Ý Nghĩa Của Cuộc Sống
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang. Trước thềm năm mới, chúng ta hãy dành ít phút để suy tư, quán niệm: chúng ta đã làm gì cho cuộc đời mình được ích lợi, trên phương diện thế gian và xuất thế gian, trong năm vừa qua và những năm trước đó?
Ðồng thời chúng ta cũng thử bàn về vấn đề"Ý nghĩa của cuộc sống",để có một nhận định đúng đắn cho cuộc đời của chúng ta từ đây về sau, trên bước đường tu học theo đúng Chánh Pháp.
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ phương đông sang đến phương tây, từ Châu Á sang đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc, khi bàn về vấn đề ý nghĩa của cuộc sống, bằng cách này hay cách khác, mọi người luôn luôn bày tỏ niềm mơ ước một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống lý tưởng.
Nhưng thế nào là cuộc sống lý tưởng,
thế nào là cuộc sống có ý nghĩa?
Làm sao xây dựng cuộc sống lý tưởng,
làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa?
Trải qua nhiều thế kỷ, xuyên qua nhiều địa phương khác nhau, nhiều người có những quan niệm, những quan điểm, những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có nhiều tiền của, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nhiều tiền của, con người mới có thể làm được nhiều việc ích lợi cho bản thân và cho mọi người theo như ý của mình mong muốn. Sách có câu:"Có tiền mua tiên cũng được",chính là nghĩa đó vậy.
Chẳng hạn như có người quan niệm rằng phải có nghề nghiệp chuyên môn, phải có công ăn việc làm vững chắc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nghề nghiệp chuyên môn, con người mới có thể giúp ích cho bản thân và cho xã hội một cách hiệu quả hơn, một cách tích cực hơn.
Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có gia đình hạnh phúc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì dù có nhiều tiền, dù có nghề nghiệp chuyên môn, dù có việc làm vững chắc, nhưng gia đình không hạnh phúc thì cuộc sống không thể gọi là lý tưởng, không thể gọi là có ý nghĩa được. Thực là thiên hình vạn trạng, muôn hình muôn vẻ, mỗi người một ý, mười phân vẹn mười!
* * *
Trong phạm vi bài này,
chúng ta thử bàn qua các quan niệm trên đây,
nhất là nghiên cứu ý nghĩa của cuộc sống
qua giáo lý của đạo Phật,
đối với đời sống của người Phật Tử tại gia bình thường.
Trước hết, chúng ta thử xét qua các quan niệm phổ thông về cuộc sống lý tưởng hay cuộc sống có ý nghĩa.
Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa
1) Sống lợi mình lợi người là cuộc sống có ý nghĩa.
Những việc gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không muốn bị người khác quấy rầy, không muốn đời tư bị bươi móc, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không thích bị ai phê bình, chỉ trích, khinh khi, phỉ báng, thì mình đừng vạch lá tìm sâu, bới bèo tìm bọ, viết thư nặc danh, hăm dọa chửi bới người ta. Phải nên biết rằng: gieo nhân nào gặt quả nấy, đong đấu nào nhận đấu nấy!
2) Sống không ưu tư, không phiền não trong mọi hoàn cảnh là cuộc sống có ý nghĩa.
Vì áp lực của cuộc đời thường đè nặng trong tâm tư, chúng ta bị ngoại cảnh chi phối quá nhiều, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng yên. Lúc thịnh thì vui, lúc suy thì buồn. Lúc nhục nhã thì bực, lúc danh dự thì khoái. Lúc xưng tán thì thích, lúc phê phán thì quạu. Lúc khổ thì than, lúc hân hoan thì chịu! Nở được nụ cười nhẹ nhàng, vô ưu, trầm tĩnh, trong mọi hoàn cảnh giúp chúng ta sống cuộc đời có ý nghĩa. Nụ cười thương yêu, nụ cười có ý thức bao giờ cũng đẹp đẽ và thường giúp con người sống cuộc đời có ý nghĩa một cách mầu nhiệm khó thể nghĩ bàn.
3) Sống trong tỉnh thức là cuộc sống có ý nghĩa.
Chúng ta biết mình thực sự là ai, biết mình thực sự đang làm gì, biết mình thực sự đang nói gì, biết mình thực sự đang nghĩ gì. Chúng ta thường mang cái áo đời danh lợi, cho nên quên "con người chân thật" của mình, luôn luôn sống trong ảo tưởng. "Con người chân thật" là con người luôn luôn sống trong tỉnh thức, kiểm soát được hành động, lời nói và tư tưởng, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, trình độ, xuất xứ, đời sống, dân tộc. Sống trong tỉnh thức nghĩa là phải có chánh kiến, theo chánh tư duy, giữ gìn chánh ngữ, thực hành chánh nghiệp, sống với chánh mạng, có chánh tinh tiến, luôn luôn chánh niệm, có được chánh định.
4) Sống trong an lạc và hạnh phúc là cuộc sống có ý nghĩa.
Cuộc sống không dính mắc, không sân hận, không si mê, không phiền não, không chấp chặt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh chấp, không hơn thua, không bon chen, không đua đòi. Khi có người mang lửa đến đốt, chúng ta đừng đưa bổi ra đón, thì sẽ không bị đốt cháy. Nghĩa là nếu bị người chửi mắng, hay khi nhận được thư, dù nặc danh hay chính danh, nặng lời nhục mạ, chúng ta không nổi cơn sân, dù ngoài mặt hay trong lòng, thì chúng ta được bình yên vô sự. Chúng ta không có được những gì mình thích, thì hãy thích những gì mình có. Ðược như vậy, ngày ăn ngon tối ngủ yên, và chắc chắn chúng ta sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc.
5) Sống an trú trong hiện tại là cuộc sống có ý nghĩa.
Chúng ta thường luyến nhớ quá khứ, mơ tưởng tương lai. Sống trong cuộc đời hiện tại, chúng ta nên biết rằng "mình đang sống", đang hít thở không khí, đang ở trong chánh niệm, sống với thiện tâm, sống không tà niệm. Ðược như vậy, tâm của chúng ta như dòng nước trong mát, không vướng bụi trần, không vương phiền não. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
Quá khứ tâm bất khả đắc,
hiện tại tâm bất khả đắc,
vị lai tâm bất khả đắc.
Nghĩa là chuyện quá khứ cảm giác đã qua đi, không nên nhớ nữa, chuyện hiện tại thấy đó rồi mất đó, cảm giác nào rồi cũng qua mau, không có gì tiếc nuối, chuyện tương lai chưa đến, đừng lo lắng ưu tư phiền muộn, chỉ khiến cuộc đời thêm phức tạp phiền não mà thôi.
6) Sống trong giác ngộ và giải thoát là cuộc sống có ý nghĩa.
Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, bình yên, phẳng lặng, an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải biết quán sát chân lý, nhận chân lẽ thực, thấy được thực tướng của vạn hữu. Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, thì nên biết rằng, chúng ta sinh ra đời để trả hết các nợ đã vay, đã tạo tác từ nhiều tiền kiếp, đừng tạo thêm nghiệp mới, chấm dứt sinh tử luân hồi, không si mê, không mơ tưởng, không van xin, không mong cầu. Chúng ta phải sáng suốt nhận định rõ ràng: cuộc đời khổ nhiều vui ít.
Cho nên, chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: sinh lẫn diệt, còn lẫn mất, được lẫn thua, khen lẫn chê, vui lẫn buồn. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: có làm có hưởng, có làm có chịu, sinh sự sự sinh, gieo gió gặt bão. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: nay còn mai mất, nay xấu mai tốt, nay bạn mai thù, chuyển biến không ngừng. Cần phải có thời gian tu tập thực nghiệm lâu dài, cần phải có công phu quán chiếu bền bỉ, cần phải có ý chí mạnh mẽ, nghị lực vững vàng, để chuyển hóa cuộc đời từ phiền muộn, ưu tư, lo âu, sợ hãi, trở thành hoan hỷ, vui vẻ, thanh thản, tự tại. Ðược như vậy, chúng ta sẽ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa
Ðể có được một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, giữ tâm bình thường, thản nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, trong mọi hành động, trong mọi lời nói, trong mọi ý nghĩ.
Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù thân hay thù, dù vui hay khổ, dù oan hay ưng, dù đúng hay sai, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, vẫn giữ tâm bình thường, không xao động, không khởi niệm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta biết mình đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi. Làm việc gì tập trung tinh thần vào việc đó, không xao lãng, không lo ra.
Ðược như vậy, chúng ta không gặp tai nạn nghề nghiệp, có thể làm xong công việc một cách tốt đẹp và chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa.
Trong mọi hành động, chúng ta phải luôn luôn không nên làm tổn thương đến người và vật. Trong mọi lời nói, chúng ta luôn luôn giữ gìn khẩu nghiệp, không nói những lời làm tổn thương đến mọi người, dùng lời nói chuyên chở tình thương, những khi cần thiết mang lại ánh sáng chân lý, giảng giải giáo lý cho mọi người được gội nhuần nước cam lồ tươi mát. Trong mọi ý nghĩ, chúng ta phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm, không theo các tạp niệm dong ruỗi bốn phương, không để tâm theo việc thương ghét thân thù, giữ tâm bình thường, bất tùy phân biệt, không kỳ thị, không thành kiến, luôn luôn chăn trâu kỹ lưỡng, không để trâu dẫm đạp lúa mạ của người.
Khi tâm tham khởi lên, khi tâm sân nổi lên, chúng ta phải tỉnh thức, biết ngay và buông bỏ, không theo.
Chúng ta không nên để các vọng tâm tham sân đó xúi giục làm điều xằng bậy.
Ðược như vậy chúng ta có cuộc sống ý nghĩa và lý tưởng, đồng thời mới có thể giúp mọi người chung quanh sống đời có ý nghĩa vậy.
Trong cuộc đời trên thế gian này, muốn cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta nên thường xuyên quán chiếu rằng: mình đã để cho cuộc đời của mình trôi qua trong quên lãng đã bao nhiêu ngày tháng năm rồi? Hãy thử lắng lòng nghiệm xét xem: mình đã làm gì cho đời mình, ngoài những việc làm kiếm tiền sinh sống và giải trí vui chơi?
Ðể biết nhìn đời cho đúng ý nghĩa, trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật dạy:"Từ nhãn thị chúng sanh".
Nghĩa là muốn cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta cần nhìn tất cả mọi người với con mắt từ bi hỷ xả. Chúng ta nên biết thương người cũng như thương chính mình, cảm thông nỗi khổ đau của người như nỗi khổ đau của chính mình, đừng làm khổ người, dù là kẻ thù, cũng vậy.
Sách có câu:
"Mắt thương nhìn cuộc đời",
chính là nghĩa đó vậy.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Ðức Phật dạy:
Muốn cuộc sống có ý nghĩa, hãy mặc áo Như Lai, ở nhà Như Lai và ngồi tòa Như Lai.
Nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn luôn"mặc áo nhẫn nhục" của Như Lai,
tức là nhẫn mà không thấy nhục, để ứng xử trong cuộc đời đầy phiền não và khổ đau, không nên gây thêm phiền não và khổ đau cho mọi người. Ðể có thể thực hành được hạnh nhẫn nhục đến độ rốt ráo tột cùng, trong kinh sách gọi là ba-la-mật, chúng ta cần an trú trong "căn nhà đại từ đại bi"của Như Lai.
Có được tấm lòng đại từ đại bi của Ðức Phật, chúng ta mới có thể nhẫn nhục được, không nỗi sân hận, hay tức giận khi bị người chửi rủa, mắng nhiếc, nhục mạ, vu oan, thưa kiện. Và cuối cùng, sau khi nhẫn nhục được rồi, phát triển tâm từ bi được rồi, làm tất cả mọi việc phước thiện rồi, chúng ta luôn luôn nhớ ngồi trên
"tòa pháp không" của Như Lai,tức là chúng ta quên hết mọi việc tốt đẹp đã làm, để lòng kiêu mạn không phát khởi, để luôn luôn giữ
"tâm bình thường" trong từng sát na vậy.Thực hiện được ba điều Ðức Phật dạy trên đây, dù đang sống trên thế giới ta bà khổ này, chúng ta vẫn an nhiên tự tại với tâm bình thường và cuộc sống mới có ý nghĩa thực sự vậy.
Chúng ta cùng suy ngẫm câu chuyện sau đây:
Một hôm hai vị sư huynh đệ có việc cùng xuống núi. Khi xong việc trở về đến bên một con suối, hai vị thấy một cô gái ăn mặc đàng hoàng, đang lúng túng chưa biết cách nào lội qua suối. Sau khi hỏi qua cớ sự, vị sư đệ liền bồng cô gái đưa giùm qua suối.
Trên suốt quãng đường còn lại, vị sư huynh lầu bầu, cằn nhằn sư đệ đã đụng chạm cô gái, như vậy là phạm giới, đó là những việc không nên làm. Vị sư đệ cứ bình thản bước đi, im lặng, không đối đáp.
Lúc về tới cổng chùa, vị sư huynh vẫn còn tiếp tục lãi nhãi, vì tưởng rằng sư đệ lặng yên, nghĩa là nhận tội đã làm.
Cho đến lúc đó, vị sư đệ mới thốt nên lời:Ðệ đã bỏ cô gái ấy lại bên bờ suối từ lâu rồi, tại sao huynh vẫn còn cõng cô ta về đến đây vậy?
Qua câu chuyện này, chúng ta nghiệm xét hai điều:
Một là, người sống với chánh niệm thường im lặng, không tranh cãi, không thị phi, không đính chính, oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
Hai là, trong cuộc sống thường ngày, sau khi đi làm hay đi chơi, chúng ta cõng không biết bao nhiêu là nhân vật về nhà, có khi còn cõng luôn lên giường ngủ nữa là khác!
Bởi vậy cho nên, chúng ta chứa biết bao nhiêu là hình bóng, người thương kẻ thù, trong kho tàng tâm thức của chúng ta. Nhân dịp cuối năm, chúng ta thường dọn kho chứa đồ đạc cho sạch sẽ, luôn tiện hãy dọn dẹp kho tàng tâm thức cho trống trải.
Ðược vậy cuộc sống chúng ta sẽ bớt phiền não và khổ đau. Từ đây, cuộc sống mới có ý nghĩa vậy.
Tóm lại, mặc dù được xem như là một tôn giáo, nhưng đạo Phật không phải chỉ có các hình thức cúng kiến, nghi lễ và người theo đạo Phật không bắt buộc phải có lòng tin, không bắt buộc phải có đức tin, không bắt buộc phải nhắm mắt tin theo, cúi đầu chấp nhận, bất cứ điều gì, dù được ghi chép trong kinh điển, khi lý trí chưa chấp nhận.
Người Phật Tử nương theo giáo lý của Ðức Phật để làm phương tiện chuyển hóa đời mình,
từ phiền não sang an lạc,
từ khổ đau sang hạnh phúc.
Mục đích tối hậu, mục đích cứu kính, mục đích tột cùng của Phật giáo vẫn là chỉ bày phương pháp rèn luyện tâm tánh, phương pháp tu tâm dưỡng tánh, để giúp con người sống được với "con người chân thật" của mình, chứ không phải sống với cái tấm thân tứ đại nặng nề đòi hỏi đủ thứ chuyện, chứ không phải sống với cái tâm hồn thay đổi liên miên, sai xử đủ thứ việc, để giúp con người bớt được phiền não và khổ đau hiện đời, được an lạc và hạnh phúc, được Niết-bàn hiện tiền, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
Chư hành vô thường. Thị sinh diệt pháp.
Sinh diệt diệt dĩ. Tịch diệt vi lạc.
Nghĩa là mọi việc trên đời đều vô thường, không tồn tại lâu dài, kể cả tấm thân tứ đại nặng nề mấy chục ký lô, cùng với cái tâm lăng xăng lộn xộn của chúng ta, tất cả đều là những pháp sinh diệt, những thứ sinh ra rồi sẽ diệt đi, không tồn tại vĩnh viễn, không có gì phải quan trọng. Nếu quan trọng cái thân và cái tâm sinh diệt thì con người sẽ sống trong phiền não và khổ đau.
Ðiều quan trọng chính là làm sao cho tâm lăng xăng lộn xộn sinh diệt đó lặng đi, không còn nữa, tức là chúng ta không còn tham lam nữa, chúng ta không còn nổi sân nữa, chúng ta không còn si mê nữa, khi đó cảnh giới tịch diệt hiện tiền, ngay trước mắt, đó mới thực là vui, đó chính là Niết-bàn, là cực lạc vậy.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền",
chính là nghĩa đó vậy.
Nói chung,
Phật giáo có mục đích giúp con người sống trong tỉnh thức, biết mình đang thực sự sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời lý tưởng vậy.[]
Ty-Khuu Thich-Chan-Tue gởi