Xin được quỳ xuống cho các thế hệ sau đứng thẳng
Sáng nay, tôi bắt gặp trên Twitter cái tweet của một luật sư người Arab, đạo Hồi. Ông ta viết ngắn gọn: “Năm 2017, đứa con 8 tuổi của tôi hỏi rằng liệu nó có bị đuổi ra khỏi nước Mỹ hay không? Sáng hôm qua, thằng con giờ đã 12 tuồi, hỏi tôi rằng đứa em gái của nó sau này có thể trở thành tổng thống Mỹ hay không?“
Dòng tâm sự này gợi lên trong tôi nhiều thứ và tôi chợt giật mình, khi nhận ra rằng chỉ sau một đêm mà Hoa Kỳ đã thay đổi quá nhiều. Một cảm giác khó tả.
Tuổi của tôi. Tánh khí của tôi. Chắc chắn sẽ không bao giờ có thể làm chánh trị hay nghĩ tới chuyện làm một viên chức của chánh phủ – dù tôi từng là nhân viên (quèn) thuộc liên bang suốt nhiều năm trời. Nhưng đọc xong dòng tweet ấy, tôi không thể không nghĩ tới mấy đứa nhỏ da màu vẫn được cha mẹ dắt đi bộ ngang nhà tôi mỗi ngày …
Trong đám con nít quen mặt này, vàng, trắng, đen, nâu … đủ cả. Biết đâu, một ngày nào đó, một đứa trong đám nhóc ấy sẽ trở thành những người mang trọng trách của quốc gia?
Tôi chưa từng viết bài khen ngợi Biden, dù đã phải đọc rất nhiều những comment khích tướng. Hôm qua, lúc cắm cúi chuyển ngữ bài diễn văn nhậm chức, tôi dừng lại thật lâu khi viết đến đoạn ông nói thoáng qua về buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Woodrow Wilson từ 108 năm về trước và câu chuyện đoàn diễu hành đòi quyền bình đẳng bầu cử của Woman Suffrage Procession, để rồi nhấn mạnh đến sự kiện Hoa Kỳ lần đầu tiên có một Phó
Tổng thống là phụ nữ, lại còn là người da màu. Ông nhấn mạnh:
“Xin đừng nói với tôi là không thể có đổi thay.”
“Đổi thay” đã từng là phương châm của Tổng thống Obama. Joe Biden là một ông già gần 70 tuổi vào lúc ông cùng tranh cử với Obama. Vậy mà ông già đó vẫn có khả năng để thay đổi, để tin vào sự thay đổi. Và niềm tin ấy vẫn nguyên vẹn cho đến 12 năm sau đó, khi tới phiên ông ngồi vào cái ghế quyền lực nhất hành tinh, ông vẫn tin rằng xã hội và con người có khả năng thay đổi cho những điều tốt đẹp hơn.
Tôi cũng là một “ông già”, hay ít nhất là cũng đang bắt đầu bước vào tuổi già. Nhưng ngẫm nghĩ để so sánh thì mới thấy là chưa chắc tôi đã có được một tư tưởng cởi mở như ông già gần 80 tuổi Joe Biden. Chỉ buồn cho lớp trẻ ở quê hương của tôi, mới ngoài 30 mà đầu óc đã tự đông cứng, bảo thủ.
Hôm qua, ông già Joe Biden tuyên bố với toàn thế giới rằng “Đừng nói với tôi là không thể thay đổi” và ông ấy chứng minh cho hành động của mình qua việc bổ nhiệm Nội các của ông.
Một Nội các có thể nói là đa dạng nhất từ trước tới nay. Đủ màu da, sắc tộc, giới tính.
Hoa Kỳ đang thay đổi. Việc bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống là một mình chứng, và tôi chắc rằng đêm hôm qua tại Mỹ đã có hàng triệu đứa con nít da màu đi vào giấc ngủ với ước mơ và hình ảnh về một tương lai, về một ngày sẽ tới phiên chúng nó trở thành Tổng thống hay Phó Tổng thống. Trong đám con nít ấy, không thể không có những đứa nhỏ có cùng dòng máu Việt như tôi.
Ước mơ luôn miễn phí. Nhưng để có thể cấy vào tâm hồn con người ta những ước mơ vĩ đại, cao cả … cần nhiều hơn là một bài diễn văn hay những dòng chữ trống rỗng, không bằng chứng. Cần đến những tấm gương. Cần sự hy sinh, cống hiến.
Diễn văn của Joe Biden được đúc kết bằng máu của những người da đen đã chết như Mục sư King. Bằng sự can đảm của bà Rose Park, không chịu cúi đầu từ bỏ cái ghế ngồi trên xe bus. Bằng hàng trăm, hàng ngàn thí dụ khác về sự đấu tranh bền bỉ của những người da-không-trắng.
Người Việt da vàng là sác dân định cư tại Hoa Kỳ muộn màng nhất trong tất cả các sắc dân đã cùng quần tụ để chung tay bồi đắp thêm cho cái đất nước vĩ đại này. Và chúng ta cũng là một trong các sắc dân ít nếm mùi ngược đãi vì kỳ thị nhất ở đây. Chúng ta là những người may mắn được thụ hưởng thành quả từ sự hy sinh của các sắc dân khác trước đó.
Không phải đổ máu để tranh đấu cho quyền được đối xử bình đẳng. Thì cũng xin đừng nghĩ rằng quyền thụ hưởng là mặc nhiên mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Sẽ đến một ngày, người Việt Nam sẽ cùng nhau hãnh diện khi có một Tổng thống hay Phó Tổng thống Hoa Kỳ là người gốc Việt. Tôi tin chắc như thế. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng nếu không có một Kamala Harris thì sẽ không thể có một Phó Tổng thống Trần, Lê hay Nguyễn ….
Không có cái chết của Mục sư King thì sẽ không thể có chuyện người Việt Nam được bỏ phiếu như hôm nay.
Lịch sử và quá khứ ngày hôm qua của Hoa Kỳ cũng có hình bóng người Việt Nam trong đó. Chúng ta cũng đã là một phần của lịch sử. Nếu chối bỏ lịch sử, sẽ không thể có tương lai.
Lịch sử của người da màu ở Mỹ, tuy không bắt đầu, nhưng đọng lại ở hành động quỳ gối này.
Trích từ Tiếng Dân
Khách Huyền Đao– 22-1-2021
usaelection gởi