Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
X.92, Điệp viên giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa và của CIA
 

Về tình báo trong chiến tranh Việt Nam, điệp viên Võ Văn Ba dường như không có ai nhắc đến, cho mãi đến những năm sau nầy, hai điệp viên của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ, CIA, mới tiết lộ và xác nhận Võ Văn Ba là người gián điệp giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa và của CIA trong chiến tranh Việt Nam.
 
Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2008,  Trung tâm Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas, đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam”. Diễn giả là những chuyên viên CIA đã từng phục vụ ở Việt Nam.
 
Trong bài diễn thuyết của ông Merle Pribbenow, một cựu nhân viên CIA, hoạt động tại Sài Gòn từ 1970 đến 1975, mang đến bài thuyết trình “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam”. Người Mỹ đã sử dụng tình báo trong hàng ngũ Cộng Sản có bí danh X.92, tên Võ Văn Ba. Võ Văn Ba là người điệp viên giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Orin DeForest, nhân viên CIA phục vụ 6 năm ở Việt Nam, nhắc đến tên Võ Văn Ba có mật danh là “Reaper” trong cuốn sách “Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Việt Nam”. Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông Ba là “Điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam”.
 
Trong cuốn tiểu sử về sếp CIA ở Sài Gòn là Ted Shackley, tác giả David Corn nêu ra một sự đánh giá thời hậu chiến của CIA, rằng điệp viên nầy “là nguồn tin đáng tin cậy nhất về ý định của Cộng sản” ở Việt Nam. Ông Frank Warren Snepp, chuyên viên phân tích tình báo (Intelligence Analyst) đã có đôi lần gặp người nầy, và gọi ông ta là “Điệp viên hàng đầu của chúng ta” ở Việt Nam.
 
Để bảo đảm bí mật, chỉ có một sĩ quan Cảnh sát Đặc biệt là Thiếu tá Phan Tấn Ngưu được liên lạc với Võ Văn Ba ở Tây Ninh.
 
Cựu Thiếu tá Phan Tấn Ngưu cho biết, năm 2010, ông Pribbenow đến tìm gặp ông, xin chi tiết về Võ Văn Ba để ông hoàn thành cuốn sách, về tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Ông Ngưu cảm thấy khó xử, vì ngoài ông Võ Văn Ba ra, còn có nhiều người khác đã tham gia vào các công tác, hiện còn sống ở Việt Nam, nên ông chỉ cho biết về hoạt động của Võ Văn Ba mà thôi.
 
Trong một đoạn hồi ký của Thứ trưởng Công An Hà Nội, “55 Năm một chặng đường”, Trần Xuân Viên nói về ông Võ Văn Ba, làm nội tuyến cho Việt Nam Cộng Hòa tại Trung Ương Cục Miền Nam. Trần Xuân Viên nói “Võ Văn Ba là một nội gián quan trọng. Y đa chui sâu, leo cao vào nội bộ ta. Trong 10 năm, y đã thu thập rất nhiều tin tức quan trọng cho địch”.
 
Vài nét về Võ Văn Ba
 
Võ Văn Ba sinh năm 1923 thuộc tỉnh Tân An. Năm 1945, ông và người chú theo Việt Minh. Ông là một đảng viên tích cực, được giao nhiệm vụ tuyển mộ thành viên trẻ theo Việt Minh. Ông trở thành một kẻ khủng bố, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng khủng bố không phải là cách thu phục trái tim con người. Ông rời bỏ Việt Minh năm 1954. Không tập kết ra Bắc.
 
Có một thời gian ông làm việc cho một đơn vị quân đội Mỹ, và sau cùng về định cư trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Vợ ông bán rau quả ở chợ Long Hoa. Ông có con, một trai, một gái.
 
Võ Văn Ba và gia đình định cư ở nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ông làm rẫy ở ven đường mà cán bộ Việt Cộng thường xuyên qua lại, để vào căn cứ của Trung Ương Cục Miền Nam Việt Nam, trong một hang động dưới chân núi Bà Đen. Gặp gỡ thường xuyên, quen mặt nhau, nên cán bộ VC cố thuyết phục ông Ba gia nhập Đảng.
 
Vì hiểu rõ bản chất của Việt Cộng, nếu không theo họ thì có thể bị thủ tiêu để loại bỏ cái chướng ngại nầy. Ông Ba đồng ý chấp thuận. Và sau đó được làm ủy viên tin cậy của Cục R. Theo VC thì lại lo ngại hai cơ quan là An ninh Quân đội và Cảnh sát Quốc gia. Ông Ba đến người chú, đang là sĩ quan của Cục An ninh Quân đội, xin được làm điềm chỉ viên. Kế đến, người chú đề nghị CSQG thu nhận ông Ba cũng được làm điềm chỉ viên. Thiếu tá Cảnh sát Phan Tấn Ngưu, thuộc khối Đặc biệt, được chuyển đến Tây Ninh để trực tiếp liên lạc với Võ Văn Ba thông qua những hình thức “giao liên”.
 
Việt Cộng giao nhiệm vụ cho Võ Văn Ba
 
Ông Ba tuyển mộ cán bộ mới, để thành lập những chi bộ, giúp ông để kiểm soát mọi hoạt động trong Tòa Thánh, tuyên truyền để tranh thủ những tín đồ Cao Đài theo VC. Tuyên truyền gây chia rẽ trong nội bộ các chức sắc Cao Đài. Ám sát những người thân chính quyền quốc gia. Trong lịch sử Cao Đài, đã có những vụ ám sát như các ông: Cao Hoài Sang, Trương Hữu Đức, Trung tá Nguyễn Văn Nhã, giữ chức Thượng chánh Phối sư...
 
Trung ương Cục miền Nam Việt Nam
 
Trung ương Cục Miền Nam Việt Nam, là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam. Là cơ quan chỉ đạo trực tiếp cuộc chiến, đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Trung ương Cục còn được gọi là B2, Cục R. Ban Chấp hành của Cục R theo thời gian gồm những người như sau: Nguyễn Văn Linh (Bí danh Mười Cúc), Võ Chí Công (Võ Toàn, Trần Nam Trung (Hai Hậu), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Lê Đức Thọ (Khai sanh Lê Văn Nhuận, bí danh Anh Ba), Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Văn Trà (Tư Chi), Hoàng Văn Thái (Mười Khang), Lê Đức Anh (Sáu Nam) Trần Độ (Chín Vinh), Đồng Văn Cống... Trung ương Cục Miền Nam dựng lên cái tổ chức bù nhìn là “Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, và “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, gồm có:  KTS Huỳnh Tấn Phát, LS Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình. BS Dương Huỳnh Hoa, Trương Như Tảng, Trần Bạch Đằng, Trần Bửu Kiếm, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Đại đức Sơn Vọng, Nguyễn Văn Hiếu, Y Bih Aleo…
 
Do quân đội Việt Nam Cộng Hòa liên tục tấn công nên Cục R phải chạy sang lãnh thổ Campuchia ở vùng Mỏ Vẹt, Móc Câu, được Quốc Trưởng, Hoàng thân Norodom Sihanouk cho phép. Cộng quân thì chạy sang Nam Lào.
 
Võ Văn Ba nằm ở Trung ương Cục, được tiếp cận với những ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, xem như nằm tại Bộ Chính Trị Đảng ở Hà Nội. Vị trí của Võ Văn Ba rất quan trọng, vì trước đó và sau đó, không có một gián điệp nào nằm vùng ở Bộ Chính Trị Đảng CSVN cả. Trường hợp có một không hai, ngàn năm một thuở.
 
Những thông dịch viên của cố vấn Mỹ tỉnh Tây Ninh
 
Cố vấn Mỹ ở phòng Cảnh sát Đặc biệt của ty Cảnh sát Tây Ninh có ba thông dịch viên. Riêng về hồ sơ của X.92 thì chỉ có một thông dịch viên phụ trách, không kiêm nhiệm các vụ việc khác. Nhiệm vụ chính của thông dịch viên nầy là chỉ dịch những văn bản tiếng Việt ra tiếng Anh mà thôi. Điều kiện của thông dịch viên được quy định như sau: Không phải là người ở Tây Ninh. Không có bà con, thân thuộc nào sinh sống ở Tây Ninh.
 
Sau 4 năm công tác ở Tây Ninh, cố vấn Mỹ đã lần lượt có 3 thông dịch viên là: Nguyễn Sĩ Phong, Nguyễn Cao Quan, Nguyễn Thanh Trang. Trường hợp của thông dịch viên Nguyễn Sĩ Phong, ông là người miền Bắc, là người nhanh nhẹn thi hành công tác giao phó, có nhiều khi phải thức suốt đêm để dịch những báo cáo viết tay, và những tài liệu in ấn chiếm vài ba chục trang giấy. Ông kết hôn với một phụ nữ Tây Ninh, vi phạm điều 2, nên bị chuyển đến làm thông dịch ở Phòng cố vấn CIA thuộc Tổng Lãnh sự Mỹ vùng II, Ban Mê Thuột.
 
Ngày 10-3-1975, Việt Cộng chiếm Ban Mê Thuột, Ông Phong đưa gia đình đến nhà của ông Paul Struharick, CIA đại diện của USAID. Ông Struharick là CIA cuối cùng bị kẹt lại Ban Mê Thuột nên bị Việt Cộng bắt cả hai. Do bị tra khảo, Nguyễn Sĩ Phong khai Võ Văn Ba là gián điệp của CIA.
 
Thiếu tá Phan Tấn Ngưu lập hệ thống liên lạc
 
Võ Văn Ba cư ngụ trong nội ô Tòa Thánh Tây Ninh. Nội ô là khuôn viên hình thang rộng khoảng 1 km², cách thành phố Tây Ninh khoảng 5 km. Công việc quan trọng nhất của điệp viên Võ Văn Ba là chuyển những tin tức tối mật của Việt Cộng, ở Cục R miền Nam, cho tình báo Việt Nam Cộng Hòa và CIA. Thiếu tá Phan Tấn Ngưu và Võ Văn Ba lập hệ thống liên lạc. Đó là hệ thống “giao liên”, có hai yếu tố bí mật và an toàn hàng đầu.
 
Việc liên lạc giữa nơi gởi và nơi nhận chỉ cách nhau có 5 Km. Võ Văn Ba đã sử dụng ba phương tiện để chuyển tin tức, là liên lạc máy vô tuyến Walkie-Talkie, hộp thơ chết, và hộp thơ lưu động. Có 3 hộp thơ chết, 2 đặt trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, 1 đặt ở ngoại ô, gần tỉnh lỵ.
 
Phương tiện vận chuyển của Tây Ninh là xe lôi, tức là xe gắn máy kéo cái rờ-mọt (trailer) chở người. Xe mang số giả. Tài xế và 2 nữ sinh đều là nhân viên đặc nhiệm, mang 2 cái cặp da giống nhau, đón xe ở hai ngả đường khác nhau. Sau khi trao hai cái cặp da, lần lượt xuống xe, ở 2 khoảng đường khác nhau. Loại hộp thơ lưu động nầy, X.92 viết báo cáo sau khi đi họp ở T.Ư.C., hoặc đi công tác về. Bấm máy walkie-talkie cho biết.
 
Khi mở cái cặp da ra, trong đó có bản sao Nghị Quyết của Bộ Chính trị Hà Nội, và một chỉ thị của Cục R cho biết Hiệp định Paris sẽ ký kết vào ngày 30-10-1972 (Thật ra Hiệp định được ký vào ngày 27-1-1973), trong đó có một điều khoản rất quan trọng là Hoa Kỳ và VNCH chấp nhận cho bộ đội Cộng sản Bắc Việt được ở lại miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống.
 
Phần chỉ thị của Cục R, là các nơi phải dốc toàn lực để “giành dân lấn đất”
 
Thiếu tá Phan Tấn Ngưu liên lạc với cố vấn Mỹ, cùng ở ty Cảnh sát Tây Ninh, yêu cầu cho một phi cơ để mang tài liệu về Bộ Tư lệnh CSQG. Cố vấn Mỹ cũng được nhận bản sao để gởi cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Vụ việc được đưa lên Tổng thống Thiệu. Đọc xong, ông mời Đại sứ Mỹ đến để hạch hỏi về việc Mỹ qua mặt VNCH, ông dọa là có thể rút phái đoàn VNCH ra khỏi cuộc hòa đàm.
 
Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Việt Cộng chủ trương “giành dân lấn đất” bằng cách treo cờ của Mặt Trận Dân tộc Giải phóng, ở những vùng xa các đồn bót của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Cờ 3 màu, trên đỏ dưới xanh, ở giữa có ngôi sao vàng. Ban đêm du kích treo cờ ở những cành cây, sáng ra dân vệ đi hạ cờ.
 
Chính phủ cấp cho mỗi gia đình 10 tấm tôn để lợp nhà, trên mỗi tấm tôn có hình cờ vàng 3 sọc đỏ của VNCH. Trên máy bay nhìn xuống thì thấy cả khu vực toàn là nhà có cờ của VNCH. Đồng thời cấm các chợ trong khu vực không được bán vải màu đỏ, màu xanh và màu vàng để may cờ của VC.
 
Xin hoãn dịch cho con của Võ Văn Ba
 
Con trai của Võ Văn Ba là Võ T. D, thi đậu Tú tài I năm 1971, nhưng thi rớt Tú tài II liền 2 năm. Đã hết hạn hoãn dịch vì lý do học vấn, nên phải thi hành quân dịch. Có Tú tài I thì được đưa vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Mãn khóa mang lon chuẩn úy của quân độ VNCH.
 
Có con là sĩ quan VNCH, thì chắc chắn Võ Văn Ba sẽ bị Việt Cộng cho hạ tầng công tác, hoặc khai trừ. Vụ việc không tốt nầy, sẽ làm mất một nguồn tin, ngàn năm có một của tình báo VNCH và của CIA. Thế là Thiếu tướng Tư Lịnh Cảnh sát Quốc gia Nguyễn Ngọc Loan yêu cầu Nha Động viên Bộ Quốc phòng, cấp giấy hoãn dịch cho con của Võ Văn Ba.
 
Một tuần lễ sau, giấy hoãn dịch do Thiếu tướng Bùi Đình Đạm, Giám đốc Nha Động viên Bộ Quốc phòng ký, đã đến tay Võ Văn Ba.
 
Cảnh sát Đặc biệt và CIA dàn dựng những vụ việc để giúp X.92 được Việt Cộng tin cậy
 
Để giúp Võ Văn Ba được Việt Cộng tin cậy, gồm những việc như sau:
 
1) Rải truyền đơn chống những chức sắc Cao Đài thân chính quyền VNCH. Trong những ngày Lễ Vía của đạo, cảnh sát chìm VNCH mặc quần áo lễ phục, ban đêm, dùng xe gắn máy rải truyền đơn ở những con đường quy định. Truyền đơn lên án những chức sắc Cao Đài thân chính quyền VNCH, cụ thể là việc chỉ điểm để bắt giữ những thanh niên trốn quân dịch đang ẩn náu trong nội ô Tòa Thánh. Sau khi rải, cảnh sát đi nhặt truyền đơn, và Phòng thông tin tỉnh phát loa lên án Việt Cộng.
 
2) Đặt chất nổ: Trên con đường dẫn đến trụ sở của Trung ương Cục, có những trạm do dân vệ kiểm soát sự ra vào của Việt Cộng. Tỉnh trưởng Tây Ninh và Cố vấn Mỹ đồng ý cho thực hiện, dùng chất nổ, đã thu được của Việt Cộng, để phá vỡ các trạm kiểm soát. Phía Mỹ đồng ý xuất tiền xây dựng lại các trạm bị phá. Đến ngày thực hiện, cảnh sát Tây Ninh sẽ rủ rê các dân vệ đến nhậu ở một quán nào gần đó. Sau vụ nổ, Phòng thông tin tỉnh lại phát loa tố cáo Việt Cộng. Hình ảnh cảnh đổ nát được đưa lên báo. Tỉnh trưởng Tây Ninh làm giấy khiển trách, những người có trách nhiệm ở các trạm kiểm soát.
 
Cục R cũng biết đó là những hành động của X.92 nên càng tin tưởng hơn.
 
X.92 thông báo về cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” Tết Mậu Thân 1968
 
X.92 Võ Văn Ba thông báo cho Cảnh sát Đặc biệt Tây Ninh, là Hà Nội sẽ tổng công kích vào Tết Mậu Thân 1968, mặc dù hai bên đã tự tuyên bố ngừng bắn. Về phần cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan ra lịnh cấm trại 100% trên toàn quốc. Các đơn vị phải đào hầm chung quanh hoặc lập những công sự, để phòng thủ và chiến đấu. Riêng quân đội VNCH thì vẫn cấm trại 50% như thường lệ. Tổng thống Thiệu thì đi Mỹ Tho ghé thăm mẹ vợ. Tướng Vĩnh Lộc, Tư lịnh Quân đoàn 2 thì bay về Sài Gòn mừng tuổi, và chúc Tết mẹ. Ngay trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, vào ngày 31-1-1968, Việt Cộng đã đồng loạt tấn công vào hầu hết các đô thị miền Nam. Đó là kế hoạch gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy”. Các đô thị bị tấn công gồm có: Kontum, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Phanh Thiết, Tây Ninh, Biên Hòa, Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Vinh, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Ở Sài Gòn, Cộng quân đã đánh chiếm cổng số 4 của Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH. Riêng thành phố Huế, thì chỉ có các tiểu tổ, các đơn vị đặc công địa phương đã chiếm Huế 26 ngày, và giết 4,000 người, đa số là thường dân và những người làm việc cho các cơ quan chính quyền, như giáo viên, công chức các ngành nghề… chủ yếu là chôn sống ở các hố chôn tập thể.
 
X.92 báo tin Việt Cộng quyết đánh chiếm Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh
 
Vào tháng 12 năm 1971, X.92 Võ Văn Ba được lịnh đến họp khẩn cấp tại Chiến Khu Đ. Tại buổi họp, Võ Văn Ba được chỉ thị phải về họp gấp các chi bộ trực thuộc, để phổ biến lịnh của Bộ Chính Trị, là phải đánh chiếm cho được Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh, để mặc cả với VNCH trên bàn Hội nghị Paris. Kế hoạch cụ thể có hai phần, thực hiện đồng bộ với nhau, bên ngoài thì bộ đội tấn công đánh chiếm Tòa Thánh. Đồng thời, bên trong, X.92 xách động tín đồ biểu tình phản đối, yêu cầu quân đội VNCH không được bắn vào bộ đội Việt Cộng đang đánh nhau ở bên trong để chiếm Tòa Thánh.
 
Biểu tình nêu lý do, là để bảo vệ kiến trúc Tòa Thánh và bảo vệ tánh mạng của tín đồ.
 
Đó chỉ là kế hoạch trên lý thuyết.
 
Khi báo cáo của X.92 được Đại tá tỉnh trưởng Tây Ninh, Lê Văn Thiện, đưa về Sài Gòn, thì Tổng thống Thiệu ra lịnh phải bảo vệ Tòa Thánh bằng mọi giá. Từ đó, có những buổi họp từ Tư lệnh Quân đoàn 3, Sư đoàn 25 BB, và các đơn vị liên hệ. Công binh VNCH đào giao thông hào toàn bộ phía Bắc tỉnh Tây Ninh, để chống thiết giáp Việt Cộng.
 
Giao thông hào chỉ là cái vỏ bọc ngoài, thực chất bên trong là hệ thống mìn các loại, được đặt song song bên cạnh giao thông hào. Ban đêm, phi cơ trinh sát, thám sát cả vùng phía Bắc tỉnh lỵ Tây Ninh. Trong khi đó, các đơn vị của Liên đàn 81 Biệt Cách Dù ngày đêm bám sát hoạt động của Việt Cộng.
 
Đến đầu tháng 4 năm 1972, lúc 2 giờ sáng, những tiếng nổ đồng loạt vang lên, kể cả pháo binh. Vì pháo binh VC đặt khá xa, nên đạn chỉ rơi ở bên ngoài tỉnh lỵ. Tổn thất không đáng kể.
 
Các đơn vị bên ngoài báo cáo về phòng chỉ huy tỉnh, là chỉ có bộ binh mà không có thiết giáp. Có lẽ do phi cơ thám thính liên tục nên VC không dám dùng thiết giáp. 5 giờ sáng hôm sau, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Khi trời sáng, các nơi báo cáo, dọc theo giao thông hào có đầy vết máu, một số xác chết chưa kịp mang đi. Cộng quân chết vì mìn đặt song song với giao thông hào.
 
Nhờ tin tức do X.92 cung cấp nên Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh được giữ nguyên vẹn.
 
X.92 mang Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị tháng 1 năm 1975 về Sài Gòn
 
Tình hình của Việt Nam Cộng Hòa: Quân đoàn 2 tan rã ngày 10-3-1975. Quân đoàn 1 tan rã ngày 29-3-1975. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21-4-1975. Mỹ cúp viện trợ nên quân đội VNCH thiếu thốn về mọi mặt.
 
Chính X.92 mang toàn bộ Nghị quyết 24 về Sài Gòn.
 
Nghị quyết chỉ nói tổng quát là bộ đội các cấp nỗ lực tấn công các kho nhiên liệu của miền Nam. Pháo binh và thiết giáp tấn công vào các mục tiêu chiến lược.
 
Tổng thống Thiệu từ chức, không thành vấn đề. Việc thành lập chính phủ ba thành phần, cũng không thành vấn đề.
 
Giải pháp quân sự dứt điểm cuộc chiến, quyết chiếm Sài Gòn, để lập thành tích cho kịp mừng sinh nhật Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 5. Thống nhất đất nước để đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Cộng Sản.
 
Nhân vật Út Tặng
 
Trong phần thuyết trình của ông Merle Pribbenow, có đề cập đến nhân vật Út Tặng.
 
Do những tổn thất không nhỏ, nên Việt Cộng nghi ngờ có nội gián. Đến cuối năm 1971, Bí thư huyện ủy quận Phú Khương đã chỉ thị cho một nữ cán bộ tên Út Tặng, sống hợp pháp ở khu vực chợ Long Hoa gần nhà X.92, theo dõi, điều tra về Võ Văn Ba. Hằng ngày Út Tặng đạp xe đạp chở rau quả đi bán hàng rong trong khu vực nhà của ông Ba.
 
Thiếu tá Phan Tấn Ngưu thuật lại, khi gặp X.92 tại nhà an toàn, ông cho biết y thị hoạt động rất hăng say và rất nguy hiểm. Mặc dù là cán bộ cấp huyện, nhưng trong vài lần họp cấp cao ở mật khu, y thị có tham dự. Ông Ngưu cho biết, chỉ hai ngày sau, ông đã bí mật bắt cóc Út Tặng trên đường bán hàng rong ở chợ Long Hoa.
 
Khi báo cáo về Tổng Nha CSQG, thì Đại tá  Huỳnh Thới Tây, Trưởng Khối Đặc biệt, ra lịnh phải mang y thị về cơ quan D6. Y thị bị giam giữ cho đến ngày 30-4-75.
 
Thiếu tá Ngưu không cho X.92 biết vụ bắt cóc, vì sợ rằng ông mất đề cao cảnh giác trong công tác. Khoảng một năm sau, Cục R cho biết Út Tặng đã mất tích và chỉ thị cho X.92 dò xét xem Út Tặng bị giam ở đâu, sống chết thế nào.
 
Ông Frank Snepp muốn gặp tận mặt X.92 để kiểm chứng tin tức mà CIA Tây Ninh gởi về
 
Frank Snepp là chuyên viên phân tích tình báo (Intelligence Analyst) của CIA. Ông muốn gặp X.92 để kiểm chứng tin tức mà CIA Tây Ninh đã gởi về. Được ông Ba đồng ý. Cảnh sát và CIA Tây Ninh thực hiện. Ông Ba nói với vợ là ông đi khám bịnh ở bịnh viện Tây Ninh, rồi đi họp ở Cục R. Ở bịnh viện, ông vào một phòng không có bác sĩ và y tá. Lách ra cánh cửa để vào một phòng trống, nằm trên một băng ca, đắp tấm vải trắng phủ cả người, như một người chết. Hai nhân viên đặc vụ đưa băng ca lên xe hồng thập tự chạy ra phi trường Tây Ninh.
 
Đến trọ tại một phòng của khách sạn sang trọng ở Sài Gòn, phòng bên cạnh là của ông Frank Snepp. Thế là câu chuyện nghiệp vụ được thực hiện. Ông Snepp công nhận tài liệu mà CIA đã nhận được là chính xác.
 
Mỗi lần ra ngoài, X.92 đều ngụy trang. Tóc giả, râu giả, mang kiếng đen thật to để đi “tham quan” thành phố Sài Gòn.
 
Ông Snepp cho biết X.92 có một trí nhớ phi thường. Đọc qua một văn bản, ông thuộc lòng những chi tiết cần thiết.
 
Ông Ba rất thích bia Budweiser và thuốc Salem.
 
Ông Snepp nêu nhận xét, Võ Văn Ba là người yêu nước được CIA đặt cho cái biệt hiệu “TU Hackle và là điệp viên giỏi nhất của CIA hoạt động trong lòng địch”.
 
Sau ba ngày, ông về Tây Ninh và được Thiếu tá Phan Tấn Ngưu đón về, cũng theo thể thức của ngành tình báo.
 
Số phận của Võ Văn Ba
 
Vào tháng 3 năm 1975, cố vấn Mỹ nêu ý kiến, đưa X.92 cùng gia đình di tản sang Mỹ.
 
Ông Ba từ chối, cho rằng ông đã già (52 tuổi) nên khó khăn lập nghiệp ở Mỹ. Cuối cùng ông Ba cho biết, ông sẽ trở lại cuộc sống bình thường. “Nếu Cộng Sản chiếm miền Nam tôi sẽ tự tử”.
 
Kết luận
 
Ông Võ Văn Ba sống an toàn cho đến hết ngày 30-4-1975. Do lời khai của thông dịch viên Nguyễn Sĩ Phong ở Ban Mê Thuột, nên ông Ba bị bắt ngày 1-5-1975. Bị giam ở Tây Ninh, rồi chuyển về giam tại Tổng Nha Cảnh Sát (Trước 1975).
 
Ông dùng dây lưng quần siết cổ tự tử vào ngày 8-6-1975. “Võ Văn Ba là người yêu nước, là điệp viên giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa và của CIA”
 
Trúc Giang MN
 
(Minnesota ngày 21-3-2023)

________________


Đặng Hữu Phát gởi