Xả
1) Xả (捨; P: upekkhā, cāga; S: upekṣā, tyāga; E: equanimity).
Xả trong tiếng Hán có nghĩa là vứt bỏ, bỏ đi, rời bỏ.
Tuy nhiên Xả trong Phật giáo lại là khái niệm bình đẳng, không dính mắc vào các phân biệt cực đoan, là sự thể hiện cụ thể tinh thần Trung đạo. Do đó, Xả là cách tu tập chế ngự Tham Sân là 2 cực đoan của ưa thích và chê ghét; tinh tế hơn nữa, Xả thể hiện tính tích cực như bố thí Ba-la-mật, trái với thái độ thờ ơ tiêu cực.
- Trong kinh điển Pali thì Xả là một trong Tứ phạm trú (四梵住; P: Cattāri-brahmavihārā; S: Catvāri-brahmavihārāḥ → Tứ vô lượng tâm) là 4 hành động vượt thoát Từ Bi Hỉ Xả với nội tâm Vô ngã.
- Trong giáo lý Thất Giác Chi thì Xả giác chi là chi thể hiện tính rốt ráo cho quá trình tu tập giải thoát.
- Trong thiền định Sắc giới, Xả phát sinh trong trạng thái của tầng thiền định thứ ba (Tam thiền) và thứ tư (Tứ thiền), đó là “Xả niệm thanh tịnh”.
- Theo ngài Phật Âm, Xả được phân biệt ra mười loại (Vism. 160, DhsA. 172).
1. Lục nhập xả (P: Chalangupekkhā) → “xả sáu phần”), Xả với ý nghĩa là không dính mắc trói buộc của một vị A-la-hán đối với các đối tượng của sáu giác quan.
2. Vô lượng xả (P: Brahmavihārupekkhā), Xả là phần cuối trong bốn tâm vô lượng.
3. Giác chi xả (P: Bojjhaṅgupekkhā), Xả là phần cuối trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi).
4. Pháp cần xả (P: Viriyupekkhā), Xả bỏ sự nỗ lực, ở ý nghĩa rằng có một sự cân bằng giữa tinh tấn và giải đãi.
5. Hành vi xả (P: Sankhārupekkhā), Xả là một kết quả trong tu tập thiền định.
6. Pháp thọ xả (P: Vedanupekkhā), Xả như một loại “cảm thọ”.
7. Pháp quán xả (P: Vipassanupekkhā), Xả như kết quả của một sự phát triển “quán”.
8. Trung bình xả (P: Tatramajjhattupekkhā), Xả ở nghĩa sự “cân bằng” của các yếu tố tâm.
9. Pháp thiền xả (P: Jhānupekkhā), Xả được trải nghiệm ở Tam thiền.
10. Pháp tịnh xả (P: Pārisuddhupekkhā), Xả được trải nghiệm ở Tứ thiền.
2) Buông bỏ và Buông xả.
- Buông 𢭾 là từ Nôm (E: Release something), có nghĩa là thả ra, thả xuống. Như buông màn (bỏ màn xuống), buông lỏng (thả lỏng), buông lời (nói ra) ...
- Bỏ 補 là từ Nôm, có nghĩa là vứt đi, không dùng nữa, không nhìn nhận đến một sự vật. Như nhà nước bỏ khoa thi, bỏ nhà ra đi. Như thế, bỏ là không có cái dụng trở lại. Ví dụ như sau khi uống một ly nước thì bỏ cái ly vào thùng rác. Bỏ còn có cách nói khác là Buông bỏ (E: Jettison).
- Xả 捨 là từ Nôm, có nghĩa là không giữ, nhưng không có nghĩa là bỏ, tức vứt đi không dùng nữa, mà là có cái dụng trở lại. Ví dụ như sau khi uống một ly nước thì ta không bỏ cái ly vào thùng rác, mà cũng không nắm giữ mãi trong tay; ta rửa sạch ly rồi cất giữ, để khi cần thì dùng ly này để uống. Xả còn có cách nói khác là Buông xả (E: Let go of something).
Đạo Phật khuyến khích Buông xả thể hiện Trung đạo, chứ không khuyến khích Buông bỏ biểu hiện Cực đoan. Theo đó, Buông xả có nghĩa là tâm không thủ giữ mọi sự vật bằng “thức Nhị nguyên” phân biệt là các khái niệm chế định, mà trực nhận sự thật của mọi sự vật bằng “trí Duyên khởi”, cho nên tuy sống với thức mà không phải bị thức trói buộc. Chúng ta không chấp thủ “bỏ hay giữ” một cách cực đoan, mà phải khéo sắp xếp và sử dụng thích nghi trong nhận thức và hành động.
Ví như sau khi học hiểu ra một quyển kinh và đi tới giác ngộ giải thoát, vị này hẳn không phải vội vã đốt đi quyển kinh hay tự "giải thoát thân ngũ uẩn" này bằng cách tự tử hay hộ tử, mà vẫn gìn giữ lại quyển kinh này cho người sau học tập. Vào thời Phật còn tại thế, nhiều vị đắc quả thánh A-la-hán đã gợi lên nhiều vấn đề dễ bị hiểu nhầm để Phật thuyết giảng cho đại chúng hãy còn chưa giác ngộ, nhằm liễu tri chân lý.
Như thế, buông bỏ mang tính thủ chấp, và trái với buông xả mang tính phá chấp. Đầu mối của xả là nhận thức sâu sắc chân lý Duyên khởi, là phương tiện kỳ diệu, dẫn dắt chúng sinh vượt qua vô minh là các chấp thủ cực đoan "bỏ-giữ", nhằm đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.
Mọi sự vật trên đời
Đều theo Duyên thành hoại
Hiện tượng là Vô thường
Bản chất là Vô ngã
Như thân là giả tướng
Do tứ đại hợp thành
Đủ duyên thân tan rã!
Dù các bậc tài danh...
Trói buộc vào danh lợi
Chỉ làm khổ chính mình
Bởi chúng là hư ảo
Mãi tồn tại bao giờ?
Trói buộc vào thù hận
Chính mình tự làm khổ
Dù là lỗi của người
Hay là lỗi của ta.
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai không ai biết!
Xả ly mọi mộng, tưởng
Thảnh thơi hành trang bước.
Tự tại - không bám víu
Không thành kiến cực đoan
Không chấp ngã, chấp pháp
Hạnh phúc ngay hiện đời.
HT
_____________
Huy Thai gởi