Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
XUÔI THEO DÒNG NƯỚC NGƯỢC


 
Từ bến xe về nhà Em Gái tôi phải băng ngang một cánh đồng hoang. Ở cuối cánh đồng, gần khu chợ chồm hổm Tân Mai có một căn nhà lá nằm trơ vơ với những bức vách xiêu vẹo te tua vì trải qua nhiều năm tháng không được tu sửa. Tôi ghé vào xin nước uống. Bà chủ nhà hé cửa, ló đầu ra hỏi anh cần gì? Tôi nói trời nóng quá chị cho xin miếng nước và đụt mát một chút được không? Bà chủ nhà vừa mở cửa vừa nói mời anh vào rồi bước đến cầm chiếc ấm rót nước vào cái ly làm bằng đất nung. Căn nhà, ngoài lối đi và cái sân nhỏ phía trước, chung quanh đều là cây dại và cỏ tranh. Bên trong nhà kê một chiếc giường tre và một cái bàn với bốn chiếc ghế đẩu làm bằng gỗ tạp.

Ở bức vách phía sau, kê một bàn thờ, trên bàn thờ là ảnh một người lính trẻ, mặc đồ trận, không thấy mang cấp bậc. Trước ảnh là một lư hương bằng sành, trên lư hương, vài ba chân nhang cắm xiêu vẹo. Thấy tôi đứng nhìn trân tấm ảnh, bà chủ nhà thở dài nói mời anh ngồi. Đó là ảnh thằng con tôi. Nó chết hồi còn chiến tranh. Thằng nhỏ mới ra trường Bộ Binh Thủ Đức được mấy tháng thì đụng trận bị thương, trực thăng chở về chưa tới bệnh viện là nó đi rồi.
 
Thấy bà chủ nhà có vẻ cởi mở nên tôi bắt chuyện làm quen, xin lỗi chị tên gì vậy? Tôi tên Trang. Cảm ơn chị Trang, tôi từ bến xe về nhà em gái tôi nhưng nắng nóng quá đành ghé vào đây làm phiền chị. Có phiền gì đâu, nhưng nhà không có trà, anh dùng tạm nước lạnh vậy. Tôi hỏi Trang ngoài anh Chuẩn Úy này chị còn cháu nào không? Còn. còn một đứa con gái. Nó lấy chồng tuốt dưới miệt lục tỉnh. Năm, nửa năm mới về một lần. Chị ở nhà này một mình? Chớ sao giờ.
 
Bà Trang ngừng một chút rồi nhìn tôi tò mò, anh có mấy cháu? Chị làm nghề gì vậy? Bà xã tôi lấy chồng khác. Tôi cũng có một đứa con trai, nó nghịch ngợm lượm đầu đạn đập lấy chì bị nổ chết rồi. Ồ! Xin lỗi đã khơi lại chuyện buồn của anh. Mà lý do gì hai người thôi nhau vậy? Vợ tôi không chờ được, bà ấy lấy chồng khác vì cho rằng tôi không thể trở về.
Anh ở tù cải tạo?

Vâng, tôi ở sáu năm.

Bà Trang thở dài sườn sượt nói ông xã tôi cũng ở tù. Tôi hỏi anh ấy về chưa? Ổng chết rồi. Chết khi còn ở trong tù. Có người cùng trại với ổng về nói với tôi như vậy. Tôi bán tín bán nghi nên có đến trại giam hỏi thăm tin tức. Người ta bảo là ổng đã chuyển trại. Tôi có hỏi chuyển đến trại nào thì họ không chịu trả lời, vì vậy mà tôi tin là ổng đã chết thật rồi. Chiến tranh cũng chết, hòa bình cũng chết. Biết sao giờ! Bà Trang không nói gì thêm. Hình như bà đang hồi tưởng một điều gì đó. Nét mặt bà thoáng hiện một nỗi buồn xa xăm khó hiểu...
 
***

Mặt trời đã ngã về phương tây. Khu đồng hoang trở nên vắng lặng buồn hiu sau một vài cơn gió mùa thoảng qua. Tôi đứng lên cảm ơn bà Trang rồi bước ra cửa, một mình lần theo con đường mòn dẫn đến nhà em gái tôi. Từ đó, năm ba ngày tôi đến thăm bà Trang một lần. Lúc đầu Trang có vẻ dè dặt nhưng dần dần bà ấy tỏ ra thân thiện và khi tôi ra về, lúc nào bà cũng mời tôi rảnh rỗi ghé nhà chơi.

***
 
Bầu trời đen nghịt, gió bắt đầu thổi mạnh. Tôi cố đi thật nhanh, nhưng vừa tới gần khu chợ chồm hổm thì cơn mưa đổ ụp xuống. Tôi đành tạt vào nhà bà Trang trú tạm. Cơn mưa giông đầu mùa thật dữ tợn, gió giật từng cơn. Một vài tấm lá trên nóc bị tróc. Nước đổ xuống đọng thành vũng nhỏ trên nền nhà. Bà Trang ngồi ở mép giường, nét mặt buồn buồn nói nhà không có đàn ông, mưa to gió lớn cũng sợ. Tôi nói chiến tranh qua rồi, nhưng hậu quả của nó thật ghê gớm. Kẻ mất vợ, người mất chồng. Tôi và chị gần như cùng cảnh ngộ, kiếp này chúng ta trả quá nhiều. Những ngày còn lại không biết rồi sẽ ra sao. Tôi buồn thật sự. Những lời tôi nói ra đều xuất phát tự đáy lòng. Bà Trang không nói gì và tôi cũng không biết bà đang nghĩ gì.
 
Cơn giông chấm dứt, nhưng trận mưa vẫn kéo dài. Trời đã tối hẳn, không còn nhìn rõ cảnh vật bên ngoài. Bà Trang bước đến đốt cây đèn trên bàn thờ. Ánh sáng từ ngọn đèn chao đảo, khi tỏ khi mờ, chiếu lên khuôn mặt đầy đặn, còn phảng phất nét diễm kiều của một thời con gái. Tôi nhìn bà đăm đăm… Cái cảm giác tự nhiên của một người đàn ông vắng vợ lâu ngày thôi thúc, khiến tôi không còn tự chủ được. Bà Trang cũng chỉ phản ứng lấy lệ… Ngoài trời, mưa vẫn còn nặng hột, thỉnh thoảng một vài ánh chớp lóe lên rồi tắt ngúm. Căn nhà bà Trang chìm trong một đêm mưa đầu mùa dai dẳng, cho đến khi bình minh ló dạng, bắt đầu cho một ngày mới và cũng bắt đầu cho một cuộc tình muộn màng nhưng đầy hạnh phúc.

***
 
Cuối cùng, chúng tôi cũng được định cư ở Hoa Kỳ sau một chuyến vượt biên đầy nguy hiểm. Trang suốt ngày buồn bã vì nhớ đứa con gái còn ở lại quê nhà. Chúng tôi sống ở New York một thời gian rồi chuyển về thành phố Garland, Tiểu bang Texas vì không chịu nổi khí hậu buốt giá ở miền bắc. Tại đây tôi và Trang dồn nỗ lực vào nghề may. Thời điểm đó nghề may khá thịnh hành và kiếm rất nhiều tiền. Từ công việc may thuê, chúng tôi mở được một cửa tiệm, rồi hai cửa tiệm vì vậy mà chúng tôi phải chia nhau mỗi người trông coi một tiệm. Hầu như chúng tôi chỉ gặp nhau về ban đêm và cuối tuần. Chúng tôi khá thành công trên xứ sở tạm dung này.

Một hôm, có một người đàn ông trạc tuổi trung niên vào tiệm tôi xin việc. Ông ấy nói tôi qua diện HO, mới được nửa năm. Tôi vốn là một sĩ quan ở tù cải tạo nhiều năm nên rất thông cảm với những người cùng cảnh ngộ. Tôi xem xong tờ đơn xin việc rồi nói được anh đến đây làm cho vui. Ngày mai anh có thể đi làm. Anh Tân cứ yên tâm, ở đây không có việc gì nặng đâu. Tân đứng lên nói cảm ơn rồi ra về.

***
 
Tân làm được vài tháng, công việc đã thành thạo nhưng lúc nào cũng buồn bã đăm chiêu, ít trò chuyện và thố lộ việc riêng tư của mình. Lúc đầu tôi không để ý nhưng dần dà tôi thấy ở anh hình như có một nỗi buồn gì đó đang giữ kín trong lòng. Một hôm nhân công việc rảnh rỗi, tôi mời Tân đi nhậu. Tân có vẻ do dự nhưng rồi cũng đồng ý. Trong một nhà hàng khá sang ở Garland, tôi và Tân vừa uống bia vừa nói chuyện bao đồng. Khi cả hai ngà ngà say tôi tò mò hỏi Tân về hoàn cảnh gia đình anh. Tân buồn buồn trả lời, tôi qua đây một mình! Vợ tôi đã lấy chồng khác khi tôi còn ở trong tù, nghe nói bà ấy cũng qua Mỹ rồi. Tôi hỏi anh về năm nào. Tân trả lời về hồi năm tám lăm. Tôi gật gù nói như vậy là anh về sau tôi tới bốn năm. Tôi dặn Tân một vài công việc cho ngày hôm sau rồi lên xe ra về.

***
 
Mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước rất nhiều. Nhất là vào dịp Tết ta, gió từ miền Bắc thổi về lạnh thấu xương. Tuyết cũng bắt đầu rơi càng lúc càng nhiều. Sân sau nhà tôi và những mái nhà nằm bên kia hàng rào phủ lên một màu trắng xóa. Những chú sóc thường ngày nghịch ngợm chạy nhảy tùm lum, giờ nằm co ro ở một góc nhà kho trông thật thảm hại. Ngày hôm sau tuyết ngừng rơi. Tôi mở cửa nhà xe bước ra bên ngoài. Mặt trời chói chang phủ lên mặt tuyết một màu trắng lung linh rực rỡ trông giống như một cảnh thần tiên nào đó. Con đường trước nhà hằn lên những vết xe trên mặt tuyết. Những đứa trẻ ở mấy ngôi nhà đối diện túa ra sân lấy tuyết đắp thành những hình người trông thật ngộ nghĩnh. Tôi cũng thấy vui lây với các cô cậu nhóc con nghịch ngợm này.
 
Tôi trở vào nhà thì chuông điện thoại bật reo. Tôi nghe đầu giây bên kia tiếng Tân nói sẽ đến nhà thăm vợ chồng tôi. Tôi nói đường đông đá lái xe nguy hiểm lắm, Tân nói xe cộ chạy nhiều rồi, không sao đâu. Tôi đoán được Tân đến với mục đích tặng quà tết cho tôi nên không tiện từ chối nhiều. Trang hỏi anh cần đồ nhậu không. Tôi trả lời Tân có lòng đến nhà, mình cũng nên đối đãi tử tế với anh ấy. Vả lại thời tiết này mà có người cùng nhậu thật là tuyệt.
 
Khoảng một tiếng sau thì Tân đến nhà. Tôi mời Tân ngồi và nói hôm nay mình lai rai một chút chơi. Tân nói lời từ chối. Tôi gạt ngang và nói vợ tôi đang làm đồ nhậu. Chắc một chút nữa là xong. Trong lúc chờ đợi tôi hỏi Tân có ý lập gia đình với một người đàn bà khác không. Tân trả lời tôi chưa có ý định này. Tôi nói ở cái xứ này sống một mình bất tiện lắm. Dù sao cũng nên lập gia đình để nương tựa nhau thì tốt hơn.
 
Tôi vừa dứt lời thì Trang từ trong bếp bước ra với một dĩa đồ nhậu trên tay. Trang khựng lại khi nhận ra Tân. Nàng đứng sững như trời trồng. Dĩa đồ nhậu vuột khỏi tay nàng rơi xuống nền gạch vỡ toang, thức ăn văng tung tóe. Tân đứng bật dậy như một cái máy bước nhanh ra cửa, không nói một lời nào. Tôi vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến sự việc ngoài sức tưởng tượng này. Trang vẫn đứng lặng người tại chỗ. Nét mặt thất thần tái mét. Tôi đứng lên nắm tay nàng dìu đến ngồi trên ghế sofa hỏi sao hai người có cử chỉ kỳ cục như vậy. Trang ồ lên khóc nức nở.
 
Bây giờ thì tôi đã đoán được phần nào sự việc rồi. Tôi nhỏ nhẹ hỏi Trang có phải anh Tân là người chồng cũ mà em tưởng đã chết trong tù đó không? Trang gật đầu rồi đứng lên bước nhanh vào phòng ôm gối khóc. Tôi nói việc đâu còn có đó. Em đừng quá xúc động. Trang thôi khóc nhưng vẫn nằm trên giường quay mặt vào trong. Tôi an ủi nàng vài lời nữa rồi ra ngồi ở phòng khách. Tâm trạng tôi lúc này rối như tơ vò. Tôi không hề trách cứ Trang. Tôi nghĩ ngợi lung tung về một tương lai mà tôi phải đối mặt. Suốt ngày hôm đó tôi luôn ở bên Trang vì sợ nàng không chịu nổi nghịch cảnh rồi làm chuyện điên rồ.
Ngoài trời tuyết bắt đầu tan nhưng cái lạnh trong hồn tôi dường như mới bắt đầu. Những chai bia thay nhau cạn, dĩa đồ nhậu vỡ tung vẫn còn nằm nguyên đó. Căn nhà trở nên trống vắng đến rợn người. Tôi vói tay lấy sách quà Tân vừa mang đến mở ra xem. Trong đó có hai đòn bánh tét, một hộp mứt và một gói trà. Tôi buộc lại gói quà rồi vào phòng thăm chừng Trang. Nàng vẫn nằm yên đó. Tóc nàng xõa ra che khuất một phần khuôn mặt còn đọng một vài giọt nước mắt…
 
Trang à! Bây giờ em định thế nào? Trang trả lời để em được yên tĩnh một vài ngày nữa rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau. Vậy cũng được. Anh chỉ muốn em thật bình tĩnh để có một quyết định sáng suốt, đừng để cho sự việc trở nên rắc rối hơn. Chúng ta nên giải quyết vấn đề một cách êm thấm. Anh sẵn sàng chấp nhận những gì em muốn. Nói xong tôi bỏ ra ngoài với một tâm trạng đầy mâu thuẫn.
 
Hai ngày sau tôi bảo Trang em ở nhà nghỉ ngơi. Anh ra tiệm coi công việc thế nào rồi về ngay. Trang nói dù gì anh cũng nên có mặt ở tiệm để công việc khỏi bị tồn đọng. Tôi nói em yên tâm. Anh sẽ lo mọi việc. Đến tiệm, việc đầu tiên của tôi là muốn nói chuyện với Tân về sự việc đã xảy ra nhưng cô thư ký bảo mấy ngày nay không thấy ông Tân đến tiệm. Tôi hỏi anh ấy có nói đi đâu không. Cô thư ký trả lời mấy hôm trước ông Tân nói đến tìm anh có việc rồi không thấy ông ta đến tiệm nữa. Tôi nói thôi được cô làm việc đi.
 
Trở về nhà tôi đem chuyện Tân bỏ việc nói cho Trang nghe. Nàng tỏ ra một chút ngạc nhiên rồi nhìn tôi nói anh không cần quan tâm nhiều về vấn đề này. Tân bỏ làm là một việc tất nhiên vì dù gì anh ấy cũng bị một cú sốc khá nặng, nhưng thế nào anh ấy cũng sẽ tìm em để tỏ bày một điều gì đó. Anh cũng nghĩ như vậy, nhưng em đã chuẩn bị phải trả lời như thế nào chưa? Em sẽ trả lời dứt khoát với anh ấy là mọi việc đã được an bài không còn một chọn lựa nào khác ngoài việc phải chấp nhận nó. Em nghĩ là anh ấy sẽ phản ứng thế nào? Phản ứng thế nào cũng mặc vì em cảm thấy mình không hoàn toàn có lỗi trong vấn đề này và em tin là anh ấy cũng nghĩ như thế. Theo anh thì mọi việc phải được giải quyết một cách ổn thỏa, rõ ràng hơn là biến mình thành một cỗ máy không người lái muốn đâm đầu vào đâu cũng được. Anh muốn chúng ta, cả ba người phải đối mặt nhau để giải quyết vấn đề. Trang nói không được. Anh có nghĩ khi cả ba người gặp nhau thì sự việc sẽ càng phức tạp và tồi tệ hơn không? Thôi được, anh tôn trọng quyết định của em.
Nói xong tôi bỏ qua phòng làm việc vùi đầu vào những chồng hồ sơ dày cộm cho đến nửa đêm mới lăn ra ngủ. Đã nhiều đêm thức trắng, nên vừa nằm xuống là chìm vào giấc ngủ như một đứa trẻ vô tư lự.

***
 
Hai tuần trôi qua trong sự chờ đợi nhưng chúng tôi vẫn không thấy một phản ứng nào từ Tân. Trang cố làm ra vẻ bình thản nhưng tôi biết nàng đang chịu một áp lực rất lớn trước sự im lặng khó hiểu này. Tôi không còn đủ kiên nhẫn nên đã nhờ Lượng đến nhà Tân để thăm dò thái độ của anh. Lượng cho tôi biết Tân đã trả căn chung cư và đi đâu không rõ. Tôi đem chuyện này nói với Trang. Nàng không nói gì và cũng không biểu lộ một cử chỉ đặc biệt nào. Sự chờ đợi của chúng tôi lại tiếp tục đến tuần thứ tư thì tôi nhận được thư của Tân gởi từ Cali (theo dấu bưu điện). Ngoài phong bì không đề địa chỉ người gởi. Tôi mở thư ra xem, anh viết:

“Kính gởi anh chị Hưng,

Lời đầu tiên của tôi là chúc anh chị luôn vui khỏe và may mắn trong công việc làm ăn. Tôi cũng xin lỗi anh chị về chuyện bỏ việc ra đi mà không báo trước, mong anh chị thông cảm. Tôi không biết anh chị có nảy sinh vấn đề gì khó xử khi sự việc ngoài ý muốn xảy ra hay không? Nhưng tôi luôn cầu mong anh chị tha thứ trước phản ứng không mấy tốt đẹp xảy ra ngoài vòng kiểm soát của tôi. Tôi cũng xin cảm ơn anh Hưng đã cư xử tốt với tôi trong những ngày tôi còn ở Garland. Kính thư, Tân”
 
Đọc xong, tôi đưa lá thư cho Trang. Nàng xem qua rồi nói cũng may chúng ta là những người hiểu biết và rộng lượng. Mọi việc coi như đã giải quyết xong.

***
 
Hội trường trang hoàng khá đẹp. Thân hữu khắp nơi tụ về tham dự đại hội rất đông. Tôi đang loay hoay chào hỏi mọi người. Trang cũng lăng xăng với các bạn học cũ ở một góc hội trường. Bất chợt tôi nhìn thấy Tân cùng lúc anh cũng vừa nhận ra tôi. Chúng tôi vừa đưa tay chào vừa tiến về phía nhau. Chúng tôi bắt tay với một cử chỉ niềm nở thân thiện. Tôi chỉ tay về phía Trang nói bà ấy rất vui khi gặp lại bạn bè. Tân nói bà xã mình cũng vậy. Anh đã lập gia đình? Vâng. Đã được vài năm. Mừng anh.
 
Tân nói anh chờ chút. Tôi tìm bà xã đưa đến chào anh chị. Tôi gật đầu rồi hướng về phía Trang ra dấu gọi nàng đến. Trang nói gì đó với mấy bà bạn rồi đến với tôi. Trang hỏi có việc gì vậy? Tôi trả lời em chờ một chút. Anh sẽ dành cho em một việc rất bất ngờ. Trang định gặng hỏi tôi việc gì nhưng nàng khựng lại vì nhận ra nét mặt tôi biến đổi một cách kỳ lạ. Trang tò mò nhìn theo hướng mắt tôi và nhận ra Tân đang nắm tay một người đàn bà xinh đẹp tiến về phía chúng tôi.
 
Tôi kịp lấy lại bình tĩnh khi Tân vui vẻ giới thiệu đây là Lệ bà xã mình. Tôi cố kiềm chế cho giọng không bị run nói chào chị Lệ. Tân cũng chào hỏi Trang trong khi Lệ đứng yên như trời trồng. Tôi nhận ra sự giao động kịch liệt từ đôi mắt Lệ nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên hỏi chị Lệ qua Mỹ lâu chưa. Lệ biết tôi không muốn gây ra rắc rối trước sự tao ngộ oái oăm đầy kịch tính này nên nàng giả vờ vui vẻ trả lời dạ em qua được bốn năm rồi. Tôi nói thôi chào anh chị, tôi còn chút việc phải làm. Hẹn khi khác gặp lại. Nói xong tôi liền nắm tay Trang rời khỏi hội trường. Trang không thắc mắc gì cả vì nàng nghĩ là tôi không muốn trò chuyện với Tân nhiều. Nàng nghĩ tôi đang trốn chạy sự thật, nhưng nàng đâu hiểu tâm trạng của tôi khi gặp lại Lệ, người vợ cũ đã lấy chồng khác khi tôi còn ở trong tù.
Tôi băn khoăn không biết nên nói với Trang việc này không? Cuối cùng tôi quyết định cứ để cho mọi chuyện xuôi theo dòng nước ngược thì hơn...
 
Nguyễn Đức Nhơn
 
______________________


usaelection gởi