm tội”. Tiếp đến, tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên phạt cô Nhung 10 năm tù, anh Tuấn 13 năm tù về tội mua bán trẻ em dưới 16 tuổi, theo nội dung các bản tin trong nước hồi giữa tháng 1/2024.
Theo quan sát của VOA, trong mấy ngày nay, nhiều người am hiểu tập quán ở những vùng nghèo khó cũng như nắm vững luật pháp bình luận rằng bản án đạt lý nhưng không thấu tình.
Trong số họ là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng như thầy giáo-nhà thơ Lường Tuấn Tú, chủ trang Facebook Thái Hạo; phó giáo sư Mạc Văn Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh, võ sư Đoàn Bảo Châu, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà bình luận-phản biện xã hội Hoàng Dũng…
Họ lập luận rằng việc một gia đình nghèo khó đem con đi cho một nhà khác khá giả hơn nhưng hiếm muộn con cái không phải là điều xa lạ trong xã hội Việt Nam bao đời nay. Việc này, trong quá khứ thường diễn ra một cách đơn giản, họ nói, còn hiện nay, nếu làm đúng quy trình về cho-nhận con nuôi theo luật hiện hành sẽ không phải là điều phạm pháp.
Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng vấn đề với cô Nhung và anh Tuấn là do trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật của họ quá thấp, nên họ đã làm không đúng các thủ tục, vì vậy, phía nhà chức trách nên xem xét để không xử lý một cách cứng nhắc, thiếu tình người.
Từ Trà Vinh, cô Thạch Thị Kim Nhung, hiện đang được tại ngoại sau bản án sơ thẩm, nói một cách mộc mạc, chất phác với VOA qua điện thoại về vụ việc của vợ chồng cô: “Lúc bàn giao con, con muốn tính chỉ là tìm gia đình khá giả hơn để nuôi bé chứ không phải là để thực hiện mua bán con của con”.
Một trong số nhiều người xúc động về hoàn cảnh và bản án của vợ chồng cô là luật sư Minh Thọ, với tên đầy đủ là Phạm Văn Thọ. Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông cho VOA biết ông sẽ biện hộ hoàn toàn miễn phí cho họ và đơn kháng cáo vừa được nộp hôm 24/1, kịp thời hạn.
Vị luật sư nhận xét rằng bản cáo trạng của phiên sơ thẩm, dựa trên kết luận điều tra, có nội dung “nghèo nàn” và bản án nặng nề “có vẻ chưa thuyết phục”.
Sau khi nói chuyện với cô Nhung, luật sư Minh Thọ nhận thấy thực chất vụ việc không phải là “bán con”.
Cô Nhung kể lại với luật sư rằng cô chỉ nghĩ đơn giản là muốn thông qua một trang mạng mai mối về cho-nhận con nuôi để giao cháu bé cho một nhà khá giả với hy vọng bé có tương lai tốt hơn, đồng thời, cô sẽ nhận một khoản tiền cho việc mang nặng đẻ đau, theo quan niệm dân gian.
Vẫn theo lời thuật lại của cô, khi bị công an triệu tập, do hiểu biết pháp luật quá ít ỏi, sau khi nghe công an giải thích rằng giao con cho người khác và nhận lại tiền là buôn bán người, cô Nhung đã nhận tội.
Nhưng từ góc nhìn của một luật sư, ông Thọ nói với VOA rằng cách giải thích luật của cán bộ điều tra là “không chuẩn” và kết luận của nhà chức trách dựa trên các diễn biến như đã nêu là “không hẳn đúng”.
Ông cho biết sẽ cố chứng minh tại phiên phúc thẩm rằng việc làm của cô Nhung không cấu thành tội phạm: “Không phải cô ý hiểu và ý thức được việc mua bán người. Tội phạm có 4 yếu tố cấu thành: chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể. Tức là về mặt chủ quan, cô ấy hoàn toàn không có ý thức là bán con”.
Ngoài ra, ông cũng sẽ trình bày về hoàn cảnh túng quẫn của cặp vợ chồng trẻ người Khmer không có mấy hiểu biết về pháp luật, với hy vọng làm lay động lòng thương cảm của các vị ngồi ghế phán xử để ít nhất là họ sẽ ra quyết định giảm án.
Cô Thạch Thị Kim Nhung, người đang bị bản án 10 năm treo lơ lửng trên đầu, đưa ra lời thỉnh cầu: “Con nhờ xem xét lại, giảm bớt án để con sớm về hoặc ở nhà để lo cho tụi nhỏ”.
Cô cũng nói về hoàn cảnh nhiều khó khăn: “Con con còn nhỏ. Ba mẹ cũng già. Mẹ thì bịnh hoài. Ba thì ban ngày đi bán vé số, có bữa hết có bữa không hết. Con đi [tù] như vậy, ở nhà tụi nhỏ trong quá trình nó lớn hổng có mẹ nó ba nó bên cạnh, sợ ông bà ngoại hổng có lo cho tụi nó được”.
Trên mạng xã hội, Facebooker Thái Hạo có hơn 75.000 bạn và người theo dõi đã kêu gọi đóng góp từ thiện cho gia đình cô Nhung, được nhiều người hưởng ứng, theo quan sát của VOA.
VOA cố gắng liên lạc với công an và tòa án tỉnh Trà Vinh để tìm hiểu quan điểm của họ trước những phản ứng từ dư luận nhưng không có hồi đáp.
____________
Đỗ Hứng gởi