XÓM CỦI
Nghe cái tên cũng có thể đoán được. Tuy giáp với trung tâm Chợ Lớn, nhưng khu Xóm Củi nói riêng, quận 8 nói chung gần như tách biệt bởi nhiều rạch nhỏ chằng chịt, dân chúng phải dùng ghe làm phương tiện chính đi lại trong vùng.
Xóm Củi cạnh kinh Tàu Hủ thập niên 1960 (Ảnh LIFE)
Sau khi Pháp bình định Sài Gòn-Chợ Lớn, các cầu sắt được dựng lên quanh khu Xóm Củi. Phía Bắc là cầu Malabars phía sau Chợ Cũ (bưu điện Q. 5 ngày nay) bắc qua kinh Tàu Hủ (sau khi lấp kinh Vạn Kiếp thì xây thêm cầu Chà Và), phía Nam có cầu Nhị Thiên Ðường bắc qua Kinh Ðôi, phía Ðông dựng cầu Xóm Củi qua rạch Ụ Cây, hướng Tây có cầu Bình Tây nối vào làng Bình Tiên.
Xóm Củi hình thành từ lúc nào không rõ, chỉ biết nó có tên trên bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn do Trần Văn Học vẽ hồi năm 1815 cùng với nhiều tên xóm: Xóm Chỉ, Xóm Than, Xóm Rẫy, Xóm Lò, Xóm Chiếu… Những Xóm này là khu dân cư mà người dân sống trong đó thường có chung một nghề làm ăn, hay buôn bán.
Xóm Củi đương nhiên rõ nghĩa rồi. Ở vùng này người ta bán củi cho dân quanh vùng Chợ Lớn mua về đốt lò, nấu bếp từ thuở xa xưa, anh bạn đồng nghiệp dạy học ở quận 8 kể chuyện qua điện thoại với tôi như vậy. Nghe vậy thì biết vậy. Xem ra có lý, Xóm Củi thì bán củi chứ nào bán chiếu như chợ Xóm Chiếu, quận 4. Nhưng, anh bạn tôi nói thêm, ở Xóm Củi cũng có bán chiếu nữa đừng tưởng chỉ có củi đốt lò. Gia đình anh có hai đời bán chiếu, bà nội anh tiếp theo là má anh. Nhà có một sạp chiếu lớn trên đường Cần Giuộc ngay mặt tiền chợ Xóm Củi. Ở đây, không chỉ có sạp chiếu gia đình anh mà còn nhiều sạp hàng lớn nhỏ bán chiếu. Anh thủ thỉ trong phôn: “Khi xưa vùng Xóm Củi này sông nước kinh rạch nhiều lắm, nhiều ao trũng sình lầy, nước lợ đồng chua phía bên kia Rạch Hiệp Ân là cả những cánh đồng lác, người dân khai thác làm ra chiếu cói. Món hàng chiếu bán chạy không thua gì bán củi”.
Tôi cắc cớ hỏi bây giờ Xóm Củi không còn bán chiếu, bán củi? Anh im lặng một chút như tìm trong trí nhớ xem chỗ nào bán buôn thứ hàng hoá ngày xưa, rồi nhẹ nhàng nói rằng còn chứ, nhưng rất ít. “Chỉ những người thương hồ buôn bán bám trụ ở Kinh Ðôi bên bến Phạm Thế Hiển còn xài. Cà ràng, ông táo, chiếu đệm vẫn bán đó đây cho người nghèo cần dùng trong sinh hoạt ngủ nghỉ nấu nướng. Nhưng đó là xóm khác rồi, đâu còn trong Xóm Củi. Thời trước củi có bán ở những tiệm chạp phô nhỏ quanh chợ ngay cả sau năm 1975, dầu hôi đốt lò xô khan hiếm, củi trở lại một thời gian ngắn huy hoàng như thuở má tôi còn bán chiếu ở chợ Xóm Củi. Ừ, mà mắc gì Xóm Củi phải bán củi, thời đó khắp Sài Gòn đâu đâu lại không có bán củi”. Nói xong anh cười hè hè: “Nhớ thời khó khăn đó, củi khô củi ướt có gì đốt nấy, nhiều khi nấu ăn mà đôi mắt cứ cay sè”.
Cầu Ụ Cây thuộc vùng Xóm Củi xưa
Anh nhớ hồi nhỏ nghe ông nội kể chuyện lúc từ quê lên Sài Gòn định cư ở quận 8: “Củi bán dọc theo Rạch Ụ Cây. Con rạch này nối vào Rạch Hiệp Ân thông vào sông Cần Giuộc đi đến Cần Giuộc, Cần Ðước Long An. Ghe chở củi đước khai thác từ Cần Ðước hoặc Cần Giờ qua sông Nhà Bè vào Kinh Ðôi tụ về đây chất hàng xuống vựa, tạo thành khu vực bán củi”.
Nhắc lại chuyện xưa nhưng giọng anh có vẻ ngần ngại: “Ông bà nội cũng chỉ nghe những người cố cựu kể lại, rồi đem truyền miệng cho con cháu nghe để biết đôi chút về vùng đất mới. Ðúng sai thật ra chẳng cần thiết nhưng những câu chuyện nhỏ đó nó có thể làm cho mình yêu mến, gắn bó với vùng đất mình đến ở hơn”.
Anh trầm lắng một chút rồi kể tiếp: “Nhà tôi ba đời ở trên con đường mang tên của một vùng đất thuộc tỉnh Long An. Hồi thuở bà nội tôi sống ở Xóm Củi đã có đường Cần Giuộc rồi. Mà tên tiếng Việt đàng hoàng, chứ không phải tên tiếng Tây như nhiều con đường khác ở Chợ Lớn. Con đường bên hông chợ, phía bên kia chợ Xóm Củi dẫn xuống Rạch Ụ Cây có cây cầu Xóm Củi. Tôi nhớ lúc tôi bảy tám tuổi, khu vực này người ta trồng rau muống nhiều lắm, vài nhà còn lợi dụng chỗ trũng sâu đào ao nuôi cá tra, trên đó có cái cầu xí, ngồi ngó mặt ra đường. Rạch Ụ Cây, người địa phương còn gọi là rạch Xóm Củi chảy ngoằn ngoèo đến tận cuối chợ. À khó mà phân biệt đâu là đầu đâu là cuối chợ vì cái chợ này có hai ngã đi vào. Một là phía ngoài đường Tùng Thiện Vương vào đường Cần Giuộc, hai là từ phía khu chợ cá Xóm Củi hồi xưa ở mé cầu. Rạch Ụ Cây có một nhánh rạch nhỏ dẫn vào bên hông chợ gọi là bến Xóm Củi. Nghe má tôi kể khoảng mấy năm trước thời ông Diệm ghe thuyền theo con rạch ngoài vào rạch Xóm Củi cất hàng bỏ hàng cho các vựa bán buôn. Sau đó con rạch này bị lấp đi làm đường Xóm Củi bây giờ. Khu vực cuối chợ tức gần rạch nhà cửa tuềnh toàng, lấn chiếm các con rạch, sau này bị giải toả lấy lại khu đất để xây cất chợ. Chợ bây giờ cũng cũ lắm rồi nhưng được nó lớn hơn ngày xưa rất nhiều. Phía ngoài đường Tùng Thiện Vương còn mang hình ảnh phố thị, chớ vào mấy con đường bên hông chợ xuống tận Kinh Ðôi trông như còn nhà quê. Mà đúng là nhà quê thật. Hầu hết dân cư ở đây từ các tỉnh miền Trung, miền Tây di cư hồi thời chiến tranh lên Sài Gòn sinh sống. Nghề nghiệp không ổn định, phụ nữ đa phần buôn gánh bán bưng, đàn ông đạp xích lô, chạy xe ôm kiếm sống. Nên hồi trước, quận 8 nói chung mang tiếng là khu dân cư tứ xứ giang hồ phức tạp, đến nỗi người ta ví: “Nhất quận Tư, nhì quận Tám”.
Ghe củi ra vô tấp nập trên kinh Tàu Hủ tại khu vực Xóm Củi
“Xin dừng chuyện nhà một chút để tôi giải thích cái câu ví von trời đánh mà người đời gán oan cho dân quận 8. Chuyện dân quận 8 mang tiếng giang hồ chẳng qua hồi thời ông Bảy Viễn thủ lãnh quân Bình Xuyên, làm mưa làm gió ở Chợ Lớn. Phía bên đất Kinh Ðôi do ông quản lý, lại bao thầu ăn chia với các giới tài phiệt làm chủ Ðại Thế Giới nên dưới tay có cả đám giang hồ anh em sẵn sàng thanh toán nhau bằng dao với súng. Vài nhóm giang hồ tứ xứ từ nơi khác kéo đến quận 8 “làm ăn” mượn oai hùm gây tiếng xấu. Thật ra dân ở khu vực Xóm Củi là những người lao động lam lũ. Hầu hết từ thôn quê di cư lên Sài Gòn, ít học, bán sức lao động kiếm sống. Có việc thì làm, không việc ra ngồi quán cà phê cóc nói chuyện dưới đất, mắt hong hóng lên trời nhìn mây cá mưa độ nắng. Chuyện cá độ nắng mưa ở xóm chợ của tôi xuất hiện từ trước 1975, sau này đám thanh niên học hỏi kinh nghiệm của các nhà tinh thông thiên văn khí tượng vỉa hè lão thành đem đi cá cược ăn tiền chút chút. Chuyện dùng mũi đánh hơi, nhìn trời dự báo thời tiết, có đúng, có sai nhưng chủ yếu là vui với bạn bè xóm giềng khi rảnh rỗi”.
“Chuyện này thì vui nhưng kể ra dài lắm. Trở lại chuyện ông bà nội tôi cũng là dân di cư hồi đầu năm bốn mươi (1940). Ði ghe bầu từ Cần Giuộc xuống quận 8, kiếm mua miếng đất cất nhà. Nhà cửa ở vùng này khi đó còn lưa thưa, ông bà nội mua miếng đất cất căn nhà gỗ mái lá ngay chợ, mở sạp bán chiếu cho đến đời ba má tôi, căn nhà xây cất lại vách gạch mái ngói tinh tươm. Bằng công việc bán chiếu mà má tôi nuôi đám con bốn năm đứa ăn học với mong con cái có cuộc sống sau này khá hơn đời trước. Tôi là con trai lớn trong nhà, học sư phạm xong, ra trường đi dạy, lấy vợ. Hổng hiểu sao cái duyên của tôi gắn liền với chợ Xóm Củi, đời bà nội, rồi má, lại đến đời con. Bà xã tôi buôn bán sạp vải trong chợ. Bây giờ cả hai đã nghỉ hưu, con cái học hành ra trường đi làm tiền lương cũng khá, không đến nỗi phải có đời chợ thứ tư ở cái chợ Xóm Củi này”.
“Bây giờ con cái có gia đình ra riêng, tụi nó kêu vợ chồng tôi bán nhà về ở chung để tiện chăm sóc nhưng tôi chẳng muốn. Sống trong ngôi nhà từ đời ông bà cha mẹ bao nhiêu năm rồi mọi thứ đều quen, tôi không muốn thay đổi. Tuy ở ngay chợ ồn ào nhưng có cái vui của nó. Muốn ăn gì cũng có. Hơn nữa đối với tôi ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm. Mấy đứa em tôi đều sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng về thăm Sài Gòn, có chỗ về ở trong ngôi nhà của cha mẹ ngày xưa chẳng phải gắn bó thêm tình cảm gia đình lắm sao!”
Trang Nguyên
______________
Đỗ Hứng gởi