Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 
Xung đột tại Ukraina có tính tương đồng nhiều nhất với Việt Nam, không phải Đài Loan


Cuộc chiến của Nga ở Đông Âu đã khiến các nhà quan sát an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương so sánh giữa hoàn cảnh của Ukraina với Nga và của Đài Loan đối với Trung Quốc.

Chắc chắn, Ukraina và Đài Loan đều là các quốc gia dân chủ xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại và độc tài. Lập luận của Vladimir Putin rằng Ukraina không phải là một quốc gia có chủ quyền thậm chí dường như lặp lại lời của Tập Cận Bình và mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông: Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc và "sự thống nhất" sẽ đến, cho dù thông qua các biện pháp hòa bình hay cưỡng chế nếu cần thiết.

Tuy nhiên, sau những điểm tương đồng đáng chú ý này, sự giống nhau giữa Ukraina và Đài Loan không còn nữa. Sự tương tự chặt chẽ hơn có thể thấy ở một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương khác: Việt Nam.

Cũng là một nhà nước xã hội chủ nghĩa do một Đảng Cộng sản độc tài cai trị, Hà Nội đang chịu sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc không đe dọa xâm lược Việt Nam như Nga đe dọa Ukraina, đôi khi các cuộc giao tranh trên biển gây chết người giữa hai quốc gia châu Á này đã diễn ra. Một sự cố trên biển rất có khả năng sẽ tràn vào đất liền, phá vỡ nền hòa bình kéo dài hàng thập kỷ ở biên giới chung của hai nước này. Thậm chí là một kịch bản như vậy có nhiều khả năng xảy ra bất kỳ lúc nào, cao hơn là một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Việt Nam không có liên minh an ninh với bất kỳ cường quốc hoặc mạng lưới liên minh nào, và Ukraina cũng ở tình thế đúng như vậy. Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc có nghĩa là Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa. Mặc dù quan hệ Mỹ-Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, quan hệ đối tác "toàn diện" của Washington với Hà Nội là cấp độ quan hệ đối tác thấp nhất trong hệ thống phân cấp của Việt Nam.

Sự sụp đổ của Liên Xô khiến Việt Nam cảm thấy bị các liên minh hắt hủi đến mức Hà Nội thậm chí không có liên minh an ninh với quốc gia bạn bè lâu đời là Nga. Điều này đặt Việt Nam thực sự phải tự bảo vệ mình trên Biển Đông. Nếu so sánh, Philippines có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn lớn với Trung Quốc nhưng có thể nâng cao vị thế trong quan hệ đồng minh với Washington.

Đúng ra, Đài Loan cũng không có liên minh với Mỹ hoặc bất kỳ cường quốc nào khác. Tuy nhiên, mọi chính quyền Mỹ kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để chuyển qua quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979 đều hỗ trợ Đài Loan những vũ khí cần thiết để phòng thủ dưới sự bảo trợ của Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Hơn nữa, chỉ vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hai lần khẳng định rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào hòn đảo này. Việt Nam không thể có được kỳ vọng như vậy.

Việt Nam, giống như Ukraina, trước đây cũng đã từng bị nước láng giềng lớn hơn của mình tấn công. Nga chiếm Krưm vào năm 2014 và xâm nhập vào khu vực biên giới Donetsk và Luhansk của Ukraina. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa từ Nam Việt Nam vào năm 1974 và từ chối trao trả chúng sau khi Việt Nam thống nhất. Sau đó, vào năm 1979, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xâm lược các tỉnh phía bắc Việt Nam để "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã can thiệp vào Campuchia, chống lại chính quyền Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn.

Mạng xã hội Việt Nam đã xôn xao về những điểm tương đồng này kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina. Theo một bài bình luận gần đây, điều duy nhất đã cứu Việt Nam không bị Trung Quốc chiếm năm đó, là nhờ liên minh của Việt Nam với Liên Xô - cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân, dù rằng liên minh này đến nay đã không còn tồn tại.

Bắc Kinh đã tiếp tục thực hiện các lựa chọn quân sự chống lại Việt Nam. Ví dụ, vào năm 1988, Trung Quốc đã đánh đuổi các lực lượng Việt Nam ra khỏi rạn san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và triển khai quân đội đến quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc ngày nay sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân đánh cá trên biển lớn nhất khu vực, và hiện tại thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp và buộc các tàu thuyền của các quốc gia đối thủ phải ra khỏi khu vực này. Vào đầu tháng 3/2022, Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành một hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể là để trục vớt một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi mà không được sự cho phép của Hà Nội.

Trong khi đó, tại biên giới đất liền, việc thành lập ít nhất một, có lẽ là hai căn cứ của PLA gần đó đã được công khai vào năm ngoái - một căn cứ tên lửa và máy bay trực thăng. Luật ranh giới đất liền mới của Bắc Kinh, cũng được thông qua vào năm 2021, khuyến khích việc bảo vệ tích cực các biên giới của Trung Quốc bằng vũ lực. Nó gợi ý rằng các đơn vị PLA hoạt động ngoài các căn cứ này có thể được trao quyền để gây thêm áp lực đối với Việt Nam.

Đài Loan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay rất gần hoặc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động quân sự trực tiếp nào chống lại hòn đảo kể từ khi chính phủ Quốc dân đảng chạy trốn khỏi đại lục vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Điều này không có nghĩa là quan hệ xuyên eo biển Đài Loan chưa từng xảy ra sự cố.

Trong các năm 1954-55 và 1958, PLA đã pháo kích vào các tiền đồn quân sự của Đài Loan trên các đảo Kim Môn và Mã Tổ, gần bờ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, vào các năm 1995 và 1996, Bắc Kinh đã phóng tên lửa gần Đài Loan để phản đối chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy khi đó. Tuy nhiên, về tổng thể, Bắc Kinh đã hạn chế thực hiện các hành động quân sự chống lại chính đảo Đài Loan. Về phần Việt Nam, Bắc Kinh không có hạn chế như vậy.

Trung Quốc cũng có thể mong đợi sẽ dễ dàng đánh bại Việt Nam trong một cuộc xung đột vũ trang quy ước, mặc dù Trung Quốc không nhất thiết là có thể đánh bại Việt Nam trong một cuộc chiến tranh du kích kéo dài. Điều này không giống như đánh giá của Nga trước chiến tranh về sự kém cỏi của các lực lượng quân sự của Ukraina. Trung Quốc duy trì lợi thế quân sự to lớn so với Việt Nam, cho dù dưới hình thức tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, hạm đội mặt nước và các lĩnh vực khác.

Sau khi tuyên bố tăng tài trợ 7,1% vào đầu tháng này, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh là vào khoảng 230 tỷ USD, gấp ít nhất 32 lần so với ngân sách ước tính 7 tỷ USD của Hà Nội. Hơn nữa, Trung Quốc đã hỗ trợ đầu tư vào chuyên nghiệp hóa quân sự, đặc biệt là để tăng cường hợp tác trên các dịch vụ, để cuối cùng biến PLA, theo hướng dẫn của ông Tập, thành quân đội có "đẳng cấp thế giới". Việt Nam thua xa Trung Quốc về mọi mặt có thể hình dung được.

Ngược lại, Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào việc mua sắm hoặc phát triển các khả năng phòng thủ phi đối xứng giá rẻ để làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chinh phục hòn đảo này. Đài Loan sở hữu các tên lửa đất đối không, như các khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và tên lửa hành trình chống hạm.

Đài Loan cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến từ Mỹ, bao gồm cả việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V vào năm ngoái để tăng cường khả năng không chiến và tuần tra. Đài Loan đã đầu tư vào các lực lượng vũ trang của mình và hoàn thiện khả năng tiến hành chiến tranh trong các lĩnh vực không quân và hải quân, trong khi Việt Nam thì không, điều này có khả năng làm suy yếu chất lượng của các hoạt động phối hợp chung của quân đội Việt Nam.

Về mặt địa lý, việc chinh phục Đài Loan có lẽ sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc xâm lược Ukraina trên đất liền của Nga. Nga tập trung quân dọc theo biên giới và xâm chiếm phần địa hình hầu hết là bằng phẳng và liền mạch với nhau. Mặt khác, Trung Quốc sẽ phải tiến hành thành công chiến dịch dùng quân đổ bộ chống lại Đài Loan và có thể dễ bị tấn công hơn khi đi qua eo biển Đài Loan. Đường biên giới chung trên đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, tương tự như Ukraina với Nga, không có bất kỳ thách thức địa hình đặc biệt khó khăn nào.

Không có phép loại suy nào là hoàn hảo, nhưng sự so sánh xung đột Nga-Ukraina với mâu thuẫn Trung Quốc-Đài Loan còn có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Một kịch bản xung đột Trung-Việt, trong đó một sự cố ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn trên đất liền, nghe có vẻ hợp lý hơn.

Kết luận này có ý nghĩa trên cả hai mặt. Một mặt, Washington sẽ rất thoải mái khi biết rằng Đài Loan không dễ bị tấn công như Ukraina. Mặt khác, Mỹ có thể muốn có một cái nhìn khác về khả năng Việt Nam bị Trung Quốc tấn công.

 
 
Ảnh: Lính Trung Quốc đi tuần tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
 
 

Cù Tuấn dịch từ Nikkei Asia. 

_____________


Đỗ Hứng gởi