VUA A DỤC - VỊ VUA HỘ TRÌ PHẬT PHÁP
Truyền thuyết kể rằng : trên đường du hóa, Đức Phật Thích Ca gặp một cậu bé con nhà trâm anh ngồi giữa đường nhồi đất sét nặn giả làm thành trì sông núi. Cậu bé đem dâng cúng tất cả thành trì này cho Phật bằng cách bỏ hết vào bình bát của Ngài và nguyện sau này sẽ được thống trị muôn dân. Đức Phật tiếp nhận lời ước nguyện, và báo trước rằng mai kia cậu sẽ trở thành một vị vua ở Hoa Thị Thành (Pataliputra) và là một ông vua tích cực hộ trì Phật Pháp.
Kỳ diệu thay, hai trăm năm sau Phật nhập Niết bàn, cậu bé cúng dường đất sét năm xưa, nay tái sinh làm hoàng tử, rồi trở thành Vua A Dục, người về sau chinh phục bằng bàn tay sắt đẫm máu, cuối cùng trở thành đại đế của một cõi Ấn Độ, người đã từng được miêu tả như là "A Dục bạo chúa" (Chandashoka), và cũng là một "A Dục sùng đạo" (Dharmashoka).
Hoàng Đế A Dục, vị vua thứ ba của triều đại Mauryan, Ấn Độ, sinh năm 304 trước Tây Lịch (TTL) tại Thành Hoa Thị, kinh đô Ma Kiệt Đà, ông vốn là con cháu 9 đời của Vua Tần Bà Sa La . Vua A Dục lên ngôi lúc 35 tuổi (năm 269 TTL), trị vì được 38 năm và mất năm 232 TTL, thọ thế 73 tuổi. Ông được xem là ông vua vĩ đại nhất của quốc gia Ấn Độ, và là vị hoàng đế đầu tiên đã cai trị một đế chế rộng lớn từ 273 đến 232 TTL.
Lúc còn là một hoàng tử, Vua A Dục luôn xuất sắc cả trong quân sự lẫn các môn học khác. Khi trưởng thành thì như một vị tướng cầm quân thông minh và chưa bao giờ nếm mùi thất bại.
Sau khi lên ngôi, vua A Dục đã mở ra những cuộc xâm lăng và mở rộng bờ cõi của mình trong tám năm sau đó, để rồi sở hữu một đế quốc rộng lớn từ Ấn Độ ngày nay, Pakistan, Bangladesh cho đến các vùng đất Afghanistan và Iran. Cố nhiên, hệ quả của những cuộc chinh phạt này là những cuộc chiến tranh chết chóc và đẫm máu.
Cuộc chiến cuối cùng do Vua A Dục cầm quân đã diễn ra tại Kalinga, nằm trên bờ biển phía đông Ấn Độ (ngày nay là Orissa). Kết cuộc là Kalinga bị chiếm đoạt và tiêu diệt, khoảng 10 ngàn quân của vua A Dục thiệt mạng nhưng có đến 100,000 người phía Kalinga đã bị giết một cách dã man và 150.000 người bị bắt làm tù binh. May mắn và kỳ diệu thay, sau cuộc chiến khốc liệt này, dù đang ở trên đỉnh cao của địa vị thống lãnh sơn hà đại địa của một cõi Ấn Độ, nhưng A Dục Vương đã nhận ra sai lầm của mình, ngai vàng này, giang sơn này đã có được từ sự tham lam, hung bạo và tàn sát của mình, chính nó được thiết lập bằng thảm hoạ của chiến tranh, từ thương vong tang tóc, từ máu đổ thịt rơi cho hàng vạn người dân vô tội, nên ông đã quyết tâm trở về con đường thiện lành như người xưa từng nói “ phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”,quăng bỏ con dao, ngay đó thành Phật. Thật vậy, Vua A Dục đã cải tà quy chánh, trở về con đường thiện lành, quy y Tam Bảo và nhanh chóng trở thành một ông vua hộ trì Phật Giáo một cách thành tín trong phần đời còn lại của mình.
Ông đã lập nhiều bia đá, trụ đá tại những thánh tích nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng đi qua, chính vì thế mà tên tuổi của ông luôn gắn liền với lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Vua A Dục, nhà chiêm bái Phật tích đầu tiên: Có thể nói Vua A Dục là nhà chiêm bái Phật tích đầu tiên và là người có công để lại những dấu vết về những Phật tích ấy.
Vào năm thứ 20 của triều đại của mình, Vua A Dục đã cầu thỉnh Ngài Ưu Ba Cúc Đa đưa đi chiêm bái hết tất cả những Phật tích tại Ấn Độ. Vua A Dục cùng với hoàng gia Khổng Tước dưới sự hướng dẫn của Ngài Ưu Ba Cúc Đa đã thực hiện chuyến đi chiêm bái này trong vòng 265 ngày để đến tận nơi và chiêm bái hết tất cả những thánh tích tại Ấn Độ, từ Lâm Tỳ Ni cho đến Câu Thi Na. Tại mỗi thánh tích vua A Dục đều cho xây dựng bảo tháp, bia đá và trụ đá để đánh dấu nơi mà Đức Phật đã từng lưu trú và thuyết giảng lúc còn tại thế.
Chính nhờ những trụ đá, bia đá này mà ngày nay hàng đệ tử Phật mới biết chính xác về các Phật tích. Theo truyền thuyết kể rằng Vua A Dục đã thu nhặt được xá lợi của Đức Phật từ bảy hoặc tám bảo tháp nguyên thủy, và sau đó được phân chia và cho xây dựng 84.000 bảo tháp nhỏ trên toàn vương quốc để tôn thờ.
Trụ đá Vua A Dục: Nếu như triều đại A Dục đã nhanh chóng lụi tàn và lãng quên trong lịch sử Ấn Độ năm mươi năm sau đó, thì chính những bia đá, trụ đá của vua A Dục đã để lại những dấu vết không bao giờ bị xóa nhòa. Những chứng tích của vị vua khôn ngoan này đã được các nhà khảo cổ khai quật và tìm thấy rải rác trên khắp Ấn Độ cũng như ở các quốc gia Nepal, Pakistan và Afghanistan.
Những trụ đá này được điêu khắc một cách tinh xảo đầy mỹ thuật; trên đó những lời Phật dạy được gìn giữ một cách cẩn thận để nhân dân có thể học hỏi và áp dụng vào đời sống của họ. Những gì mà Vua A Dục để lại là chữ viết, một đóng góp sớm nhất của nền văn minh thung lũng Ấn hà, một loại cổ ngữ của Harrapa, xưa hơn cả cổ ngữ Sanskrit, loại ngôn ngữ thường thấy ở các trụ đá mà ngày nay gọi là Prakrita.
Vua A Dục, người có công tổ chức kết tập kinh điển lần thứ 3: Vào khoảng 218 năm, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn tức là năm 254 TTL, Phật Giáo Ấn Độ vì được ủng hộ nhiệt tâm của Vua A Dục, dành mọi sự ưu đãi, tạo mọi điều kiện dễ dãi đối với tăng ni, từ vật chất đến tinh thần, đến nỗi có quá nhiều kẻ đã lợi dụng thời cơ này để mượn đạo tạo đời, kẻ ngoại đạo trà trộn vào hàng tăng chúng, tạo ra sự lũng đoạn về mặt sinh hoạt tu học, gây nhiều mối phân tranh, bất hòa hợp trong tăng chúng. Vua A Dục muốn chấn chỉnh lại đạo Phật nên ngài đã mở cuộc khảo hạch Tăng già và đuổi ra khỏi giáo đoàn những người không thông thuộc giáo lý.
Vua A Dục, người có công truyền bá Phật giáo qua Tích Lan. Theo sau cuộc Kết Tập Kinh Điển lần thứ 3 (năm 254 TTL), Vua A Dục đã cử nhiều phái đoàn hoằng pháp ra nước ngoài như Tích Lan, Miến Điện, Mã Lai và Sumatra. Ngoài việc chăm lo đời sống ấm no cho người dân, thương dân như con cái, Vua A Dục còn chăm lo truyền bá ánh sáng của Chánh Pháp đến cho dân chúng trong và ngoài xứ Ấn. Vua A Dục đã hướng dẫn hai người con : hoàng thái tử Mahinda (Ma Thẩn Đà) và công chúa Singhamiha xuất gia làm tăng ni, gia nhập tăng đoàn tu học và sau đó được gởi sang Tích Lan để hoằng pháp vào khoảng giữa thế kỷ thứ 3 TTL. Phái đoàn hoằng pháp do ĐĐ Mahinda và Sư Cô Singhamiha dẫn đầu đến Tích Lan để truyền đạo, đã mang theo ba tạng kinh điển và một cây Bồ Đề để trồng tại Tích Lan, cây Bồ Đề này hiện nay vẫn còn và là một biểu tượng thiêng liêng cao quý đối với Phật tử Tích Lan.
Một niềm tự hào và hãnh diện khác là sau hơn hai ngàn năm trăm năm sau, những đóng góp của Vua A Dục vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân Ấn Độ nói riêng và Phật giáo nói chung. Đáng chú ý nhất là quốc huy và quốc kỳ của Ấn Độ. Hiện nay quốc huy của đất nước này chính là bản sao của Trụ đá Vua A Dục tại Vườn Lộc Uyển, còn quốc kỳ thì lấy Bánh Xe Pháp Luân (Dharmachakra) của Phật Giáo làm biểu tượng chính. Nếu triều đại của A Dục Vương đã dễ dàng biến mất vào sự lãng quên của lịch sử, thì chính trụ đá và bánh xe chuyển pháp luân ở vườn Lộc Uyển của Vua A Dục vẫn là biểu tượng quen thuộc đối với một tỷ mốt người dân Ấn kể từ năm 1947. Nguyện cầu cho bánh xe Chánh Pháp sẽ lăn chuyển mãi về sau để mang ánh sáng giác ngộ từ bi và trí tuệ của Đức Phật đến cho mọi người mọi nhà.
ST
________________
Hoang Nguyen gởi